Năm Quang Tự thứ 26 (1900), giặc ngoài đánh vào Bắc Kinh, kinh thành đại loạn khiến Hoàng hậu, Thái hậu, đại thần, thái giám, cung nữ đều phải chạy lánh nạn ở Trường An (nay là Tây An). Khánh thân vương nghe tin lão hòa thượng Hư Vân là cao tăng đắc đạo liền mời Hư Vân lão hòa thượng làm bầu bạn trên đường đi về phía Tây để giữ bình an.
Khi đó là tháng 8 nóng bức, những thi thể bị rữa ra làm mùi hôi thối bao phủ khắp nơi, bệnh dịch bao vây Trường An. Khắp nơi toàn là người chết đói, người sống phải ăn thịt người chết, những thi thể thối rữa la liệt khắp mặt đất.
Hư Vân lão hòa thượng lập tức tấu lên Hoàng thượng ban lệnh cấm người sống ăn thịt người chết và huy động tất cả những người giàu có mở kho lương thực dự trữ để cứu tế dân bị nạn.
Hư Vân lão hòa thượng thương xót chúng sinh, muốn tổ chức một hội lễ cầu đại tuyết trong 7 ngày ở thiền tự Ngọa Long, hy vọng trời đất bảo vệ cho tuyết rơi xuống để trừ bệnh dịch.
Trước sự việc có người hảo tâm thầm khuyên can: “Đại họa đại nạn khác với bình thường, chúng sinh không thể làm trái, lỡ cầu tuyết không khéo, rồng phẫn nộ phạt Ngài tội khi quân kéo ra chém đầu có đáng không?”
Hư Vân lão hòa thượng không màng chuyện sinh tử. Ở thiền tự Ngọa Long nhờ sự trợ giúp của Phương trượng hòa thượng Đông Hà cùng toàn thể tăng nhân trong chùa, họ dựng đàn và chuẩn bị những đồ cử hành nghi lễ… Uy đức của Hư Vân đã thu hút cả ngàn tăng nhân đến chùa ở Tây An, các hòa thượng quanh năm ẩn cư ở núi Chung Nam Sơn cũng ra khỏi núi trợ giúp, các tín đồ Phật giáo nghe tin cũng từ bốn phương tám hướng kéo tới…
Pháp đài cao rộng ba trượng ba, ở trên có Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát. Hai bên pháp đài có hai cột cờ cao treo cờ Phật chữ vàng dài hơn ba trượng, một mặt viết “Nam mô Sa Kiệt La Long Vương Bồ Tát Ma Kha Tát”, một mặt viết “Nam mô tùy phương phổ ưng hành tuyết Long Vương thánh chúng Bồ Tát”. Trên Phật đài phủ miếng vải vàng cùng có đủ hoa tươi, trái cây, nhang đèn. Hư Vân cùng 9 pháp sư thân khoác cà sa màu vàng ngồi tọa thiền trên đài kết ấn làm pháp bảy ngày đêm. Dưới đài hai bên là 108 vị tăng nhân liên tục tụng thần chú cầu tuyết, 360 vị tăng nhân dẫn dắt tín chúng hành lễ Đại Bi Sám, những tăng ni khác dẫn dắt tín chúng niệm Phật hiệu A Di Đà không ngừng.
Đến sáng ngày thứ 7 quả nhiên mây đen kéo đến. Buổi chiều đại tuyết tung bay.
Sau trận đại tuyết các tăng ni ai về chùa nấy. Hư Vân vẫn ngồi trên pháp đài trơ trọi niệm chú thi pháp, ông không thể đứng lên, vì chuyện hạn hán hết năm này qua năm khác không thể giải quyết trong vài giờ đại tuyết. Còn dịch bệnh ở thành Trường An cũng cần thêm vài ngày đại tuyết mới có thể giải quyết dứt điểm. Nếu ông đứng lên thì tuyết sẽ ngừng rơi, hiệu quả cầu tuyết giải nạn sẽ dang dở giữa chừng, tuyết càng rơi càng lớn; nhiệt độ càng lúc càng xuống thấp. Qua 7 ngày, ngàn dặm trong ngoài thành Trường An đều kín băng, tuyết bay khắp nơi.
Trận đại tuyết trong trong liên tiếp vài ngày đã loại bỏ dịch bệnh và khô hạn. Thái hậu Từ Hi ngồi kiệu cùng đi với đội vệ binh đến thiền tự Phục Long, bà muốn đích thân đến thăm lão hòa thượng đã giúp đỡ triều đình trừ nạn cho bách tính, có khả năng hô mưa gọi gió. Dù đã thấy tuyết tung bay khắp nơi nhưng Hư Vân lão hòa thượng vẫn tiếp tục ngồi thiền trên đài trơ trọi, không ngừng niệm chú làm pháp. Cảnh tượng khiến “lão Phật gia” xưa nay chỉ có muôn dân khom lưng chào này đã cảm động rơi nước mắt. Bà quỳ xuống nền tuyết cúi gập đầu hướng về phía vị cao tăng.
Túc thân vương, Khánh thân vương mời cao tăng sau này trở về Bắc Kinh cùng họ để chỉ bảo họ Phật pháp.
Một buổi sáng đầu tháng 10, lão hòa thượng Hư Vân vốn xem danh lợi như mây khói đã lặng lẽ rời khỏi Trường An, sau đó ẩn cư ở Chung Nam Sơn. Ông tiếp tục nhập định 23 ngày làm kinh động thiên hạ.
Năm Quang Tự thứ 27 khí trời lạnh giá, tuyết phủ khắp nơi, cái rét như cắt da cắt thịt, lão hòa thượng sống một mình trong bụi cỏ tranh, thân tâm thanh sạch, vào một ngày ngồi xếp bằng bên nồi khoai sọ chờ khoai chín, ông bất giác nhập định đến tháng Giêng năm sau. Một hàng xóm trong núi là sư Phục Thành chờ lâu không thấy mặt lão hòa thượng bèn đến bụi cỏ tranh chúc Tết, thấy bên ngoài đầy dấu chân hổ, khi vào bụi cỏ tranh thì thấy lão hòa thượng nhập định. Ông cầm cái khánh đánh động hỏi: “Lão hòa thượng đã ăn gì chưa?” Trả lời: “Chưa, đang luộc khoai môn, đã chín rồi”. Khi mở nắp nồi ra thì thấy trong nồi đã mốc meo hết cả, sư Phục Thành kinh ngạc thốt lên: “Ông chắc là đã hơn nửa tháng rồi”.
Theo secretchina
Tinh Vệ biên dịch
Xem thêm: