Khách sạn kiểu nhà nghỉ cổ truyền của Nhật Bản với sàn lót chiếu tatami, giường trải nệm và phục vụ ẩm thực địa phương, Hoshi Ryokan được thành lập vào năm 718, được xem là một trong những khách sạn lâu đời nhất thế giới, với tuổi đời lên đến 1300 năm. Nó thuộc về duy nhất một gia tộc đã tồn tại 46 thế hệ. Bí quyết gì đã giúp khách sạn này trường tồn mãi với thời gian như vậy?
Nguồn gốc về vị nhà sư xây dựng nên Hoshi Ryokan
Từ cái tên ‘Hoshi’ Ryokan (‘Hoshi’ có nghĩa là ‘nhà sư’), đã có thể nhận ra mối tương duyên giữa người xây dựng khách sạn với vị nhà sư tu hành. Trong những năm kỷ nguyên Nara (năm 710 – 794), ở Nhật Bản, có một cao tăng đắc đạo được rất nhiều người kính ngưỡng, nhà sư Taicho Daishi, trong suốt cuộc đời, thành tựu lớn nhất chính là ông đã xây dựng hơn 120 miếu thờ, chùa chiền.
Một hôm, đại sư đi đến ngọn núi Hakusan, xem xét liệu có thể xây dựng một ngôi chùa ở đây hay không. Nhờ sự giúp đỡ của người dân, ông đã lên đến đỉnh ngọn núi, nhưng ông phát hiện ngọn núi này quá hẻo lánh, dù có xây dựng chùa thì sợ rằng cũng chả có mấy ai sẽ lên đấy thắp hương bái Phật.
Trong lúc đi xuống, ông vô tình phát hiện một dòng suối nước nóng nằm sâu trong khu rừng rậm, hơi nóng tỏa ra đánh bay cái lạnh rét buốt, ông cảm giác mỏi mệt toàn thân được quét sạch. Ông nghĩ đến, nếu nhiều người hơn nữa biết đến dòng suối nước nóng này, cũng là một cách giúp đỡ cho người dân. Vì thế ông đã quyết định dựng một quán trọ ở đây.
Một bài đăng trên trang web Easy Woyage của Anh chia sẻ lý do đại sư Taicho Daishi lại đi đến ngọn núi Hakusan là bởi ông nhận được lời dụ của Thần. Điều đó tựa như năm 366, Lạc Tôn hòa thượng được Thần chỉ định nên đã quyết tâm xây dựng các hang động tại hang Mạc Cao, còn được gọi là hang Đôn Hoàng. Có một buổi tối, đại sư Daishi nằm mơ có một vị Thần tiến đến nói với ông: “Cách chân núi Hakusan 5 đến 6 dặm có một thôn trang, ngày xưa, Phật Dược Sư từ bi đã lưu lại nơi đó một ngọn suối nước nóng vô cùng linh nghiệm, thôn dân ở đó chưa có phát hiện ra. Con hãy lên đường, đi tìm nguồn nước suối ấy, cùng thôn dân đào ngọn suối, ngày sau sẽ vĩnh viễn bảo vệ người dân ở đó”.
Sau khi tỉnh lại, ông liền dẫn dân làng đi đào suối, để cho con trai thứ hai của đệ tử mình, cũng là nhà sư tham gia xây dựng và phụ trách quản lý quán trọ. Từ đó vị trí này cứ tiếp tục truyền lại cho con trưởng các đời, đều lấy tên là Hoshi Ryokan. Nếu không có con trai trưởng thì có thể truyền lại cho con rể, nhưng người đó phải ở rể thì mới được truyền.
Từ sau khi quán trọ xây sửa xong, người ta đồn rằng: “Một lần ngâm dung mạo trở nên đoan chính, hai lần ngâm vạn bệnh tiêu trừ”, người dân từ khắp các nơi đổ xô tìm đến ngọn suối thần diệu này. Đặc biệt hơn nữa, ngọn suối này mỗi đời lại do một vị nhà sư kế thừa, tiếp tục hoằng dương Phật Pháp.
Quán trọ rất được người trong hoàng tộc ưa thích
Tiến vào bên trong quán trọ, vừa bước qua cửa chính, liền trông thấy một tấm bảng thư pháp, nét chữ cứng cáp “Pháp Thọ Trường”, trần nhà được những cột gỗ to, trạm trổ ngang dọc đan xen, giữ vững mái nhà. Phòng thưởng thức trà ấm áp mà tao nhã, thanh lịch. Vườn cây xanh mát với cây tùng to lớn tỏa bóng mát, cầu đá và ao nước làm điểm nhấn, đặc biệt ở đây có cây tùng và cây sam cao lớn do người hoàng tộc đích thân trồng trọt.
