Đại Kỷ Nguyên

Tự do đích thực là gì?

Ngựa đực và ngựa cái sống chung trong một chuồng. Hàng ngày, chúng bị chủ sai khiến làm nhiều việc khác nhau: kéo xe, chở đồ vật, kéo cày…

Vì vậy, chúng thân nhau như hai người bạn cùng gánh vác số kiếp của loài ngựa với điệp khúc: làm việc, ăn no, nghỉ ngơi, làm việc… cho đến mãn đời.

Tuy vậy, khi ngựa cái gần đến tuổi trưởng thành, nó được cho ăn thêm món thóc trộn tro bếp. Tro bếp này cũng từ rơm đốt lên mà thôi. Ngựa cái rất thỏa mãn, nó bảo ngựa đực rằng: món ăn này đậm đà, ngon miệng hơn nhiều so với món ăn chung nhạt nhẽo trước kia của chúng. Ngựa đực im lặng nhưng có chút ghen tị, vì nó không được người chủ cho ăn món này.

Đến tuổi yêu đương, ngựa cái thường hay nghển cố hí vang đáp lại tiếng hí gọi của anh ngựa rừng đẹp mã, dũng mãnh từ phía rừng xa xa. Ngựa đực lại ghen tị thêm một chút, mặc dù như đã nói, chúng chỉ thân nhau như hai người bạn.

Một hôm, người chủ tháo dây, mở chuồng, thả ngựa cái vào rừng. Ngựa cái hí vang và không kịp chào ngựa đực, nó phi nước đại vào rừng thẳm để chạy theo tiếng gọi của tình yêu. Ngựa đực giương mắt nhìn ngựa cái được tự do mà tràn đầy tiếc nuối và ghen tị. Nó bắt đầu cảm thấy số phận thua thiệt, cảm thấy thân phận tù đày khi so sánh với sự may mắn và tự do của ngựa cái.

Ngựa cái hí vang, phi nước đại vào rừng. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Quả vậy, trong khi ngựa cái lang thang trong rừng, vai kề vai đi tới tương lai với anh ngựa rừng thì ngựa đực ở lại phải gánh vác tất cả mọi việc. Gánh nặng công việc giờ tăng lên gấp đôi: chở nặng gấp đôi, kéo cày gấp đôi… vì giờ đây nó phải làm một mình.

Ngựa đực vô cùng tức tối. Nó cắn, đá, lồng lộn hí vang, tuyệt thực. Nó làm đủ mọi cách để không phải làm việc, để được thưởng thức món thóc trộn tro rơm và nhất là được thả vào rừng, thoát khỏi thân phận tù đày và công việc nặng nhọc.

Nhưng đáp lại tất cả những sự bất kham ấy là đòn roi, mắng chửi của người chủ. Càng bị đánh đập, ngựa đực càng uất ức, càng dễ tủi thân, càng so bì tị nạnh với ngựa cái. Thậm chí, có lúc nó muốn chết đi. Thế là tự do, nó nghĩ vậy.

Cho đến một ngày.

Hôm ấy, ngựa đực nhất định không ra đồng làm việc. Nó trông thấy hai bố con ông chủ đành vác cày ra đồng làm thay cho nó. Khi họ trở về, mồ hôi nhễ nhại, trên mặt nặng nỗi lo âu. Họ vừa đi vừa chép miệng than thở. Vụ mùa đã bị ngựa đực làm cho chậm trễ. Và đời sống của gia đình ông chủ cũng như các con vật trên nông trang đang gặp khó khăn vì đều trông cả vào hoa lợi trên đồng ruộng ấy. Hai bố con ông chủ bàn nhau bán ngựa đực đi và thay bằng một con bò.

Ngựa đực ngẫm nghĩ. Té ra lâu nay nó đã ăn không ngồi rồi và mơ ước viển vông. Nó là nguồn cơn cho thất bại của nông trại vì đã không làm tròn nhiệm vụ của mình. Gia đình ông chủ và các con vật ở nông trại có thể bị đói vì nó. Ngựa đực ngẫm nghĩ, ngẫm nghĩ…

Sáng hôm sau, ông chủ hết sức ngạc nhiên khi thấy ngựa đực ngoan ngoãn cùng ông ra đồng làm việc, ngoan ngoãn kéo xe, chở nặng và ngoan ngoãn ăn rơm nhạt trong máng cỏ.

(Ảnh minh họa: prime.md)

Nó đã hiểu rằng: mọi con người và con vật ở nông trại đều có trách nhiệm phải hoàn thành. Khi coi công việc là bổn phận, gánh nặng là nhiệm vụ phải hoàn thành, ghen tị với ngựa cái là ngu xuẩn và vô ích thì khi ấy… ngựa đực không cảm thấy lao động vất vả là nỗi khổ cũng như được ăn món thóc tẩm tro rơm thượng hạng là sung sướng nữa. Việc cần làm thì phải làm, đồ cần ăn thì phải ăn.

Từ lúc ấy, ngựa đực mới bắt đầu cảm thấy một sự thanh thản. Nói cho cùng, ông chủ vẫn đối xử với nó tử tế, cho nó ăn no và nghỉ ngơi khi nó hoàn thành công việc. Vả lại, ông ta cũng có những nỗi khổ tâm của mình, có bổn phận của kẻ bề trên để vận hành nông trang của ông ta, giống như ngựa đực phải làm nhiệm vụ trong khả năng của nó. Trời đã sinh ra những người và những vật với khả năng khác nhau để ai cũng có việc của mình.

Giữa lúc ấy thì ngựa cái trở về, mang theo cái bụng chửa lặc lè. Ngựa cái kể lại mọi chuyện cho ngựa đực nghe.

Té ra, ngựa cái đã được thả vào rừng để lấy giống của ngựa rừng. Con lai của ngựa cái với ngựa rừng sẽ là những con ngựa khỏe mạnh giống cha. Nhưng để ngựa cái không đi mất hẳn, ông chủ cho ngựa cái ăn thóc trộn tro rơm. Khi rơm củi đốt lên thành tro, trong đó sẽ có muối. Ăn đồ ăn có muối đậm đà cũng dễ gây nghiện khiến người ta khó có thể ăn nhạt được nữa.

Lần đầu, ngựa cái chạy theo tiếng gọi của tình ái. Nó đã về với thiên nhiên, thoát khỏi chuồng ngựa tù túng và công việc nặng nề. Nó được yêu đương theo ý mình. Nó đã nghĩ đó là tự do. Ngoài thiên nhiên thật vô vàn hoa thơm cỏ ngọt, lại có thể rong chơi quên ngày tháng, nhưng ngựa cái vẫn nhớ tiếc món thóc trộn tro rơm chỉ có trong chuồng ngựa của chủ nó, và nó đành phải quay về.

Ngựa đực bắt đầu suy ngẫm về ý nghĩa của tự do mà bấy lâu nay nó vẫn nghĩ rằng: đó chỉ là sự giải phóng của thân xác… 

Xin nhường lại những lời bàn cho bạn đọc! 

Thanh Phong

Bạn đang đọc bài viết: “Tự do đích thực là gì, không nhiều người thấu hiểu” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

Exit mobile version