Đại Kỷ Nguyên

Trong số mệnh ẩn giấu sự nỗ lực, trong tính cách ẩn giấu sự tu dưỡng

Tu dưỡng tâm tính không phải là học vấn cao siêu, cũng không phải là tư thái hơn người, mà là dùng sắc mặt hài hòa vui vẻ khi giao tiếp với người khác. Ứng xử với người khác thì nhã nhặn, dễ gần, đối nhân xử thế thì khoan dung, nhân hậu.

Trong số mệnh ẩn giấu sự nỗ lực

Vận may là sản phẩm phụ của sự nỗ lực

Vận may chính là thời cơ gặp sự nỗ lực. Chỉ có dựa vào sự nỗ lực, kiên trì của bản thân mới có thể được vận mệnh chào đón, được vận may nâng đỡ. Bạn càng nỗ lực thì vận mệnh sẽ cải biến và bạn sẽ gặp nhiều điều điều tốt đẹp.

Cả một đời Lương Khải Siêu cứu nước cứu đời. Ông liên tục sáng tác, cả cuộc đời mình ông đã viết khoảng hơn 14 triệu chữ. Ông từng viết bài “Tri mệnh dữ nỗ lực” (Biết thiên mệnh và sự nỗ lực). Trong bài viết ấy Lương Khải Siêu nói: “Vì sao chúng ta phải thực sự nỗ lực? Bởi vì chỉ khi đó, chúng ta mới có thể không thấy mệt mỏi, chán chường”. Ông nhấn mạnh việc “tri mệnh” (biết mệnh trời) một cách tích cực và cần đối đãi với cuộc sống bằng sự nỗ lực, nghiêm túc. Đây cũng chính là một phương diện tu dưỡng tâm tính của một người.

Chúng ta biết tới Lương Khải Siêu từ cuộc Bách nhật duy tân. Lúc đó Lương Khải Siêu và thầy giáo Khang còn có tên chung là “Khang Lương”. 16 tuổi ông đã thi cử đỗ đạt, 22 tuổi ông được phong làm thượng thư, 23 tuổi ông cầm bút viết “Thời Vụ Báo”. Quả là “Một trang giấy khuấy đảo biển rộng, Khán thính giả thất kinh vì đây” (Nhất chỉ phong hành hải nội, Quan thính vi chi nhất tủng).

Thiên tài thực là sức mạnh của sự nỗ lực nhưng sự nổ lực luôn có sự tu dưỡng tâm tính. Tuổi nhỏ mà đã thành danh thì cần nỗ lực nhiều hơn người khác gấp bội. Chỉ là vì đam mê việc học hành mà họ không cảm thấy vất vả, chỉ nhớ tới niềm vui mà thôi. Hồi nhỏ Lương Khải Siêu bắt đầu đọc Tứ Thư Ngũ Kinh, 17 tuổi ông đã thi đỗ cử nhân. Lương Khải Siêu vẫn không hề bằng lòng với chính mình. Ngược lại ông còn tiếp tục chăm chỉ học tại Học Hải Đường ở Quảng Châu.

Lương Khải Siêu (1873 – 1929). Ông là nhà tư tưởng và là nhà hoạt động chính trị Trung Quốc thời cận đại. Ảnh wikipedia.org

Lương Khải Siêu được gọi là đứa con cưng của giới Dư luận Trung Quốc cận đại. Mọi người nói rằng ngòi bút của ông mạnh hơn 100 nghìn quân lính. Nguồn gốc của danh hiệu này không chỉ là vận may mang tới, mà là sự nỗ lực thực sự.

Vận may là sản phẩm phụ của sự nỗ lực. Vậy nên thay vì cứ mãi oán trách số phận thì hãy nỗ lực nhiều hơn. Nếu không tự mình tích lũy kinh nghiệm từ thực tế thì dẫu vận may có tới trước mặt, bạn cũng không thể giữ chân được cơ hội ấy.

Càng nỗ lực càng may mắn

Những người gặp nhiều may mắn, họ đã phải thực sự nỗ lực mới có được vận may ấy. Nếu bạn cũng muốn có được thành quả giống như họ thì chúng ta cũng cần sẵn sàng nỗ lực và phó xuất nhiều hơn.

Điều tốt đẹp trên thế gian đều là sự tương trợ lẫn nhau. Mặc dù không phải tất cả mọi sự nỗ lực đều sẽ gặt hái được thành công, nhưng tất cả vận may chỉ chịu để mắt tới bạn khi bạn đã nỗ lực đúng mức.

Vận may do nỗ lực mà có. Vậy nên dẫu cơ hội ngay ở trước mắt thì bạn cũng cần tự mình nỗ lực chạy về phía trước, mới có thể nắm giữ được nó. Nỗ lực dù sớm dù muộn cũng đều có giá trị. Sự phó xuất của bạn, sớm muộn gì cũng sẽ được đền đáp theo một hình thức nào đó. Vận may chính là sự báo đáp vô hình dành cho bạn.

Vận may của bạn ẩn giấu trong thực lực của bạn, ẩn giấu trong những giọt mồ hôi, trong những trăn trở và nỗ lực thầm lặng mà không ai biết.  Bạn càng nỗ lực thì càng may mắn.

Bạn càng nỗ lực thì càng may mắn. Ảnh grammarly.com

Tính cách ẩn giấu sự tu dưỡng

Tốt tính thì mọi sự đều hanh thông. 

Khi gặp chuyện gì đó, trước tiên chúng ta hãy giải quyết vấn đề trong tâm của mình, sau đó mới giải quyết tới công việc. Nếu ngay cả cảm xúc mình cũng không thể kiềm chế, thì dẫu cho bạn cả một thế giới, sớm muộn gì bạn cũng sẽ hủy đi tất cả.

Năm 1922, Lương Khải Siêu nhận lời mời diễn giảng của giới học thuật Tô Châu. Khi bắt đầu diễn thuyết, Lương Khải Siêu trước tiên giải thích về tình huống của mình, đồng thời ông mong nhận được sự lượng thứ của mọi người.

Lương Khải Siêu nói mặc dù ông học ở Nam Kinh nhưng “Ở Nam Kinh ngày nào cũng bận rộn với bài vở, nên không thể phân thân mà tới đây”. Thêm nữa do vấn đề về sức khỏe nên ông không thể diễn thuyết trong thời gian dài: “Nhưng có một chuyện vẫn mong quý vị lượng thứ: Bởi vì một tháng nay trong người tôi có chút bệnh, nên hôm nay không thể diễn thuyết dài được, e rằng sẽ phụ sự trông đợi của quý vị”.

Lương Khải Siêu tính cách nền nã, đối đãi với người khác rất ôn hòa nên thiện duyên ắt sẽ nhiều lên.

Chỉ cần tốt tính thì cuộc đời của bạn chắc chắn sẽ tốt đẹp. Người biết xử sự một cách hài hòa thì tranh cãi ít. Người hay mỉm cười với mọi người thì bạn bè nhiều. Không thể khống chế cảm xúc của bản thân thì phúc khí và vận may của bạn cũng sẽ rời xa.

Chỉ cần tốt tính thì cuộc đời của bạn chắc chắn sẽ tốt đẹp. Ảnh todaysparent.com

Tu dưỡng tâm tính tốt thì tính nết mới tốt

Trong tính cách ẩn giấu sự tu dưỡng của mỗi người. Tính cách là biểu hiện bề ngoài, tu dưỡng mới là cái gốc bên trong.

Đôi khi muốn bình phẩm về một ai đó thì xem họ có sự tu dưỡng hay không là một điều rất quan trọng. Từ đó chúng ta có thể biết được tính cách của họ theo chiều hướng tốt hay xấu. Thường có câu rằng: “Người thượng đẳng có tài năng mà không tức giận. Người thứ đẳng có tài năng và tốt tính. Người hạ đẳng bất tài lại thường nổi giận”. Trong cuộc sống, một người không thể kiềm chế được cảm xúc của bản thân và thích nổi nóng, kỳ thực đều là do sự tu dưỡng của họ không đủ.

Tính cách tiết lộ sự tu dưỡng của chúng ta. Có những người ngang ngược luôn cho rằng trút giận lên người khác là có thể giải quyết vấn đề. Nhưng thực tế người hay nóng giận thì tài năng hạn hẹp. Chính vì tài năng hạn hẹp nên mới muốn dùng sự tức giận khiến đối phương khiếp sợ.

Sự tu dưỡng của một người quan trọng ở việc kiềm chế cảm xúc của mình. Chúng ta đều biết rằng tính cách xấu hoàn toàn không thể giải quyết được vấn đề cốt lõi.

Sự tu dưỡng của một người quan trọng ở việc kiềm chế cảm xúc của mình. Ảnh youtube.com

Tính cách tốt là tài sản quý trong đời người, cũng là tài sản tốt nhất mà cha mẹ dành cho con cái. Cha mẹ lấy mình làm gương, tự mình rèn luyện nên một tính cách tốt, thì trẻ sẽ âm thầm tiếp nhận được. Từ đó chúng cũng dần trở nên tốt hơn, có sự tu dưỡng hơn. Nhưng có một nghịch lý là nhiều người đối xử với người ngoài rất tốt, nhưng lại không thể kìm nén cảm xúc mà thường xuyên tức giận, trách móc người nhà.

Lương Khải Siêu không chỉ chú ý tới tu dưỡng tính cách, mà còn chú ý tới việc tu dưỡng bản thân khi sống cùng người thân. Trong bức thư Lương Khải Siêu gửi cho Lương Tư Thành và Lâm Vi Nhân cũng nhắc nhở rằng con cái phải biết tu dưỡng bản thân, gia đình phải hòa thuận, êm ấm. “Hai con từ nhỏ đều có tính trẻ con, hay cãi lại. Bây giờ đã trưởng thành rồi, hy vọng hai con có thể thay đổi thành người lớn thực sự. Hãy biết yêu thương chăm sóc lẫn nhau mọi lúc mọi nơi và tạo dựng một nền tảng hòa thuận yên vui cả đời”.

Sự tu dưỡng của một người thể hiện ở rất nhiều phương diện. Xưa có câu rằng: “Nước sâu thì chảy chậm, nói chậm ắt là quý nhân”. Tính cách tốt mới có sự tu dưỡng tốt. Tu dưỡng không phải là học vấn cao siêu, cũng không phải là tư thái hơn người, mà là dùng sắc mặt hài hòa vui vẻ khi giao tiếp với người khác. Ứng xử với người khác thì nhã nhặn, dễ gần, đối nhân xử thế thì khoan dung, nhân hậu.

Một người có tu dưỡng sẽ biết cách kiềm chế cảm xúc của mình. Người có tu dưỡng sẽ biết cách tìm đường lui cho người khác, không lớn tiếng lấn át người khác. Họ sẽ biến căng thẳng thành sự hài hòa, biến nguy hiểm thành cơ hội.

Chỉ sau khi đã nỗ lực mới có thể cầu mong vận may đến với mình. Phía sau vận may là giọt nước mắt đắng cay và những giọt mồ hôi mà bạn đã phó xuất. Biết kiềm chế bản thân mới có thể nhắc tới việc tu dưỡng. Phía sau một nhân cách tốt là vầng hào quang sáng ngời của sự tu dưỡng.

Theo Soundofhope
Hiểu Mai biên dịch

Exit mobile version