Khách sạn được xây dựng từ 4 tòa nhà, được đặt tên theo 4 năm, tổng cộng có 100 phòng, bên trong và bên ngoài đều có bồn tắm suối nước nóng chạy quanh, trong khách sạn cung cấp rất nhiều các loại dịch vụ khác nhau. Tường của khách sạn được sơn màu son đỏ thắm cùng màu xanh nhạt. Nghe nói, ở thời đại phong kiến, đây là hai loại màu chỉ có quý tộc mới được dùng. Hoshi Ryokan rất được lòng người trong giới quý tộc nên mới được đặc cách sử dụng loại màu này.
Bí mật đằng 1300 năm tuổi thọ
Từ đời đệ tử đầu tiên được đại sư Taicho Daishi lựa chọn, đến nay, Hoshi Ryokan đã trải qua 46 đời con cháu phụ trách kinh doanh. Mọi người vẫn luôn tò mò bí quyết nào giúp khách sạn tồn tại lâu như vậy? Ngoại trừ vị trí ở sâu trong núi rừng, cách xa chiến tranh, ôn dịch, thảm họa thiên tai v.v. thì trọng yếu nhất nằm ở “Tích thiện, tích đức, không tích tiền tài”.
Trong một bài phỏng vấn, thành viên gia tộc có chia sẻ, mọi người không thể tùy tâm mà sống như những người bình thường khác, tất cả thời gian của họ đều là vì khách mà suy tính. Người đứng đầu gia tộc chia sẻ: “Tôi chỉ khóc duy nhất một lần vào kỳ nghỉ giáng sinh đầu tiên, sau đó, tất cả mọi người đều nói với tôi rằng, sau này tôi sẽ tiếp quản khách sạn này. Và rồi tôi yêu những gian phòng ở đây, nơi các bạn có thể vui vẻ chơi đùa và nghỉ ngơi”.
Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên đài BBC của Anh, người quản lý đương nhiệm có chia sẻ về quá trình vận hành khách sạn: “Tôi thường xuyên nhắc nhở nhân viên phải đem đình vườn chú ý sửa sang lại, suối nước nóng phải kiểm tra kỹ, nguyên liệu nấu ăn chuẩn bị thật cẩn thận. Nơi đây còn được chọn để bảo quản vật phẩm quý giá, vì vậy phải luôn cẩn thận, trân trọng, khi trả lại vật phẩm phải nguyên vẹn mười phân vẹn mười”.
Ông còn chia sẻ thêm: “Làm việc cũng luôn phải nhớ lấy sơ tâm, vì sao xây dựng khách sạn này, để bản thân giống như dòng suối nước nóng kia, cố gắng giúp đỡ người khác, suy nghĩ cho người khác nhiều hơn. Vĩnh viễn ghi nhớ lấy ‘Uống nước nhớ nguồn’, phải bảo vệ môi trường”. Ông còn nói thêm: “Ví dụ như những quán trọ suối nước nóng khác, họ chỉ nhìn được cái lợi trước mắt, khi phát hiện suối nước nóng đang dần cạn kiệt sẽ dùng bơm rút nước nóng từ độ sâu 100m. Nhưng ở đây chúng tôi không làm thế và cũng không được làm thế, cùng lắm chỉ được phép rút 10m là đủ rồi”.
Năm 2013, sau khi con trai cả của ông bất ngờ qua đời, vì giữ đúng lời hứa với con trai, mỗi ngày đúng 6h45, ông sẽ dành ra một giờ đồng hồ tại phòng khách, giảng về văn hóa truyền thống địa phương, lịch sử để khách nghỉ có thể lĩnh hội được vẻ đẹp truyền thống, vẻ đẹp bao la, hùng vĩ của tự nhiên đồng thời thể nghiệm được những giá trị nhân văn tốt đẹp.
Gia chủ mỗi đời luôn tuân theo truyền thống “kính trời đất, yêu con người”, cũng chính là quy tắc “Tích đức không tích tiền bạc”. Đây chính là bí quyết khách sạn suối nước nóng này trường thọ hơn 1300 năm nay, không chỉ luôn giữ gìn được nguồn suối nước nóng không cạn kiệt theo thời gian, bảo vệ lịch sử mà còn lưu được lòng của mỗi vị khách “quá giang” nơi đây.
Trâm Anh
Theo Epochtimes
Video: Đạo đức nghề nghiệp đưa con người đến chỗ tôn nghiêm