Đại Kỷ Nguyên

Truyền thuyết về tám vị ‘Tiên bất tử’ (P1)

“Bát Tiên” là tám vị Tiên trong Đạo Giáo có quyền năng cực lớn. Họ có thể trao cho sự sống và tiêu diệt cái ác. Họ khác với những vị tiên khác là đều từ người thường mà tu thành. Cho nên, dân gian coi họ là biểu tượng của sự trường sinh và những điềm lành. Có một số truyền thuyết về tám vị tiên này như sau:

Bát Tiên là những ai?

Trong ” Ẩm trung bát tiên ca” của Đỗ Phủ – nhà thơ lớn nhà Đường thì, Lý Bạch, Hạ Tri Chương, Lý Thích Chi, Hán Dương Vương Lý Tấn, Thôi Tông Chi, Tô Tấn, Trương Húc, Tiêu Toại là “Tửu Trung Bát Tiên” (Tám vị tiên uống rượu).

Trong “Thục Ký” lại lấy Dung Thành Công, Lý Nhĩ (Lão Tử), Đổng Trọng Thư, Trương Đạo Lăng, Nghiêm Quân Bình, Lý Bát Bách, Phạm Trường Sinh, Nhĩ Chu Tiên Sinh là “Thục Trung Bát Tiên”. Theo Đạo giáo thì tám vị này đều là những người đắc Đạo thành Tiên trong thời kỳ nhà Thục.

“Bát Tiên” trong truyền thuyết thần thoại cổ đại bao gồm: Thiết Quải Lý (Lý Thiết Quải), Hán Chung Ly (Chung Ly Quyền), Trương Quả Lão, Hà Tiên Cô, Lam Thải Hòa, Lã Động Tân, Hàn Tương Tử và Tào Quốc Cữu.

Những câu chuyện về tám vị Tiên này được các văn nhân thời Đường, Tống, Nguyên, Minh ghi chép lại rất nhiều. Nhưng tính danh của các vị Tiên lại có sự bất đồng. Trong vở tạp kịch “Bát Tiên khánh thọ” của Chu Hữu Đôn thời nhà Minh thì trong 8 vị Tiên này không có Hà Tiên Cô mà được thay bằng Từ Thần Ông.

Đến tác phẩm ” Bát Tiên xuất xử đông du kí truyện” hay còn gọi là “Đông Du Ký” thì trong 8 vị Tiên này lại không có Từ Thần Ông mà thay vào đó là Hà Tiên Cô. Cũng kể từ đó, “Bát Tiên” mà dân gian truyền lại mới cố định cho đến ngày nay.

Theo “Đông Du Ký” thì sau khi Thiết Quải (Lý Huyền) đắc Đạo thì độ (Độ là khuyên bảo một người nào đó đi tu hành) Chung Ly Quyền. Chung Ly Quyền lại độ Lã Động Tân. Hai người họ lại cùng nhau độ Hàn Tương, Tào Hữu, Trương Quả, Lam Hòa, Hà Tiên Cô, thành “Bát Tiên”.

Một ngày Vương Mẫu Nương Nương mở tiệc Bàn Đào, cả 8 vị Tiên đều đến tham dự. Sau khi ăn uống no say, họ lên đường qua sông để trở về. Khi Bát Tiên qua sông, Lã Động Tân đưa ra ý rằng không cưỡi mây qua sông. Vì thế, Thiết Quải Lý ném cây thiết trượng của mình xuống sông, rồi đứng lên đó, thuận gió lướt sóng mà đi. Hàn Tương Tử thả giỏ hoa xuống sông mà đi. Lam Thái Hòa thả tấm phách gỗ xuống sông mà đi. Lã Động Tân thả chiếc khèn xuống sông mà đi. Trương Quả Lão thả con lừa giấy, Tào Quốc Cữu thả tấm giấy ngọc bản, Hán Chung Ly thả chiếc trống, Hà Tiên Cô thả cái lờ tre xuống sông mà đi. Đây chính là “Bát Tiên Quá Hải, các hiển Thần thông” (Bát Tiên hiển lộ Thần thông để qua sông). Trong “Tranh ngọc bản bát tiên quá hải” chính là miêu tả đoạn này.

Dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu truyền thuyết về vị Tiên thứ nhất trong “Bát Tiên” – Thiết Quải Lý.

1. Thiết Quải Lý

Hình ảnh Lý Thiết Quải (Ảnh minh họa trong Bảo Tàng quốc gia Trung Quốc)

Lý Thiết Quải còn gọi là Thiết Quải Lý. Trong “Kiên hồ bí tập” của tác giả Chử Nhân Hoạch triều nhà Thanh có ghi chép rằng: Thiết Quải họ Lý, là người khôi ngô, cao lớn, từ nhỏ đã học Đạo và ở trong hang. Khi Lý Lão Quân (Lão Tử) và Uyển Khâu tiên sinh giáng hạ xuống núi, họ đã truyền dạy Đạo cho ông.

Một hôm Lý Thiết Quải tiên sinh muốn đến Hoa Sơn để dự tiệc của Lão Quân, trước khi đi ông dặn dò đệ tử rằng: “Ta để thân xác của mình ở đây, hồn phách của ta đi dự tiệc của Lão Quân. Nếu như 7 ngày sau ta chưa trở vềthì các ngươi quẳng cái xác của ta vào lò lửa thiêu đi”.

Sau khi ông đi rồi, người đệ tử của ông bỗng nhiên nhận được tin tức mẹ bị bệnh nặng. Đệ tử rất nóng lòng nên mới có 6 ngày thì đã khiêng xác của ông để vào lửa thiêu rồi đi. Ngày thứ 7, Lý Thiết Quải trở về nhà, ông tìm khắp nơi mà không thấy thân xác của mình để nhập hồn vào. Lúc này, hồn của Lý Thiết Quải đành phải tùy ý tìm một thi thể mới chết để nhập vào, không ngờ thi thể lại là người chết đói, xấu xí. Đây là một trong những truyền thuyết lý giải vì sao hình dáng của Lý Thiết Quải xấu xí như vậy.

Trong “Sơn Đường Tứ Khảo” của tác giả Bành Đại Dực, triều Minh lại viết rằng: Vị Tiên Quải Thiết họ Lý, chân bị tàn tật được Vương Mẫu Nương Nương làm phép thăng Tiên, phong tước vị Đông Hoa giáo chủ và được nhận một cây Thiết Trượng.

Trong “Cổ kim đồ thư tập thành. Thần dị điển” cuốn 240 cũng viết: Lý Thiết Quải sinh vào thời nhà Tùy, tên là Hồng Thủy, thuở nhỏ có tên tự là Quải Nhi, về sau lấy là Thiết Quải. Ông thường đi ăn xin ở ngoài chợ, bị mọi người khinh rẻ. Sau này, tự nhiên ông ném chiếc thiết trượng lên trời. Nó hóa thành một con rồng và ông cưỡi rồng bay đi.

Trong “Từ Hải” lại có thuyết về Lý Thiết Quải mượn xác. Kể rằng, Lý Huyền đi dự tiệc của Thái Thượng Lão Quân (Lão Tử). Khi ông đi bằng hồn và để xác ở lại cho đồ đệ trông coi thì bị người đồ đệ này hỏa táng mất. Khi phần hồn của ông trở về thì không còn xác để nhập vào nên phải nhập vào thi thể của một người mới chết đói. Lúc này ông là người đầu bù tóc rối, bụng để trần, và còn bị què một chân. Để có thể đi lại, Lý Huyền đã phun nước tiên vào cây gậy trúc mà người ăn xin đã dùng khiến gậy trúc biến thành gậy sắt (thiết quải). Cũng vì thế mà ông có tên là Lý Thiết Quải.

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch

Exit mobile version