Cao tổ Diêu Văn Điền làm quan tốt tạo phúc cho con cháu
Diêu Văn Điền, một quan chức thời nhà Thanh, là người Hồ Châu, Chiết Giang. Vào ngày đầu năm mới, trước khi đến nguyên đán năm Gia Khánh Kỷ Mùi, một người đồng hương của ông nằm mơ thấy bản thân đến quan phủ, giữa lúc náo nhiệt, thì nghe thấy có người lớn tiếng rao: “Bảng trạng nguyên đã có đây!” Nhưng chỉ nhìn thấy cánh cửa đỏ mở rộng, hai viên quan lại mặc áo đỏ tay cầm cờ vàng bước ra, đuôi cờ có những dải vải cùng màu, trên đó viết chữ “Nhân tâm dễ muội”, “ Thiên lý khó lừa”. Sau khi tỉnh giấc, ông không lý giải được ý nghĩa của giấc mộng.
Sau khi Diêu Văn Điền thi đỗ, có người kể cho ông nghe giấc mơ này. Diêu Văn Điền trầm ngâm hồi lâu, chợt nhận ra: “Đây chính là lời cao tổ của tôi đã nói! Năm đó khi cụ nhậm chức ở Hoàn Giang, khi tuyên án, hai người trong ngục vì bị người vu cáo mà bị định vào tội chết, cao tổ của tôi đã tra xét và phát hiện việc kết tội này không có chứng cứ, chuẩn bị phóng thích họ, lúc đó kẻ vu cáo đến biếu cụ 2000 lượng bạc, thỉnh cụ tuyên án tử hình hai người kia. Cao tổ của tôi nói: ‘Nhân tâm dễ muội, thiên lý khó lừa. Nếu nhận tiền này mà sát hại người vô tội, thiên lý không dung!’ Rồi cụ kiên quyết từ chối nhận hối lộ. Hai người bị người khác vu cáo sau đó được tuyên bố vô tội và thả tự do. Những dòng chữ viết trên đuôi cờ, lẽ nào là chuyện này?”
Diêu Văn Điền luôn nghiêm khắc đối với bản thân mình, làm quan chính trực. Ông đỗ trạng nguyên vào năm Gia Khánh thứ 4, và vào năm Đạo Quang thứ 7, ông được bổ nhiệm làm Lễ Bộ thượng thư. (Nguồn: “Bắc Đông Viên bút lục”)
Y sinh Nhiếp cự tuyệt sắc, con cháu nhiều đời đều làm quan
Có một y sinh ở Hoa Đình, Nghi Châu, rất tinh thông y thuật, tên là Nhiếp Tòng Chí. Lý thị, vợ của Ấp Thừa, đồng hương của ông từng mắc một căn bệnh hiểm nghèo, sinh mạng nguy kịch. May mắn thay, được y sinh Nhiếp cứu trị, cô đã bình phục.
Một ngày nọ, chồng Lý thị phải đến quận lân cận để giải quyết công vụ, Lý thị nói dối rằng bệnh cũ tái phát, bị phù nề, phái người đi tìm Nhiếp Tòng Chí. Sau khi Nhiếp Tòng Chí đến, Lý thị nói với ông: “Lần trước bệnh tật suýt chết, nhưng may mắn được tiên sinh chữa trị nên mới có thể sống lại. Nghĩ rằng mọi vật trên thế gian không đủ để báo đáp ơn cứu mạng của tiên sinh, hôm nay tôi nguyện ý lấy thân mình báo đáp.”
Nhiếp Tòng Chí nghe lời này thì rất sợ hãi, lễ phép từ chối. Lý thị khóc lóc van xin, nhất quyết hiến thân để trả ơn. Nhiếp Tòng Chí là người ngay thẳng chính trực, sao có thể làm ra chuyện xúc phạm y đức như vậy? Ông quay người vội vã rời đi, hỏa tốc về nhà. Lý thị lại sai người đến mời ông, nhưng Nhiếp Tòng Chí không đến nữa.
Đến tối, Lý thị trang sức rực rỡ, trực tiếp mở cửa đi vào phòng ngủ của Nhiếp, quả là người không biết liêm sỉ, Nhiếp Tòng Chí phải vùng thoát ra. Chuyện này kết thúc ở đây, Nhiếp Tòng Chí cũng chưa từng đề cập tới với bất kỳ ai.
Hơn một năm sau, quan chức Nghi Châu Hoàng Tĩnh Quốc lâm bệnh, trong khi hôn mê bị âm sai đưa xuống âm giới để làm chứng, nhưng ông vẫn chưa hết thọ, nên quan âm phủ lại lệnh cho âm sai đưa ông về hoàn dương. Trước khi Hoàng Tĩnh Quốc hoàn dương, có một viên âm lại gọi ông ở lại một khắc, đưa ông đến bên bờ sông, chỉ thấy một tên ngục tốt đang tóm lấy một phụ nữ, dùng dao mổ bụng, tẩy ruột của cô nàng.
Lúc này, một tăng nhân đột nhiên đi đến bên cạnh và nói: “Người phụ nữ này là vợ của đồng liêu của ngài, cô ta từng muốn tư thông cùng Nhiếp Tòng Chí, nhưng Nhiếp Tòng Chí không đáp ứng. Nhiếp Tòng Chí nhìn thấy mỹ sắc không bị cám dỗ, có thể nói ông ấy là một người tốt. Nhiếp Tòng Chí vốn dĩ thọ đến sáu mươi tuổi, vì cự sắc tích đức, thần linh đã kéo dài thọ cho ông ấy thêm 1 kỷ (20 năm), còn ban cho ông ấy con cháu đời sau mỗi đời một người làm quan. Còn người phụ nữ kia thì bị giảm thọ 20 năm. Vì để triệt tiêu tà tâm của cô ta, do đó mới tẩy ruột của cô ta.”
Hoàng Tĩnh Quốc luôn qua lại với Nhiếp Tòng Chí, giữa họ có một tình bạn sâu sắc. Sau khi tỉnh lại, ông đặc biệt đến nhà Nhiếp để hỏi Nhiếp chuyện này. Nhiếp Tòng Chí nghe xong rất ngạc nhiên nói: “Khi Lý thị thầm thì với tôi, không al nghe thấy. Hơn nữa khi cô ấy tới nhà tôi, trong nhà chỉ có một mình tôi. Chuyện này chỉ có tôi và người phụ nữ đó biết. Bác nghe được ở đâu?”
Hoàng Tĩnh Quốc kể lại cho Nhiếp Tòng Chí nghe tất cả những gì ông thấy và nghe khi xuống địa phủ. Chẳng bao lâu, chuyện này dần dần lan truyền rộng.
Sau khi Nhiếp Tòng Chí qua đời, một trong những người con trai của ông đã thi đậu, và cháu trai của ông là Nhiếp Đồ Nam trở thành huyện thừa huyện Lạc Huyền ở Hán Châu trong những năm Thiệu Hưng. Quả nhiên đúng như lời tăng nhân nói. (Nguồn: “Di Kiên Bính chí”)
Liệu Phong Ông một niệm nhân từ, năm người con trai đều đỗ giáp
Có một người đàn ông tên là Liệu Phong Ông ở Phúc Châu, từng làm quan quận khi còn trẻ. Vào thời Gia Khánh của nhà Thanh, tên cướp biển Chu Ác đã đầu hàng, Liệu Phong Ông đã có được danh sách hàng trăm cư dân ven biển đã liên lạc với bọn cướp biển. Chỉ thấy Liệu Phong Ông nói: “Vì bọn cướp đã đầu hàng, nên không cần truy cứu những người đó nữa.”
Sau một thời gian, cấp trên của ông có ý muốn chiểu theo danh sách trên mà xử tử, nhưng ông nói dối không tìm được danh sách, nên đành phải bỏ cuộc.
Lòng nhân từ của Liệu Phong Ông đã cứu hàng trăm gia đình khỏi nạn diệt vong, công đức cứu người của ông là có thể nói là vô lượng.
Sau này, năm người con trai của Liệu Phong Ông đều đăng giáp đệ, người con út đăng bảng nhãn ở vị trí thứ hai, làm quan đến thượng thư. Khi Liệu Phong Ông qua đời ở tuổi hơn tám mươi, ngôi nhà tràn ngập một mùi thơm lạ.
Người ta khi làm việc thiện không cầu hồi báo, nhưng lý thiện báo thường chân thực bất di! (Nguồn: Dung Nhàn Trai bút ký”)
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch