Đát Kỷ có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, chỉ một ánh mắt đủ khiến Trụ vương thần hồn đảo điên. Thế mà trước tiếng đàn trong trẻo mênh mông của Bá Ấp Khảo, Đát Kỷ chỉ còn biết thở dài, cam chịu thất bại.

Trụ vương giết hại Hoàng hậu và các trung thần, vì sợ chư hầu cất binh hỏi tội nên nghe lời Bí Trọng, triệu bốn trấn chư hầu về Triều Ca để giết đi. Tây Bá hầu Cơ Xương vì nổi tiếng nhân đức, nên các vị đại thần ra sức can gián Trụ vương, bảo toàn được mạng sống cho ông. Tuy vậy, ông bị giam ở thành Dũ Lý, không được trở lại Tây Kỳ.

Con trai cả của Cơ Xương là Bá Ấp Khảo vâng lời cha giữ yên bờ cõi, đã bảy năm trôi qua mà chưa thấy Cơ Xương trở về, liều mình mang báu vật của Tây Kỳ dâng lên Trụ vương để chuộc tội cha. Khi Bá Ấp Khảo yết kiến Trụ vương, lòng hiếu thảo của ông cũng khiến hôn quân phải cảm động. Đát Kỷ ở sau rèm thấy Bá Ấp Khảo khôi ngô tuấn tú thì nổi lòng tà, bày ra chuyện Bá Ấp Khảo dạy đàn cho mình để tiện bề trăng gió.

Bá Ấp Khảo là người con chí hiếu, lòng nghĩ đến cha già bị giam cầm, nào thiết chi chuyện đàn ca, nhưng khi nghe Trụ vương hứa sẽ thả cho cha về nước thì vui lòng phụng sự. Phong Thần diễn nghĩa, hồi 19 có viết:

“Ðát Kỷ truyền cung nhân bồng nhà vua để nằm nơi long sàng, rồi khiến quan Thái giám đem đến hai cây đàn cầm trao cho Bá Ấp Khảo một cây, và nói:

– Công tử đã có lệnh Thiên tử, vậy thì mau mau truyền lại bản nhạc cho ta để được mau về nước.

Bá Ấp Khảo tuân lệnh cầm đàn ngồi dưới sàn, và nói:

– Xin Hoàng hậu nghe cho rõ: đàn cầm có sáu luật, năm tiếng, lại có sáu điều kỵ, và bảy điều không nên đàn.

Ðát Kỷ nói:

– Sáu luật năm tiếng thì ta đã có nghe, còn sáu điều kỵ thì ta chưa hiểu.

Bá Ấp Khảo nói:

– Sáu điều kỵ gồm có:

1) Nghe khóc kể

2) Mình rơi lụy

3) Mắc lo lắng

4) Ðang giận hờn

5) Ðang kinh hãi

6) Tưởng việc tà.

Sáu điều này phải kiêng cữ.

Ðát Kỷ lại hỏi:

– Còn bảy điều không dám đàn là bảy điều gì?

Bá Ấp Khảo nói:

1) Mưa vạy gió may

2) Có tang than khóc

3) Áo mão chẳng ngay

4) Say rượu rối trí

5) Nhơ uế không sạch

6) Chẳng xông hương là khinh lờn

7) Không kẻ biết nghe là tục.

Bảy điều ấy chẳng nên đàn. Bởi đàn cầm là tiếng chánh, xưa cho ra là ngăn cấm lòng tà, chẳng phải như các món nhạc khác muốn đàn cách nào cũng được”.

Ảnh minh họa: Chụp màn hình YouTube.

Qua lời Bá Ấp Khảo, ta thấy được mục đích cao quý của âm nhạc nói chung và tiếng đàn cầm nói riêng: ngăn cấm lòng tà, giúp con người quy về chính đạo. Bởi thế nên người nghe được tiếng nhạc thuần tịnh thì lòng cũng trong sạch ra, còn kẻ chơi đàn thì lại càng phải tu dưỡng thân tâm mình tịnh khiết. Bên ngoài thì áo mũ chỉnh tề, thân thể thơm tho, bên trong thì không được loạn tâm, rối trí. 

Âm thanh cổ cầm vừa thuần hòa đạm nhã, lại vừa trong sáng mềm xa, ý thú cao nhã, vui mà không phóng túng, buồn mà không bi thương, oán mà không phẫn nộ, ôn nhu đôn hậu, hình thức trung chính bình hòa, không cái gì thái quá, không cái gì chưa đủ. “Cổ cầm là vật dụng, đức ở trong đó”, cái Đạo cổ cầm khiến cho các văn nhân sỹ đại phu có tu dưỡng cả đời truy cầu.

Trong khi đó, rất nhiều sản phẩm ca nhạc hiện nay là phóng đại các loại tình cảm dục vọng của con người, yêu hận đến cực điểm, “nghệ sĩ” biểu diễn đầu bù tóc xoã, rên rỉ ỉ ôi, thậm chí một số tác phẩm còn cổ xuý phóng túng ma tính… đều phạm vào những điều kiêng kỵ nói trên rồi.

“Bá Ấp Khảo so dây lấy giọng, rồi nói tiếp:

– Xin Chánh hậu coi theo đây mà tập.

Tiếng đàn vừa gảy lên, nghe réo rắt, bổng trầm, khiến cảnh vật xung quanh biến thành huyền ảo. Ai nghe thấy đàn cũng mê mẩn tâm thần, dường như thoát tục, duy có Ðát Kỷ lòng chứa tà ma, không có ý nghe đàn, chỉ lo giỡn mặt, vì vậy Ðát Kỷ làm bộ mắc cỡ, liếc mắt cười duyên, nhìn Bá Ấp Khảo chăm chăm như muốn ăn tươi nuốt sống. Bá Ấp Khảo là đứa con chí hiếu, đường xa ngàn dặm, một thân lặn lội đến Triều Ca, cố tìm cách chuộc tội cha già, lòng như sắt đá, lo gì nghĩ bướm ong, do đó, Bá Ấp Khảo không hề ngẩng nhìn Ðát Kỷ, chỉ lo dạy cho mau rồi.

Ðát Kỷ làm đủ mánh khóe dâm tà, Bá Ấp Khảo vẫn không để ý.

Ðát Kỷ thấy phương pháp ấy không thành, gọi Bá Ấp Khảo nói:

– Ông thầy này dạy khó lắm! Vả lại tiếng đàn vừa nghe đã muốn điên, nếu không mượn rượu mạnh để trấn tĩnh tinh thần thì không thể học cho thuộc được.

Nói rồi khiến cung nữ bày tiệc để cùng Bá Ấp Khảo vui vầy.

Bá Ấp Khảo nói:

– Xin Chánh hậu tha cho tôi khỏi hầu tiệc.

Ðát Kỷ nhất thiết không nghe, gọi cung nữ nhắc ghế để bên mình, truyền Bá Ấp Khảo ngồi dự.

Bá Ấp Khảo thất kinh, thưa:

– Tôi là con kẻ có tội, được Chánh cung tha không giết là may, còn Chánh cung là bậc mẫu nghi, mẹ chung thiên hạ, tôi đâu dám vô lễ.

Ðát Kỷ nói:

– Ngươi nghĩ sai rồi. Cứ như đạo vua tôi thì ngươi chẳng thể cùng ta ngồi chung được, nhưng xét về nghĩa thầy trò, ta với ngươi ngồi chung một bàn có sao đâu?

Bá Ấp Khảo cúi đầu thầm nghĩ:

– Con này chứa tà dâm, muốn làm cho ta mất nhân đức. Ta dòng dõi ông Hậu Tắc xưa phò tá vua Nghiêu truyền lại mấy đời, rạng danh trung nghĩa, lẽ đâu chiều đứa lăng loàn lỗi nghĩa tôi chúa. Ta nói thật dù có chết cũng phải chết cho thơm danh, không để nhục dòng họ Cơ mấy đời trung liệt.

Nghĩ như vậy, Bá Ấp Khảo cứ cúi mặt nhìn xuống đất không chịu vào tiệc, Ðát Kỷ thấy Bá Ấp Khảo chắc gan như vậy không làm gì được, liền nghĩ:

– Ta đã cố tình đeo đuổi, nhưng nó quá dại khờ, không biết thưởng thức những gì tinh hoa vũ trụ. Thôi, để ta tìm kế khác, dắt lửa gần rơm, thì dù Tiên Phật cũng không thể gìn lòng son sắt nổi.

– Bá Ấp Khảo hãy đứng dậy. Khanh không muốn dự tiệc thì phải dạy đàn.

Bá Ấp Khảo vâng lời, cầm đàn dạy như trước.

Giây lâu Ðát Kỷ lại nói:

– Không xong rồi. Ta thấy khó học lắm. Khanh ngồi dưới đất ta ở trên cao, ngón đàn đã không thấy rõ, tiếng nhạc lời giảng trôi đi. Khanh hãy đến ngồi gần ta thì ta mới học mau thuộc.

Bá Ấp Khảo nói:

– Xin Chánh hậu chớ nóng lòng, cứ tập lâu sẽ thuộc.

Ðát Kỷ nói:

– Không! Khanh phải đến ngồi sau lưng choàng tay chỉ ngón, làm được như vậy chỉ trong khoảnh khắc ta thuộc ngay. Nếu cứ kéo dài tình trạng thế này, sáng mai Thiên tử hỏi lại ta không thuộc chút nào không khỏi bị quở trách.

Bá Ấp Khảo hồn vía lên mây, thầm nghĩ:

– Ta đã đem thân vào hang cọp rồi, bề nào cũng bị diệt vong. Thôi thà chết trong còn hơn sống nhục.

Nghĩ rồi cất giọng phân trần:

– Nếu Chánh hậu dạy như vậy tôi thà chết chẳng dám vâng lời. Chánh hậu là bậc mẫu nghi, tiếng tăm rất trọng, lẽ nào vì chuyện học đàn tiểu tử mà để thiên hạ cười chê. Dầu Chánh hậu có trong sạch tận đâu mà hành động như vậy sử sách đời sau cũng không thể bỏ qua, ghi lại những vết nhơ trong cung điện. Xin Chánh hậu nghĩ lại sửa mình.

Ðát Kỷ bị Bá Ấp Khảo dùng lời ngay nhục mạ, mặt sượng sùng ngồi chết điếng. Biết mình có lỗi Ðát Kỷ không nói nữa, chỉ thở dài một hơi, rồi nói:

– Thôi ngươi hãy lui về nghỉ”.

Ảnh minh hoạ: Henry Chan/Epoch Times.

Đát Kỷ có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, chỉ một ánh mắt đủ khiến Trụ vương thần hồn điên đảo, thế mà trước Bá Ấp Khảo, mọi chiêu trò của ả đều vô dụng. Thế mới biết, hồ ly tinh có đáng kể gì? Người xưa giảng “Tâm chính áp bách tà”, chính là như vậy.

Trong xã hội hiện đại, tài năng ca vũ âm nhạc của người đàn ông đôi khi bị cho là gắn với thói trăng hoa, và thực tế là một số nam tài tử thay người tình như thay áo. Nếu như không có những tấm gương như Bá Ấp Khảo, người ta dễ lầm tưởng rằng quan niệm đa tài – đa tình là đúng đắn mất rồi. Thực ra, văn hoá truyền thống lấy đạo đức làm căn bản, các loại hình thức nghệ thuật như đàn, hát, múa… đều có mục đích tối thượng là tịnh hoá tâm hồn, nâng cao đạo đức, hướng con người đến gần với Thần hơn. Nên nếu ai đó dùng tài năng nghệ thuật để lý giải cho thói trăng hoa, tà dâm của mình, thì đó chỉ là ngụy biện của kẻ thiếu đức mà thôi.

Trong Nhạc ký có luận thuật quan hệ giữa Nhạc và Đức: “Nhạc là vui vẻ. Người quân tử yêu thích âm nhạc là để nâng cao đạo đức tu dưỡng. Kẻ tiểu nhân yêu thích âm nhạc là để thỏa mãn dục vọng cá nhân. Dùng Đạo để khống chế, ước chế dục vọng thì vui vẻ mà không loạn. Dùng dục vọng để quên mất Đạo thì mê loạn mà không vui vẻ. Thế nên người quân tử có thể chế ngự tình cảm để hòa hợp chí hướng với chính Đạo, thông qua nghĩa lý của âm nhạc để thành tựu giáo hóa rộng rãi, âm nhạc có thể hướng người dân theo chính nghĩa chính Đạo, có thể quan sát đạo đức người dân”.

Đát Kỷ nghĩ “dắt lửa gần rơm, thì dù Tiên Phật cũng không thể gìn lòng son sắt nổi”, quả là vọng tưởng. Tiên Phật là bậc siêu phàm thoát tục, lòng trong sạch hư vô không nhuốm bụi trần, sau có thể khởi niệm tà dâm được? Thật vậy, Bá Ấp Khảo tuy chưa đắc Đạo thành Tiên, nhưng là một chính nhân quân tử trong cõi người, ông đã có thể đứng vững trước cám dỗ của sắc dục. 

Dẫu rằng Bá Ấp Khảo sau khi cự tuyệt Đát Kỷ thì bị yêu hồ vu oan giá hoạ, dùng cực hình hại chết, nhưng tấm lòng son sắt của ông khiến lòng dân càng hướng về nhà Chu. Cổ cầm ban đầu có 5 dây, tượng trưng ngũ hành Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ. Chu Văn vương sau này để tưởng nhớ con trai nên đã tăng thêm một dây. Lúc Võ vương đánh Trụ, để tăng sỹ khí, lại tăng thêm một dây, do đó cổ cầm còn có tên “Văn Võ thất huyền cầm”.

videoinfo__video3.dkn.tv||12f7cf45f__