Hai con người, hai số phận, sống ở hai thời đại khác nhau, nhưng họ cùng chung một mục đích: Làm theo sự mách bảo của lương tri, bất chấp mọi hiểm nguy để cứu những con người thiện lương bị chính quyền tà ác vu khống và giết hại. Doanh nhân Oskar Schindler và Luật sư Cao Trí Thịnh xứng đáng trở thành những con người vĩ đại, vì họ đã dám lội ngược dòng cái Ác.
Doanh nhân Oskar Schindler: Người hùng thầm lặng
Oskar Schindler sinh ngày 28/4/1908 tại Zwittau, một tỉnh của nước Đức nay thuộc Cộng hòa Séc, trong gia đình có truyền thống kinh doanh.
Khi Hitler lên nắm quyền, như bao người Đức khi ấy, Oskar Schindler gia nhập Đảng Quốc xã. Khi Đức xâm lược Ba Lan năm 1939, với sự nhạy bén thương trường, Schindler chớp lấy cơ hội theo gót chân Lực lượng vũ trang SS đến Krakow (Ba Lan) và thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Cơ quan Tình báo Đức (Gestapo) đang đóng quân tại đó.
Năm 1940, Schindler thuê người Do Thái vào làm việc cho nhà máy sản xuất đồ pháp lam của mình. Năm 1942, Sĩ quan SS Amon Goeth – kẻ đứng đầu trại Plaszow nhận chỉ thị thanh lý khu ổ chuột Krakow, dồn người Do Thái tới ba trại tử thần tại miền Đông Ba Lan gồm Belzec, Sobibor và Treblinka, trong số này bao gồm cả nhân công Do Thái đang làm việc trong nhà máy của Schindler.
Amon Goeth khét tiếng là kẻ giết người không gớm tay, thường sử dụng súng trường công suất lớn bắn vào những đứa trẻ Do Thái đang chơi trong trại vào mỗi sáng để khởi động cho một ngày làm việc hiệu quả. Chứng kiến sự tàn bạo của SS, Oskar Schindler đã quyết định mạo hiểm cứu những người Do Thái đang làm việc cho anh.
Schindler đã thuyết phục, đàm phán và… hối lộ Amon Goeth để hắn cho phép mở một “trại lao động mini” ngay trong chính nhà máy của anh “để nhân công tiết kiệm thời gian đi làm”, mục đích chính là nhằm tránh việc họ bị chuyển tới các trại tử thần. Từ đây, bất cứ một đồng bạc nào doanh nhân Schindler kiếm được, đều để dành cho việc chăm lo đời sống các công nhân và “hối lộ” Amon Goeth cùng các quan chức SS địa phương.
Nhà máy của Schindler nằm ngay cạnh trại Plaszow và các lính canh SS chỉ được phép tuần tra bên ngoài hàng rào và không được vào trong nhà máy nếu không được phép của anh.
Bên trong nhà máy, các công nhân Do Thái được đối xử tử tế, họ có thể cầu nguyện hằng ngày, đọc kinh Torah và tụ tập ban đêm để học Chumash. Các bữa ăn hằng ngày của họ đều đạt 2000 calo, và khi thực phẩm trở nên khan hiếm, Schindler đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua thực phẩm với giá cao ngất ngưởng ở chợ đen.
Schindler túc trực tại nhà máy cả ngày lẫn đêm để đề phòng Gestapo ập đến, và bất cứ khi nào Schindlerjew (người Do Thái của Schindler) bị đe dọa trục xuất, anh vận tới tài ngoại giao và cả tiền bạc để đổi lại sự miễn trừ cho họ. Trong những năm đó, hàng triệu người Do Thái đã bị giết chết trong các trại tử thần ở Treblinka và Auschwitz, nhưng Schindlerjew vẫn sống sót một cách thần kỳ tại trại Plaszow cho tới năm 1944.
Năm 1944, khi Đức Quốc xã thất bại ở mặt trận phía Đông, trại Plaszow cùng các trại vệ tinh được lệnh giải thể, nhà máy của Schindler buộc phải đóng cửa và những người Do Thái trong trại lao động mini sẽ phải gửi đến các trại tập trung tử thần, nơi cái chết đang chờ đón họ. Trong nỗ lực tuyệt vọng, anh tận dụng mọi mối quan hệ ở Krakow, Warsaw và thậm chí tới cả Berlin để tìm phương án trì hoãn.
Schindler quyết định dừng sản xuất đồ pháp lam chuyển sang sản xuất vỏ lựu đạn, nhằm thuyết phục các sĩ quan SS về vai trò quan trọng của nhà máy trong việc cung cấp nguồn vật tư cho quân đội Đức. Oskar Schindler đã sử dụng tất cả quyền hạn và tiền bạc để thuyết phục, cầu xin và “hối lộ” nhóm SS nhằm đạt được mục đích của mình.
Trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến, các trại Đức Quốc xã tăng cường nỗ lực tiêu diệt người Do Thái, và không một ai vào thời điểm ấy có thể tin rằng, Schindler lại thành công khi được phép di chuyển nhà máy từ trại Plaszow tới thị trấn Brunnlitz (Tiệp Khắc) cùng các nhân công Do Thái.
Bằng cách này, 1.200 nhân công Do Thái trong danh sách của anh đã tránh khỏi số phận thảm khốc như 25.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em khác tại trại Plaszow đã bị gửi tới các phòng hơi ngạt của trại tử thần Auschwitz, nơi chỉ cách trại Plaszow chừng 60 km.
Do một sự nhầm lẫn mà 300 phụ nữ Do Thái trong danh sách của Schindler đã bị nhồi lên chuyến tàu tới Auschwitz. Tất cả họ đều bị cắt tóc, bị đẩy vào phòng tắm và không biết cái chết đang chờ đợi họ. Khi nhóm người đầu tiên bị dồn về phía vòi hoa sen, họ hoảng loạn không biết thứ nước lỏng sắp dội xuống đầu họ là nước hay khí đốt thì bỗng nghe thấy một giọng nói: “Anh đang làm gì với những người này? Họ thuộc danh sách của tôi”. Schindler đã xuất hiện kịp thời để giải cứu họ.
300 người trong danh sách “thất lạc” của Schindler là “chuyến hàng” duy nhất rời khỏi trại tử thần Auschwitz trong suốt Thế chiến II, nơi Đức Quốc xã đã sát hại 2-3 triệu người. Không ai có thể tưởng tượng nổi sức mạnh, ý chí và sự can đảm khi Schindler vào tận sào huyệt Auschwitz giải cứu 300 mạng người trong lằn ranh cái chết. “Chưa ai từng thoát khỏi Auschwitz và nếu điều đó xảy ra, chỉ có một cách duy nhất là bạn thoát qua đường ống khói”, Abraham Zuckerman, 1 trong 300 nhân chứng đã kể lại. Danh sách 1.200 công nhân của Oskar Schindler đã sống sót thần kỳ cho đến khi chiến tranh kết thúc vào ngày 8/5/1945.
Vào thời khắc cuối cùng của cuộc chiến, Oskar Schindler đã tiêu tán toàn bộ gia tài vào việc mua sắm thực phẩm, thuốc men cho nhân công Do Thái cũng như hối lộ giới chóp bu Gestapo. Hậu chiến, Schindler luôn sống trong cảnh túng thiếu do liên tiếp làm ăn thua lỗ. Cuối đời, ông sống nhờ vào tiền trợ giúp của những người Do Thái coi ông là ân nhân và qua đời vào năm 1974. Ông được chôn cất tại nghĩa trang Công giáo trên núi Zion ở Jerusalem (Israel).
Luật sư Cao Trí Thịnh: Dũng khí và Niềm tin
Cao Trí Thịnh sinh ngày 20/4/1964 trong gia cảnh bần hàn ở phía bắc tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc – TQ). Khi còn trẻ, anh phải lao động cơ cực trong một mỏ than, và vì không có tiền chi trả học phí, nên anh thường ngồi nghe giảng bên ngoài cửa sổ trường làng. Sau đó, một người họ hàng đã giúp anh theo học trung học, đủ điều kiện để gia nhập Quân đội và trở thành đảng viên ĐCSTQ.
Rời quân ngũ, Cao Trí Thịnh kiếm sống qua ngày bằng nghề bán rau. Năm 1991, Cao Trí Thịnh đọc một bài báo đề cập đến kế hoạch của Đặng Tiểu Bình cần đào tạo 150.000 luật sư và phát triển hệ thống pháp luật của TQ. Anh ghi danh học một khóa học về luật và nhờ trí thông minh tuyệt vời, Cao Trí Thịnh đã vượt qua các kỳ thi một cách ngoạn mục vào năm 1995 với mong muốn “có thể góp phần cải biến xã hội TQ.”
Anh bắt đầu hành nghề luật sư vào năm 1996 tại Urumqi, thủ phủ của Tân Cương sau đó là Bắc Kinh. Nghề nghiệp đã cho anh cơ hội đi khắp TQ và chứng kiến nhiều vụ án oan sai mà nạn nhân là những người dân nghèo khổ. Với tấm lòng rộng lượng và cảm thông sâu sắc với tầng lớp “thấp cổ bé họng”, Cao Trí Thịnh đã đặt ra một quy tắc làm việc: Đó là dành ⅓ quỹ thời gian trong năm để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo và những người bị áp bức. Sự tận tụy của anh trong việc bảo vệ lợi ích người dân đã được Bộ Tư Pháp TQ xếp anh vào nhóm “10 luật sư giỏi nhất Trung Quốc”. Khi đó, Cao Trí Thịnh mới 34 tuổi.
Năm 2004, Luật sư Cao Trí Thịnh bắt đầu hỗ trợ pháp lý cho một học viên Pháp Luân Công bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức mà không hề được xét xử tại tòa án. Chứng kiến một cộng đồng lớn những người tu luyện theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn lại bị chính quyền ĐCSTQ vu khống, bức hại tàn bạo, Cao Trí Thịnh đã nỗ lực giải cứu học viên Pháp Luân Công bằng cách đưa vụ việc ra Tòa án. Nhưng mọi ngả đường để đưa vụ việc ra ánh sáng Công lý đều bị chặn đứng.
Cuối năm 2005, Cao Trí Thịnh quyết định giải quyết vấn đề đặc biệt “nhạy cảm” này theo một cách cũng hết sức đặc biệt: Công bố thư ngỏ gửi tới Ngô Bang Quốc, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhằm làm rõ sự kháng cáo của anh bằng cách vạch trần sự tra tấn dã man của giới công quyền đối với học viên Pháp Luân Công.
Rất nhanh chóng, Cao Trí Thịnh nhận được hồi đáp: 24h/7 mật vụ giám sát quanh nhà riêng, Sở Tư pháp Bắc Kinh thu hồi giấy phép hành nghề và văn phòng luật sư của anh bị buộc phải đóng cửa. Bất chấp mối đe dọa bị ám sát, hay chiêu bài quấy rối gia đình…, luật sư Cao Trí Thịnh không chùn bước, vẫn tiếp tục đi thu thập thông tin ở những địa phương nơi học viên Pháp Luân Công bị đàn áp dã man nhất.
Năm 2006, Luật sư Cao gửi một bức thư trực tuyến nữa cho lãnh đạo TQ, công khai thông tin về phòng 610 – Cơ quan mật vụ chuyên theo dõi và trấn áp học viên Pháp Luân Công, được ví như Gestapo của Đức Quốc Xã. Tiếp theo, Cao Trí Thịnh xin rút tên khỏi danh sách đảng viên ĐCSTQ mà anh công khai chỉ trích là “tàn bạo, bất nhân”. Với những động thái quyết liệt ấy, Cao Trí Thịnh chính thức bị ĐCSTQ coi là “kẻ thù của chế độ”.
Tháng 8/2006, Cao Trí Thịnh bị nhóm an ninh bắt cóc, tra tấn và buộc anh phải ký nhận tội “kích động lật đổ chế độ”. Anh bị kết án 3 năm tù giam và 1 năm quản chế, nhưng không rõ lý do gì lại được tạm tha. Năm 2007, Cao Trí Thịnh gửi thư tới Nghị viện Hoa Kỳ, tố cáo ĐCSTQ là “Phát xít” và yêu cầu xét xử những người đàn áp các học viên Pháp Luân Công về “tội ác chống nhân loại”. Anh lập tức bị biệt giam từ tháng 9/2007.
Ngày 7/8/2014, luật sư Cao Trí Thịnh được thả ra khỏi nhà tù, nhưng bị quản thúc tại gia tại tỉnh Thiểm Tây. Trong những ngày đầu ra khỏi tù, anh hầu như không thể nói được, khoảng một nửa số răng đã mất, nửa còn lại trong tình trạng lung lay sau các đòn tra tấn tàn bạo. Dù vậy, anh không được phép tiếp cận các dịch vụ y tế.
