“Trên thế giới này thực sự có người có thể thoát khỏi hết thảy khống chế, hoàn toàn sống tự tại với sinh mệnh của chính mình không?”.
Trang Tử kể câu chuyện về hình bóng.
Hình bóng là vật gì? Tất cả hành vi của nó đều bị “mình” khống chế. Chỉ cần mình giơ tay thì hình bóng ắt cũng giơ tay theo. Mình chạy bộ thì hình bóng ắt cũng chạy bộ theo.
Vậy hình bóng của hình bóng là gì? Trong quan niệm của người xưa, phía ngoài hình bóng còn có một vòng hình bóng âm gọi là “võng lưỡng”. Tất cả các hành động của võng lưỡng đều chịu sự khống chế của hình bóng. Bất kể hình bóng làm gì thì võng lưỡng cũng làm theo.
Một hôm, võng lưỡng cuối cùng cũng không chịu nổi nữa, nó đưa ra kháng nghị mạnh mẽ với hình bóng.
Thực sự có người có thể là chính mình không?
Võng lưỡng hỏi hình bóng rằng:
“Vừa rồi anh còn đang đi mà giờ lại dừng lại rồi. Vừa rồi anh còn đang ngồi mà giờ lại đứng lên rồi.
Anh sao lại không có một chút suy nghĩ gì của chính bản thân mình nhỉ?”
Hình bóng nói: “Tất cả những gì tôi làm chẳng phải bị người khác khống chế đó sao?
Người khống chế tôi có bị thứ khác khống chế không?
Hoặc tôi là cái xác con rắn lột ra, xác con ve lột ra (là một cá thể tồn tại độc lập thoát ly tất cả các mối quan hệ) chăng?
Làm sao tôi biết tất cả những gì mình làm là bị người khác khống chế, hay là do tôi quyết định muốn làm?”.
(Theo Trang Tử – Tề Vật Luận)
Thông thường, người ta xem câu chuyện này có thể cảm thấy buồn cười. “Võng lưỡng” tranh cãi với “hình bóng” thì có tác dụng gì đâu, bởi vì tất cả hành vi của hình bóng đều bị con người khống chế.
Hình bóng hoàn toàn không thể quyết định được mình muốn làm gì. Bản thân nó chỉ là một kẻ thật đáng thương mà thôi.
Nhưng câu trả lời của hình bóng lại khiến chúng ta mê hoặc. Logic của hình bóng là:
“Nếu tất cả những hành vi của tôi bị người khác khống chế, vậy thì người đó có phải cũng bị thứ gì đó không chế không?”
Chúng ta thường trách cha mẹ “điều khiển từ xa” kiểm soát con cái, nhưng có ai đã nghĩ cha mẹ cũng bị những quan niệm giá trị của xã hội đang “điều khiển từ xa”?
Vậy những giá trị quan thâm căn cố đế đó trong xã hội lại từ đâu mà ra?
Ai đang ở đằng sau “điều khiển từ xa” sự vận hành của những cơ chế ấy?
Chúng ta đều cho rằng bản thân mình có thể quyết định những suy nghĩ trong bộ não, có thể quyết định mình tiếp theo sẽ làm những gì.
Chúng ta đều cho rằng mình đang làm những gì mình muốn làm, lựa chọn những gì mình muốn lựa chọn, nhưng có thực sự như vậy không?
Có khả năng rằng chúng ta bị những thứ vô hình “điều khiển từ xa” mà hoàn toàn không tự hay biết không?
Vấn đề này nếu cứ tiếp tục truy vấn tiếp thì chúng ta không thể không hoài nghi: “Trên thế giới này thực sự có người có thể thoát khỏi hết thảy khống chế, hoàn toàn sống tự tại sinh mệnh của chính mình không?”
Thực sự có người có thể làm chính mình không?
Những điều Trang Tử muốn nói với chúng ta, thực ra cũng là một phương hướng suy nghĩ khác.
Hoàn thành một việc xuất phát từ nội tâm thuần túy chính là làm chính mình
Câu chuyện võng lưỡng hỏi hình bóng cho chúng ta biết rằng, tất cả sự vật trên thế giới này xem ra giống như một cái này khống chế một cái khác, tạo thành một vòng tuần hoàn vĩnh viễn không ngừng nghỉ.
Nhưng thực tế, không có ai có thể thực sự khống chế ai, không có ai có sức mạnh chủ đạo này.
Có người xem ra có sức mạnh chủ đạo rất lớn, nhưng phía sau họ vẫn còn có nhiều thứ không trông thấy đang chủ đạo họ, do đó nếu họ chỉ dựa vào sức lực bản thân thì hoàn toàn không thể nào chủ đạo được bất kỳ thứ gì.
Nói như vậy, rốt cuộc ai có thể khống chế ai?
Thực ra, tất cả đều là “bất đắc dĩ” mà thôi.
Chiểu theo logic này, trên thế giới hoàn toàn không có người tự do. Nếu chúng ta có thể nhận rõ sự thật này thì sẽ biết cái gọi là “làm chính mình” hoàn toàn không phải là một người muốn làm gì liền làm nấy, mà là không mang theo bất kỳ một mục đích nào đi làm một việc.
Nếu mỗi người chúng ta khi hành động đều có thể không hỏi nguyên nhân, không hỏi kết quả, không có bất kỳ sự kỳ vọng nào, cũng không có bất kỳ sự sợ hãi nào, thế thì chúng ta có thể hoàn thành một việc hoàn toàn xuất phát từ nội tâm thuần túy, mà không bị bất kỳ nhân tố bên ngoài nào ảnh hưởng đến. Đó mới thực sự là “làm chính mình”.
Do đó, hình bóng chỉ có thể trả lời:
“Tôi làm sao biết được tất cả những gì mình làm là bị người khác khống chế, hay là tự tôi quyết định muốn làm?”
Muốn làm chính mình thì phải chiến thắng sự sợ hãi đối với vô ngã
Xem ra chỉ là hình bóng nhưng nó đã nhảy thoát ra khỏi vai trò này, hình tượng này rồi. Nó biết chính mình thực sự không là gì cả, vì thế mà yên tâm sống ở đó, không truy cầu sự đồng cảm từ bên ngoài.
Logic của Trang Tử là: Khi một người không cần thông qua “làm chính mình”, để chứng minh “chính mình” thì có lẽ đó mới là “làm chính mình” thực sự.
Tất nhiên, đối diện với sự hiểu lầm và ghét bỏ của người khác thì cần dũng khí rất lớn. Nhưng khắc phục sự sợ hãi “không biết mình là ai”, không ngụy trang bản thân, hoàn toàn yên tâm ở trong hiện tại thì cần dũng khí lớn hơn nữa.
Nếu muốn làm chính mình thì ắt phải chiến thắng nỗi sợ hãi đối với “vô ngã”.
Nam Phương
Theo cmoney.tw
Bạn đang đọc bài viết: “Trong đời, làm sao mới có thể ung dung được sống là chính mình?” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |