Đời người có 7 nỗi khổ: Sinh, lão, bệnh, tử, oán mà phải gặp, yêu mà phải lìa, cầu mà chẳng được. Đại văn hào Tô Đông Pha cũng từng trải qua bảy nỗi khổ kể trên. Nếu hỏi ai nếm trải hoạn nạn mà vẫn vui vẻ sống, người ấy chính là Tô Đông Pha.
Tô Thức (1037-1101) tự là Tử Chiêm, hiệu Đông Pha cư sỹ, còn gọi là Thiết Quan đạo nhân, là một trong Bát đại gia Đường Tống. Ông sinh ra ở Mi Sơn, Mi Châu, nay là Mi Sơn, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ông là một văn nhân, thi nhân, nhà chính trị, nhà thư pháp, đồng thời là một họa sĩ nổi tiếng thời Bắc Tống. Năm Gia Hựu thứ hai, ông đỗ tiến sỹ, từng nhậm chức Hàn lâm học sỹ và làm quan đến Lễ bộ thượng thư. Tô Đông Pha, Âu Dương Tu, Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên, Vương An Thạch… đã cùng nhau tạo nên những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời văn học cổ Trung Hoa, gọi là “Đường Tống bát đại gia”.
Vốn là người rộng lượng, lạc quan, và luôn kiên cường ý chí, ông từng nói: “Ta trên có thể bầu bạn với Ngọc Hoàng Đại Đế, dưới có thể làm bạn với hành khất ăn mày”. Tô Thức không chỉ có lòng khoan dung và độ lượng, mà còn có học thức uyên bác, tài năng vượt trội, cuộc đời ông đã viết nên nhiều câu chuyện truyền kỳ.
Kiếp trước và kiếp này
Theo lưu truyền trong dân gian, Tô Thức kiếp trước là Ngũ Giới hòa thượng, từng làm trụ trì một tự viện ở Thiểm Hữu.
Một lần, Ngũ Giới hòa thượng phát hiện bên ngoài cửa chùa có một bé gái bị bỏ rơi, bèn đem vào chùa nuôi nấng. Cô bé lớn lên xinh đẹp lạ thường, khiến ông nảy sinh sắc niệm rồi phá đại giới sắc dục. Huynh đệ của ông là hòa thượng Minh Ngộ trong lúc nhập định đã biết được sự việc này, bèn làm thơ điểm tỉnh ông. Ông vô cùng hổ thẹn nên tọa hóa mà rời đi. Minh Ngộ thầm nghĩ: “Sư huynh đi sai bước này, tạ thế e rằng lại hủy báng Phật Pháp, vĩnh viễn không có ngày ngẩng đầu lên được! Ta phải giúp sư huynh thoát khỏi con đường mê này”. Sau đó Minh Ngộ cũng tọa hóa, chuyển sinh thành bạn thân của Tô Thức kiếp này, cũng chính là Phật Ấn thiền sư.
Tô Thức đã qua một kiếp tu hành, bản thân ông cũng từng nhắc đến tiền kiếp của mình qua thi phú. Trong “Nam Hoa Tự”, ông viết: “Ngã bản tu hành nhân, Tam thế tích tinh luyện, Trung gian nhất niệm thất, Thụ thử bách niên khiển”. Nghĩa là: Ta vốn là người tu hành, ba đời tích tinh luyện, giữa đường sai một niệm, nhận lấy trăm năm khiển trách.
Năm Gia Hựu thứ hai, tức năm 1057, Tô Thức lúc ấy mới 20 tuổi đã cùng em trai là Tô Triệt tham gia ứng thí, kết quả ông đỗ tiến sỹ ở vị trí thứ hai. Khi đó, vị quan chấm thi là Mai Nghiêu Thần sớm nhìn ra tài năng của ông nên đã tiến cử ông với quan chủ khảo là Âu Dương Tu. Trong lá thư gửi cho bạn mình, Mai Nghiêu Thần hết lời khen ngợi tài hoa của Tô Thức, nói rằng bản thân sẽ lui bước nhường đường vì không muốn làm tảng đá chặn tiền đồ của ông. Mai Nghiêu Thuần viết: “30 năm sau, không còn ai nói về lão phu nữa”. Kể từ đó Âu Dương Tu nhận Tô Thức làm đệ tử, lúc nào cũng luôn cất nhắc đề bạt ông.
Trải qua bảy nỗi khổ cuộc đời
Yêu mà phải lìa
Có câu rằng: Đắc ý lớn nhất của đời người không lớn hơn thành công thời niên thiếu, hạnh phúc lớn nhất của đời người không lớn hơn gặp được người tri kỷ tri âm. Với Tô Thức, ông có tài năng, lại có danh vọng, con đường quan lộ cũng rộng mở thênh thang, nhưng hết thảy đều trở nên vô nghĩa khi mẹ qua đời.
Khi chuẩn bị ra làm quan, Tô Thức nhận được lá thư từ quê nhà kể rằng mẹ ông đã từ trần vì bạo bệnh. Dù văn thơ có dạt dào đến đâu, cũng không thể bắt kịp ánh mắt của mẹ. Dù tiền đồ có rạng rỡ đến đâu, cũng không theo kịp bước chân của bậc sinh thành. Ông càng nhớ đến thời thơ ấu, lại càng day dứt khi chưa kịp báo đáp công ơn dưỡng dục của thân mẫu mình.
Khi xảy ra cuộc đấu tranh đảng phái phản đối sự chuyên chính của hoạn quan, gọi tắt là ‘hoạ đảng cố thời Đông Hán’, những danh sỹ như Lý Ưng, Đỗ Mật và Phạm Bàng đều bị bắt. Phạm Bàng vì không muốn trốn chạy nên đã tự lao đầu vào chỗ chết, nhưng thân mẫu ông không hề oán giận mà đưa tiễn con trai lên đường. Bà nói: “Con có được tên tuổi sánh ngang với Lý Ưng và Đỗ Mật, thì chết đâu có gì đáng hận? Xưa nay, thọ mệnh và danh khí chẳng thể vẹn cả đôi đường”.
Tô Thức luôn ghi nhớ câu chuyện Phạm Bàng mà mẹ từng kể cho ông khi còn nhỏ. Ông ngây thơ nói với mẹ rằng: “Lớn lên, con cũng muốn trở thành một người như Phạm Bàng, vậy mẹ có bằng lòng không?”. Mẹ cười đáp lại: “Con có thể trở thành Phạm Bàng, chẳng nhẽ mẹ lại không thể trở thành mẹ của Phạm Bàng sao?”. Sau này, Tô Thức quả nhiên có thể trở thành một danh sỹ như Phạm Bàng, nhưng mẹ ông thì không đợi được đến ngày đó.
Ra khỏi chốn phồn hoa, Tô Thức trở về cố hương, trong nhà không còn hình bóng của mẹ. Hàng rào đổ, phòng dột nước, cửa đóng kín, hình bóng thân thuộc trước đây giờ không còn nữa. Vinh quang ông mới đạt được ở Biện Lương, nay không thể chia sẻ cùng mẹ. Những gì ông đã trải qua trên suốt chặng đường, cũng không thể dốc bầu tâm sự với mẹ. Cuộc sống tươi đẹp trước kia giờ đã nhuốm màu tĩnh mịch, từ ngũ sắc biến thành đen trắng, cuối cùng đến màu xám cũng chẳng còn, chỉ để lại những mảnh ký ức loang lổ theo thời gian.
Nhưng nỗi đau mất mẹ chưa kịp nguôi ngoai thì 8 năm sau, vợ ông cũng qua đời.
Tô Thức 19 tuổi kết hôn với nàng Vương Phất 16 tuổi, người vợ cầm sắt đã cùng ông đi đến núi Vu Sơn. Mỗi khi ông cần, nàng luôn ở bên chu toàn mọi thứ cho ông. Nàng đã vì ông mà sinh con sinh cái, lại luôn sát cánh bên ông nhắc nhở rằng: “Tướng công, người này khi nói chuyện chỉ hùa theo chàng mà xu nịnh, chàng nhiều lời với người ta làm chi?”, “Tướng công, người này không thể làm bạn lâu dài được, đến chóng vánh thì rời đi cũng chóng vánh mà thôi”.
Tô Thức đã học theo cha mình là Tô Tuân: “Khi chết ta muốn được chôn bệnh cạnh mộ người vợ hiền yêu dấu”. Trên ngọn đồi nơi chôn cất Vương Phất, ông đã tự tay trồng 30 nghìn cây tùng để bày tỏ nỗi tiếc thương. 10 năm sau, lúc đang làm quan ở Sơn Đông, Tô Thức nằm mơ thấy nương tử, ông tỉnh dậy làm bài từ để tế vợ. Đó chính là bài “Giang Thành Tử” – tác phẩm được ngợi ca là thiên cổ đệ nhất, trong đó có những câu đầy thương nhớ:
Thập niên sinh tử thảy mơ màng,
Chẳng tư lường,
Tự tơ vương.
Ngàn dặm mồ trơ,
Khôn xiết nỗi thê lương.
Có gặp nhau chăng chưa dễ nhận,
Mặt đầy bụi,
Tóc pha sương.
Đêm qua hồn mộng chợt hồi hương,
Trước song hiên,
Tựa đài trang.
Im lặng nhìn nhau,
Chan chứa lệ hai hàng.
Chừng hẳn năm năm nơi đứt ruột,
Đồi thông quạnh,
Dưới đêm trăng.
Những năm sau đó, Tô Thức thường xuyên phải trải qua nỗi đau buồn ly biệt: Năm ông 37 tuổi, ân sư Âu Dương Tu tạ thế. Năm ông 50 tuổi, người vợ kế cùng ông bầu bạn suốt nửa cuộc đời là Vương Nhuận Chi qua đời. Năm ông 71 tuổi, tiểu thiếp Triều Vân cũng qua đời. Mỗi lần đối mặt với sự tương phùng hay ly biệt, ông đều cầm bút viết nên những dòng man mác nỗi lòng. Mà đời người cũng giống như ly rượu đắng, ta sớm đã nuốt nó vào lòng.
Oán mà phải gặp
Dù lòng độ lượng đến đâu thì vẫn luôn có người không ưa ta, dù dễ hòa hợp thế nào vẫn luôn có người vì ta mà ôm lòng căm phẫn.
Người đầu tiên khiến Tô Thức gặp phải phẫn nộ là thái thú Phượng Tường. Đó là vị thái thú họ Trần, bởi tuổi tác đã cao nên ông ta thường coi Tô Thức là “thanh niên ngỗ nghịch”. Trần thái thú luôn từ chối tiếp nhận những ý kiến của Tô Thức, cũng thường hay sửa lại bản thảo công văn của ông, cố ý để ông đợi lâu ở sảnh.
Người thứ hai khiến ông phẫn nộ là một bậc danh sỹ, chỉ vì muốn cải cách theo luật lệ mới mà bất chấp mọi ý kiến phản đối, đó là Vương An Thạch. Có giai thoại kể rằng:
Một ngày, Tô Thức đọc thơ của Vương An Thạch thấy có hai câu:
Minh nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm
Tô Thức cười chê là vô lý: Trăng sáng sao lại hót ở đầu núi, chó vàng sao lại nằm trong lòng hoa? Nghĩ vậy ông bèn lấy bút sửa chữ “khiếu” ra chữ “chiếu”, sửa chữ “tâm” thành chữ “âm”, khiến cả hai câu thơ thành ra:
Trăng sáng soi đầu núi
Chó vàng nằm dưới hoa
Mãi sau này, khi Tô Thức bị điều chuyển tới vùng đất ở phía nam, ông mới biết có một loài chim tên là Minh Nguyệt, và một loài sâu tên là Hoàng Khuyển. Đến lúc này ông mới lý giải được hai câu thơ của Vương An Thạch:
Con chim Minh Nguyệt hót ở đầu núi
Con sâu Hoàng Khuyển nằm giữa đóa hoa
Không chỉ tự ý sửa thơ, Tô Thức còn từng thẳng thắn phản đối các chính sách của Vương An Thạch nên đã đắc tội với họ Vương, cuối cùng bị đuổi ra khỏi Biện Lương, phải đối mặt với muôn trùng gian khó.
Người thứ ba là Chương Đôn, từng là bạn đồng niên với ông khi còn trẻ. Chương Đôn có thể leo vách đá cheo leo viết chữ mà mặt không biến sắc, Tô Thức nói: “Tử hậu có thể giết người”.
Năm Thiệu Thánh đầu tiên, Tống Triết Tông cất nhắc Chương Đôn lên làm thừa tướng, Chương Đôn nhân cơ hội đó đã phục thù những người ở phe đối lập. Bởi vì Tô Thức từng lên tiếng phản đối cải cách, nên cũng bị Chương Đôn xếp vào phía đối lập. Sau đó, Tô Thức bị cách chức và bị điều đến Huệ Châu, làm phó sứ cho Quân Nguyên Ninh. Không vì bị hãm hại mà nao núng, ông khai hoang đất đai, viết Kim Cương Kinh, học cách nấu nướng… Dù hoàn cảnh có tệ hại như thế nào, ông cũng tìm cho mình niềm vui cuộc sống.
Cầu mà chẳng được
Trong con mắt của người đời, Tô Thức đã được làm đại quan, giai nhân cũng từng có, bạn bè khắp nơi trong thiên hạ, hiểu biết sâu rộng như biển cả. Nhưng ông cũng có những thứ bản thân cầu mà không thể đạt được.
Năm 60 tuổi, ông một mình nằm trên giường, đối mặt với bức tường, cổ họng co giật. Ngày hôm đó ông nhận được tin em gái họ qua đời, nàng từng là bóng hồng thấp thoáng trong rất nhiều văn thơ của ông.
Ông nói: Tu về nên ở giai đoạn nở hoa, nếu đã kết thành quả, vật bạc tình thương ta đã già.
Lại nói: Mệt mỏi vì chạy theo công danh thời son trẻ, nhàn nhã xem hoa nơi cung điện mà sực nhớ mùi hương xưa.
Trong suốt cuộc đời mình ông luôn ngưỡng mộ mùi hương nhạt nhòa đó, nhưng chỉ đứng từ xa mà ngắm nhìn, không dám tiến lại gần cho đến khi tuổi tác đã xế chiều.
Sinh, lão, bệnh, tử
Năm 43 tuổi, Tô Thức bị đưa đến nhà lao Ngự Sử Đài với lý do phạm tội thảo luận bừa bãi chuyện triều chính. Lần này ở trong tù hơn 100 ngày, ông cứ ngỡ bản thân sẽ gặp án tử. Ông và con trai đã hẹn trước với nhau rằng: Nếu không có chuyện gì thì mang thịt và rau tới, còn nếu xảy ra chuyện thì mang cá tới. Một ngày, con trai ông có việc nên phải nhờ người mang cơm tới, nhưng lại quên không căn dặn lại, và thật không may bữa cơm mang đến có cá hun khói.
Ông cứ ngỡ là mình không qua khỏi, vội vàng viết di thư. Cuối cùng khó khăn lắm mới thoát được tội chết, nhưng vẫn phải đi đày tới nơi nước độc gió độc ở Hoàng Châu. Đối mặt với muôn vàn cơ cực, ông buộc phải khai hoang ruộng đất, trồng lương thực, gió cát và nắng nóng làm da ông cháy đen như mực. Ông lúc này đã không còn là nhân sĩ nổi tiếng vang danh thiên hạ, mà là một lão nông chân lấm tay bùn. Năm 57 tuổi, Tô Thức một lần nữa bị giáng chức điều đến Dĩnh Châu, chưa đầy một năm sau lại bị điều đến Huệ Châu, Quảng Đông. Năm 63 tuổi, ông tiếp tục bị giáng chức đến Lôi Châu, Hải Nam, rơi đến đáy của sự cùng cực.
Tuổi tác càng cao ông lại càng thấm thía sự vô tình của năm tháng, tóc mai bạc trắng, răng rụng mắt mờ… Những căn bệnh tuổi cao niên cứ thế lạnh lùng tìm đến ông: Trăm năm ba vạn ngày, một nửa là sống với bệnh tật. Ông từng viết một lá thư kể rằng: “Tối qua đau đớn không chợp mắt, ngồi dậy cho muỗi ăn. Không biết hôm nay độ như thế nào?”. Chết có nghĩa là từ bỏ tất cả, chết có nghĩa là kết thúc hy vọng, bởi vậy ông luôn mong mỏi gặp lại những thân nhân đã xa cách lâu ngày.
Ông ở Thường Châu, trong một căn phòng nhỏ, nằm lạnh lẽo trên giường, hơi thở càng ngày càng yếu ớt. Nếu không phải bông hoa trên mũi vẫn còn lay động, thì người ta cũng không dám tin rằng cơ thể gầy gò này vẫn tồn tại hơi thở quang minh chính đại của đất trời.
Năm 1101, năm đầu tiên khi Tống Huy Tông lập nên nhà Tống, Tô Thức lâm bệnh nặng ở Thường Châu. Đến tháng 7 năm ấy, đại văn hào thiên cổ đã qua đời. Trước khi qua đời ông đã căn dặn ba người con trai túc trực ngày đêm rằng: “Cha sống trên đời không làm chuyện gì xấu, tin rằng chết đi sẽ không phải xuống địa ngục, các con đừng quá đau lòng”. Ông cũng nói rằng Thần Phật thật sự tồn tại, chỉ tiếc rằng bản thân đã kiệt sức. Ông nói: “Xem ra miền Cực Lạc ở phía Tây là có thực, nhưng ta bây giờ đã không còn chút sức lực nào nữa rồi”…
Ngọc Linh
Theo bài viết của Lý Thanh Nhu đăng trên Sound of Hope