Đại Kỷ Nguyên

Phong nhã bắt nguồn từ nội tâm yên tĩnh, thanh đạm

Trong thế giới quá ồn ào huyên náo, có người vào núi rừng nghe tiếng gió thổi suối reo thì tâm liền yên tĩnh lại. Có người một mình độc ẩm một ấm trà cũng có thể khiến tâm trầm lắng xuống…

Vậy thì, 10 nhã sự sau cũng là những phương pháp tốt mà người xưa sử dụng để tĩnh tâm, hiểu sâu hơn về cuộc sống.

1. Thắp nén hương thơm, nội tâm tĩnh lặng lại

Thắp hương kính Thần Phật, kính Trời Đất, từ cổ xưa đến nay đã là một phương thức khiến cho con người có được thân tâm tự nhiên yên tĩnh. Người xưa đọc sách, đọc sách của Thánh nhân, thường thắp hương thờ kính bậc Thánh giả. Cùng với làn hương thơm lan tỏa, thân tâm dần tĩnh lại, thành tâm đọc sách của Thánh nhân, học tập thu được nhiều lợi ích.

Có người thích trước khi pha trà thắp một nén hương, khiến thân tâm nhanh chóng bình lặng trở lại, bởi vì tâm tĩnh mới có thể cảm thụ được dư vị đích thực của trà.

Dâng hương cũng cần biết tại sao dâng hương, thành tâm kính Thần Phật, kính Trời Đất, vô cầu vô dục, tự sẽ có Thần Phật bảo hộ, tự sẽ tĩnh tâm an tường.

Nếu vì dục vọng cầu xin mà dâng hương, tâm dục vọng chấp trước rất nặng, thì rất khó đạt được cái tâm bình lặng.

2. Đàn là khí cụ của Thánh hiền, quân tử

Trong “Cầm luận” đời Tống viết: “Chơi đàn như tham thiền, tháng năm ma luyện, dần dà tỉnh ngộ thì không gì là không thông tỏ, tung hoành diệu dụng tự tại có dư”.

Lý Chí đời Minh nói tiếp: “Cái đạo của âm thanh là có thể thông với thiền”. Cổ cầm là bộ phận quan trọng cấu thành văn hóa Á Đông. Nói đến đời sống âm nhạc của người xưa, chúng ta thường nghĩ đến “Trúc Lâm Thất Hiền” thời Ngụy Tấn. Họ sùng kính yêu chuộng Đạo Lão Trang, thường tụ tập gặp nhau trong rừng trúc, trong tiếng trúc reo chim hót, cùng nhau uống rượu làm thơ, sống cuộc sống tràn đầy âm nhạc và thi vị.

Kê Khang, đại sư cổ cầm đời Ngụy Tấn viết trong “Dưỡng sinh luận” rằng: “Càng nên điều tức tĩnh tâm, thường như băng tuyết trong tâm, nóng nảy cũng giảm thiểu trong tâm, không thể dùng náo nhiệt để gây hứng thú, sẽ càng sinh thêm nóng nảy vậy”. Đây chính là cái gọi là “Tâm tĩnh tự nhiên mát lành”, là phép điều dưỡng tinh thần trong các phép dưỡng sinh mùa hạ.

Dùng nhạc như dùng thuốc, âm nhạc có thể thư giãn thân thể, vui vẻ tâm hồn, lưu thông khí huyết, đả thông kinh lạc, giống như dùng thuốc điều dưỡng, có năng lực điều trị đối với thân thể người. Âm nhạc có thể khiến con người trong những ngày hè nóng nực tĩnh tâm, tĩnh khí, tự nhiên mát lành.

Nhạc khúc êm đềm điển nhã có thể nuôi dưỡng điều hòa tính tình. Trong cuộc sống, có thể ôm đàn gẩy một khúc là con đường tốt nhất tu dưỡng tinh thần và tính tình.

Xã hội hiện đại có những âm nhạc cuồng loạn. Thứ âm nhạc đó khiến con người cuồng loạn, mê loạn, mọi người tốt nhất là nên tránh xa.

Đàn là khí cụ của Thánh hiền, quân tử. (Ảnh: 69ys.com)

3. Chơi cờ không bằng xem cờ, vì người xem cờ không có cái tâm được mất

Thời xưa, người có học thức có địa vị thường chơi cờ để tiêu khiển giải trí, đồng thời cũng rèn luyện được năng lực suy xét toàn cuộc, tăng cường mưu lược bản thân. Do đó trong chợ, quán trà thường có người nhàn nhã chơi cờ tiêu khiển.

Sách “Nhàn tình ngẫu ký” của Lạp Ông có viết: “Chơi cờ không bằng xem cờ, vì người xem cờ không có cái tâm được mất”.

Nhưng xem cờ cũng có chỗ khó xử, xem cờ mà không nói là một loại thống khổ. Cổ họng cứ ngứa ngáy lạ kỳ, chỉ muốn nói ra mới sảng khoái.

4. Có sách chân phú quý, vô sự tiểu Thần Tiên

Có câu cổ ngữ rằng: “Có sách chân phú quý, vô sự tiểu Thần Tiên”. Văn nhân đọc sách của Thánh nhân có thể sánh với chân nhân thượng giới, Tiên phúc vô biên.

Kim Thánh Thán có nói: “Mặc áo hồng tụ xông hương đọc nhàn thư, đó chính là niềm vui lớn nhất đời người”. Người xưa đã sớm nhìn thấu đại Đạo nhân sinh, coi thanh tâm tu dưỡng là thành tựu lớn nhất của sinh mệnh mình.

Người xưa có nói: “Khí chất con người do Trời sinh ra, vốn khó thay đổi, duy chỉ có đọc sách mới có thể thay đổi khí chất”.

Người xưa cũng nói: “Chúng ta đọc sách, chỉ có 2 việc, một là việc tăng đức, việc nữa là việc tu nghiệp (tức là: gây dựng công tích sự nghiêp)”.

Xã hội ngày nay, thư tịch tạp nham loạn bậy, thậm chí sách xấu rất nhiều, sách tốt thì ít, nên người đọc cần lựa chọn kỹ. Sách tốt dạy người hướng thiện, dạy người trí tuệ, dạy người bản lĩnh, khiến con người có chỗ đứng trong xã hội, tạo phúc lợi cho xã hội, bản thân người đọc sách cũng có được hạnh phúc.

Người xưa có nói: “Khí chất con người do Trời sinh ra, vốn khó thay đổi, duy chỉ có đọc sách mới có thể thay đổi khí chất”. (Ảnh: wikipedia.org)

5. Thưởng thức tranh, con người sự vật giữa Trời Đất tự nhiên hài hòa

Thưởng thức tranh có thể khiến tâm cảnh con người chìm vào trong bầu không khí nghệ thuật, được hun đúc thấm đượm. Thưởng thức tranh ngoài việc khiến con người tăng thêm tri thức ra còn khiến tấm lòng rộng mở, tinh thần vui tươi sảng khoái, là ‘liệu pháp tinh thần’ của tâm bệnh.

Thưởng thức tranh xưa nay là một loại thưởng thức hưởng thụ cao nhã, có thể nuôi dưỡng tính tình, khiến thân tâm khỏe mạnh. Nếu nói thưởng thức tranh như liều thuốc tốt thì e rằng sẽ có người khó mà tin nổi. Kỳ thực thưởng thức tranh để trị bệnh xưa nay đều có.

Vương Ma Cật đời Đường có thơ rằng:

Viễn khán sơn hữu sắc,
Cận thính thủy vô thanh.
Xuân khứ hoa hoàn tại,
Nhân lai điểu bất kinh.

Tạm dịch:

Xa ngắm non sắc biếc,
Gần nghe nước vô thanh.
Xuân đi hoa còn đó,
Người về chim chẳng kinh.

Người xưa vẽ tranh, một cây bút, một tờ giấy, tung hoành phóng khoáng, tả ý trôi chảy thanh thoát. Người xưa vẽ tranh đều có ý sâu xa, ý tứ đặt bút, nét nào cũng đều có chủ ý.

Thưởng thức tranh cổ khiến con người yên tĩnh, chí hướng xa xôi, con người, sự vật giữa Trời Đất tự nhiên hài hòa, không ham dục, không tham vọng, tâm thái bình hòa, cảm giác như hòa nhập vào trong bức họa.

