Đại Kỷ Nguyên

Trong mắt em gái, anh trai chính là người hùng lớn nhất

Tự đáy lòng mình Quyên luôn cầu mong cho anh trai được hạnh phúc. Nhưng lạ là mỗi khi đứng trước mặt anh, Quyên lại chẳng nói lên lời.

Mỗi lần Quyên về thăm nhà gặp anh, hai người cũng chỉ chào hỏi dăm ba câu là ai nấy lại bận rộn với việc riêng của mình. Dẫu tình anh em chẳng nói lên lời, nhưng chỉ một ánh mắt đã đủ khiến Quyên thấu hiểu những cảm xúc trong lòng anh. Có lẽ những năm tháng ấu thơ cùng trải qua sóng gió cuộc đời bên nhau đã khiến Quyên có sự đồng cảm kỳ lạ đó.

Ngày thơ bé bên nhau, Quyên từng là cô bé đành hanh chuyên bắt nạt anh trai

Ngày ấy mẹ thường đi làm đồng làm bãi tới tận tối mịt mới về. Nên nhiệm vụ trông em nghiễm nhiên thuộc về anh trai. Nhưng anh trai lại chỉ hơn Quyên vài ba tuổi, Quyên lại hiểu được ưu thế “con út” của mình nên ra sức bắt nạt anh trai.

Hồi ấy anh 6 tuổi, Quyên mới chỉ lên ba. Mẹ dặn anh: “Không được để em ra ngoài đường cái, lỡ người ta dắt đi mất”. Nhưng Quyên lại thích ăn kẹo ở quán nước đầu ngõ. Thế là dẫu bị can ngăn Quyên vẫn nhất quyết kéo tay anh đi lôi xềnh xệch. Anh trai nhớ tới lời mẹ dặn, nước mắt ngắn nước mắt dài, vừa mếu máo vừa lấy hết sức bình sinh của một cậu bé lôi tay Quyên vào trong nhà, nhưng cũng đành bất lực. Quyên hất tay anh ra và đi phăm phăm như tên lửa.

Chẳng biết làm thế nào, anh vừa nắm chặt đuôi áo của Quyên vừa kêu lớn gọi bác hàng xóm ra trợ giúp: “Ối bác Thành ơi, cứu cháu với! Cái Bé nó cứ đòi ra ngoài ngõ này!” Bác Thành nghe tiếng hét thất thanh đã hiểu ngay ra sự tình, liền chạy vội ra đầu ngõ, phùng mồm trợn mép, hết dọa ma tới dọa ngáo ộp khiến Quyên sợ hãi. Phải đến lúc này cô bé mới chịu quay đầu, ngoan ngoãn ở trong nhà.

Lớn thêm vài tuổi, hai anh em Quyên vẫn thường quanh quẩn bên nhau cả ngày. Mặt trời đã đứng bóng, trời nắng chang chang rót thẳng xuống cái sân gạch đỏ ối, vàng ươm. Dáng anh lũn cũn, chạy ra đống rơm trước sân nhà rút vội nắm rơm nhỏ nhỏ rồi lại cắm cúi chạy vào bếp nấu cơm. Nồi cơm sôi ào ào, nước dâng bọt trắng xóa, trào cả ra ngoài, khiến cái vung dâng lên. Anh vội vàng lấy que củi móc vào quai vung rồi đặt nó nằm ngửa xuống mặt đất. Anh hét lên: “Bé ơi, lấy cho anh cái đũa cả xuống đây”. Quyên nghe nhưng vờ như không thấy. Anh lại hét lên: “Bé ơi!” Phải mấy lần Quyên mới phụng phịu mang cái đũa cả xuống bếp cho anh. Cô bé xịu mặt: “Sao lúc nào anh cũng quên đũa cả thế!”

(Ảnh: Sonhalo.vn)

Một đêm nọ ngoài trời gió gào thét, sấm chớp đùng đùng, những tia sét xé ngang bầu trời đêm lấp loáng với những tia sáng xanh chằng chịt. Tiếng mưa rơi lộp bộp kèm những hạt đá nhỏ li ti. Bóng đèn điện sáng rỡ bỗng vụt tắt. Bố mẹ đều vắng nhà, chỉ còn lại mình anh và Quyên đang nằm bó gối, trùm chăn nơi góc phản. Trời tối đen như mực. Quyên sợ hãi co ro bên người anh. Anh đằng hắng rồi bảo: “Anh kể chuyện ma cho Bé nghe nhé!” “Sợ lắm! Em không nghe đâu, em không nghe đâu!” Quyên ngoay ngoảy cái đầu.

Nhưng anh vẫn phớt lờ và bắt đầu kể: “Một đêm nọ trời giông bão, mưa tuôn xối xả. Túp lều nằm chênh vênh giữa cánh đồng hoang vu. Trong nhà chỉ có mình ông lão đang ngồi bên bếp lửa. Đột nhiên tiếng gõ cửa vang lên. Ông lão chạy lại đẩy cái cửa lá ra thì thấy một cô gái mặc áo trắng toát xuất hiện. Đôi mắt cô ấy to và đỏ ngầu, tóc xõa dài trắng như cước, chùm kín cả lưng…. ” “Em không nghe đâu, không nghe đâu!” Quyên sởn tóc gáy, lạnh toát người và bịt hai tai lại. Nhưng chẳng kiềm chế được sự tò mò cô bé vẫn để hở kẽ ngón tay thật to để có thể dỏng tai lên nghe cho rõ…

Có những kỷ niệm cùng anh kể chuyện ma rùng rợn, em thì chẳng muốn nghe nhưng anh thì cứ kể.(Ảnh: Pinterest)

Những tháng ngày thơ ấu vất vả gian nan nhưng ấm áp tình anh em

Quyên chẳng thích lớn lên tẹo nào cả. Lớn lên Quyên lại phải lẽo đẽo theo mẹ, theo anh đi làm

đồng, làm bãi, đi cấy, đi gặt. Vốn dáng lả lướt “gió thổi bay” nên những công việc tay chân đối với Quyên mà nói “cực chẳng đã”. Cứ 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông, ngoài giờ đi học ra, người ta lại thấy bóng hai anh em lũn cũn ngồi nhẵn thín cả một chỏm đất, miệt mài nhặt cỏ giữa khóm lạc, giữa ruộng rau màu, hay lúi húi nơi ruộng ngô, ruộng mía.

Mà Quyên cũng thấy lạ thật. Mỗi lần theo mẹ đi làm đồng trời đều râm mát cả ngày, làm việc cũng khá dễ chịu. Bằng không thì trời nắng như đổ lửa, làm được một chút là ba mẹ con lại hò nhau lên đìa nhãn ngồi hóng mát. Loáng một cái anh đã leo vắt vẻo lên ngọn nhãn cao vút, hái những quả vỏ xanh “non choẹt” xuống, cười tít mắt đưa cho hai mẹ con. Nhiều khi trời lại đổ mưa như trút nước, vừa ra đến ruộng ba mẹ con lại hò nhau đi về. Mẹ thường nửa đùa nửa thật bảo Quyên: “Đúng là con trâu trắng, đi đến đâu mất mùa đến đó!”

Về khoản cấy hái thì Quyên thua đứt anh. Quyên cấy đến đâu mạ nổi đến đấy, hễ trông thấy chú đỉa xanh xanh như chiếc lá ngoe nguẩy là Quyên quên hết cả trời đất, kêu thét và ba chân bốn cẳng chạy lên bờ, dẫm nát cả khóm lúa. Trong khi anh cấy vừa thẳng vừa đều tăm tắp. Mẹ nhìn luống mạ của Quyên lắc đầu ngán ngẩm bảo đưa Quyên đi làm “chỉ tổ quẩn chân”. Vậy nên đa phần Quyên chỉ có nhiệm vụ là đưa thợ ra ruộng, còn mẹ và anh cấy phụ.

Quanh năm suốt tháng mùa nào thức nấy, hễ sáng tinh sương mẹ đã ra đồng cắt rau, nhổ củ, rồi về đánh thức 2 anh em dậy ra bờ ao đầu làng rửa giúp mẹ. Có những buổi sáng mùa Đông mặt nước vẫn còn bay bay những lớp sương mờ ảo, ba mẹ con đã lõm bõm thò chân xuống làn nước buốt giá kỳ kỳ cọ cọ hay đập rau bí ào ào.

Có lần vào dịp trung thu mẹ mua 2 chiếc bánh nướng và bánh dẻo, chờ đến tối mới cúng. Nhưng Quyên nhìn thấy thì thèm chảy cả nước miếng, thế là cô bé xui anh trai giấu mẹ ăn vụng bánh. Hai anh em đang nhai ngồm ngoàm, cười tít cả mắt thì mẹ về. Thế là “tan hội”, anh bị mẹ lôi ra đánh một trận vì tội ăn vụng và “làm hư” em gái. Anh khóc “ngào ngào”, Quyên vừa sợ mẹ vừa nem nép nhìn anh, trong lòng không khỏi xót xa.

Hồi ấy anh rất hài hước và vui tính, anh thường pha trò trọc cho Quyên cười. Ngày ấy trong mắt Quyên anh là người con trai hoàn hảo nhất. Với Quyên anh nói gì cũng đúng, nói gì Quyên cũng thích nghe. Những ngày tháng ấy tuy vất vả nhưng Quyên vẫn thấy ký ức “ngòn ngọt” trong lòng.

(Ảnh: MysTown.com )

Cùng trưởng thành trong “tổ nóng” gia đình, Quyên lại càng thương anh hơn

Ngày bé, nhà Quyên chạy ăn từng bữa. Cha mất sức nên mẹ phải giơ vai gồng gánh cả gia đình. Nhưng cha lại chẳng cam lòng với số phận mình. Mỗi lần nghe người ngoài chọc ghẹo, cha cảm thấy mình như một người vô dụng trong gia đình, lòng tự ái liền bị động chạm. Nhưng thiên hạ có miệng thì họ nói, nào ai cấm được. Cha càng để bụng họ càng thích đùa dai.

Thế là cha chỉ biết tìm quên trong men rượu. Bởi lẽ chỉ khi ấy cha mới có đủ dũng khí nói ra những điều chất chứa trong lòng và khiến thiên hạ “phải nể phục”. Nhưng thiên hạ chẳng ai nghe, chỉ có ba mẹ con Quyên phải hứng chịu mỗi ngày.

Mỗi lần cha đi ăn cỗ, ăn tiệc ở đâu về là hai anh em Quyên sợ một phép, chỉ mong cha cơm no rượu say rồi về ngủ một giấc đến sáng. Nhưng thường thì không như vậy, trong cơn nửa say nửa tỉnh, cha lại trút hết uất ức của mình lên đầu người vợ tần tảo sớm hôm và hai đứa con thơ bằng những lời nhiếc móc và thở than. Mẹ vất vả gồng gánh gia đình, chẳng được nghe lời động viên thì chớ, lại bị mắng sấp mặt nên nhiều khi cũng chẳng thể nhẫn nhịn. Những lúc ấy mái nhà Quyên lại như cái tổ ong vò vẽ, như “cái nồi áp suất” rèn luyện khả năng chịu đựng của hai anh em. Hai anh em Quyên giận cha thì ít, thương cha thì nhiều. Cha chẳng thể tự mình thoát khỏi cảm giác dằn vặt bản thân và cái vòng luẩn quẩn tìm quên trong men rượu ấy. Âu cũng là duyên nợ, có lẽ kiếp trước ba mẹ con đã nợ cha nhiều lắm.

Có lẽ cùng lớn lên trong hoàn cảnh ấy nên sau này anh và Quyên đều khá trầm tính, ít nói. Giây phút anh cảm thấy hạnh phúc nhất là khi được ở bên tụi bạn và nói chuyện trên trời dưới biển, thỏa sức ba hoa về những ước mơ và hoài bão của mình. Quyên thường bắt gặp ánh mắt trầm lặng, mơ màng của anh, khi thì hồi tưởng về những người bạn, lúc lại bùng lên mong muốn lớn thật nhanh để kiếm tiền phụ giúp mẹ đỡ vất vả. Rồi quay về với hiện thực anh lại cất tiếng thở dài.

Quyên hiểu rằng anh chỉ có cái vỏ mạnh mẽ bên ngoài để Quyên yên lòng mà thôi. Sâu thẳm trong lòng mình, anh cần một một bến đỗ bình yên để nghỉ chân, được mọi người công nhận và được vỗ về bằng những lời khích lệ. Những lúc ấy trong lòng Quyên lại trào lên tình yêu thương vô hạn với anh, cô chỉ cầu mong ông Trời mang đến may mắn cho cuộc đời anh trai mình. Chỉ cần anh sống hạnh phúc là Quyên đã thấy mãn nguyện.

Những giây phút thoải mái nhất là lúc được vui đùa cùng đám bạn. (Ảnh: Kul.vn)

Lớn lên mỗi người mỗi ngã rẽ cuộc đời, ngày anh lấy vợ Quyên vừa hạnh phúc nhưng trong lòng lại thoáng chút trống vắng, hụt hẫng

Chẳng ai có thể bé mãi, anh và Quyên rồi cũng phải lớn lên, đi làm và có cuộc sống của riêng mình. Còn nhớ khi người nhà nhắn nhủ anh chuyện gia đình: “Mau mau dẫn người yêu về ra mắt cho cha mẹ khỏi sốt ruột”. Anh chỉ bảo: “Khi nào cưới thì con dẫn về, “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng!””, rồi anh liếc nhìn Quyên một cách ranh mãnh. “Sau này anh mà lấy vợ là anh cho cô ra ở riêng, đỡ cảnh xích mích chị dâu em chồng” – anh nói tiếp, có vẻ khá nghiêm túc. Quyên thoáng chút bất ngờ, nhưng cũng hiểu nỗi lòng của anh, cô chỉ cười cười trêu lại: “Chưa lấy vợ về mà đã lo em gái bắt nạt rồi!” Anh lại nhe hàm răng “trắng ởn” ra cười toét miệng.

Ngày anh lấy vợ Quyên vừa hạnh phúc nhưng trong lòng lại thoáng chút trống vắng, hụt hẫng. Đột nhiên Quyên cảm thấy trong lòng mình có đôi chút ghen tị với chị dâu. Bởi lẽ giờ đây anh không còn là “của riêng” mình Quyên nữa, vị trí của Quyên trong lòng anh cũng chẳng còn quan trọng như xưa. Rồi đây hai người sẽ có những đứa con thơ ngây đáng yêu ra đời và anh sẽ phải toàn tâm toàn ý chăm sóc cho gia đình bé nhỏ của mình. Quyên bỗng thấy một thoáng chạnh lòng, một thoáng hụt hẫng khi nhớ về những ký ức thuở bé thơ.

Mẹ cũng bảo với Quyên rằng: “Anh em khi bé thì quấn quýt, nhưng lớn lên sẽ khác nhiều đấy. Khi đã có gia đình rồi thì ai lo phận nấy thôi.” Quyên chỉ biết thở dài: “Có lẽ cuộc sống là vậy!” Cô thầm nhắc mình: “Tình yêu thương chân chính không phải sự chiếm hữu. Chỉ cần anh và chị dâu hòa thuận, cùng chăm sóc cha mẹ già và sống hạnh phúc bên nhau là đủ”. 

Ai rồi cũng sẽ lớn lên và lại làm người lớn, cũng chẳng bé mãi trong con mắt trẻ thơ. (Ảnh:Google Sites)

Ngày anh ăn hỏi, ngày anh lấy vợ, Quyên thức giấc từ tờ mờ sáng cùng đoàn xe rước dâu tới vùng quê xa xôi, cùng anh hân hoan đón cô dâu mới về nhà chồng. Ngày chị dâu lên bàn mổ sinh cu Tý, Quyên cùng mẹ ngồi cạnh anh trai đang nóng lòng, sốt sắng đứng ngồi không yên vì lần đầu được làm cha. Ngày anh mua xe, chở mẹ, chị dâu và cu Tý đi ăn đám cưới, Quyên đứng lặng lẽ nhìn theo chiếc xe từ từ lăn bánh. Những mốc son đáng nhớ ấy Quyên đều cẩn thận lưu giữ lại trong ký ức của mình. Trong lòng cô rộn ràng, trào dâng một cảm giác bình yên khi từng bước được chứng kiến cảnh anh trai mình hạnh phúc…

Đào Viên

Exit mobile version