Từng đắm chìm trong tửu sắc… tôi cứ ngỡ mình không thể nào thoát ra khỏi vũng lầy tăm tối của cuộc đời tồi tệ. Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu tôi không phải là.. thầy giáo. Nhưng cuộc đời luôn có những điều kì lạ bất ngờ như đến ngã ba đường, một ngả rẽ bất ngờ đã đến với tôi..
Tri thức không ngăn tôi trượt dài trong những hành vi bại hoại
Tôi sinh ra ở vùng núi Ba Vì – một miền quê nghèo, ít học. Chính vì vậy, việc tôi đỗ đại học là sự kiện lớn của cả gia đình. Nhưng niềm vui, niềm tự hào ấy đã nhanh chóng tan biến, thay vào đó là những nỗi buồn và tủi nhục do sự sa đọa đạo đức của tôi.
Cha tôi vốn là người nghiêm khắc. Ông luôn kèm cặp và cấm đoán tôi mọi thứ. Vì vậy mà những năm đầu đại học, đến chốn Hà thành phồn hoa đô thị, tôi giống như chim vừa mới thoát khỏi lồng. Tôi tha hồ vùng vẫy và làm tất cả để thỏa mãn ý thích của bản thân mình.
Trong mắt họ hàng, tôi là chàng sinh viên khoa Toán của trường đại học danh tiếng nhất nhì ở Hà Nội. Nhưng tri thức cũng không thể giúp tôi kiềm chế các thói hư tật xấu của mình. Tôi thường bỏ học để la cà quán xá, uống nước, hút thuốc, rồi đọc truyện và xem phim kiếm hiệp. Những lúc buồn chán tôi lại tụ tập bạn bè chơi cờ bạc hay cá độ bóng đá.
Cũng vì ham chơi mà kết quả học hành của tôi ngày càng sa sút. Tôi thi lại rất nhiều môn, thậm chí có môn còn theo tôi từ năm đầu đại học đến tận năm cuối. Lẹt đẹt mãi, cuối cùng tôi cũng ra được trường, dù muộn hơn so với các bạn cùng lớp. Sau này về quê tìm việc, tôi may mắn được vào thẳng dạy cấp 3 mà không cần thi công chức, nhưng đó lại là một câu chuyện khác.
“Chí Phèo thời hiện đại”
Tôi còn có một sở trường mà không ai bì kịp, đó là bia rượu. Do tự cho mình là người có tửu lượng cao nên tôi thường tổ chức các buổi nhậu nhẹt. Uống để cho vui và cũng để cho say, tôi sớm trở thành “Chí Phèo thời hiện đại”, mà có lẽ còn hơn cả anh Chí…
Một khi đã uống rượu là không có điểm dừng. Uống ca thứ nhất xong nếu chưa say tôi phải nghĩ cách để uống ca thứ hai; nếu ca thứ hai vẫn chưa say thì nhất định phải tổ chức ca ba, ca bốn, rồi ca năm, cứ như vậy cho đến khi say mèn. Khi đã say, tôi say mấy ngày liền. Sau những ngày ấy, tôi lại như con gà rù, ủ rũ, không muốn ăn gì cả, hễ ăn vào là nôn ra, tôi chỉ có thể uống nước và ăn chút hoa quả qua ngày…
Say xỉn cũng là lúc tôi bộc lộ đủ thứ xấu của bản thân. Tôi thường không nhớ gì cả, không kiểm soát được chính mình, lại phát ngôn những lời làm tổn thương người khác; có bao nhiêu tiền tôi cũng tiêu cho bằng sạch. Không ít lần say tôi ngủ luôn ngoài đường, có khi nằm dưới gầm giường, trên người chẳng còn mảnh vải che thân. Có lần tỉnh dậy tôi thấy mình đang nằm ở vệ đường với rất nhiều người vây quanh, họ nói: “Mày vừa đâm vào hai mẹ con, phải đi cấp cứu rồi!” Nhưng tỉnh rồi tôi lại bê bết với các thứ tệ nạn, nào là đánh chắn, nào là tá lả, nào là cá độ bóng đá, thậm chí là tìm gái mại dâm để xả rượu, v.v.
Người ta có bệnh còn có thể tìm đến bệnh viện để chữa, còn bệnh của tôi thì không bệnh viện nào có thể chữa trị được. Ngay cả kiến thức trong trường lớp hay giáo dục nghiêm khắc từ gia đình cũng không thể khiến tôi thay đổi bản thân mình. Cha tôi nhìn thấy tôi suy đồi như vậy, cũng đành bất lực mà bó tay…
Cái chết của cha không làm tôi thức tỉnh
Còn nhớ những năm cuối đời, cha tôi phải sống trong buồn bã và thất vọng. Lúc đó tôi quá vô tâm nên không hề biết rằng cha vì mình mà sinh bệnh. Ông giấu hai anh em tôi, nuốt nước mắt và nỗi đau vào lòng để có tiền cho chúng tôi ăn học. Kết quả là ông đã rời xa cõi đời này với nỗi buồn vô tận.
Trước khi nhắm mắt, ông cố thức tỉnh tôi lần cuối. Hôm ấy thấy tôi đi học về, ông cho tôi xem một tấm ảnh và nói “Bố vừa chụp cái này”. Ngay sau đó bức ảnh đã trở thành ảnh thờ của ông… Sự ra đi đường đột của cha không khiến tôi lay động. Thay vì tiếc thương, tôi lại cảm thấy được tự do hơn trước. Vì vậy mà sau này khi có tài chính rồi, tôi lại càng trở nên bại hoại hơn.
Những đợt nhậu nhẹt thường xuyên hơn, cờ bạc thâu đêm thường xuyên hơn, tìm đến gái mại dâm thường xuyên hơn… Mẹ, em gái, và vợ đã biết bao lần rơi nước mắt vì tôi. Tôi làm công việc dạy học, trồng người, nhưng đáng buồn thay lại là kẻ cặn bã của xã hội. Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ tỉnh ngộ, cho tới một ngày…
Bừng tỉnh
Vào dịp nghỉ hè năm 2008, trong một lần đi học thay sách giáo khoa, tôi có dịp xuống Hà Nội để thăm bạn bè. Một người bạn, trước đây là huynh đệ rượu chè của tôi, đã tặng tôi cuốn Chuyển Pháp Luân và dặn rằng: “Đây là cuốn sách rất quý, cậu về phải để lên chỗ cao ráo sạch sẽ; khi đọc không được viết vẽ gì lên đó…”
Tôi không để tâm lắm đến món quà này, cũng không thấy nâng niu trân trọng, thế nên mãi một thời gian sau tôi mới tình cờ giở sách ra đọc. Nhưng vì trong đầu vẫn còn nhiều u mê nên tôi đọc mà không lĩnh ngộ, cũng không thấy có gì hấp dẫn cả. Tôi gấp sách và để lại lên tủ. Lần chần đến một tháng sau đó tôi mới đọc sách được nghiêm túc. Đến lúc này, chân lý trong sách như mở ra trước mắt, cuốn hút tôi đọc, đọc, và đọc nhiều hơn nữa.
Những nguyên lý về nhân quả, thiện ác được viết bằng lời văn giản dị nhưng lại mang hàm nghĩa sâu xa khiến tôi chấn động. Lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra rằng đạo đức mình thật bại hoại, rằng tôi là kẻ ác, là người xấu. Và trong tôi dấy lên một quyết tâm từ bỏ tất cả những thứ bại hoại xấu xa mà tôi đã đắm chìm trong bao nhiêu ngày tháng, để trở lại làm một người tốt, một thầy giáo gương mẫu, chân chính, một người Thiện..
Cứ như thế, tôi bắt đầu thực hiện theo đạo lý Chân Thiện Nhẫn được thầy Lý Hồng Chí giảng trong sách. Những đạo lý chân chính ấy khiến tôi xúc động từ sâu thẳm và cho tôi sức mạnh mà tôi không thể ngờ để ngay sau đó, trước sự kinh ngạc không tin nổi của cả gia đình, tôi đã bỏ rượu, thuốc lá, cờ bạc, và đủ thói hư tật xấu, cũng như những hành vi suy đồi bại hoại. Tôi thấy cuộc đời bừng tỉnh trong một niềm hạnh phúc vô bờ mà tôi chỉ có thể biết khóc chứ không biết sao diễn tả bằng lời cho hết. Đó là niềm hạnh phúc khi rũ bỏ được phần nhơ bẩn trong con người, cảm nhận được sự thanh sạch của tâm hồn, của suy nghĩ và hành động, đó là một trải nghiệm kì diệu mà tôi biết nếu không trải qua cuộc đời đọa đày như tôi thì thật không dễ mà tin nổi.
Mối quan hệ nhiều nỗi buồn, oán giận trong gia đình tôi trước đây giờ được hóa giải nhẹ nhàng bởi tôi có thể làm được những điều mà trước giờ tôi không bao giờ nghĩ có thể làm nổi, đó là biết nhẫn nại trong mâu thuẫn tìm lỗi sai của mình thay vì chỉ trách móc, thấy lỗi sai của người khác. Tôi cũng chia sẻ những hiểu biết của mình với vợ, đồng thời khuyến khích cô ấy cùng đọc sách. Dần dần, mâu thuẫn không còn, những cuộc cãi vã cũng không còn, cuộc sống gia đình của chúng tôi trở nên hòa thuận và yên vui trở lại sau bao ngày tháng sóng gió, bão tố.
Chứng kiến “kỳ tích” ấy, mẹ và em gái tôi đều đọc sách và ngay sau đó cũng bước vào tu luyện. Vợ tôi dù không tu luyện, nhưng chỉ sau đôi ba lần đọc sách đã phải thốt lên rằng: Nếu không có Đại Pháp và Sư phụ (ông Lý Hồng Chí – tác giả cuốn sách Chuyển Pháp Luân, người sáng lập và phổ truyền môn khí công Pháp Luân Đại Pháp – PV) thì không biết em sẽ trở thành con người bướng bỉnh ngang ngược như thế nào nữa.
Những học sinh trong lớp tôi giảng dạy cũng đều biết đến vẻ đẹp của Đại Pháp và điều tuyệt vời khi sống theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn. Các em biết giúp nhau cùng học tập, trong lớp rộ lên phong trào chia sẻ, giúp đỡ. Có em sau khi kèm cặp các bạn học yếu xong kể với tôi rằng: “Thầy ơi, em mệt quá nhưng lại rất vui!”
Tôi thấy mình quá may mắn khi có cơ duyên gặp được cuốn “Vạn cổ kỳ thư”, cuốn sách cho tôi sức mạnh của sự Thiện lương, và cảm hóa tôi từ trong sâu thẳm bằng ánh sáng từ bi của Phật Pháp diệu kỳ – điều duy nhất có thể thay đổi tôi, đưa tôi đến với lẽ phải và giúp tôi tìm ra ý nghĩa chân chính của cuộc đời.
“Vật báu” ấy, tôi không nỡ giũ cho riêng mình, vậy nên nếu bạn cũng là người hữu duyên, tôi nguyện chia sẻ với bạn những gì mình trải nghiệm… Hy vọng bạn cũng giống như tôi, sẽ tìm thấy hạnh phúc chân chính khi làm người.
Ba Vì, Hà Nội ngày 2 tháng 8 năm 2016
Phùng Lê Hoàng
Xem thêm: