Tôi đã oán trách mụ vợ tham lam, nanh ác bao nhiêu, thì thương xót cho ông lão đánh cá hiền lành, lương thiện bấy nhiêu. Tuy nhiên, sau này tôi nhận ra: kết cục trở về với máng lợn vỡ là xứng đáng với ông…
Câu chuyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng”
Xưa kia, ở một bờ biển rất rộng lớn nọ, có một ông lão làm nghề đánh cá cùng chung sống với người vợ của mình trong túp lều rách nát, tồi tàn. Mỗi ngày, ông lão đem lưới ra biển thả để bắt cá, còn bà vợ thì lại ở nhà dọn dẹp và kéo sợi.
Vào một ngày kia, vẫn như thường lệ, ông lão lại vác lưới ra biển thả. Tuy nhiên, hôm nay vận may lại không mỉm cười với ông: lần đầu tiên ông kéo lưới, bên trong chỉ toàn là đất với đất; lần thứ hai kéo lưới lên thì bên trong chỉ duy nhất có một cây rong biển mà thôi; còn lần kéo lưới thứ ba, trong lưới của ông có con cá vàng bị mắc. Khi ông lão gỡ cá vàng ra khỏi lưới thì cá vàng đột nhiên cất tiếng nói, nó van xin:
– Ông lão đánh cá ơi! Ông hãy làm ơn làm phước mà thả cho tôi được trở lại biển, tôi hứa sẽ trả ơn xứng đáng cho ông, dù ông muốn cái gì thì tôi cũng sẽ đồng ý cả!
Nghe cá vàng khẩn thiết cầu xin như vậy, ban đầu ông lão ngạc nhiên lắm, sau thì lại xúc động vô cùng. Ông lão thả cá vàng xuống biển và nói:
– Mong rằng trời đất phù hộ ngươi! Ngươi hãy mau trở về bên mẹ biển cả của mình mà thỏa sức vùng vẫy. Ta đây chẳng đòi hỏi thứ gì của ngươi đâu!
Và rồi ông lão đành tay không mà trở về nhà. Khi ông lão về tới nhà, ông đem câu chuyện về con cá vàng kể lại cho bà vợ nghe. Bà vợ nổi giận, mắng ông lão té tát:
– Cái ông già ngu ngốc này! Đáng lý ra ông phải yêu cầu con cá đó cho mình thứ gì để trả ơn chứ. Ít ra thì ông cũng nên đòi lấy cái máng lợn mới, hãy nhìn xem, cái máng lợn của nhà mình vỡ gần hết rồi kia kìa.
Nghe bà vợ chửi mắng một hồi, ông lão đành phải lủi thủi đi ra ngoài biển để tìm cá vàng. Ngoài biển tĩnh lặng, những con sóng cứ lăn tăn chạy vào bờ. Ông lão chỉ vừa cất tiếng gọi, cá vàng liền ngoi ngay lên trên mặt biển. Khi nghe ông lão bộc bạch hết mọi chuyện thì cá vàng mới niềm nở mà bảo ông rằng:
– Ông lão đánh cá ơi, ông đừng lo lắng nhé! Ông hãy về đi, ông sẽ có được cái máng lợn mới ngay thôi!
Nói xong thì cá vàng cũng lặn sâu xuống biển. Khi ông lão về nhà, ông rất vui mừng vì đã nhìn thấy trước chuồng lợn có cái máng lợn mới tinh. Tuy nhiên, ông lão chẳng vui mừng được lâu thì bà vợ của ông đã quát lớn:
– Đồ ngu ngốc! Sao lại chỉ đòi có cái máng lợn thế, ông phải đòi lấy một ngôi nhà rộng rãi chứ?
Nghe vợ kêu gào, ông lão ấy lại phải ngậm ngùi đi ra biển để tìm cá vàng lần nữa. Lúc này biển xanh đã nổi những đợt sóng ào ạt. Chẳng đợi ông lão gọi mình, cá vàng đã nhanh chóng ngoi lên trên mặt nước và cất lời chào. Ông lão lại kể lại toàn bộ việc mụ vợ của ông muốn có được một ngôi nhà mới rộng rãi hơn. Khi nghe xong, cá vàng bảo ông:
– Ông lão đánh cá ơi! Trời nhất định phù hộ gia đình của ông, ông cứ về đi, mụ vợ của ông sẽ có ngay ngôi nhà lớn thật đẹp.
Dứt lời, cá vàng liền hòa mình vào trong nước xanh mà biến mất. Khi ông lão trở về, túp lều cũ nát ngày xưa đã không còn nữa, giờ đây ở chỗ ấy là ngôi nhà to đẹp, còn có lò sưởi nữa. Lúc ấy, mụ vợ của ông lão đang ngồi bên cửa sổ, khi nhìn thấy ông lão trở về thì mụ ta lại cất cao giọng mà mắng nhiếc đủ điều:
– Đúng là đồ ngu! Tôi chưa từng thấy người nào mà lại ngu ngốc như ông nữa đấy. Tôi muốn làm nhất phẩm phu nhân, vì thế ông mau trở lại biển và nói cho con cá vàng kia biết.
Không còn cách nào khác cả, ông lão đánh cá khốn khổ ấy lại phải lóc ca lóc cóc đi ra biển để gọi cá vàng. Hiện giờ thì biển xanh đang nổi sóng vô cùng dữ dội. Khi cá vàng ngoi lên, ông lão nói cho cá biết về mong muốn mà mụ vợ của ông vừa nói. Khi nghe xong, cá vàng lại ân cần mà an ủi ông vài lời:
– Ông lão cũng không cần lo lắng quá đâu! Ông cứ về đi, chắc chắn trời cao phù hộ ông mà!
Lúc về tới nhà thì mụ vợ của ông lão đã biến thành một nhất phẩm phu nhân theo đúng ý muốn. Trên người mụ khoác một bộ quần áo rất sang trọng, trên cổ đeo một chuỗi ngọc trai, trên tay thì lấp lánh những chiếc nhẫn vàng, dưới chân mụ là đôi giày bằng nhung đỏ đắt tiền. Ở trong nhà cũng xuất hiện không biết bao nhiêu là người hầu kẻ hạ. Và ông lão cũng cất tiếng mà chào hỏi:
– Kính chào nhất phẩm phu nhân…
Nhưng ông chẳng được nói hết câu, mụ vợ của ông lại bắt đầu chửi rủa, mắng nhiếc đủ điều. Sau đó còn bắt ông lão phải đi dọn dẹp chuồng ngựa cho mình. Thời gian trôi đi, ông lão phải sống một cuộc sống vất vả của một người hầu kẻ hạ trong chính ngôi nhà của mình. Rồi một hôm nọ, mụ vợ của ông lão lại cho gọi ông tới. Lúc nhìn thấy ông thì mụ lại giận dữ mà hét lớn:
– Giờ ta không thích làm nhất phẩm phu nhân. Bây giờ ta muốn được trở thành nữ hoàng của vương quốc này. Ngay lập tức, ngươi hãy ra biển và bảo với con cá kia như vậy.
Ông lão đánh cá tội nghiệp cũng đành phải quay đầu, bước đi lặng lẽ tiến dần ra biển. Lúc này thì biển xanh đang nổi sóng mịt mù. Đây là lần thứ tư ông lão phải cất tiếng gọi cá vàng. Từ giữa những cơn sóng dữ dội, cá vàng bơi lên trên mặt nước và hỏi:
– Ông lão đánh cá ơi! Ông có chuyện gì vậy?
Ông lão thật thà kể lại chuyện mụ vợ của ông đang nổi điên lên ở nhà và muốn được thành nữ hoàng, ông lão còn kể cả chuyện mụ ta tát vào mặt của ông nữa… Cá vàng yên lặng mà lắng nghe câu chuyện của ông lão tội nghiệp, sau đó cũng an ủi lão:
– Ông lão cũng đừng lo nữa. Tôi nhất định sẽ nói trời phù hộ ông, và mụ vợ của ông chắc chắn sẽ được làm nữ hoàng như đúng ý muốn của bà ta.
Khi về tới nhà, ông lão vô cùng sửng sốt vì nhìn thấy ngôi nhà trước đây giờ đã biến thành một cung điện tráng lệ, nguy nga ngoài sức tưởng tượng, còn mụ vợ của ông thì đã trở thành nữ hoàng và đang ngồi tham gia tiệc tùng. Ở xung quanh có không biết bao nhiêu cung nữ, người rót rượu, kẻ dâng bánh… Còn có cả đám vệ binh được trang bị gươm giáo tuốt trần, đang đứng chỉnh tề hầu bên cạnh. Nhìn thấy cảnh này, ông lão vừa bất ngờ vừa sợ hãi, ông khúm núm cúi rạp cả người xuống đất để chào hỏi người vợ của mình:
– Thưa nữ hoàng, giờ thì người hài lòng chưa?
Nhưng mà mụ vợ chẳng mảy may đếm xỉa tới lời nói ấy của ông lão, mụ ta lập tức hạ lệnh cho đám lính đuổi ông lão ra khỏi cung điện của mình. Toán vệ binh lập tức tuốt gươm giáo ra và xông tới khiến cho ông lão sợ đến mức run cầm cập, mặt mày tái mét… Nhiều người chứng kiến cảnh này thì lên tiếng mỉa mai, chế giễu ông lão:
– Cho đáng đời! Như thế thì mới sáng mắt ra được, lần sau đừng thấy người sang rồi lao đến bắt quàng làm họ.
Chỉ được một thời gian thì mụ vợ của ông lão đánh cá lại nổi giận, mụ ta sai đám lính của mình đi tìm ông lão và đem đến cho mình. Vừa trông thấy ông lão ngoài cửa, mụ đã la lối om sòm:
– Lão già ngu ngốc kia, ngươi mau ra biển và tìm con cá kia, hãy nói cho nó biết ta chán làm nữ hoàng rồi. Giờ ta muốn trở thành Long Vương dưới Long Cung, và con cá đó phải hầu hạ, nghe lời của ta!
Đây là lần thứ năm mà ông lão khốn khổ phải ra biển để tìm cá vàng. Khi ông lão cất giọng gọi cá thì mặt biển đột nhiên nổi lên những cơn sóng dữ ầm ầm, một cơn dông từ đâu ập tới. Nhưng chẳng giống những lần trước, lần này ông lão gọi được một lúc thì cá vàng mới bơi lên trên mặt nước. Ông lão lại thành thật mà kể lại chuyện mụ vợ của ông muốn được làm Long Vương. Lần này thì cá vàng chẳng thèm nói lời nào, nó lẳng lặng mà lặn sâu xuống dưới biển.
Thấy vậy thì ông lão cũng bất ngờ lắm, nhưng chẳng biết phải làm sao cả, vì vậy cứ tần ngần đứng trên bờ cùng với tiếng sóng đang gào thét. Ông chờ đợi hồi lâu nhưng chẳng thấy gì, vì vậy đành phải quay trở về.
Nhưng, một điều khiến ông sửng sốt đã xảy ra, cung điện nguy nga tráng lệ đã không còn nữa. Chỉ còn túp lều cũ nát và xập xệ khi xưa, còn mụ vợ của ông thì đang ngồi bên cái máng lợn vỡ.
(Alexander Pushkin, theo doctruyencotich.com)
Có Dũng mới làm được người Thiện lương
Thuở bé, khi nghe mẹ kể cho nghe câu chuyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, tôi thầm trách mụ vợ quá tham lam đến mất trí, từ địa vị nữ hoàng cuối cùng trở về với cái máng lợn vỡ.
Tôi đã oán trách mụ vợ tham lam, nanh ác bao nhiêu, thì thương xót cho ông lão đánh cá hiền lành, lương thiện bấy nhiêu. Ông đã nhân hậu biết bao khi thả cá vàng về biển và không đòi hỏi điều gì. Dường như, ông chỉ là nạn nhân đáng thương của những dục vọng vô biên của mụ vợ, và không có lỗi gì trong tấn kịch này.
Tuy nhiên, sau khi trải qua ít nhiều thăng trầm trong cuộc sống, tôi nhận ra kết cục trở về với máng lợn vỡ là xứng đáng với ông. Alexander Pushkin có ngụ ý sâu xa khi viết nên cái kết này.
Tôi tự hỏi, ông lão đánh cá có phải là một người lương thiện chăng? Ban đầu, ai cũng nghĩ là có. Nhưng một người lương thiện chân chính sẽ gìn giữ trái tim lương thiện của mình dẫu trong bất cứ hoàn cảnh nào. Còn ông, cái tâm trong sáng thuở ban đầu “Ta đây chẳng đòi hỏi thứ gì của ngươi đâu” dần trở nên vẩn đục khi ông không thể cưỡng lại những nạt nộ, đàn áp từ mụ vợ tham lam ác độc. Ông lão đánh cá đã không thể bảo toàn được tâm lương thiện của mình, chỉ bởi ông thiếu một chữ ‘Dũng’.
Nếu ngay từ đầu, khi mụ vợ đòi cái máng lợn mới, ông có dũng khí để đáp rằng: “Không, tôi thả cá vàng đi vì thương tiếc sinh mạng của nó, còn nó chẳng nợ tôi điều gì”, thì mụ vợ đã chẳng thể leo thang mà đòi ngôi nhà mới, làm nhất phẩm phu nhân, nữ hoàng, rồi cuối cùng là Long Vương đáy biển. Nếu ông dũng cảm duy hộ cái ‘Thiện’, thì tuy ông không có chiếc máng lợn mới hay ngôi nhà tráng lệ, trái tim lương thiện của ông mãi mãi sáng ngời, và trong tương lai ông sẽ được Trời ban phúc báo.
Vì sao ông thiếu dũng khí để kiên định với lựa chọn thiện lương?
Có lẽ, bởi ông còn truy cầu sự an ổn. Ông muốn được yên thân, không phải nghe mụ vợ nhiếc móc, hành hạ. Vì muốn bản thân được yên ổn, mà ông đã thoả hiệp với cái ác (mụ vợ), làm trái với lương tâm (ra biển gọi cá vàng), cuối cùng là không đếm xỉa gì tới cá vàng nữa (đòi cá vàng phục dịch mụ vợ).
Ông lão khốn khổ làm theo yêu cầu của mụ vợ hết lần này tới lần khác, những mong mụ ta thoả mãn rồi thì sẽ cho mình yên ổn. Nhưng không, càng ngày ông càng chẳng được yên ổn, càng ngày ông càng thấp thỏm bấp bênh, vì mụ vợ có tiền, có quyền rồi thì càng tác oai tác quái: “Ông lão phải sống một cuộc sống vất vả của một người hầu kẻ hạ trong chính ngôi nhà của mình”. Rõ ràng, mù quáng làm theo mệnh lệnh của kẻ ác sẽ chẳng bao giờ có yên ổn thực sự.
Trong lịch sử thế giới, những người lính biên phòng Đông Đức trong suốt 28 năm canh gác ở bức tường Berlin đã nhận được mệnh lệnh và “giấy phép giết người” từ chính quyền của họ. Tuy nhiên, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, những người lính thực thi mệnh lệnh phi nhân tính ấy đã bị đưa ra xét xử công khai và kết án. Sống trong một chế độ tà ác, một số người đã thuận theo mệnh lệnh tà ác để được “yên thân”, mà quên mất rằng duy hộ cái ác là chuốc lấy tai hoạ cho chính mình.
Vậy mới thấy, để làm được người ‘Thiện’, phải làm người ‘Dũng’. Không có Dũng, thì Thiện kia chỉ như ngọn đèn trước gió, lung lay vụt tắt trước áp lực của cái tà. Ví như năm 1992, ở Trung Quốc đại lục truyền xuất một phương pháp nâng cao sức khoẻ và tinh thần chiểu theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn tên là Pháp Luân Công, trong khí thế chung người người, nhà nhà đều ca ngợi Pháp Luân Công là tốt. Thế nhưng, đến năm 1999, khi Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công, nhiều người vì sợ hãi tà ác mà từ chối tiếp nhận tài liệu sự thật, hoặc nói ra lời trái lương tâm, lấp liếm lấy cớ “Pháp Luân Công làm chính trị”, thậm chí tham gia bức hại người tu luyện. Đó chẳng phải chính là: không có Dũng nên chẳng thể duy hộ Thiện sao?
Và nói xoay trở lại, chỉ có Thiện chân chính mới khiến Dũng nảy mầm, mới nuôi dưỡng dũng khí duy hộ những điều tốt lành, nhân ái, vị tha, chính nghĩa trong cuộc đời này. Đó không phải là những điều xa xôi, chúng hiện hữu trong cuộc sống thường nhật của mỗi chúng ta. Từ cô kế toán từ chối yêu cầu biển thủ công quỹ từ cấp trên, đến người thầy giáo từ chối nâng điểm cho con em lãnh đạo; từ anh công an triệt phá đường dây tham nhũng, đến vị bác sĩ làm rõ nguồn gốc của vắc-xin; từ người bán rau quả thà chịu lỗ chứ không tiêm thuốc bảo quản độc hại, đến chị lao công cần mẫn thu nhặt ống kim tiêm trên đường… Mỗi một việc Thiện toả ngát như đoá hoa trong cõi đời này, đều chất chứa lòng dũng cảm.
Thanh Ngọc