Đại Kỷ Nguyên

Trong mệnh có định số: Chàng thư sinh nghèo đổi đời thành quan lớn

Lâm vào đường cùng, chàng thư sinh được Thượng Đế mở cho cánh cửa khác

Ảnh minh họa: Đại Kỷ Nguyên tổng hợp.

Lúc buồn chán và nhục nhã đến tột cùng, chàng thư sinh không biết đi đâu về đâu thì bỗng được Thượng Đế mở cho cánh cửa mới. Từ đó trở đi, con đường sự nghiệp không chỉ hanh thông còn được ban cho mối lương duyên như ý. Câu chuyện về chàng thư sinh này đã được sử sách nhà Thanh ghi lại và nhiều người ca tụng.

Đổng Bang Đạt (1696-1769), tên chữ Phu Văn, hiệu Đông Sơn. Lúc còn trẻ, do thành tích học tập xuất sắc, thư sinh Đổng được đưa tới Quốc Tử Giám học tập và ăn ở tại Vũ Lâm hội quán. Nhưng vì hết tiền nên ông không thể trả nổi tiền ăn của mình. Người trong hội quán rất coi rẻ ông, điều này khiến ông cảm thấy vô cùng xấu hổ. Lúc này ông liền rời đến quán trọ nhưng vì không có tiền nên cũng bị chủ quán đuổi ra ngoài. Đời sống sinh hoạt của thư sinh họ Đổng lâm vào cảnh khốn quẫn, không biết đi đâu về đâu.

Ở trong thành có một cụ bà họ Lưu giỏi xem tướng số đã tình cờ gặp Đổng Quân. Cụ bà thấy tướng mạo của ông rất lạ và cũng biết rằng chàng thanh niên này không nghèo mãi mãi, tương lai nhất định sẽ thành đạt. Thế là cụ bà liền mời chàng thư sinh họ Đổng về nhà và đối đãi với anh rất tốt. Ngày ngày, Đổng Quân khổ học với hy vọng có thể thi đậu bảng vàng báo đáp lòng tốt của cụ bà.

Sau một năm, Đổng Quân tham dự khoa thi, lúc xem bảng vàng mới biết bản thân lại thi rớt lần nữa. Trong tâm anh vô cùng chán ghét bản thân và cảm thấy xấu hổ với cụ bà tốt bụng. Vừa đói vừa mệt, ông lang thang một mình trên đường. Rồi anh nhìn thấy một tòa nhà lớn. Anh dừng lại rồi dựa vào cái cây ven đường và tự than trách bản thân. Không biết bản thân đã đứng đó được bao lâu, ông bỗng thấy một người đàn ông từ bên trong đi ra hỏi: “Anh là ai?”. Đổng Quân liền nói sự thật.

Sau khi nghe xong, người này biết Đổng Quân là chàng thư sinh vừa mới thi rớt nhưng lại có nét mặt vui mừng nên đã mời anh vào nhà. Một lúc sau, người này cầm một tờ giấy hồng đến nhờ Đổng Quân viết giúp lá thư cảm ơn gửi tới ông chủ đã thuê mình. Viết xong, người kia liền đem tấm thiệp vào trong. Một lát sau người này quay lại ân cần mời Đổng Quân ăn cơm tối.

Trong lúc nói chuyện, Đổng Quân biết rằng người đàn ông này chính là nhân viên gác cửa mới của phủ Thị Lang. Sau khi đọc lá thư, Thị Lang liền mỉm cười khen ngợi. Do đó, người gác cửa mới đã mời Đổng Quân ở lại phụ trách việc viết thư thay mình, đồng thời cũng đưa anh một chút tiền lương. Ngay lúc đó, Đổng Quân cũng không có chỗ để đi nên đã vui vẻ đồng ý. Từ đó trở đi, tất cả thư mà Thị Lang muốn gửi, người gác cửa đều nhờ Đổng Quân viết. Hơn nữa cách hành văn của Đổng Quân rất vừa ý chủ nhân. Tất cả lá thư gửi đi, Thị Lang vẫn cho là do người gác cửa viết nên càng thêm tin tưởng người này hơn.

