Trưởng thành không phải là dáng vóc cao lớn lên, mà là tinh thần ngày càng trầm ổn hơn, là có thể bằng lòng với thực tại mà không phải cố gắng vùng vẫy, thay đổi.

Có người nghĩ rằng trưởng thành có nghĩa là phải ngày càng trở nên lãnh đạm với mọi việc, trong lòng không còn bận tâm, tâm ý trở thành nguội lạnh. Nhưng tưởng vậy mà lại không phải như vậy.

Bởi vì trưởng thành chính là ôn hòa, nhu nhẫn, là dùng tâm thái trầm ổn mà đối đãi với thế giới bên ngoài.

Trưởng thành chính là đối với rất nhiều sự tình đều có thể buông tay, đều có thể dùng tâm từ bi, lòng lương thiện mà đối đãi.

Một người trưởng thành không phải là có thể xuất khẩu thành thơ, miệng nói ra đạo lý thâm sâu, mà là có thể làm cho người khác cảm thấy vô cùng thoải mái khi ở bên, không kiêu ngạo cũng không sàm nịnh.

Trưởng thành không phải là dùng thật nhiều đạo lý giảng giải ra để người khác phải nghe theo, mà là có thể giữ mình khiêm tốn, tu khẩu, chỉ nói những gì đáng nói.

Một người trưởng thành không phải ở chỗ đạt được thành tựu nhiều bao nhiêu, mà là ở việc đối diện thế nào với thói xấu của chính mình. Họ có thể trong mâu thuẫn mà không hùa theo người khác hay không, có thể gạt bỏ những hiểu lầm, mở miệng cười tan mọi oán thù hay không?

Trưởng thành không phải ở việc bạn bao nhiêu tuổi, mà là bạn có thể gánh vác được nhiều hay ít.

Ảnh: Pic2.

Tô Đông Pha, học giả nổi tiếng thời Bắc Tống chính là một ví dụ về trưởng thành. Trong cả cuộc đời mình, dù phải chịu muôn ngàn phong ba bão táp, chưa lúc nào Tô Đông Pha mất đi phong thái trầm tĩnh, tiêu diêu tự tại của mình.

Vốn là người cương trực, thẳng thắn, Tô Đông Pha chỉ trích mạnh mẽ Biến pháp của Vương An Thạch và Tân đảng. Là người tín Phật tu Đạo, nhân hậu, lương thiện, ông gọi những biện pháp kinh tế hà khắc mà Vương An Thạch vạch ra là tranh cái lợi với bách tính, nhất quyết phản đối đến cùng. Cũng vì cương nghị như vậy, ông trở thành cái gai trong mắt Tân đảng, bị giáng chức, phải chịu đày ở xứ Hoàng Châu hẻo lánh, xa xôi.

Tới đây, thấy phong cảnh hữu tình, giang sơn cẩm tú, ông liền quên hết mọi nỗi uất hận, bất bình của kiếp lưu đày, dựng căn nhà tranh bên sông, sống đời ẩn sĩ, không có gạo ăn thì tự cấy cày, sống vô cùng vui vẻ. Cuộc sống lưu đày không khiến ông trở nên bất mãn. Dù hoài bão giúp dân giúp nước chẳng được thực thi, ông vẫn tận hưởng từng phút giây tiêu dao tự tại trên mảnh đất biên cương sỏi đá. Ngày ngày, Tô Đông Pha đọc sách, ngâm thơ, vẽ tranh, viết thư pháp lại trồng rau, đào giếng, cày ruộng, vui với cảnh điền viên.

Khí chất, phong độ của Tô Đông Pha thực khiến hậu nhân kinh ngạc, kính phục vậy.

Bạn đang đọc bài viết: “Trưởng thành là dùng tâm thái ôn hòa mà đối đãi với vạn sự thế gian” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! 

 

Từ Khóa: