Đại Kỷ Nguyên

Từ ‘Hồng Lâu Mộng’ cảm ngộ về thọ mệnh của con người

Hiện nay, mọi người đều quan tâm về vấn đề sức khỏe và trường thọ. Và ít ai biết rằng, trong ‘Hồng Lâu Mộng’ –  một trong tứ đại danh tác từ lâu đã tiết lộ về điều này.

Trong số các nhân vật của “Hồng Lâu Mộng” có một người là nhân vật điển hình của sự trường thọ, đó chính là Giả mẫu; còn có một người là điển hình nhiều bệnh đoản mạng, đó chính là Phượng Thư. Chúng ta hãy cùng xem thử, khỏe mạnh sống lâu của Giả mẫu và nhiều bệnh đoản mạng của Phượng Thư, nguyên nhân nằm ở đâu?

Lời căn dặn của Giả mẫu với Bảo Ngọc

Trong bộ tiểu thuyết “Hồng Lâu Mộng”, đoạn có thể thể hiện ra tính cách của Giả mẫu nhất chính là lời căn dặn của bà. Bà cuối cùng đã có một sự tổng kết với cả một đời của mình, đoạn này nằm hồi 110 trong “Hồng Lâu Mộng”.

“Giả mẫu ngồi dậy và nói:

– Ta về nhà đây đã hơn sáu mươi năm, phúc cũng hưởng hết rồi. Từ cha con đến con cháu cũng đều tốt cả. Nhất là Bảo Ngọc, ta thương yêu nó lâu nay…

Nói đến đó, bà mở to mắt nhìn khắp mọi nơi, Vương phu nhân đẩy Bảo Ngọc đến trước giường. Giả mẫu giơ tay từ trong chăn ra, nắm lấy Bảo Ngọc và nói

– Cháu ơi, cháu phải làm nên mới được”.

Ở đây là có ý gì? Chính là Giả mẫu muốn nhắn nhủ rằng: “Bảo Ngọc cháu của bà, cháu đừng có suốt ngày từ sáng đến tối cứ mãi quây quần trong đám con gái, mà hãy giống như một nam tử hán đại trượng phu, đứng thẳng người lên mà làm người trong xã hội, có thể có chút thành tựu mới ổn. Còn như làm không được …..”. Ý của dấu chấm lửng chính là “mai này bụng đói thì biết phải làm sao đây?”. Thân là bà nội, bà không muốn nói ra những lời này.

Giả mẫu và Bảo Ngọc. Ảnh dẫn theo megafun.vn

Lời dặn của Giả mẫu với Phượng Thư

Bà lại nói với Phượng Thư: “Cháu ơi, cháu thông minh quá, sau này nên tu lấy phúc nhé! Ta cũng không hề tu gì, chẳng qua lòng ngay thiệt đấy thôi. Những việc ăn chay niệm phật, ta cũng không hay làm. Năm trước đây ta có bảo viết kinh Kim Cương đưa cho mọi người, không biết đã đưa xong chưa?”.

Ý là gì đây? “Phượng nha đầu, cháu của bà này, những chuyện thất đức cháu đã làm quá nhiều rồi, cháu hãy tích chút âm đức đi, bà sợ …..”. Ý của dấu chấm lửng chính là “sợ cháu không được chết tốt đâu!”, thân là bà nội, bà cũng không muốn nói ra những lời như vậy. Cuối cùng, “…..Nghe trong cổ Giả mẫu hơi khò khè và trên mặt mỉm cười, rồi tắt thở, thọ tám mươi ba tuổi“.

Tấm lòng ngay thẳng không sợ chịu thiệt: So sánh Giả mẫu với Phượng Thư

Người xưa chẳng phải có câu nói “chịu thiệt là phúc” sao? Chính là bởi Giả mẫu tấm lòng ngay thẳng, không sợ chịu thiệt, vậy nên phúc khí của cụ bà rất lớn. Bà cả một đời hiểu rõ đại nghĩa, không quan tâm thiệt hơn, giữ tròn chuẩn mực đạo đức của người phụ nữ (chính là “tam tòng tứ đức” mà con người ngày nay chê cười), vậy nên phúc thọ dồi dào. Sau khi bị tịch thu tài sản, bà vẫn còn có thể bình tĩnh vô tư mà đem tài sản tích cóp riêng của mình chia cho con cháu. Nếu là những quý phụ khác, e rằng đã sợ đến ngã bệnh, nói không chừng rất mau đã dứt mạng lìa đời rồi.

