Đại Kỷ Nguyên

Truyện cổ Andersen: Một chuyện có thật – Lời đồn không buông tha ai, kể cả người đức hạnh nhất

Hans Christian Andersen là nhà văn nổi tiếng thế giới người Đan Mạch chuyên viết truyện cổ tích. Truyện của Andersen vừa mơ mộng tưởng tượng lại vừa hiện thực. Thế giới nhân vật trong truyện của ông vừa có những con người trong đời thực ở mọi tầng lớp, vừa có những nhân vật tưởng tượng hoặc lạ lùng như: nàng tiên cá, Bà Chúa Tuyết…, vừa có những đồ vật, đồ chơi ngộ nghĩnh như chú lính chì, đồng silinh bạc, con lợn ống tiền…, lại có cả động thực vật như chim họa mi, chim thiên nga, cây lúa mạch, cây thông…

Phong cách ấy biến những câu chuyện cổ tích của ông thành một dạng giống như ngụ ngôn. Truyện của ông đầy chất thơ và tưởng tượng phong phú nên cuốn hút trẻ nhỏ. Nhưng dưới hình thức mơ mộng ấy, nó hàm chứa cái nhìn sâu sắc và nhân ái của Andersen về cuộc đời, về con người, về tôn giáo với những triết lý nhân sinh rất thâm thúy hấp dẫn cả người lớn. Đó là yếu tố biến truyện cổ tích Andersen trở thành độc nhất vô nhị trong kho tàng cổ tích của nhân loại. Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài giới thiệu và phân tích những tác phẩm tiêu biểu của ông.

***

Tin đồn là vậy, nó không buông tha ai cả, kể cả những người đức hạnh nhất. Cuối cùng, đến ngay cả nhân vật chính cũng không còn nhận ra được câu chuyện của mình nữa.

“Một chuyện có thật”

“Thật là một câu chuyện rùng rợn!” – Mụ gà mái già ở bên làng, nơi diễn ra tấn thảm kịch kêu lên như vậy. Sân khấu của câu chuyện rùng rợn ấy là một cái chuồng gà. Thật là đêm qua tôi sợ chẳng dám ngủ một mình. May sao chúng tôi lại đậu đông cả trên cùng một cầu.

Rồi mụ bèn kể lể sự biến ấy với một giọng làm cho cử toạ, kể cả lão gà sống có bộ mào rủ, cũng phải sợ dựng đứng cả lông lên.

– Việc ấy xảy ra trong chuồng gà, bên cạnh chuồng tôi. Mặt trời lặn, bọn gà mái leo cả lên cầu. Trong bọn có cô ả lông trắng, chân ngắn, đẻ trứng rất đều, và xưa nay chưa từng có điều tiếng gì. Leo lên đến cầu, ả ta bèn lấy mỏ rỉa lông. Một cái lông nhỏ rơi ra, ả lẩm bẩm: Thế là mình lại rụng mất lông rồi! Ả có tính hay nói đùa; ngoài ra, như tôi đã nói, chả ai chê trách được ả ta điều gì. Sau đó ả ta ngủ thiếp đi.

Trời tối đen như mực. Bọn gà mái đậu xít vào với nhau. Một đứa, đậu gần ả mái trắng vừa nói lúc nãy, không ngủ. Mơ màng nghĩ cách sung sướng trên đời này, nó đang muốn chuyện gẫu tí chút với một đứa bạn.

– Này, đằng ấy có nghe người ta nói gì không? Tớ không muốn chỉ đích danh, nhưng một cô ả vừa thú nhận rằng đã chải lông làm đỏm. Tớ mà là gà sống thì cứ là tớ khinh đứt!

Ả gà mái thích buôn chuyện. (Ảnh minh họa: Họa sỹ Edgar Hunt)

Ngay trên đầu lũ gà có vợ chồng con cái nhà cú mèo. Cả cái gia đình ấy đều rất thính tai và đã nghe thấy hết cả mọi chuyện. Cú con, mắt trợn tròn xoe, còn cú mẹ thì vỗ cánh phành phạch. Mụ bảo các con:

– Không nên rình mò nghe chuyện của ai cả. Nhưng dẫu sao ta cũng e rằng chúng bay nghe thấy cả rồi. Chính ta cũng nghe thấy hết, vì còn đôi tai thì còn vô khối là chuyện phải nghe. Dưới kia, có một cô ả gà mái mất giống đến nỗi rỉa lông để chài gà sống.

Cú đực bảo vợ:

– Coi chừng bọn trẻ con đấy. Đừng có để cho chúng nghe những chuyện ấy.

Cú mẹ đáp:

– Ừ, tôi chỉ muốn kể lại cho chị cú mèo nghe ngay bên cạnh đấy thôi. Bạn thân nhất của tôi đấy.

– Hu hú! Cả hai mụ cú mèo vừa bay về phía chuồng chim vừa rúc lên – Hu hú! Có một ả gà mái nhổ tiệt cả lông để làm đỏm với gà sống. Phen này thì cứ gọi là chết rét chứ chẳng chơi.

Đàn bồ câu gù lên:

– Ở đâu thế? Ở đâu thế?

– Trong chuồng gà bên kia kìa! Việc này gần như chính tôi được trông thấy. Kể lại thì hơi khó, nhưng chuyện này có thật đấy.

Bồ câu gật gù:

– Bọn tôi tin các bác chứ!

Rồi chúng đem ngay câu chuyện sang chuồng gà bên cạnh. Chúng kể lể rằng:

– Có một mụ gà mái, người thì bảo hai cơ đấy, muốn làm ra vẻ khác thường, nhổ tiệt cả lông đi để chài gà sống. Thật là một trò chơi nguy hiểm. Như thế có thể bị cảm lạnh, hoặc lên cơn sốt, thậm chí có thể chết, và quả là cả hai đứa cũng đã chung số phận ấy rồi.

– Dậy đi thôi!

Gà sống vừa bay tót lên mái chuồng vừa gáy vang lên. Lão còn hơi ngái ngủ, nhưng lão vẫn bô bô lên:

– Có ba ả mái tơ… thất tình với một gà sống, đã chết vì đau khổ… Các cô ả đã tự vặt tiệt cả lông đi. Thật là khủng khiếp. Tôi thấy cần phải loan báo cho bà con biết chuyện này.

Gà sống bay tót lên mái chuồng cao hứng gáy. (Ảnh minh họa: trieuart.com)

Tất cả quang quác lên:

– Kể tiếp đi! Kể tiếp câu chuyện đi!

Bọn gà sống gáy om lên.

Thế là câu chuyện truyền từ chuồng gà này sang chuồng gà khác và cuối cùng lại trở về nơi xuất phát. Người ta đồn rằng:

– Có năm ả gà mái đã tự vặt tiệt cả lông đi để thi xem đứa nào gầy mòn đi nhất vì tương tư một anh gà trống. Sau đó chúng đánh nhau, máu me đầm đìa rồi chết cả nút. Thật là điếm nhục gia phong và lại còn thiệt hại lớn cho nhà chủ nữa.

Ả gà mái lúc đầu đã đánh rụng một cái lông con, bây giờ không nhận ra được đấy là chuyện của chính mình, vốn đứng đắn, ả ta kêu lên:

– Nhục nhã thay cho những mụ gà mái ấy! Cũng may là cái hạng gà như thế cũng chả có mấy! Phải phổ biến rộng rãi câu chuyện này ra mới được, ta sẽ làm đủ mọi cách để truyền câu chuyện này ra nước ngoài. Thật là đáng kiếp cho những quân khốn nạn ấy!

Thế là câu chuyện được đăng dưới nhan đề:

“Một chuyện có thật”

Các bạn đã thấy chưa? Chỉ có một cái lông gà con thôi mà thành ra năm con gà mái được cơ đấy!

(Theo “Một chuyện có thật” – Andersen)

Mạn đàm

Những người hay nói câu: “Chuyện nhỏ như cái lông hồng” có khi cũng nghĩ lại khi đọc câu chuyện này. Có thể nhiều câu chuyện chỉ bắt đầu với những tình tiết nhỏ như sợi lông, nhưng qua lưu truyền, thì nó to như cái đình. Nhưng ai cũng quả quyết rằng nó là “một chuyện có thật”.

Người Việt chúng ta có câu: “Tam sao thất bản”. Một văn bản gốc qua 3 lần sao chụp lại hay chép lại đã mất đi nội dung, ý nghĩa ban đầu của nó. Một câu chuyện được truyền miệng qua vài ba lượt thì đã thành câu chuyện khác rồi. Khi người kể chuyện không trực tiếp chứng kiến câu chuyện mà lại nghe lại từ một người kể chuyện khác. Người kể chuyện kia lại nghe lại từ một người kể chuyện khác nữa… Cứ thế, thì người ta gọi nó là tin đồn.

Vì sao người ta lan truyền tin đồn? Truyện đã cho ta câu trả lời.

Chị gà mái đầu tiên đưa chuyện là vì chị ta vừa muốn tán gẫu, lại có dịp chứng tỏ đức hạnh của mình khi nói về lỗi lầm tưởng tượng của người khác.

Cú mèo và bồ câu thì đem câu chuyện làm quà, để thể hiện rằng mình nhanh nhạy, thạo tin.

Tay gà trống mơ ngủ thì có lẽ thấy câu chuyện có lợi cho danh giá của giới gà trống, bọn gà trống cũng gáy om lên để hưởng ứng hắn ta. Đó là những tay ưa náo nhiệt.

Và ai cũng tự ý thêm mắm dặm muối vào câu chuyện cho thêm phần kịch liệt giật gân. Người nghe tròn mắt há miệng càng to thì người kể lại càng thấy mình là quan trọng.

Thế mà, ai cũng quả quyết rằng chuyện mình kể là có thật, “gần như chính tôi được trông thấy”.

Ai cũng tự ý thêm mắm dặm muối vào câu chuyện. Thế mà, ai cũng quả quyết rằng chuyện mình kể là có thật… (Ảnh: họa sỹ Edgar Hunt)

Tin đồn là vậy, nó không buông tha ai cả, kể cả những người đức hạnh nhất. Một chị gà mái “đẻ trứng rất đều, và xưa nay chưa từng có điều tiếng gì… chả ai chê trách được ả ta điều gì” cũng có thể là đối tượng của tin đồn ác ý.

Cuối cùng, đến ngay cả nhân vật chính cũng không còn nhận ra được câu chuyện của mình nữa. Chị ta tưởng là chuyện của ai, và còn tiếp tay thêm cho việc lan truyền câu chuyện ở cấp độ rộng lớn hơn. Ra cả quốc tế cơ đấy.

Tin đồn tồn tại ở mọi giới và dưới nhiều hình thức, thậm chí đến cả những giới nghiêm cẩn nhất là giới tu luyện cũng có tin đồn. Một hình thức của tin đồn khó nhận thấy đó là có nhiều sư tăng diễn giải Kinh Phật theo cách hiểu của mình rồi tự ý bảo rằng chính là Phật nói thế. Rồi có nhiều người tin theo và đi lan truyền điều đó. Phật mà cũng bị oan như vậy đấy.

Của đáng tội, không phải ai cũng chủ ý lan truyền tin đồn sai lạc, xuyên tạc. Một phần nguyên nhân của thông tin sai lạc, đó là những người truyền tin không hiểu đúng, không biết cách dùng đúng ngôn từ, văn tự. Thính tai như cú mèo mà còn nói sai nữa cơ mà.

Bởi vậy, lối viết văn của phương Tây cũng có điều đáng học tập. Đó chính là yêu cầu trích dẫn nguồn chính xác của lời nói hay văn bản tài liệu trong khi mình truyền đạt thông tin. Ấy là cách bảo lưu trung thực nguồn tin, giúp cho người đọc, người nghe được tiếp cận nguồn thông tin gốc, hạn chế tin đồn, xuyên tạc và hiện tượng “tam sao thất bản”. Khi ấy, ta mới mong đọc được, nghe được “một chuyện có thật”.

Rốt cuộc, theo ý của Andersen thì chuyện nào là có thật? Đương nhiên hình ảnh “năm ả gà mái đã tự vặt tiệt cả lông đi để thi xem đứa nào gầy mòn đi nhất vì tương tư một anh gà trống. Sau đó chúng đánh nhau, máu me đầm đìa rồi chết cả nút” là không có thật. Mà bản tính thích thị phi của con người là có thật. Đó chính là “một chuyện có thật”.

Lí Chình

Exit mobile version