Xã hội ngày nay, con người lựa chọn đạo đức truyền thống là rất then chốt, vì đạo đức truyền thống có thể khiến con người bình an hạnh phúc.

Thưởng thức tranh xưa nay là một loại thưởng thức hưởng thụ cao nhã. (Ảnh: propr.info)

6. Thưởng hoa không hiểu rõ hoa thì khó đến được cảnh giới cao nhã

Hoa đẹp khó kiếm như cánh chim bằng trở về dưới ánh chiều tà. Cỏ hoa trắng muốt gửi mộng đẹp bay tới chân trời.

Các nước Á Đông có lịch sử văn hóa lâu đời, trong rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật, hoa là một đề tài quan trọng.

Các khúc nhạc cổ có “Xuân giang hoa nguyệt dạ”, “Mai hoa tam lộng”, “Ngọc thụ hậu đình hoa” v.v…

Thơ ca, hội họa lấy hoa làm đề tài thì nhiều không kể xiết, ngay cả các tác phẩm nghệ thuật truyền thống như thêu, gốm sứ thì các bức họa tiết hoa cỏ cũng là những đồ trang sức quan trọng.

Mọi người thưởng thức hoa, không chỉ thưởng thức vẻ đẹp tự nhiên sắc, hương, dáng vẻ, mà còn tổng hợp cảm thụ của bản thân đối với hoa, dành cho hoa một loại phong độ, phẩm đức. Từ xưa đã nói “không hiểu rõ hoa vân thì khó đến được cảnh giới cao nhã”.

Người thích lan yêu lan cao nhã thoát tục. Người thích cúc yêu cúc đứng độc lập trong thu lạnh. Người thích sen yên sen mọc từ bùn lầy mà không ô nhiễm. Người thích mai yêu mai ngạo nghễ trong gió lạnh chống chọi với tuyết sương.

7. Đêm lạnh khách tới trà thay rượu, lò trúc nước reo lửa rực hồng

Người Á Đông uống trà, chú trọng chữ “Thưởng”. “Thưởng trà” không những phân biệt trà tốt xấu mà còn có mang theo ý tưởng xa xôi và tình thú thưởng trà.

Chọn nơi thanh nhã yên tĩnh, pha một ấm trà thơm nồng, tự châm tự ẩm, gột sạch những phiền não, giúp ích cho tư duy, phấn chấn tinh thần, nhấp từng ngụm nhỏ, thưởng thức sự mỹ diệu thú vị của ẩm trà.

Trà không phân biệt giàu nghèo, cũng không phân biệt sang hèn, có thể đơn giản mộc mạc, cũng có thể đường hoàng tinh tế, rất thông tục, cũng rất cao nhã.

Dùng trà giải khát thanh tâm, trà còn dùng để tu dưỡng tính tình, biểu đạt thái độ khác nhau của mỗi cá nhân đối với trà. Kỳ thực cảnh giới mỗi người mỗi khác, không nói đến cao thấp khác nhau, mà mỗi người trong khi thưởng trà đều có truy cầu và yên định riêng của mình, có đắc đạo hay không thì hoàn toàn dựa vào ngộ tính.

Đêm lạnh khách tới trà thay rượu, lò trúc nước reo lửa rực hồng. (Ảnh: sohu.com)

8. Thưởng nguyệt, ước hẹn cùng trăng

Trong văn hóa truyền thống Á Đông, ánh trăng luôn luôn là tải thể của tư tưởng tình cảm nhân loại, ý nghĩa hàm chứa của trăng vô cùng phong phú.

Trong nhiều thơ ca vịnh trăng, thi nhân đem trăng hòa tan vào trong tư tưởng tình cảm nội tâm, đồng thời khiến trăng và tư tưởng tình cảm nội tâm cùng tỏa sáng lẫn nhau, sáng tạo ra rất nhiều ý cảnh thẩm mỹ ưu mỹ, và đưa chất lượng văn học, nội hàm tư tưởng và cảnh giới nghệ thuật nâng cao lên một trình độ cực cao.

Nơi đô thị ồn ào náo nhiệt rất cần những thứ thanh nhã này để cân bằng. Chúng ta thử tĩnh tâm xuống, học người xưa thắp hương thưởng trà đợi trăng ngắm thư họa.

Đợi trăng là có hẹn ước với trăng khi trăng nhô lên trong màn đêm. Tắm gội dưới ánh trăng, thụ hưởng cảnh đẹp này, tâm tình cũng dịu êm như nước.

9. Ngao du sơn thủy tìm nơi u tĩnh thăm thú danh lam

Người Á Đông du sơn ngoạn thủy không mang cái tâm chinh phục, mà là thưởng thức cái đẹp hàm súc thâm sâu u tịch thăm thẳm, sâu không thể dò của non nước.

Hãy thử tưởng tượng một buổi sáng trong lành, dạo bước bên ngoài ngôi chùa cổ kính, vầng dương nhô lên chiếu sáng khắp núi rừng. Con đường nhỏ uốn lượn quanh co dẫn đến một nơi u tĩnh, nơi các tăng lữ tụng kinh kính Phật thấp thoáng trong rừng cây hoa lá. Sắc núi sáng trong thanh tịnh đổ bóng xuống lòng hồ sâu trong vắt, khiến bao tục niệm trong tâm đều gột rửa sạch tinh.

Cái mà thiên nhiên vĩnh viễn có chính là cái tự do thuận theo đạo lý, quy luật. So với cõi hồng trần huyên náo không lúc nào ngơi nghỉ kia, thiên nhiên rộng lớn lặng lẽ luôn luôn có thể vỗ về an ủi lòng người.

Rũ sạch hồng trần, hòa đồng tĩnh lặng cùng thiên nhiên, đó chính là cái lãng mạn của tìm nơi u tĩnh.

Người xưa coi trọng tu thân cách vật, nuôi dưỡng tính tình, “Cùng tắc độc thiện kỳ thân. Đạt tắc kiêm thiện thiên hạ”, nghĩa là: “Khi khốn cùng thì khiến riêng bản thân mình tốt đẹp thiện lương. Lúc hiển đạt thì khiến cả thiên hạ tốt đẹp thiện lương”. Vừa có lý tưởng nhập thế, lại có tâm cảnh thoáng đạt xuất thế.

Rũ sạch hồng trần, hòa đồng tĩnh lặng cùng thiên nhiên, đó chính là cái lãng mạn của tìm nơi u tĩnh. (Ảnh: 69ys.com)

10. Thanh mai soi bóng trong chén rượu, say mở lòng, nhạt nồng đều vui thú

Người xưa nói: “Uống rượu cũng là một loại học vấn, không phải là việc ăn uống mà thôi”, và cũng nói: “Khi say càn khôn lớn, bầu rượu tháng ngày dài”.

Ta có một bầu rượu đủ gột rửa phong trần, đây chính là cái lãng mạn của uống rượu.

Người trí tuệ xưa nay, phần nhiều là trong cảnh giới vừa ngà ngà say nhận thức thế giới, triệt ngộ nhân sinh, tu luyện phẩm đức bản thân.

Rượu là một loại văn hóa, uống rượu truy cầu ý cảnh, không được uống loạn.

Sách “Thượng thư tửu cáo” có viết: “Không uống rượu thường xuyên, không uống rượu quá độ”. Trăng thanh gió mát, mưa bụi tuyết bay, hoa nở trước thềm, rượu vừa ủ tới, đều là những khoảnh khắc đẹp để uống rượu.

Phong nhã bắt nguồn từ nội tâm yên tĩnh, thanh đạm, lui mình ra khỏi bộn bề tất bật, từ nơi tạp niệm rối loạn lưu lại một không gian nhàn nhã thư thái. Tô Đông Pha có thơ rằng:

Giang sơn phong nguyệt,
Bản vô thường trú,
Nhàn giả tiện thị chủ nhân.

Tạm dịch là:

Non sông trăng với gió,
Vốn chẳng thể trường tồn,
Người nhàn đích thị ấy chủ nhân.

Nếu không có cái tâm nhàn thì nhã nương tựa vào đâu?

Theo Soundofhope
Nam Phương biên dịch

Exit mobile version