Hầu Nguyên không biết tu dưỡng tâm tính, cũng không biết lấy hành đức làm nền tảng thâm hậu, có thần thông liền cho rằng mình không tầm thường, một mực truy cầu vinh hoa và danh lợi; cái tâm bành trướng khiến anh ta không nghe lời can ngăn khuyên bảo của thần linh, cuối cùng thân bại danh liệt, tự gánh ác quả.
Vào thời nhà Đường, có một tiều phu tên là Hầu Nguyên ở thôn Sơn, huyện Đổng Đê, Thượng Đảng (ngày nay ở phía đông nam tỉnh Sơn Tây). Anh ta xuất thân từ một gia đình nghèo và kiếm sống bằng nghề bán củi, dưới thời trị vì của Hoàng đế Đường Hi Tông. Hàng ngày anh ta lên núi phía tây bắc quận để đốn củi, sau khi đốn xong thì nghỉ ngơi trong sơn cốc. Có một tảng đá khổng lồ đứng sừng sững bên miệng cốc, giống như một tòa nhà cao chót vót.
Hậu Nguyên nhìn tảng cự thạch chắn ngang, nhẫn không được bèn tự thán mệnh khổ, trách móc vì sao cả ngày phải làm việc lao lực mà cuộc sống khó khăn. Chưa nói dứt lời, tảng đá đột nhiên nứt ra một cái động, từ trong động bước ra một lão nhân mặc áo lông đen, râu tóc bạc trắng như cước, tay cầm một cây trượng. Hầu Nguyên sửng sốt, vội vàng đứng dậy cúi chào. Lão nhân nói: “Ta là Thần quân, ngươi sao lại bất mãn như vậy, ta tự có cách làm cho ngươi sung túc, hãy đi cùng ta.”
Lão nhân quay người bước vào trong động, Hầu Nguyên cũng theo sau. Đi được mấy chục bước, đột nhiên nhìn thấy ánh sáng; ngay trước mắt là một cánh đồng bằng phẳng mọc đầy kỳ hoa dị thảo. Sau khi đi bộ được vài dặm, đi qua một khe suối nước chảy xiết, cuộn sóng xanh như ngọc, có lũ chim chao liệng trên không và cầu vồng như bắc cầu qua mặt nước. Hai người đi đến bờ bắc con suối, tứ bề vây quanh là những cây tùng cổ thụ và rừng trúc rậm rạp, bỗng thấy một cổng đại thái môn màu đỏ thắm và trùng điệp những lâu đài. Lão nhân dẫn Hầu Nguyên đi vào một ngôi đình, ngồi xuống đó nghỉ ngơi rồi chiêu đãi ẩm thực. Hầu Nguyên nhìn xung quanh, chỉ thấy mái hiên và bậc thềm đều lộng lẫy tráng lệ, đồ ăn thức uống đều là những thứ anh ta chưa từng thấy trong đời.
Ăn xong, lão nhân liền rời đi. Một lúc sau, có hai đồng tử đưa Hầu Nguyên đi tắm và thay y phục, chờ anh ta mặc quần áo chỉnh tề, liền dẫn anh ta trở lại ngôi đình. Lúc này, lão nhân lại xuất hiện, yêu cầu người hầu trải một cái chiếu sạch sẽ ra sân, lệnh cho Hầu Nguyên quỳ xuống. Rồi lão nhân truyền thụ cho anh ta những bí quyết, đều là những pháp thuật biến hóa, ẩn thân v.v. Hầu Nguyên bình thường rất ngu độn, không bao giờ nghĩ sẽ học được những bí quyết này nhanh chóng, nhưng lần này vừa nghe liền ghi nhớ. Lão nhân cảnh báo: “Ngươi có phúc phận, mới có thể đắc được pháp thuật của ta, nhưng từ tướng diện của ngươi mà xem thì có thể là bại tướng… Từ nay, ngươi nên đối ứng cẩn thận, tự chịu trách nhiệm hành vi của chính mình; nếu dùng pháp thuật của ta mà không tuân theo phép tắc, tất sẽ gặp báo ứng, thậm chí tự chiêu họa sát thân. Ghi nhớ kỹ lời ta nói, rồi đi đi. Khi nào ngươi muốn gặp ta, hãy gõ vào giữa tảng đá, ta liền biết.
Hậu Nguyên bái tạ Thần quân, rồi một đồng tử hộ tống anh ta ra khỏi động; sau đó cánh cổng đá biến mất, và tảng cự thạch khôi phục lại nguyên dạng. Anh ta nhìn quanh, đống củi chặt trước đó đã biến mất. Khi về đến nhà, phụ mẫu huynh đệ ngạc nhiên vui mừng nói: “Con đã đi đâu mười ngày, chúng ta đều cho rằng con đã bị hổ và sói ăn thịt.” Hầu Nguyên cảm thấy mình chỉ lưu lại trong hang động một ngày. Người nhà rất ngạc nhiên khi thấy Hầu Nguyên y phục chỉnh tề, phong cách hiên ngang; anh ta cũng không hề giấu diếm, kể chuyện đã được thăm quan và chiêu đãi ở trong động đá. Sau đó liền vào tĩnh phòng để tu tập pháp thuật mà Thần quân đã dạy.
Một tháng sau, Hậu Nguyên đã luyện thành thục các pháp thuật, có khả năng biến hóa bách vật, sai khiến quỷ mị, còn có thể biến hóa thảo mộc, đất, đá thành bộ kỵ giáp binh. Vì vậy, anh ta bắt đầu chiêu mộ những thiếu niên dũng vũ tại quê nhà làm tướng sĩ, xuất nhập đều có cờ xí ô lọng cùng đoàn tùy tùng kèn trống cổ xúy, trận thế to lớn. Anh ta cũng tự xưng là “Thánh hiền”, phong chức tam lão, tả hữu tể tướng, tả hữu tướng quân v.v. Vào ngày mồng một và ngày mười lăm hàng tháng, anh ta đến động đá bái yết Thần quân. Thần quân liên tục cảnh cáo không được chiêu binh mãi mã, nếu anh ta cứ chấp ý cử binh, nhất định phải chờ ý chỉ của Thiên thượng, không được hành động tùy tiện.
Vào năm thứ hai, Hầu Nguyên đã chiêu mộ được hàng ngàn binh sĩ. Huyện quan sợ rằng anh ta sẽ tạo phản, liền báo lên quận lý. Tướng chỉ huy Cao Công Mệnh lãnh binh thảo phạt Hầu Nguyên. Hầu Nguyên nghe tin, vội vàng đến thăm hỏi Thần quân; Thần quân nói: “Ta đã nói với ngươi rất lâu rồi, hiện tại ngươi chỉ có thể nằm im, đừng đánh trống phất cờ, đừng chủ động ứng chiến. Đối phương nhìn thấy quân uy của ngươi, tất sẽ kiêng sợ, không dám hành động hấp tấp. Ngươi hãy ghi nhớ kỹ, ngàn vạn nhất quyết không được ứng chiến.”
Hồi Nguyên ngoài mặt thì tỏ vẻ đồng thuận, nhưng trong tâm lại nghĩ: Ta tự có kỳ môn pháp thuật, dư sức chế phục họ. Hơn nữa nếu binh lực của một quận mà ta cũng không kháng lại được, sau này gặp phải một đại quân thì ta làm thế nào? Như vậy chẳng phải khiến chúng nhân tưởng rằng ta hèn nhát, xem ta như trò đùa sao?
Hầu Nguyên cáo biệt Thần quân, trở về và ra lệnh cho Đảng Vũ môn giới nghiêm. Tối đó, quân Lữ Châu tiến đến cự ly cách cứ điểm của Hậu Nguyên 30 dặm, chỉ thấy bộ kị giáp binh chiếm cứ những nơi trọng yếu, biến bố sơn trạch, rất khó công phá, bài binh bố trận, giữ yên lặng chờ thời cơ. Hậu Nguyên xuất lĩnh một ngàn binh sĩ đột phá vòng vây, tiên thắng hậu bại, cuối cùng bị bắt giữ khi đang say rượu ngủ. Anh ta bị áp giải đến Thượng Đảng quận, bị tống vào ngục dưới sự canh gác nghiêm ngặt. Tới sáng sớm, quản ngục vào thấy trong cùm chỉ còn một cái chân đèn, Hầu Nguyên không còn thấy tăm hơi.
Từ nửa đêm, Hầu Nguyên đã trốn về Đồng Đê, tạ tội với Thần quân. Thần quân tức giận nói: “Ngươi là kẻ tầm thường, rốt cuộc cũng không chịu nghe lời ta khuyên bảo! Tuy rằng ngươi sống sót đến hôm nay, nhưng đao phủ cách ngươi không xa! Ngươi không còn là đệ tử của ta!” nói xong không nhìn anh ta mà quay người rời đi. Hầu Nguyên uất ức thoái lui, từ đó bất luận anh ta kiền thành gõ vào tảng đá như thế nào, thạch môn vẫn không bao giờ mở ra nữa.
Các pháp thuật của Nguyên Hầu dần dần mất linh nghiệm, nhưng anh ta vẫn được tùy tùng của mình ủng hộ. Vào mùa thu năm đó, Hầu Nguyên xuất binh tấn công Bỉnh Châu sơn cốc, tuy nhiên, các quan binh Bỉnh Châu đã sớm đến và bao vây quân đội của Hầu Nguyên. Hầu Nguyên cố gắng dùng pháp thuật, nhưng không còn linh nghiệm nữa, và bị chém đầu ngay tại chỗ. Bộ hạ của ông ta thấy tình cảnh đại loạn, hội bất thành quân, tứ tán đào thoát hồi hương.
Hầu Nguyên thân vô trường kĩ, bần khốn thấp kém, nhưng anh lại có cơ duyên ngộ kiến Thần quân, học được kỳ môn pháp thuật; có thể thấy anh ta căn cơ không tồi. Tuy nhiên, Thiên cơ không thể tiết lộ hết, Thần quân chỉ có thể truyền thụ pháp thuật, chứ không thể bang trợ anh ta cảm ngộ; con đường thoát mê phải dựa vào anh ta tự ngộ mà đi. Hầu Nguyên không biết tu tâm dưỡng tính, cũng không lấy hành đức làm cơ sở thâm hậu, có thần thông liền kiêu căng và mù quáng truy cầu vinh hoa danh lợi. Cái tâm bành trướng đã ngăn cản anh ta nghe theo lời khuyên bảo của thần linh, cuối cùng thân bại danh liệt, tự lãnh ác quả.
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch