Đại Kỷ Nguyên

Trong những nhân tố thành tựu người tài, điều quan trọng đầu tiên chính là tôn sư trọng đạo

Thời xưa, trên từ vương hầu tướng lĩnh, dưới đến bá tánh bình dân, đều tôn sùng mỹ đức tôn sư trọng đạo, đời đời lưu truyền.

“Tôn sư trọng đạo” là một trong những nội hàm quan trọng trong văn hóa truyền thống, là trí huệ và mỹ đức của Trung Thổ Thần Châu, từ xưa đến nay đã lưu truyền ngàn đời.

Từ xa xưa, “sư” được xếp ngang hàng trong ngũ tôn: “Thiên, Địa, Quân, Thân, Sư” (trời, đất, vua, cha mẹ, thầy), cho thấy vị trí cao quý vốn có của người thầy. “Tôn sư trọng đạo” trở thành thành ngữ, xuất hiện sớm nhất trong “Hậu Hán Thư – Khổng Hy truyện”: “Thần nghe nói những bậc minh quân thánh chủ, ai nấy cũng đều tôn sư quý đạo”. Nhưng từ rất xa xưa, cách đây hơn 7000 năm về trước, bắt đầu từ khi Hoàng Đế bái Quảng Thành Tử làm thầy, mảnh đất Thần Châu đã mở ra cánh cửa lớn tôn sư trọng đạo, đặt nên nền tảng sâu dày cho nền văn minh Hoa Hạ.

Tinh túy ngàn năm của nền văn minh Hoa Hạ-Trung Hoa. (Ảnh :  jianshu.com )

Khiêm cung chân thành là điều quan trọng đầu tiên trong việc cầu “Chân”

Theo ghi chép trong “Sử Ký”, Hoàng Đế – người đứng đầu trong Ngũ Đế – có vị trí quan trọng trong nền văn hóa Trung Hoa. Vương triều qua các thời kỳ của Trung Quốc phần nhiều đều xây đền miếu thờ phượng Hoàng Đế, tượng trưng cho sự thống nhất và hợp pháp của hoàng quyền. Hoàng Đế không chỉ giỏi về y đạo với tác phẩm “Hoàng Đế Nội Kinh” có ảnh hưởng đến tận ngày nay, mà ông còn là một vị minh quân vĩ đại. Công lao chói lọi trong việc trị quốc của Hoàng Đế có tương quan chặt chẽ với phẩm hạnh tôn sư trọng đạo của ông.

Sử sách ghi chép về câu chuyện Hoàng Đế bái Quảng Thành Tử làm thầy. Quảng Thành Tử tu Đạo trên núi Không Động, đạo hạnh rất cao thâm. Hoàng Đế muốn thỉnh giáo Quảng Thành Tử để học tập đạo trị quốc và tu thân dưỡng tính. Lần đầu tiên lên núi, Hoàng Đế đã dẫn theo rất nhiều thần tử và mang theo rất nhiều lễ vật lên trên núi Không Động. Quảng Thành Tử trách mắng ông rằng: “Trị lý thiên hạ, không thấy mây tạnh liền muốn trời mưa, chưa thấy trời thu lại mơ quả lớn, làm sao có thể nói đến Đạo đây?”, nói xong, liền cưỡi tiên hạc bay lên không trung, ẩn vào trong đám mây. Hoàng Đế bị khước từ trong lòng rất lấy làm buồn bã.

Sau khi trở về, Hoàng Đế mặt đối diện vách tường hối lỗi suốt 3 tháng trời, không ngừng suy nghĩ về những chỗ thiếu sót của bản thân. Thế là, ông quyết định lên núi bái sư lần nữa. Lần này, Hoàng Đế không ngồi kiệu, cũng không phô trương, mà chỉ một thân một mình đi lên núi Không Động. Giữa đường gặp một vị trưởng lão, Hoàng Đế bèn hỏi ông đường đi. Trưởng giả nói: “Tiên phàm không ranh giới, chỉ ở trong tâm người; không ngại đầu gối mỏi, tâm thành trăm Đạo thông”. Hoàng Đế không ngừng suy nghĩ về ý nghĩa trong câu nói của vị trưởng giả, thế là quyết định nằm rạp xuống đi về phía trước, cứ thế Hoàng Đế bò đến trước mặt Quảng Thành Tử. Quảng Thành Tử thấy Hoàng Đế vì để cầu Đạo mà không ngần ngại buông bỏ tôn nghiêm của bậc đế vương, cam nguyện chịu khổ, bèn truyền thụ Chính Đạo cho ông.

Sau khi trở về, Hoàng Đế đã tu Đạo ở Côn Đài trên núi Kinh Sơn, dựa theo đạo của thầy truyền thụ mà trở thành bậc minh quân và danh y bất hủ, tạo phúc cho xã tắc giang sơn. Về sau, Hoàng Đế chế tạo bảo đỉnh dưới núi Kinh Sơn, vào ngày đỉnh được đúc thành, Hoàng Đế cưỡi rồng phi thăng. Lý Bạch viết thơ “Phi Long Dẫn” khen rằng: “Hoàng Đế đúc đỉnh ở Kinh Sơn”, “Cưỡi rồng bay lên cõi Thái Thanh”, “Ngao du trong trời xanh, niềm vui nói không hết”.

Hoàng Đế lên núi tìm đạo bái tiên ông Quảng Thành Tử làm thầy. (Ảnh:  xw.qq.com )

Lần đầu tiên bái sư đã bị quở trách, Hoàng Đế không hiểu dụng ý của Quảng Thành Tử. Thật ra, với những bậc chân sư đắc Đạo, giàu nghèo sang hèn vốn không quan trọng, mà then chốt là ở cái tâm đó. Quảng Thành Tử mong Hoàng Đế có thể xem nặng “Đạo” của ông ở trong tâm. Hoàng Đế sau nhiều lần suy nghĩ, khi đến bái sư lần thứ hai, ông đã bò lên trên núi. Lúc này ông mới hiểu ra, nếu muốn tu Đạo, thì cần một tấm lòng chân thành, niệm đầu khiêm nhường mới là bước đầu trong việc cầu Chân.

Tôn sư trọng đạo, quốc gia hưng thịnh

Trước kia, Khương Tử Nha câu cá ở sông Vị Thủy, có người tiều phu hỏi rằng sao ông lại câu cá với lưỡi câu thẳng? Khương Tử Nha nói với tiều phu rằng: “Ta không dùng lưỡi câu cong để câu cá câu tôm, chỉ dùng lưỡi câu ngay để câu thời câu vận. Nếu làm cong queo mà được của thì thà cứ thế ngay mà thanh bạch còn hơn. Như ý ta là: Ngày chờ thời giờ quý, vậy được của không cầu; chẳng kiếm tôm kiếm cá, mà kiếm Công kiếm Hầu”.

Tiều phu trêu đùa rằng: “Nhìn bộ dạng của ông, thật không giống vương hầu, mà giống hoạt hầu (khỉ sống) hơn”. Tử Nha chỉ cười, lòng giữ đức lộ thanh vân, tay dạt mây mù đi lại nơi trời cao, tiêu diêu tự tại, người phàm có ai biết được?

Trụ Vương hoang dâm tửu sắc, rời xa hiền thần, ưa bọn xu nịnh, làm khổ muôn dân, dẫn đến chư hầu biến loạn, sinh linh đồ thán. Chu Văn Vương ngày đêm suy nghĩ, không ngủ yên giấc, gần như bỏ ăn bỏ ngủ. Văn Vương chiêm bao thấy một ông cọp có cánh, biết là trời giáng điềm lành, đặc biệt ban tặng hiền nhân phò chính Tây Kỳ, nên bèn dẫn chúng thần đi tìm kiếm hiền sĩ. Văn Vương vừa đi, dọc đường nghe thấy đâu đây vang lên khúc hát với lời lẽ uyên thâm, ông bèn tìm đến nhà cỏ, nhưng lại không thấy hiền nhân đâu. Bởi không thấy hiền nhân, Văn Vương nghĩ rằng: “Xưa vua Thần Nông tìm Trường Tang, Hiên Viên tìm Lão Bành, Hoàng Đế bái Phong Hậu, Thành Thang tìm Y Doãn, đều phải ăn chay tắm gội, coi ngày lành đem lễ vật đến rước, như thế mới tỏ ra kính hiền đãi sĩ”.

Thế là vua tôi về thành thì trời đã tối mịt. Văn Vương cùng bá quan ở lại trong điện ăn chay ba bữa, ngủ trong đền lớn, ai nấy tắm gội sạch sẽ, đợi ngày đi rước bậc hiền tài.

Văn Vương đến ngày thứ tư sắm sửa lễ vật, chỉnh đốn áo mão, truyền quân khiêng đến Bàn Khê, vua tôi cùng đi. Văn Vương dẫn các quan đến gần Bàn Khê đều xuống ngựa đi bộ, xa thấy bóng dáng Khương tử Nha đang ngồi câu trên thạch bàn.

Văn Vương liền rón rén bước đến sau lưng, không dám động. Thật đúng là: “Đầu suối Vị Thủy một cần câu, tóc hòa cùng sương trắng một màu; ngực vắt tinh tẩu xông lên trời, khí phả cầu vồng ngày lạnh qua”.

Văn Vương thấy Khương Tử Nha ngồi câu cá với một lưỡi câu thẳng nên thấy lạ, bèn hỏi rằng: “Ông lão, ông câu cá bằng lưỡi câu thẳng thế thì câu sao được?”. Khương Tử Nha mới trả lời: “Lưỡi câu bình thường chỉ câu được cá, lưỡi câu này mới câu được vương chủ minh quân”. Thấy vậy Văn Vương đem những chuyện thế cuộc ra hỏi, quả nhiên Khương Tử Nha trả lời thông suốt chứng tỏ một trí huệ siêu phàm, thế là từ đó Khương Tử Nha theo phò Văn Vương.

Vì để người dân Tây Kỳ an hưởng thái bình, Văn Vương và chúng bề tôi đi đến bên bờ sông Vị Thủy, bái Tử Nha làm thầy, phò chính xã tắc. Tử Nha không dùng lưỡi câu cong, không câu tôm câu cá, mà đợi thời cơ kiếm Công kiếm Hầu, phò chính một triều. Văn Vương vì để bái Tử Nha làm thầy, cùng với quần thần tắm gội trai giới ba ngày, chọn ra ngày lành đi đón rước hiền nhân, tôn sư trọng đạo của Văn Vương, đã đặt ra nền tảng 800 năm hưng thịnh cho Tây Kỳ.

Tôn sư trọng đạo của Văn Vương, đã đặt ra nền tảng 800 năm hưng thịnh cho Tây Kỳ. (Ảnh: tinhhoa.net )

Cổ nhân giảng: “Quốc tướng hưng, tất quý sư nhi trọng phó”, tạm hiểu là: Quốc gia muốn hưng thịnh, ắt phải quý trọng thầy dạy (phó: chỉ giáo dục, phò tá đế vương, thầy của hoàng tử); “quý sư trọng phó” thì chuẩn mực hành vi sẽ được duy trì. Khi mà đất nước suy bại, thầy dạy ắt bị xem thường; nếu thầy dạy bị xem thường thì ắt có người phóng túng làm liều, con người ta sẽ không còn kiêng nể đến đạo đức và luật pháp gì nữa, thế thì pháp lệnh khi đó hoàn toàn phế hỏng, không thể khởi tác dụng ước thúc nhân tâm. Vậy nên, khi đất nước hưng vượng, thầy dạy ắt được tôn trọng; còn khi đất nước suy vong, thầy dạy ắt bị xem thường. “Sư” và “phó” thời xưa phần nhiều đều là những người đức cao vọng trọng, là bậc hiền giả am hiểu đạo Thánh hiền, có địa vị rất cao. Nếu “sư” và “phó” bị khinh thường, thế thì thần dân có thể hiểu được rằng, đường cho dân nói trong triều đại đương thời sẽ bị bế tắc, chính trị nhất định trở nên mờ ám không rõ ràng. Vậy nên, thời xưa nhìn vào sự hưng thịnh của một vương triều, lấy “tôn sư trọng đạo” cũng có thể đo lường được xu hướng vận mệnh của quốc gia sau này.

Căn nguyên thần dũng, cảm niệm sư ân

Anh hùng chống giặc Kim của triều Nam Tống là Nhạc Phi, từ nhỏ gia cảnh khốn khó, không có tiền mua bút mực giấy nghiên, bèn lấy cành cây làm bút, thường đứng ở bên ngoài trường tư nghe giảng. Chu Đồng – thầy giáo của trường tư thục là người văn võ song toàn, ông rất coi trọng bản tính chuyên cần của Nhạc Phi. Ông đã dạy Nhạc Phi học văn, giảng giải đạo lý đối nhân xử thế, trị quốc an bang; lại dạy Nhạc Phi võ nghệ, học tập đao thương kiếm kích, cưỡi ngựa bắn tên, hành quân bố trận, đồng thời cũng đem tiễn pháp và võ nghệ cả một đời nghiền ngẫm ra được đều truyền lại cho Nhạc Phi. Nhạc Phi dưới sự dẫn dắt của sư phụ, tiễn thuật võ nghệ đã đạt đến trình độ cao siêu, đặc biệt là tiễn thuật có thể giương cung trái phải, bách phát bách trúng.

Nhạc Phi chăm chỉ học tập khổ luyện, tuân theo chỉ dẫn của thầy, trở thành bậc kỳ tài về quân sự, văn võ song toàn hiếm có đương thời. Nhạc Phi cầm quân thần dũng lấy lại những vùng đất đã mất, nhiều lần lập được kỳ công. Thời đó, trong quân đội nhà Kim có truyền nhau một câu nói: “Dời núi dễ, dời quân của Nhạc gia mới thật sự khó”. Nhạc Phi cầm binh đánh đâu thắng đó, khiến cho quân Kim nghe tiếng sợ vỡ mật. Tống Cao Tông Triệu Cấu đương thời tự mình chấp bút viết bốn chữ lớn: “Tinh trung Nhạc Phi”, làm thành cờ gấm ban cho Nhạc Phi, bổ nhiệm ông là Thần Võ Hậu Quân Đô Thống Chế.

Nhạc Phi dưới sự dẫn dắt của sư phụ Chu Đồng, tiễn thuật võ nghệ đã đạt đến trình độ cao siêu, đặc biệt là tiễn thuật có thể giương cung trái phải, bách phát bách trúng. (Ảnh:  en.wikipedia.org )

Sau khi sư phụ Chu Đồng qua đời, Nhạc Phi mặc áo tang, kéo xe tang, theo lễ của hiếu tử an táng ông như cha đẻ của mình. Vào ngày mồng một và mười lăm hàng tháng, không kể hành quân đánh trận hay là đóng giữ quân doanh, ông đều tế bái ân sư, mỗi lần trước tiên đọc “Binh Pháp Tôn Tử”, sau đó lấy “Thần tí cung” (cây cung bàn tay thần) mà Chu Đồng ban tặng, bắn liên tục ba mũi tên, mượn điều này an ủi tiên sư đã khuất rằng học trò không có xao lãng văn võ, không có quên đi lời dạy của ân sư. Nhạc Phi rong ruổi sa trường, chinh chiến vô số, tinh thần anh dũng và dũng mãnh phi thường của ông, có lẽ chính là đến từ tấm lòng cảm ân bao la sâu rộng đến người thầy khả kính của mình.

Từ xưa đến nay, “Tam giáo Thánh nhân, ai cũng có thầy; thiên cổ đế vương, ai cũng có thầy”. Bởi vì có thầy, mới có thể giúp thành tựu người tài. Lý giải của cổ nhân đối với “người tài” là: “Cảnh giới của đại đạo là một con đường không có điểm dừng, chỗ hữu dụng của người tài cũng là không có chỗ tận cùng. Vậy nên người có thể trở thành người tài, đức dày của họ có thể chở muôn vật; tấm lòng khoan dung của họ có thể dung nạp cả trăm nghìn sông”. Vậy nên lời nói hành động tốt đẹp của họ giống như dây mực, giáo hóa cải biến cả một vùng.

Trong “quyển Dịch” cũng viết: “Khí hữu đại yên, cao thiên hậu địa. Duy kỳ năng dung, dung nhi bất doanh, cố kiến kỳ đại”. Người có năng lực, chí cao tâm dày, có thể bao dung mọi người, nhưng lại rất mực khiêm nhường. Trong rất nhiều nhân tố thành tựu người tài, điều quan trọng đầu tiên chính là tôn sư trọng đạo. Vậy nên thời xưa, trên đến vương hầu tướng lĩnh, dưới đến bá tánh bình dân, đều tôn sùng mỹ đức tôn sư trọng đạo, lưu truyền đời đời.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Thiện Sinh biên dịch

Exit mobile version