Đại Kỷ Nguyên

Truyền kỳ về Tôn Trung Sơn và hòa thượng Hư Vân

Tôn Trung Sơn với tư tưởng cởi mở sáng suốt, đề xướng tự do tín ngưỡng tôn giáo; Hư Vân hòa thượng có đạo hạnh cao thâm, thường làm ra các Thần tích. Giữa hai người họ đã có cuộc gặp gỡ và trải nghiệm vô cùng kỳ diệu.

Hư Vân khuyên răn thống soái đại quân

Cách mạng Tân Hợi (năm 1911) nổi lên, triều Thanh thoái vị. Sau đó, theo trào lưu tư tưởng theo đuổi Tây hóa hoàn toàn, trong xã hội đã dấy lên phong trào phá hủy chùa chiền Đạo quán, chùa chiền cả vùng núi Kê Túc ở Đại Lý, Vân Nam cũng bị hủy hoại. Lúc đó Lý Căn Nguyên nắm đại quyền quân đội Vân Nam, ông ta căm ghét vài tăng lữ không giữ thanh quy giới luật, thế là đích thân dẫn quân vào núi, dùng vũ lực xua đuổi tăng nhân, phá dỡ chùa chiền, thậm chí bắn chết tăng lữ. Đồng thời ông ta còn tuyên bố truy bắt hòa thượng Hư Vân.

Hòa thượng Hư Vân là trụ trì chùa Chúc Thánh do hoàng đế Quang Tự ngự phong, ông tuân theo giới luật, giữ mình rất nghiêm khắc. Vì ông có đạo hạnh rất thâm hậu nên thường làm ra các Thần tích. Ông đã từng vào ngày nóng nực tháng 8 cầu được một trận tuyết lớn cho bách tính Đại Thanh đang chịu khổ bởi bệnh dịch hoành hành, khiến Từ Hy Thái hậu cảm động quỳ trong tuyết mà bái lạy ông.

Lý Căn Nguyên dẫn quân đóng ở chùa Tất Đàn. Chỉ trong mấy ngày, quân đội đã phá hủy điện thờ Phật, điện tế Trời và pho tượng đồng Kim Túc Đại Vương trên đỉnh núi Kim Đỉnh. Hư Vân thấy sự tình khẩn cấp, bèn một mình đến quân doanh của Lý Căn Nguyên. Lính gác thấy Hư Vân liền khổ sở can ngăn, không để ông vào, muốn ông hãy nhanh chóng trốn đi. Hư Vân không để ý, cứ đi thẳng vào quân doanh.

Ảnh chụp Lý Căn Nguyên. (Ảnh: Wikiwand.com)

Lúc đó Lý Căn Nguyên đang ngồi trong đại điện cùng với Triệu Phan, cựu Bố chính sứ Tứ Xuyên. Triệu Phan biết rõ Hư Vân đạo hạnh cao thâm nên dùng lễ đối đãi. Còn Lý Căn Nguyên thì nghiêm giọng nói, quát với Hư Vân rằng: “Tu Phật có gì tốt?”

Hư Vân cung kính cẩn trọng đáp: “Thánh nhân xưa lập ra tôn giáo, xưa nay đều tế thế lợi dân, khuyên bảo giáo hóa thế nhân tu thiện bỏ ác. Tự cổ chí kim đều dùng nền chính trị văn hóa quản lý quốc gia, dùng Phật Pháp giáo hóa bách tính. Phật Pháp đầu tiên dạy con người tu sửa tâm, tâm là cái gốc của vạn vật, mọi thiện ác cũng đều từ tâm mà sinh ra. Tâm chính thì vạn vật yên định, thiên hạ thái bình”.

Lý Căn Nguyên nghe xong nét mặt không con nộ khí nữa, rồi lại hỏi: “Những pho tượng bằng gỗ, bằng đất này dùng để làm gì? Lãng phí tiền của vô ích”.

Hư Vân nói: “Đó là mượn đất nặn, điêu khắc gỗ để biểu thị sự trang nghiêm từ bi của Thần Phật, khiến chúng sinh lòng sinh kính sợ. Con người nếu không có lòng kính sợ thì sẽ không việc ác gì không làm, sẽ gây nên đại họa đại loạn. Bất kể là tượng gỗ tượng đất của Trung Quốc hay tượng đồng của các nước bên ngoài, đều là để cho con người trông thấy mà sinh thiện niệm, tâm trở về với thiện lương”.

Gương mặt Lý Căn Nguyên lộ vẻ vui mừng, lệnh tả hữu đem trà, điểm tâm lên chiêu đãi Hư Vân. Rồi ông ta nói tiếp rằng, ông đã thấy rất nhiều hòa thượng không làm những việc tốt, trái lại làm rất nhiều việc quái dị, trở thành kẻ bỏ đi chẳng có ích gì cho quốc gia. Hư Vân nói: “Hòa thượng chỉ là một danh xưng chung, có sự khác nhau giữa Thánh và phàm. Không thể thấy một, hai tăng nhân bất hảo mà xua đuổi toàn bộ tăng nhân. Cũng không thể thấy một, hai tú tài bất hảo mà mắng chửi Khổng Tử. Hôm nay tiên sinh thống lĩnh quân đội, quân kỷ nghiêm minh, nhưng sao có thể ai ai cũng thông minh chính trực như đại soái được? Biển lớn không chê cá tôm nhỏ, do đó chứa đựng rộng lớn mênh mông. Tăng lữ tư chất không giống nhau, nhưng nếu có thể kiên trì tu hành, mưa dầm thấm lâm, lâu ngày ắt sẽ trừ bỏ được gốc rễ xấu, sẽ không phải tất cả đều là kẻ bỏ đi”.

Lý Căn Nguyên nghe đến đây lộ ra thần sắc vui mừng, mời Hư Vân tiếp tục giảng nói. Trong thời gian đó, Lý Căn Nguyên đã mấy lần cúi đầu bày tỏ kính trọng, nét mặt tươi cười rạng rỡ. Tối hôm đó, Lý Căn Nguyên thành ý giữ Hư Vân cùng dùng bữa cơm chay, đốt đuốc nói chuyện với Hư Vân cả đêm. Khi cuộc đàm đạo kết thúc, Lý Căn Nguyên hối hận than rằng: “Thì ra Phật Pháp rộng lớn như thế này. Nhưng tôi đã giết hại tăng nhân, phá hủy chùa chiền, tội nghiệp rất sâu rồi, làm thế nào đây?”.

Hư Vân an ủi và khuyên rằng: “Đây là phong khí nhất thời dẫn đến, không hoàn toàn là do lỗi đại soái. Nếu từ nay về sau đại soái có thể dốc sức bảo hộ chùa chiền tăng nhân, thì vẫn có công đức lớn như thế”.

Lý Căn Nguyên biết rằng có hy vọng chuộc lỗi, được lời như cởi tấm lòng.

Sáng hôm sau, Lý Căn Nguyên theo Hư Vân đến chùa Chúc Thánh. Dọc đường chỉ thấy núi Kê Túc tỏa ánh kim quang, từ đỉnh núi xuống chân núi, toàn bộ cỏ cây đều trở thành sắc màu vàng kim. Tương truyền, núi Kê Túc có 3 loại ánh hào quang là Phật quang, ngân quang và kim quang. Phật quang hàng năm đều có, nhưng ngân quang và kim quang từ khi khai sơn tịch địa đến nay mọi người mới chỉ thấy có vài lần mà thôi. Lý Căn Nguyên lúc đó vô cùng cảm động, lập tức làm lễ đệ tử bái Hư Vân làm thầy, mời Hư Vân làm tổng trụ trì tất cả các chùa lớn nhỏ ở núi Kê Túc.

(Nguồn: “Hư Vân hòa thượng tự thuật niên phổ”)

Hòa thượng Hư Vân. (Ảnh theo lecannews.com)

Tôn Trung Sơn đề biển “Ẩm Quang nghiễm nhiên”

Lý Căn Nguyên sau khi ngừng phá hủy chùa, chuyển sang xây dựng Viện Phật học, đồng thời thường xuyên bố thí thuốc men cho dân chúng. Sau đó, vào mùa đông năm 1912, Hư Vân khởi hành đi Thượng Hải. Vì Hội Phật giáo Thượng Hải đặt ra quy định mới, có nhiều điều trái ngược với các địa phương, nên Hư Vân lần này đến cùng với mọi người xử lý chu toàn, và hội kiến Tôn Trung Sơn tiên sinh ở Nam Kinh.

Trong cuộc đàm đạo với Hư Vân, Tôn Trung Sơn nói rằng ông chủ trương học tập chế độ dân chủ, khoa học mới của nước ngoài để cứu Trung Quốc, cũng chủ trương phải bảo toàn văn hóa truyền thống vốn có của Trung Quốc, để bắt tay xây dựng tư tưởng văn hóa truyền thống dân tộc Trung Hoa và tiêu chuẩn đạo đức mới. Ông cũng nhận thấy một số hủ tục cần phải tiêu trừ và đổi mới, ví dụ như chữa bệnh bằng bùa chú, cúng tế xa hoa, mượn ngày đản sinh của Thần Phật để đốt hương nến bừa phứa, hoặc vơ vét tiền của, hoặc dùng người làm vật tế…

Hư Vân nói, người đời truy cầu lợi ích cá nhân mà xu nịnh Thần nên đã làm loạn tín ngưỡng Phật giáo chân chính, khiến người ta hiểu sai về bản chất của tín Phật.

Tôn Trung Sơn cho rằng Chúa Ki-tô (tức Giê-su) chủ trương bác ái và cho tặng, Phật Đà chủ trương từ bi và thí xả. Chúa Ki-tô dạy con người phải yêu kẻ thù của mình, Phật Đà dạy con người kẻ oán người thân đều phải bình đẳng. Chúa Ki-tô nói Thiên quốc là ở trong tâm, Phật Đà nói Pháp do tâm sinh. Có lẽ Cơ Đốc giáo và Phật giáo vốn cùng một nguồn gốc, dó đó ông phản đối sự công kích giữa các tôn giáo, thậm chí vì sự công kích này mà phát động chiến tranh.

Hư Vân cảm phục thái độ cởi mở sáng suốt của Tôn Trung Sơn đối với tôn giáo. Ông nói: giáo hội phương Tây có một quyển sách cấm, đó là sách “Thủy thượng môn đồ hành truyện” (còn có tên là ‘Pi-tơ phúc âm, Thủy đồ phúc âm, Thủy đồ hành truyện, Thủy đồ hành kỷ’) do môn đồ của Chúa Giê-su là Pi-tơ viết. Trong sách có đề cập đến, năm Giê-su 18 tuổi, đã đến Ấn Độ nghiên cứu Phật giáo hơn 10 năm, sau đó đi qua Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ trở về Israel truyền Pháp giảng Đạo. Hư Vân cho rằng Phật Giáo và Cơ Đốc giáo có cùng nguồn gốc.

Câu chuyện Hư Vân kể khiến Tôn Trung Sơn cảm thấy kinh ngạc. Ông nói rằng nếu sách “Thủy thượng môn đồ hành truyện” còn lưu truyền thì ông nhất định sẽ nghiên cứu.

Năm Dân quốc thứ 2 (năm 1913), Tôn Trung Sơn viết chữ đề biển “Ẩm Quang nghiễm nhiên” cho Hư Vân và chùa Chúc Thánh núi Kê Túc.  Ẩm Quang là tên của Đại Ca Diếp, đệ tử Phật Thích Ca Mâu Ni. Đời trước của Đại Ca Diếp là một bậc thầy luyện kim, đúc tượng Phật bằng vàng. Không những ông xuất thân phú quý, gia tộc giàu sánh với quốc gia, hơn nữa tướng mạo thần thái phi thường xuất chúng. Khi Đại Ca Diếp ra đời, trên thân phát ra hào quang tía và vàng kim. Do hào quang tử kim quan của ông át hết tất cả ánh sáng khác, cứ như là các ánh sáng khác đã bị uống hết, do đó đặt tên là “Ẩm Quang”.

Tôn Trung Sơn. (Ảnh: weibo.com)

Duyên kỳ ngộ khi du ngoạn núi Phổ Đà

Đối với tôn giáo, Tôn Trung Sơn giữ thái độ cởi mở sáng suốt, bản thân ông cũng đã từng đích thân tận mắt chứng kiến Thần tích, tự tay ghi chép lại và ký tên.

Trong văn bia “Du Phổ Đà chí kỳ” do Tôn Trung Sơn viết, có kể rằng:

Ngày 15 tháng 8 năm Dân quốc thứ 5 (năm 1916), ông và Hồ Hán Dân, Đặng Mạn Thạc, Chu Bội Châm trong lúc quan sát cảng quân sự núi Tượng Sơn và Chu Sơn, tiện đường du ngoạn danh thắng chùa cổ núi Phổ Đà. Tôn Trung Sơn leo đến đài Thiên Đăng trên núi Phật Đỉnh, từ trên cao nhìn ra xa, bỗng chốc có khí khái cả vũ trụ trong tầm tay. Nhìn quanh tứ phía, Tôn Trung Sơn thấy xa xa trước chùa là cổng lầu cao lớn, hoa tươi vây quanh như dệt gấm, những bảo phướn bay phất phới trong gió, vô cùng tráng lệ. Lại có mấy chục vị tăng nhân kỳ lạ đang lặng lẽ nhìn, dường như đang nghênh đón vị khách từ phương xa đến. Rồi ông lại thấy một bánh xe đang quay tròn chuyển động với tốc độ rất nhanh, không thể phân biệt được làm bằng chất liệu gì. Tôn Trung Sơn đang thầm nghĩ bánh xe tròn này dựa vào loại lực gì mà chuyển động, bỗng nhiên cảnh tượng trước mắt biến mất tuyệt vô tông ảnh.

Tôn Trung Sơn hỏi những người đồng hành có nhìn thấy cảnh tượng kỳ lạ này không, tất cả đều cười nói không thấy. Tôn Trung Sơn càng cảm thấy kinh ngạc và kỳ lạ, bèn đích thân viết lại và ký tên về chuyện này.

Tấm bia “Du Phổ Đà kỳ chí” do Tôn Trung Sơn tự tay viết. (Ảnh: kannewyork.com)

Siêu xuất thời không, vũ trụ rộng lớn vô biên vô tế. Tự cổ chí kim Thần tích chưa từng ngừng xuất hiện. Nhưng con người vốn ‘không thấy thì không tin’, lại vì quan niệm hạn hẹp của mình mà bị khuất mắt không nhìn thấy Đất Trời vô hạn mênh mông ấy. Vậy nên, giai thoại về Hư Vân hòa thượng cũng như những trải nghiệm thần kỳ của Tôn Trung Sơn, hy vọng sẽ mang lại cho chúng ta một góc nhìn mới.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Nhất Tâm biên dịch

Exit mobile version