Có lần vào Tết Đoan Ngọ, Vinh quốc phủ đến Thanh Hư quán lập đàn tụng kinh và xem tuồng:

“Phía trước, các đồ chấp sự bày đến quán Thanh Hư. Bảo Ngọc cưỡi ngựa đi trước kiệu Giả mẫu để dẫn đường. Người trên phố đều đứng hai bên xem. Gần đến quán, tiếng chiêng tiếng trống nổi lên, đạo sĩ họ Trương mặc lễ phục, cầm hương dẫn các đạo sĩ đứng bên đường đón tiếp. Vừa đến cửa, nhìn thấy la liệt những tượng bản thổ, thành hoàng, Giả mẫu liền xuống kiệu. Giả Trân dẫn con cháu đến đón. Phượng Thư đến từ trước cũng mang bọn Uyên Ương ra đón. Thấy Giả mẫu xuống kiệu, Phượng Thư vội chạy lại đỡ. Chợt có một đạo sĩ nhỏ độ mười hai, mười ba tuổi, cầm cái kéo cắt nến, muốn nhân dịp lẩn đi chỗ khác, không ngờ đâm vào người Phượng Thự Phượng Thư giơ tay tát nó một cái, làm thằng bé ngã lộn nhào, Phượng Thư mắng:

– Giống khốn nạn này, mày chạy đi đâu?

Đạo sĩ nhỏ không kịp nhặt kéo, định tháo chạy, lại gặp ngay bọn Bảo Thoa xuống xe, những vú già và người nhà vây kín xung quanh. Khi đạo sĩ nhỏ chạy ra, mọi người đều hét ầm lên “Bắt! Bắt! Đánh Đánh!”. Giả mẫu nghe vậy hỏi việc gì. Giả Trân vội vàng lại hỏi. Phượng Thư đi lên đỡ Giả mẫu và nói:

– Có một đạo sĩ nhỏ đi cắt tàn nến, không chịu tránh ra chỗ khác, cứ đâm bừa vào người.

Giả mẫu nghe nói liền bảo:

– Dẫn nó lại đây, đừng làm thằng bé sợ. Nó là con nhà thường dân, xưa nay được nuông chiều quen, đã bao giờ trông thấy những cảnh rầm rộ như thế này? Nếu làm nó sợ thì thật đáng thương! Cha mẹ nó thấy thế, lẽ nào không đau xót.

Nói xong, bảo Giả Trân dắt đứa bé ấy lại. Thấy nó tay cầm cải kéo cắt tàn nến quì xuống đất run lẩy bẩy, Giả mẫu sai Giả Trân đỡ nó dậy, bảo đừng sợ, rồi hỏi nó bao nhiêu tuổi. Đứa bé không nói ra lời. Giả mẫu nói: “Thằng bé thực đáng thương!” Lại bảo Giả Trân: “Cháu dẫn nó ra cho nó ít tiền ăn quà và đừng ai nạt nộ nó!” Giả Trân vâng lời dẫn nó ra.

Giả mẫu dẫn mọi người đi lễ, lần lượt xem phong cảnh các nơi. Đám hầu nhỏ đứng ngoài, thấy bọn Giả mẫu đi vào cửa thứ hai, lại thấy Giả Trân gọi người dẫn đạo sĩ nhỏ ra, cho nó mấy trăm đồng tiền, dặn không được dọa nạt nó. Người nhà nghe vậy liền dắt nó đi”.

Phượng Thư vốn là con gái nhà danh giá, nhưng lại hung dữ đanh đá đến vậy, mở miệng là mắng người. Giả mẫu đức cao vọng trọng, nhưng bà có thể ân cần quan tâm người dưới, lúc nào cũng nghĩ cho người khác, dù đó chỉ là một đứa trẻ tình cờ gặp được. Phượng Thư là người ngang ngược, chua ngoa, hung dữ, cậy thế hiếp người. Giả mẫu thì lại là người nhân đức, khoan dung, nhẫn chịu, đối tốt với người. Ai thiện ai ác, thật quá rõ ràng. Vì sao Phượng Thư lắm bệnh nhiều nạn, đến nỗi phải chết trẻ như vậy? Vì sao Giả mẫu nhiều phúc nhiều thọ, hưởng trọn niềm vui lúc tuổi già? Từ một việc nhỏ này chúng ta có thể thấy được phần nào.

