Lịch sử sáng tạo âm nhạc cổ xưa của các dân tộc trên thế giới, từ Đông sang Tây, trong tất cả các nền văn hoá đều phảng phất uy lực của các vị Thần. Và âm nhạc khởi nguyên được dùng trong các nghi thức để kết nối tâm thức giữa con người và thần linh, vì vậy nó được sử dụng chủ yếu trong các nghi lễ tín ngưỡng.
Ngược lại với với dòng âm nhạc hiện đại ngày nay thường giàu kịch tính, đẩy cao cảm xúc hỉ nộ ai lạc của con người, khiến con người thoả mãn cảm xúc nhất thời nhưng lại gia tăng sự căng thẳng và mệt mỏi. Âm nhạc dân gian thường lại khiến cho tâm trí con người tĩnh lại, xoa dịu cảm xúc và tổn thương.
Trong âm nhạc dân gian Việt Nam có hai loại nhạc cụ rất quen thuộc và độc đáo, đó là đàn đáy và đàn bầu. Sự sáng tạo ra hai cây đàn này theo truyền thuyết và sử sách, đều do Thần khai sáng.
Vô đề Cầm: Nàng câm hát được sau khi nghe tiếng đàn
Nghệ thuật dân gian bậc nhất của Việt Nam – Ca Trù được hoàn thiện như hiện nay là nhờ sự xuất hiện của cây đàn đáy hay còn gọi là Vô đề Cầm. Sự ra đời của cây đàn đáy gắn liền với một nhân vật trong truyền thuyết dân gian tên là Đinh Lễ (chưa có đủ tài liệu lịch sử chứng minh rằng ông có phải là khai quốc công thần Đinh Lễ đã phò vua Lê hay không, nhưng sự ra đời của câu chuyện này trùng thời điểm lịch sử, tức vào khoảng thế kỷ XV). Truyền thuyết kể lại câu chuyện về việc ông sáng tạo ra cây đàn đáy như sau:
Tương truyền, “đất tổ” của ca trù là ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân). Chuyện kể rằng, xưa dưới chân núi Hồng Lĩnh có một chàng trai tên là Đinh Lễ vốn học rộng tài cao nhưng không màng công danh khoa cử mà chỉ thích ngao du sơn thủy với tiếng hát cây đàn.
Có lần chàng đi sâu vào núi Ngàn Hống gặp được hai vị tiên ông là Lã Động Tân và Lý Thiết Quải (hai trong tám vị tiên bất tử trong truyền thuyết), được các tiên ông cho một mẩu gỗ ngô đồng và bản vẽ cây đàn. Về nhà, chàng theo mẫu làm thành cây đàn gọi là Vô đề Cầm (đàn không đáy gọi tắt là đàn đáy), khi cất lên, chim, cá cũng ngơ ngẩn lắng nghe. Đi khắp nơi dạy cho nhân gian những điệu hát có thể khiến cho người ta cảm nhận được sự hài hoà trong nội tâm, mà ngày nay vẫn gọi là ca trù.
Có lần, chàng đến châu Thường Xuân (Thanh Hóa ngày nay). Viên quan châu ở đây tên là Bạch Đình Sa có nàng con gái tên gọi Bạch Hoa, tuổi đã tròn đôi muơi mà chưa biết nói. Khi nghe tiếng đàn Đinh Lễ, cô gái đang ăn cơm liền lấy đũa gõ vào mâm theo nhịp tiếng đàn. Quan châu cho mời Đinh Lễ vào nhà đàn hát và khi tiếng đàn vừa dứt, Bạch Hoa cất lên được tiếng nói.
Cho là duyên kỳ ngộ, Bạch Đình Sa tác hợp cho hai người nên đôi lứa. Đinh Lễ đưa Bạch Hoa về Cổ Đạm dạy đàn hát cho trai gái trong vùng. Từ đó đất này thịnh hành lối hát gọi là ca trù. Về sau cả hai đều hoá thân thành tiên về trời. Dân Cổ Đạm lập đền thờ, phong làm tổ sư của ca trù.
Ca Trù là dòng nhạc bác học xưa kia được trình diễn trong những dịp trang trọng như các buổi tế lễ, trong triều đình và những nơi quyền quý. Ngoài Đinh Lễ với cây đàn đáy, một trong những vĩ nhân nổi tiếng bậc nhất lịch sử Nguyễn Công Trứ cũng đã có công đưa bộ môn nghệ thuật này phát triển lên tới đỉnh cao và hưng thịnh cho tới thế kỷ XIX.
Đàn bầu nỉ non là quà tặng của tiên bà cho người con hiếu thảo
Truyền thuyết kể rằng ngày xưa, có một người tên là Trương Viên. Khi đất nước bị xâm lược, chàng cùng các trai tráng phải lên đường đánh giặc. Trước khi đi, Trương Viên dặn vợ, nếu chẳng may loạn lạc, thì hãy dẫn mẹ trở về quê lánh nạn.
Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, theo lời chồng người vợ dắt mẹ trở về quê. Trên đường đi xa xôi rất vất vả, cực khổ, nhiều khi nàng phải nhịn đói để nhường cơm cho mẹ. Một buổi sáng kia, khi đi ngang qua làng nọ, bỗng nhiên người trong làng đổ xô ra niềm nở chào đón, lại còn đãi mẹ con một bữa cơm thịnh soạn, cứ như thể họ chờ đợi mẹ con nàng từ lâu lắm rồi. Hai mẹ con nhìn nhau ngơ ngác, không hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa.
Đợi cho hai người ăn xong, một bô lão trong làng mới nói lý do. Đó là mỗi năm làng phải tế cho hung thần cặp mắt của một người phụ nữ. Không muốn người trong làng bị móc mắt, làng bèn đặt ra lệ rằng mỗi năm đúng ngày giờ này, người phụ nữ nào đặt chân vào làng trước thì sẽ được đãi một bữa ăn thịnh soạn, sau đó thì bị xin cặp mắt. Nay bà lão đặt chân vô trước, vậy xin cặp mắt của bà lão. Nghe vậy, vợ Trương Viên òa khóc, rồi quỳ xin được hiến cặp mắt của mình thay cho mẹ. Dân làng bằng lòng, thế là họ móc cặp mắt nàng.
Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo đó, một bà tiên trên Trời bèn hiện ra và cho nàng cây đàn chỉ có duy nhất một dây, dạy cho nàng cách chơi đàn và dặn rằng: “Cây đàn này sẽ giúp con nuôi được mẹ và sau này gia đình con sẽ được đoàn tụ”. Nàng nhận đàn, lạy tạ tiên bà. Từ đó hai mẹ con dắt nhau đi đàn ca để kiếm tiền độ nhật.
Cây đàn bà tiên tặng có duy nhất một dây, nhưng tiếng đàn rất cuốn hút và sâu lắng. Tiếng đàn trầm ấm khiến cho người nghe thấy ấm áp và khởi niệm từ bi. Nhờ tiếng đàn của nàng dâu mù hiếu thảo, mà cuộc sống của hai mẹ con bớt cơ cực, cũng đủ ấm no.
Chiến tranh chấm dứt, Trương Viên trở về nhà thì không thấy mẹ và vợ đâu. Hỏi thăm mọi người thì cũng không ai biết. Đoán là hai người đã về quê, Trương Viên vội vã đi tìm. Trên đường đi, anh cũng đi ngang cái làng có hung thần, hỏi thăm thì mọi người thuật lại câu chuyện hiếu thảo của nàng dâu, nhưng họ không biết sau đó hai mẹ con đi đâu.
Trương Viên buồn bã, đành lang thang đi tìm khắp nơi. Bỗng một hôm khi ngang qua một cái chợ nhỏ, anh nghe thấy tiếng đàn rất lạ, rồi lại thấy một đám đông đứng chen chúc nhau, hình như họ đang bị quyến rũ bởi tiếng đàn đó.
Hiếu kỳ, Trương Viên lách vào coi, giật mình nhận ra vợ mình đang chơi một cây đàn lạ, còn mẹ đang ngồi ngả nón xin tiền. Trương Viên mừng rỡ, ôm chầm lấy mẹ và vợ, cả ba người khóc như mưa. Riêng người vợ thì qua bao nhiêu nhớ nhung, khốn khổ vất vả, lại còn bị đui mù khiến nàng tủi thân, khóc mãi, khóc mãi đến khô hết nước mắt, rồi thì máu mắt chảy ra. Lạ thay khi dòng máu bắt đầu tuôn chảy, cặp mắt nàng trở lại như xưa.
Ngày nay đàn bầu vẫn được những người con đất Việt yêu mến. Mỗi khi tiếng đàn bầu cất lên, người Việt dù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, cũng thấy nao lòng nhớ tới quê hương bởi sắc thái đặc trưng không thể pha trộn của cây đàn này.
Thiên Cầm
(sưu tầm)
Video: Ý nghĩa ẩn sau truyền thuyết Hằng Nga bay lên cung trăng