Không lâu sau đó, Thị Lang muốn gửi một bức thư mật nên đã mời người gác cửa đến thư phòng viết giúp. Người gác cửa nghe xong, trong tâm vô cùng lo lắng, một lúc lâu mà không đặt bút viết được chữ nào. Lúc này, Thị Lang cảm thấy rất kỳ lạ, trong tâm thầm nghĩ, trước đây bảo anh ta viết thì thấy viết rất hay, hôm nay sao lại không viết được chữ nào. Thế là Thị Lang liền hỏi nguyên do mới biết tất cả thư trước đó đều do Đổng Quân viết thay.

Nghe xong, Thị Lang không khỏi kinh ngạc. Ông mặc quan phục chỉnh tề rồi cho mời Đổng Quân tới làm việc. Thị Lang không quên nói lời xin lỗi với Đổng Quân: “Để nô bộc thừa cơ làm nhục bậc học rộng tài cao, thực là tội của ta”. Nói rồi Thị Lang mời Đổng Quân làm thư ký riêng phụ trách các thư từ đến và đi trong phủ. Hai người nói chuyện với nhau cũng rất tâm đầu ý hợp.

Vợ của Thị Lang có một a hoàn, bản tính thông minh, cũng biết chút ít thơ ca. Nhìn a hoàn của mình lớn lên từ bé nên bà cũng muốn an bài hôn sự, giúp cô lập gia đình. Tuy nhiên, Thị Lang phu nhân có nói gì đi nữa thì a hoàn vẫn không đồng ý. Phu nhân ép gả thì a hoàn nói: “Thân phận con thấp kém, chỉ có thể gả cho nô bộc. Không phải là con không muốn lấy chồng, tuy nhiên người con muốn lấy nhất định phải giống như Đổng tiên sinh. Thế nhưng nguyện vọng này sao có thể được như mong nguyện. Cho nên, con vẫn là tình nguyện không lập gia đình, cả đời hầu hạ phu nhân”.

Thị Lang nghe xong nói: “Thật là một a hoàn si tình. Đổng tiên sinh chí hướng siêu phàm, rất nhanh sẽ được thăng chức, sao chịu lấy tỳ nữ làm vợ?” Ngày trung thu, Thị Lang cùng Đổng Quân uống rượu ngắm trăng. Khi hai người đã say, Thị Lang liền vui vẻ thuật lại lời của a hoàn cho Đổng Quân nghe và tỏ ý rằng có thể để người tỳ nữ này làm vợ lẽ được hay không. Đổng Quân nghe xong xúc động nói: “Lúc tôi đang chán nản ở kinh thành, người đông như vậy nhưng không ai thương mến tôi, duy chỉ có đại nhân sủng ái. Nàng ấy tuy là phận gái yếu ớt cũng có thể tiếc nuối tài năng, tôi sao có thể lập nàng làm thiếp được. Đương nhiên phải làm vợ chính thức chứ.”

Thị Lang nghe xong lại càng coi trọng nhân phẩm của Đổng Quân hơn. Ông cũng thương lượng với phu nhân định ngày gả a hoàn cho Đổng tiên sinh. Sau một năm, thời điểm đó là năm Ung Chính thứ 11, Đổng Quân thi đậu tiến sĩ. Sau khi ra làm quan, Đổng Quân cũng làm tới chức Lễ bộ Thượng thư, tên hiệu là “Văn Khác”. Đúng như lời của bà Lưu, anh không vĩnh viễn nghèo, ngày sau tất sẽ công thành danh toại.

Con trai của Đổng Quân còn trở thành Tướng quốc Đổng Cáo (1740-1818). Vì có công với xã tắc nên triều đình đã cho vẽ chân dung ông và treo ở Tử quang các để tưởng nhớ. Sau khi Đổng Cáo qua đời, triều đình tặng tên hiệu là “Văn Cung” cho ông. Lúc Đổng Cáo làm việc ở Đại học sỹ, mẹ ông vẫn còn sống. Câu chuyện về họ đều khiến người nghe thấy ngưỡng mộ và lưu truyền về sau.

Theo Vương Du Duyệt, Epochtimes
San San biên dịch

Exit mobile version