Luật sư Cao Trí Thịnh đã phải trải qua 8 năm trong và ngoài nhà tù, nơi anh bị tra tấn theo cách thức giống hệt như các học viên Pháp Luân Công phải chịu đựng, bao gồm các hình thức đánh đập man rợ, sốc điện, châm tăm vào bộ phận sinh dục và không cho ngủ. Luật sư Cao kể rằng, cai ngục đã phát loa các đoạn băng tuyên truyền trong buồng giam của anh suốt 68 tuần liên tục.
Tháng 11/2017, RFA công bố một đoạn ghi âm ngắn, trong đó Cao Trí Thịnh cho biết anh hiện đang bị nhốt trong một căn phòng mà cửa sổ bị sơn đen, bị giới hạn trong thứ “bóng tối vô tận”. Anh cũng mô tả tình trạng của bản thân còn tồi tệ hơn trong thời gian 3 năm tù giam tại nhà tù Shaya ở phía Tây Bắc tỉnh Tân Cương.
Ngày 13/8/2017, anh lại bị mất tích tại nơi ở và bặt vô âm tín cho tới nay. Cao Trí Thịnh đã trở thành biểu tượng cho CÔNG LÝ tại các tòa án TQ khi anh kiên quyết bảo vệ các học viên Pháp Luân Công và Kitô hữu. Anh được đề cử hai lần Giải Nobel Hòa Bình vào năm 2008 và 2010.
Họ vĩ đại vì họ đã dám lội ngược dòng cái ác
Người ta đặt câu hỏi: Vì sao Oskar Schindler và Cao Trí Thịnh, hai người đàn ông bình thường đang có cuộc sống sung túc lại chọn cách dấn thân vào hoàn cảnh tồi tệ và làm nên những điều phi thường.
Tại sao Oscar Schindler lại dám mạo hiểm mạng sống của mình để giải cứu 1.200 người Do Thái trong bóng ma của nỗi khiếp sợ mà Gestapo gieo rắc lên người dân Đức như khủng bố, trấn áp, chỉ điểm, bắt giữ, tra tấn… Bất chấp hai lần bị Gestapo bắt giữ, Schindler vẫn tiếp tục làm những việc mà ít đồng bào nào của anh khi ấy đủ can đảm để làm.
Vì sao Oscar Schindler từ vai trò của một doanh nhân cơ hội trong thời chiến, kiếm được bộn tiền từ các thương vụ béo bở, trong đó có cả việc tận dụng nhân công Do Thái giá rẻ, lại chi tới đồng xu Pfennig cuối cùng để “chuộc” lại mạng sống cho chính họ?
Pháp Luân Công là chủ đề vô cùng nhạy cảm tại TQ và các học viên Pháp Luân Công phải chịu sự tra tấn tàn độc của chính quyền Giang Trạch Dân mà không được quyền lên tiếng, và cũng không ai dám lên tiếng bênh vực trước sự đe dọa, sách nhiễu của chính quyền TQ.
Video: Giải mã thất bại của Trung Quốc khi che giấu sự thật về Pháp Luân Công.
Giới luật sư TQ khi đối mặt với áp lực từ bộ máy bạo lực, hằn thù của Giang Trạch Dân hầu hết đều chọn cách né tránh. Số khác thậm chí còn tham gia hùa vào với “bạo chúa” vì lợi ích cá nhân. Nhưng có một nhóm luật sư chính nghĩa đã cất lên tiếng nói bênh vực những con người yếu thế. Tuần báo Le Nouvel Observateur đăng bài “Luật sư can đảm của Trung Quốc” có đoạn: “Cao Trí Thịnh là một trong những luật sư đầu tiên dám đứng ra bảo vệ các học viên Pháp Luân Công. Anh ấy đã phải trả giá đắt”.
Cao Trí Thịnh – một trong số ít luật sư danh tiếng nhất của TQ thời mở cửa những năm cuối thế kỷ 20, vì lên tiếng và bảo vệ tới cùng những học viên Pháp Luân Công, đã phải chịu mọi sự bức hại man rợ. Dù vậy, Cao Trí Thịnh cho biết sẽ không bao giờ rời khỏi Trung Quốc, dù phải chịu cảnh giam cầm, tra tấn cùng cực, chịu nỗi đau tinh thần gia đình ly tán và mọi tin tức liên quan đến anh đều bị chính quyền TQ bưng bít.
20 năm sau Thế chiến II, Moshe Bejski – một Schindlerjew, lúc này là một thẩm phán tại Tòa án Tối cao ở Israel đã hỏi ân nhân của mình: “Tại sao ông làm vậy?”. Schindler trả lời: “Tôi hiểu những người làm việc cho tôi. Khi bạn hiểu họ, bạn phải cư xử với họ như một con người”. Trong thế giới tà ác điên rồ của Hitler, nơi chế độ tà giáo coi người Do Thái là ký sinh trùng và cả nước Đức sợ hãi câm lặng nhắm mắt làm ngơ trước cuộc diệt chủng, Schindler phân biệt rõ Chính – Tà, không những chấp nhận người Do Thái như Con người, mà anh còn tạo điều kiện để họ thực hành Đức tin ngay trong nhà máy, giữa muôn trùng tai mắt của mạng lưới Gestapo cài cắm khắp nơi. Hùng tráng hơn, Oskar Schindler đã mạo hiểm cả sinh mệnh và đánh cược toàn bộ tài sản của mình trong một “canh bạc” đầy rủi ro để cứu mạng sống của họ bằng mọi giá.
Giữa sự giám sát gắt gao của mật vụ, Cao Trí Thịnh vẫn thể hiện chí khí không hề lung chuyển sau những trận tra tấn dã man tàn bạo của chính quyền TQ trong một lá thư đề ngày 28/6/2016, được gửi đi từ làng quê nghèo hẻo lánh ở phía bắc tỉnh Thiểm Tây: “Im lặng trước cái Ác đồng nghĩa là một thế giới đã chết – nhưng đối với chế độ độc tài ngu ngốc, đó là một thế giới của giấc mơ… Lịch sử luôn ghi lại một cách trung thực và cần mẫn, cũng như cuối cùng nó luôn trừng phạt những kẻ bất lương… Nối dài danh sách các tội ác sau Thảm sát Thiên An Môn và cuộc đàn áp tàn bạo Pháp Luân Công, những kẻ lạm dụng nhân quyền dã man này sẽ được đưa ra công lý, từng người một, trong các tòa án đặc biệt sau năm 2017”.
Vì sao hai con người này, họ có đủ dũng khí để đối mặt với cái Ác? Câu trả lời là: Họ có ĐỨC TIN. Oscar Schindler và Cao Trí Thịnh đều là những người theo Kitô giáo, mà bản sắc của mọi Chính Giáo đều luôn nhấn mạnh về Đạo đức, sự Khoan dung và lòng Từ bi.
Thomas Keneally, tác giả cuốn sách nổi tiếng toàn thế giới Schindler’s Ark viết rằng: “Oscar Schindler chịu ảnh hưởng sâu sắc giáo lý Công giáo từ cha mẹ…. Oscar Schindler không chỉ cứu sống người Do Thái – ông đã cứu Đức tin của chúng ta trong nhân loai….”.
Cao Cảnh Cách, con gái của luật sư Cao Trí Thịnh trong một cuộc họp báo đã phát biểu rằng: “Lần cuối cùng tôi nói chuyện với cha của mình, ông đã cầu nguyện với Thiên Chúa”.
Họ đã vượt thoát khỏi nỗi sợ hãi mà nhân loại phải đối mặt trong một thế giới Tà ác đang chế ngự, đi qua vũng bùn đẫm máu của cuộc thảm sát Holocaust và cuộc đàn áp Pháp Luân Công, họ không những không bị vấy bẩn tâm hồn, mà còn tỏa sáng bởi lòng từ bi, sự tôn trọng đối với sự sống mỗi con người.
Họ dám lội ngược dòng cái Ác. Chỉ có thể là Thiện, là Từ bi với đồng bào, với nhân thế, họ đặt những sinh mệnh xa lạ trên cả lợi ích bản thân họ, trên cả sinh tử của chính mình. Ai cũng chỉ sống một cuộc đời, ai cũng phải đứng trước lựa chọn Chính – Tà, Thiện – Ác…
Cuối cùng, chúng ta là ai, chúng ta muốn sống trong một thế giới như thế nào là do chúng ta lựa chọn. Con người yếu đuối hay mạnh mẽ, vĩ đại hay đớn hèn, rốt cuộc là do chính chúng ta lựa chọn…
Anh Minh