Giả mẫu tấm lòng ngay thẳng, không sợ chịu thiệt, vậy nên phúc khí của cụ bà rất lớn. Ảnh dẫn theo megafun.vn

Phượng Thư có tài nhưng lại dám làm chuyện xấu

Phượng Thư vừa trẻ, vừa xinh đẹp, vừa thông minh tài giỏi, lại biết nói chuyện, biết tính toán. Thời nay rất nhiều cô gái đã hơn hai mươi tuổi rồi vẫn còn dựa vào lòng mẹ làm nũng, còn Phượng Thư bắt đầu từ 17 tuổi đã có thể gánh vác cả một ngôi nhà lớn như thế, thật là một nhân tài lớn hiếm có, một bậc thầy quản lý kinh tế thiên tài tự học mà biết. Bản thân nàng ta cũng không biết được mấy chữ, cũng không mấy lần động đến bàn tính, nhưng trong lòng nàng ta lại tự có sẵn một cái cân, một bàn tính, một cuốn sổ. Nàng ta lại có thể đem số người, số đồ vật, số tài chính vốn phức tạp như thế trong Vinh quốc phủ quản lý được hết sức ngay ngắn rõ ràng, thật là quá xuất sắc!

Khi làm tang sự cho Tần Khả Khanh ở Ninh quốc phủ, Giả Trân cho  mời nàng ta qua giúp đỡ quản lý mọi việc, nàng ta cũng chu toàn mọi việc, không phụ sự kỳ vọng của mọi người. Đáng tiếc là nàng ta tự cậy mình thông minh, không tin nhân quả báo ứng, vậy nên dám mắng người, dám đánh người, dám dối gạt người, dám ức hiếp người, dám hại người cho đến giết người, đã làm ra rất nhiều chuyện thương thiên hại lý. Chỉ cần có thể đạt được mục đích của mình, nàng ta cái gì cũng  không sợ, cái gì cũng không quan tâm.

Nàng nói với lão ni Tịnh Hư của am Thủy Nguyệt rằng: “Sư già hẳn đã biết rõ tính ta lắm. Xưa nay ta chẳng tin sự báo ứng âm ty địa ngục gì cả. Bất cứ việc gì ta đã làm là làm. Bảo họ đưa ba nghìn lạng bạc đến đây, ta sẽ nói hộ cho“. (Hồng Lâu Mộng – hồi thứ 15).

Hãy xem, thật đúng là một người chủ nghĩa duy vật tuyệt đối, thật đúng một người vô thần, gan dạ không sợ trời không sợ đất! Vậy nên, nàng ta đã hại chết Giả Thụy, bức chết Vưu Nhị Tỉ, vì để ngồi hưởng ba nghìn lượng bạc, khiến cho Trương tài chủ và ông Thủ Bị người của trắng tay, hại chết hai mạng người. Đối với chuyện hôn nhân của Bảo Ngọc, nàng ta đã đưa ra chủ ý xấu cho Giả mẫu và Vương phu nhân, làm “kế đánh tráo” gì đó, hại cho Đại Ngọc bệnh chết, Bảo Ngọc xuất gia, Bảo Thoa ở góa. Những việc này đều không phải ngẫu nhiên gì, đều là lấy chủ nghĩa duy vật và vô thần luận làm nền tảng tư tưởng trong đó.

Giả mẫu từ sớm đã lo lắng Phượng Thư sẽ không trường thọ, đã từng mấy lần khéo léo khuyên bảo nàng, nhưng Phượng Thư không nghe, lần nào cũng đều lấy những lời ngon ngọt mà lảng tránh. Ví như có một lần “Giả mẫu gật đầu thở dài rằng: Ta tuy thương nó, ta lại sợ nó lanh lợi quá cũng không phải chuyện hay ho gì“. (Hồng Lâu Mộng – hồi thứ 52).

Giả mẫu từ sớm đã lo lắng Phượng Thư sẽ không trường thọ, đã từng mấy lần khéo léo khuyên bảo nàng, nhưng Phượng Thư không nghe. Ảnh dẫn theo pda.vietbao.vn

Phượng Thư vốn rất thông minh tài giỏi, nhưng lòng dạ độc ác, vậy nên liệu có được mấy cái mạng, liệu có được nhiều phúc nhiều thọ mà tận hưởng không? Cuối cùng, người của nhân gian (bao gồm có Giả Liễn – chồng của Phượng Thư) đều đâm ra chán ghét nàng ta, quỷ của âm gian (bọn người Vưu Nhị Tỉ) lại đến quấy rầy nàng ta. Phượng Thư lúc này thật sự không thể nào sống tiếp thêm được nữa, chỉ mong được chết cho mau.

Phượng Thư có lần cười nhạt với Bình Nhi rằng:

– Chị chưa hiểu điều đó, chứ tôi thì đã biết rõ rồi. Tôi cũng chẳng sống được lâu nữa đâu! Tuy rằng mới có hai mươi lăm tuổi đầu, nhưng cái gì người ta chưa thấy mình cũng đã thấy, cái gì người ta chưa ăn mình cũng được ăn, về phần ăn mặc cũng được đầy đủ, tất cả những cái gì trên đời này có, mình đều có cả. Tức khí cũng chán rồi, tranh hơn cũng đủ rồi, dù phần chữ “thọ” có thiếu một chút cũng thôi”. (Hồng Lâu Mộng – hồi 101).

Vậy nên, khúc “Thông minh lụy” trong “Hồng Lâu Mộng” đã tổng kết một đời của Phượng Thư như vậy:

Việc đời tính rất thông minh,
Còn mình, mình tính phận mình vẫn sai,
Sống lần ruột đã nát rồi,
Chết mang tiếng hão là người tinh ranh,
Trước kia giàu có khang ninh,
Đến sau cơ nghiệp tan tành khắp nơi.
Uổng công áy náy nửa đời,
Khác gì một giấc mộng dài thâu canh.
Ầm ầm như sắp đổ đình,
Chập chờn như ngọn đèn xanh cạn dầu,
Vừa vui vẻ đã âu sầu,
Đời người biến đổi biết đâu mà lường”.

Giả mẫu bụng dạ thiện lương hưởng phúc trời

Làm sao để có thể khỏe mạnh? Làm sao để sống được lâu? Hiện nay rất nhiều người đối với những vấn đề này thì nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Nào là ăn gì, mặc gì, ở đâu, dùng phương thuốc gì, điều dưỡng như thế nào? Những vấn đề cần lưu ý thật nhiều không kể xiết, hơn nữa còn cho ra không ít những cuốn sách dày cộp.

Giả mẫu nói: “Bản thân ta cũng không có tu gì, chỉ là lòng dạ ngay thiệt đấy thôi …..”. Lòng dạ ngay thẳng, không sợ chịu thiệt – Đây có lẽ chính bí quyết của trường thọ, là đạo lý phúc thọ vẹn toàn. Có người cho rằng Giả mẫu khỏe mạnh sống lâu là nhờ vào cuộc sống hưởng thụ và điều dưỡng. Đây mới chỉ là một phương diện thứ yếu.

Nhân vật Già Lưu trong Hồng Lâu Mộng, bà sống ở nông thôn, cả một đời cần cù tiết kiệm, làm gì có món ngon để ăn, làm gì có áo đẹp để mặc, cũng đâu có được điều dưỡng tốt. Vậy mà bà chẳng phải cũng là một người sống rất thọ hay sao? Bà ấy cũng là “lòng ngay chịu thiệt”, hơn nữa còn cần cù tiết kiệm, an phận thủ thường.

Vận mệnh nếu như đặt bạn ở vào địa vị của Giả mẫu, thế thì bạn cứ điều dưỡng và hưởng thụ; còn nếu như đặt bạn ở hoàn cảnh của Già Lưu, thế thì bạn hãy cần cù tiết kiệm, bằng lòng với hiện tại, đây cũng đều là thuận theo tự nhiên. Vậy nên bí quyết trường thọ chính là không tranh với đời, vạn sự tùy duyên, lòng dạ ngay thẳng, không sợ chịu thiệt, gặp sao yên vậy và thuận theo tự nhiên.

Giả mẫu tin vào Phật giáo, vậy nên mời người sao chép kinh Kim Cang, kèm với quyển “Tâm Kinh” mà tặng cho mọi người. Giả mẫu nói không tu gì, nhưng một người tu luyện là tu cái gì đây? Chẳng phải chính là tu cái tâm đó sao? Bà ấy tin có nhân quả báo ứng, vậy nên không dối gạt người, không hại người, không ức hiếp người, lòng dạ thiện lương, không sợ chịu thiệt, đối tốt với mọi người thì cả một đời đều như vậy. Vậy thì bà ấy chẳng phải là một người “ở trong Đạo” rồi sao?

Phượng Thư mạnh mẽ quyết đoán, không tin nhân quả báo ứng, vừa khéo đã gặp phải báo ứng, chỉ sống được đến 25 tuổi. Còn Giả mẫu tin vào nhân quả báo ứng thì phúc thọ vẹn toàn, sống đến 83 tuổi. Quả đúng là, người nhân đức sống lâu, kẻ hung ác chết yểu.

Giả mẫu tin vào nhân quả báo ứng thì phúc thọ vẹn toàn, sống đến 83 tuổi. Ảnh dẫn theo j196j8.pixnet.net

Tích đức phúc dư sót lại

Cả một đời của Phượng Thư chưa từng làm qua một việc tốt gì, thậm chí ngay lúc nàng ta giúp đỡ cả nhà Già Lưu, cũng chỉ xem bà Lưu giống như kẻ dưới mà khinh thường bỡn cợt. Nhưng dù sao đi nữa, Phượng Thư cũng đã ra tay cứu giúp Già Lưu trong lúc khó khăn nhất. Vậy nên khi con gái của nàng ta là Xảo Thư sắp bị “cậu ác” Vương Nhân và “anh gian” Giả Cần bán cho phiên bang, Già Lưu đã ra tay cứu thoát Xảo Thư, gả đến gia đình một tài chủ, giúp Xảo Thư ở đó kéo sợi sống qua ngày. Đây âu cũng là “thiện hữu thiện báo”. Khúc 11: “Lưu dư khánh” trong “Hồng Lâu Mộng” chính là nói về Xảo Thư:

May sao gặp được ân nhân,
Là nhờ dư phúc nương thân đó mà.
Âm công vun lấy phúc nhà.
Hết lòng cứu giúp người ta khi nghèo.
Anh gian, cậu ác chớ theo,
Nhãng tình máu mủ, chỉ yêu bạc tiền.
Có trời báo ứng ở trên.

Một chút âm đức duy nhất mà Phượng Thư tích được cả đời, cuối cùng lại được hoàn trả lên Xảo Thư.

‘Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo’, đây chính là quy luật bất biến trong vũ trụ. Thiếu nợ thì phải trả tiền, không thể nào chạy thoát.

Một người mà luôn làm chuyện xấu, luôn chiếm tiện nghi, hiếp đáp người khác, thì sẽ thọ lãnh ác báo. Còn như một người luôn làm việc tốt, thường hay chịu thiệt, giúp đỡ người khác, thì ắt sẽ nhận được thiện báo. Đối với chuyện khỏe mạnh và sống lâu, chúng ta chỉ có thể bắt đầu từ chỗ căn bản, thì mới có thể nắm bắt được điều mấu chốt. Và bí quyết ở đây, từ hai nhân vật trong danh tác ‘Hồng Lâu Mộng’ ở trên đã tiết lộ cho chúng ta.

Không tranh với đời, vạn sự tùy duyên, tấm lòng lương thiện, không ngại chịu thiệt, và thuận theo tự nhiên. Thọ mệnh và sức khỏe mà một người mong đợi đều nằm trong đó cả, chẳng đúng như vậy sao! Bởi Thần Phật luôn bảo hộ những người lương thiện, những người luôn tích đức hành thiện thì phúc báo sẽ mãi dài lâu. 

Theo secretchina.com
Thiện Sinh biên dịch

Exit mobile version