Trong thời đại ngày nay, ít người nhắc tới “Ngũ hành”. Nhưng ở Trung Quốc cổ đại, người ta biết rằng Ngũ hành là pháp đầu tiên trong chín đại pháp tắc được Thiên Đế ban cho Đại Vũ để trị lý thiên hạ. Mặc dù một số người hiện đại không tin vào ngũ hành, nhưng ngũ hành vẫn thời thời khắc khắc tuần hoàn xung quanh chúng ta.
Một số người có thể cảm thấy hôm nay làm việc gì cũng đặc biệt thuận lợi, tâm tình thư thái, gặp chuyện đều là hảo sự. Nhưng lại có một số ngày làm việc gì cũng như thể đâm đầu vào tường, mọi việc đều không thuận lợi, vì sao vậy? Có một số người cho rằng đó chỉ là chuyện ngẫu nhiên, nhưng nếu tra cứu ngũ hành của ngày đó, sẽ phát hiện rất nhiều khi là kết quả của tác dụng tương hỗ giữa ngũ hành của ngày và ngũ hành trong mệnh của bạn.
Tương tự như vậy, sự hợp và kỵ của ngũ hành cũng quyết định phương hướng phát triển của sự nghiệp, chẳng hạn có người khi lên phương Bắc tìm việc thì cảm thấy rất thuận lợi, tâm tình cũng thư thái, vì duyên cố là trong mệnh hợp Thủy, phương Bắc thuộc Thủy. Có người đến phương Nam lại cảm thấy phiền toái, mọi việc đều không thuận, là vì phương Nam thuộc Hỏa, mà trong mệnh người đó lại kỵ Hỏa. Dưới đây là một câu chuyện như vậy:
Vào thời nhà Thanh, có một thư sinh tên là Đường Sinh ở vùng Diễm Quan, tỉnh Chiết Giang, tham gia kỳ thi đồng tử (kỳ thi đầu vào để có tư cách sinh viên), thi mãi cho đến năm ba mươi tuổi vẫn chưa vượt qua khảo thí để thành sinh viên. Cha của chàng, một tiểu thương ở phố chợ, nói với Đường Sinh: “Gia đình chúng ta đều lấy bán hàng làm nghiệp, con muốn học, nhưng cũng bất đắc chí; Hiện tại cha đã già rồi, con đang trong độ tuổi tráng niên, đã không thể nuôi dưỡng cha già thì thôi, nhưng con sẽ dựa vào cái gì để nuôi sống bản thân đến hết cuộc đời? Khi không còn biện pháp nào khác, chú của con đang ở kinh thành, nghe nói việc làm ăn rất thuận lợi. Nếu con đến làm việc cho chú, con có thể nhận được một ít tiền lương để nuôi sống gia đình, tốt hơn nhiều so với việc cứ ăn không ngồi rồi mãi thế này.” Đường Sinh đồng ý, bởi vì bản thân chàng cũng cảm thấy rất xấu hổ khi không thể trở thành một tú tài ở tuổi ba mươi, muốn thay nghề đổi nghiệp, nên chàng quyết định theo tàu vận lương lên phương Bắc.
Chú của chàng ở ngoài cổng kinh thành mở một cửa hàng hàng hóa phương Nam, nhìn thấy Đường Sinh tới, ông vui vẻ nói: “Cửa hàng của chú đang thiếu nhân lực quản lý, hai em của con đang đi học, không thể giúp được gì cho ta. Một cá nhân ta có thể có bao nhiêu tinh lực để độc lập tự quản lý kinh doanh? Con đến giúp ta quản lý tài khoản, mỗi năm có thể kiếm được mấy chục lượng bạc, cũng có thể gửi về nhà, không phải một khoản tiền nhỏ. Nếu siêng năng tài giỏi, ta sẽ tăng lương cho con.”
Đường Sinh vì thế đã định cư tại đây. Nhưng chàng thích đọc sách, ngay cả khi ở trong cửa hàng, tay vẫn không rời cuốn sách, đọc sách lúc cao hứng, chàng sẽ đập bàn đọc to, nhân viên và người mua hàng nhìn thấy đều ôm bụng cười. Chú của chàng rất tức giận, cố gắng thuyết phục nhưng chàng vẫn không sửa đổi. Vì thế ông nói với Đường Sinh: “Nếu con vẫn muốn học, ta sẽ cho con nhập học, con bầu bạn cùng với hai đứa em con học hành là được.”
Đường Sinh càng vui vẻ hơn, nên đã vào trường tư thục học. Thầy giáo của chàng là một lẫm thiện sinh (một sinh viên được quan phủ cung cấp bữa ăn) đến từ kinh thành, tuổi đã hơn năm mươi, đạo mạo trang nghiêm, nhận học sinh làm trò. Khi nhìn thấy Đường Sinh, ông nói: “Em tuổi đã lớn rồi, việc học còn có thể thành công được không?” Đường Sinh trả lời: “Học tập chính là nguyện vọng của em, em không dám mong cầu gì.” Thế là thầy giáo bèn nghĩ ra một đề bài để kiểm tra chàng. Văn chương viết xong, thầy giáo cầm lên xem, vỗ tay khen ngợi rồi nói: “Em ở miền Nam, văn chương đạt đến trình độ thế này mà vẫn không thi đỗ ư, thực là ủy khuất cho tài năng của em.”
Khi Đường Sinh nhìn thấy thầy giáo sửa chữa văn chương của hai em họ mình, chàng cảm thấy văn chương của thầy cũng bình thường, trong tâm không coi trọng giáo viên. Mỗi lần trong giờ học, khi thầy đi vắng, chàng lẻn ra ngoài xem kịch, buổi tối về, chỉ cần múa bút là viết được một bài văn, thầy đọc xong liền khen ngợi văn hay. Vì vậy hai đứa em đã bí mật kể với cha chuyện này.
Chú của Đường Sinh rất tức giận, đến trường tư thục dạy cho Đường Sinh một bài học: “Trong cửa hàng, con đã coi việc học quan trọng hơn làm những việc khác. Hiện tại để con đi học, con lại trong học đường mà đùa bỡn quá độ, vì sao con bất kể làm sự việc gì cũng đều nhất sự vô thành đây, thật là rác rưởi mà.”
Thầy giáo nghe xong liền nói: “Ngày thường cháu trai của bác học tập rất chăm chỉ, dù thỉnh thoảng có ra ngoài trong giờ học, nhưng cháu không hề trì hoãn việc làm văn. Cháu của bác thông minh tài trí gấp trăm lần hai con trai bác, nếu để cậu ta đi thi, trúng cao đầu bảng là có thể kỳ vọng.” Chú của chàng nói: “Ngày thi sắp đến gần, quả nhiên như tiên sinh nói, có thể thông qua thi huyện, thi phủ mà thành tú tài, cũng có thể mát mặt cha mẹ, chỉ sợ không có khả năng.”
Thầy giáo quay lại nói với Đường Sinh: “Hiện tại kỳ thực ta cũng không còn biện pháp nào khác để truyền thụ cho em, chỉ dặn em trong hai kỳ thi nhỏ thi huyện và phủ trước mắt, không cầu văn hay, hãy tận tâm tận lực giúp đỡ hai đứa em họ thi cử, dùng lực dư để hoàn thành hai kỳ thi nhỏ, có tên ở cuối bảng là đủ rồi. Bởi vì hai em của em đã học tập ở đây thời gian rất lâu, trúng cao không thành vấn đề. Em quê quán là người miền Bắc đến ứng thí, nếu tên đứng đầu bảng, e là sẽ khiến người khác đố kị. Em phải hết sức lưu ý việc này.”
Đường Sinh đồng ý, trong hai kỳ thi cấp huyện, phủ, đúng như lời thầy dặn, chàng đã giúp hai em họ mình lọt vào top 10, trong khi chàng chỉ đứng cuối danh sách. Rồi trong kỳ thi viện năm đó, chàng đứng nhất, cùng với một người em họ đứng thứ hai. Từ đó về sau, chàng liên tiếp thi trúng, thi hương trúng cử nhân, thi hội lại trúng tiến sĩ, vào hàn lâm viện. Thế là chàng đón cha già về nuôi dưỡng, báo đáp ân sư, còn di phong cho chú, lấy đó để báo đáp ân tình.
Hương Ngạn, tác giả cuốn “Tục khách song nhàn thoại” cho biết: Đường Sinh ở phương Nam thậm chí ngay cả tú tài cũng thi không trúng, mà lên phương Bắc, mọi việc thuận lợi, liên tiếp đăng khoa, thân trong quan cao hiển hách, lẽ nào người phương Bắc thực sự thua kém người phương Nam? Không phải vậy, mà là vì duyên cố “ngũ hành” trong mệnh.
Câu chuyện về Thiên Đế ban ngũ hành nhắc đến ở phần đầu là như sau:
Vào thời kỳ nhà Thương từ hơn 3000 năm trước, Cơ Tử, cha của Trụ Vương, nhìn thấy Trụ Vương hoang dâm vô độ, đã khuyến gián con, nhưng Trụ Vương không nghe. Vì vậy ông đã chọn cách ra đi. Ông xõa tóc giả điên, ẩn cư chơi đàn, bi thán nỗi buồn trong nội tâm mình.
Sau khi Vũ Vương tiêu diệt Ân Vương, đã đến thăm Cơ Tử. Vũ Vương nói: “Chao ôi! Thượng Thiên âm thầm bảo vệ trăm họ dưới hạ giới, khiến họ tương xử hòa thuận, nhưng ta không biết làm thế nào chế định thường đạo thứ tự để an định dân chúng vĩnh hằng bất biến.”
Cơ Tử trả lời:
“Ngày xưa Cổn (cha của vua Hạ Vũ, tức Đại Vũ) chặn hồng thủy, đã phá vỡ trật tự của ngũ hành. Thiên Đế vì thế tức giận, từ chối ban cho Cổn cửu pháp trị lý thiên hạ, thường đạo vì thế bị bại hoại. Cổn bị xử tử, Đại Vũ tiếp tục sự nghiệp của ông ấy mà hưng thịnh trở lại, Thiên Đế ban cho Đại Vũ chín đại pháp tắc để trị lý thiên hạ, thường đạo có trật tự. Cái thứ nhất gọi là ngũ hành; cái thứ hai gọi là ngũ sự; cái thứ ba gọi là bát chính; cái thứ tư gọi là ngũ kỷ; cái thứ năm gọi là hoàng cực; cái thứ sáu gọi là tam đức; cái thứ bảy gọi là khê nghi; cái thứ tám gọi là thứ trưng; cái thứ chín gọi là hưởng dụng ngũ phúc, sợ dụng lục cực.
Ngũ hành chính là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Thân làm một bậc quốc vương, tất phải minh sát lý ngũ hành, giỏi điều hòa vận dụng ngũ hành để khuyến khích nhân dân sinh sống an lạc.
Ngũ phúc, là bốn loại hạnh phúc: Trường thọ, phú hữu, khỏe mạnh bình an, đức hạnh tốt đẹp, niên lão thiện chung – qua đời nhẹ nhàng.
Lục cực, là sáu điều khiến cuộc đời trở nên khó khăn và nguy hiểm: một là chết yểu, hai là bệnh tật, thứ ba là sầu muộn, thứ tư là nghèo khó, thứ năm là ác độc, thứ sáu là yếu nhược. Vua hành vương đạo, Trời ắt ban cho ngũ phúc; Nếu bất hành vương đạo, Trời ắt giáng lục cực.”
Vũ Vương nghe xong lời của Cơ Tử, đã phong Cơ Tử làm hầu tước đất Triều Tiên, không đối đãi như một bầy tôi của mình.
Ngũ hành ngày là chỉ ngũ hành của ngày đó được ghi trong hoàng lịch, như trong hình dưới đây:
Chữ Nhâm Tý (壬子) được khoanh tròn màu xanh lam ở phía dưới bên trái là ngũ hành của ngày đó, có nghĩa là ngày Nhâm Tý. Nếu bạn tìm kiếm trên mạng “Thuộc tính của Thiên can Địa chi ngũ hành”, có thể tra được Nhâm thuộc Thủy, Tý thuộc Thủy, nên ngày hôm đó là Nhâm Tý Thủy nhật, nếu có người trong mệnh ưa Thủy, hợp Thủy, thì ngày đó làm gì cũng thuật lợi, tâm tình thư thái, vì ngày Thủy đối ứng với với mệnh của người đó là có trợ giúp. Tất nhiên, nếu muốn tiến hành khảo sát thâm nhập, thì còn phải kết hợp với đại vận lưu niên của bản mệnh, ngũ hành sinh khắc chế hóa hợp kỵ của tháng mà đồng luận. Ngược lại, nếu ngũ hành ngày đó là ngũ hành kỵ với trong mệnh của bạn, làm việc gì cũng rất không thuận lợi, gặp việc gì cũng trở ngại trùng trùng.
Nguồn: “Sử ký – Tống Vi Tử thế gia”, “Tục khách song nhàn thoại”
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch