Đại Kỷ Nguyên

Tuổi trẻ nhìn xa, trung niên nhìn thấu, tuổi già xem nhẹ

Ảnh ghép minh hoạ.

Sử sách đánh giá Phạm Lãi là một người hoàn thiện có một không hai trong lịch sử: quan trường, tình trường, thương trường đều hoàn mỹ. Cuộc đời ông có thể dùng 3 câu để khái quát: Tuổi trẻ nhìn xa, trung niên nhìn thấu, tuổi già xem nhẹ.

Phạm Lãi tự Tử Bá, còn có tên Si Di Tử Bì hoặc Đào Chu Công. Thời trẻ ở nước Sở chưa ra làm quan, mọi người gọi là Phạm Bá. Sau này kinh doanh giàu có, được mọi người biết đến. Thương gia các đời sau đều thờ phụng tượng Phạm Lãi, gọi là Thần Tài.

Ông xuất thân bần hàn nhưng thông minh trí tuệ sáng suốt, có tài thao lược. Thời trẻ, ông học vấn uyên bác, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, tài kinh luân, văn thao võ lược, không gì không tinh thông.

Trên quan trường, Phạm Lãi xoay chuyển càn khôn, cứu quốc gia thoát khỏi bị nhấn chìm bởi con sóng dữ.

Ở tình trường, ông chiếm được trái tim của tuyệt thế giai nhân đương thời, cùng bách niên giai lão.

Trên thương trường, ba lần thành người giàu số 1, được người đời sau tôn xưng là Thương Thánh, Tài Thần.

Sử sách đánh giá Phạm Lãi là một người hoàn thiện có một không hai trong lịch sử. Cuộc đời ông có thể dùng 3 câu khái quát: Tuổi trẻ nhìn xa, trung niên nhìn thấu, tuổi già xem nhẹ.

“Việc xong giũ áo ra đi; Chôn sâu công danh lợi lộc”, đây là hai câu thơ của Lý Bạch khi tả Phạm Lãi.

Phạm Lãi sinh ra ở tầng lớp dưới đáy xã hội ở đất Uyển nước Sở. Đất Uyển tuy xa xôi hẻo lánh nghèo khổ nhưng lại xuất hiện một nhân tài dọc ngang Trời Đất.

Chim khôn tìm cây đậu

Phạm Lãi ngay từ thuở thiếu thời đã nổi danh khắp xa gần bởi học rộng đa tài. Năm 20 tuổi ông được viên lệnh quan cai quản đất Uyển là Văn Chúng đến yết kiến. Nhưng “Quýt mọc Hoài Bắc chỉ là quất”, tài hoa kinh động thế gian, sinh nhầm nơi thì cũng uổng phí.

Đương thời chính sự thế cuộc nước Sở đen tối, xuất hiện một vị quân vương đào hoa Sở Bình Vương, đầu tiên lấy Tần Nữ vốn sẽ trở thành con dâu, sau lại loạn sát các đại thần tài năng, ép Ngũ Tử Tư phải bỏ trốn.

Hơn nữa theo chế độ đương thời, người xuất thân không phải dòng dõi quý tộc như Phạm Lãi này thì đời này đừng nghĩ làm quan.

Ngẫm nghĩ chế độ khôi hài này, lại nghĩ đến đức hạnh xấu xa kia của Sở Bình Vương, Phạm Lãi bỗng nhận thấy, mảnh đất này ông không thể tiếp tục ở lại được.

Phạm Lãi nhận thấy mảnh đất này không thể tiếp tục ở lại được… (Ảnh: Freepik)

Xin hỏi đường ở nơi nào? Đường ở phương Đông

Đến phương Đông, Phạm Lãi đến nước Việt gặp Câu Tiễn. Hai người trẻ tuổi đều ôm chí lớn lập tức hợp nhau, quý tiếc nhau.

Khi còn trẻ thấy bầu trời thấp, thấp đến nỗi không giương nổi cánh. Thế rồi đưa tầm mắt nhìn ra xa, đi tìm vùng trời đất để vươn cánh bay cao.

Phạm Lãi thao thao bất tuyệt thuyết giảng về đạo trị quốc trị quân, Câu Tiễn nghe hai mắt sáng rực, vỗ đùi: “Đúng là ông, ông chính là người có thể giúp ta xoay chuyển càn khôn”.

Nhưng đối với bản thân, đối với sự vật, Phạm Lãi nhận thức sâu sắc rõ ràng hơn. Ông biết mình còn rất nhiều mặt chưa đủ, chỉ dựa vào mình ông thì khó có thể trợ giúp Việt Vương thành tự bá nghiệp.

Lúc này ông nghĩ đến Văn Chủng ở quê nhà xa xôi.

“Lão huynh à, huynh ở mảnh đất xa xôi hẻo lánh nghèo khổ đó, cùng lắm chỉ làm đến lệnh doãn. Hãy đến đây, huynh có thể làm đến thừa tướng”

Văn Chủng thấy rất có lý, ở đây chẳng thể ngóc đầu thêm được. Thế là chẳng đợi viết thư từ chức, Văn Chủng liền lên đường đến nước Việt.

Gặp được chủ: tuổi trẻ nhìn xa

Vào thời đại Phạm Lãi có một loại trí tuệ gọi là “Chim khôn chọn cây đậu, hiền thần chọn chủ thờ”. Nói theo ngôn ngữ hiện đại là, bạn nhất định phải hiểu rõ, tìm một sân chơi tốt, theo một ông chủ tốt, còn quan trọng hơn tài hoa và sự cần cù cố gắng của bạn. Nhưng bạn càng cần phải hiểu rõ hơn nữa là, bạn nhận định một sân chơi, không phải sân chơi này thích ứng với bạn, mà là bạn phải thích ứng với sân chơi này.

Ở ‘sân chơi’ nước Việt này, Phạm Lãi gặp được ông chủ Câu Tiễn biết đánh giá được tài năng ông. Nhưng ban đầu, Câu Tiễn cũng không phải hễ ông nói là nghe, hiến kế là theo.

Bối cảnh chính trị lúc đó là: cha của Ngô Vương Phù Sai là Hạp Lư bị cha của Việt Vương Câu Tiễn là Duẫn Thường giết chết. Nước Ngô đêm ngày luyện binh, Ngô Vương gối đầu lên giáo ngủ, những mong tái hiện huy hoàng, báo thù cho phụ vương.

Phạm Lãi biết rõ, nước Việt căn bản chưa có chuẩn bị tốt, lúc này mà quyết chiến với nước Ngô ôm hận chuẩn bị chiến tranh bao năm nay, nước Việt tất sẽ thất bại.

Phạm Lãi khổ sở khuyên can: “Thượng Thiên yêu cầu chúng ta đầy nhưng không được quá, khí thế mạnh mẽ nhưng không được kiêu ngạo, vất vả nhưng không được tự khoe công lao”.

Nhưng những lời trí tuệ này đâu có ngăn được cái đầu nóng của Câu Tiễn. Thế là trận chiến Phu Tiêu, quân Việt đại bại, Câu Tiễn dẫn 5 ngàn binh mã bị vây ở núi Cối Kê.

Lúc này Phạm Lãi chỉ cho Câu Tiễn 2 con đường: “Hoặc là dẫn 5 ngàn binh mã, dựa góc núi ngoan cường kháng cự cho đến khi tan tành mây khói, hoặc là bỏ thể diện xuống, nén chịu uất ức cầu hòa, nào sợ khom mình làm nô lệ”.

Câu Tiễn chọn con đường thứ 2. Chỉ cần còn sống, tất cả vẫn còn cơ hội.

Khi Câu Tiễn và vợ đến nước Ngô làm nô lệ, vốn muốn đem theo Văn Chủng, nhưng lúc này Phạm Lãi lại tranh đi theo, không phải làm ra vẻ, không phải xu nịnh, mà là nhu cầu thực tế.

Ông nói: “Việc trong bờ cõi, việc của bách tính, Lãi không bằng Chủng. Việc ngoài bờ cõi, chế ngự nước địch, việc lập mưu đoán định, Chủng lại không bằng Lãi”.

Con đường tủi nhục nặng nề và dài dằng dặc phía trước, thì ông không thể dự liệu được, nhưng lòng kiên nhẫn đối diện với tủi nhục này thì ông đã chuẩn bị sẵn sàng cả rồi.

Phạm Lãi: Tuổi trẻ nhìn xa, dự tính được đằng sau lý tưởng ắt là đầm lầy, khi thân ngập trong đầm lầy lại có thể mưu định lý tưởng.

Phạm Lãi muốn đi theo Câu Tiễn và vợ đến nước Ngô làm nô lệ.

Trung niên nhìn thấu

Trong nghịch cảnh, có người ngẩng đầu ưỡn ngực trực diện thách thức, có người thì cúi đầu trong bụi trần. Nhưng khi năng lực không đủ, ngẩng đầu thì chỉ dập đầu mẻ trán đổ máu, mà cúi đầu thì trái lại sẽ bảo vệ được mình.

Phạm Lãi theo Câu Tiễn, lần cúi đầu này, đến tận tuổi ‘bất hoặc’ của đời người (tức 40 tuổi).

Bất kể là trước hay sau khi về nước, Phạm Lãi đều dắt tay chỉ việc dạy Câu Tiễn cách đóng giả thế nào. Cũng như vậy, bất kể là trước hay sau khi về nước, Phạm Lãi đều đang chuẩn bị cho nước Việt phản kích.

Thực hiên theo mưu kế của Phạm Lãi, nước Việt dùng đồ quý báu và mỹ nhân Tây Thi dâng tiến nước Ngô, dần dần khiến Phù Sai hủ bại, đồng thời tích cực phát triển nông nghiệp trồng dâu chỉnh đốn quân bị.

Mọi sự đều đủ, chỉ thiếu gió đông.

Trung niên nhìn thấu, điều nhìn thấu là thời cơ.

Mùa đông đã qua, thời cơ đã đến.

Năm 482 TCN, sau khi nước Ngô tiến quân phía bắc tranh bá với nước Tề nước Tấn, bị thua liểng xiểng, triều đình nước Việt đang chụm đầu ghé tai bàn bạc đại sự.

Lúc này, sau 22 năm kiên nhẫn chịu đựng chỉ vì chờ đợi một ngày này.

Ba nghìn giáp sỹ Việt thế như bầy hổ xuống núi tràn tới, kinh thành nước Ngô tan tành trong khoảnh khắc.

Ngô Vương Phù Sai giống Việt Vương Câu Tiễn năm xưa, cầu xin hòa đàm. Nguyện theo Câu Tiễn năm xưa, vào đất Việt làm nô lệ, chỉ cầu giữ được tông miếu vẹn toàn.

Lúc này Câu Tiễn cũng như Phù Sai năm xưa động lòng trắc ẩn.

Phạm Lãi thấy vậy bước tới ghé tai: “Đại vương lẽ nào muốn Câu Tiễn thứ hai lại xuất hiện trên đời?”

Câu Tiẽn ngẫm nghĩ một chặp bỗng sợ hãi, liền thu lại lòng thương xót đối với Ngô Vương.

Trung niên nhìn thấu, điều nhìn thấu là thời thế, giữa thắng và bại chỉ một trận là xong, ra tay quyết đoán, thái độ kiên quyết, không cho mình cơ hội hối hận.

Trí tuệ hiếm có: công thành thân thoái

Năm 473 TCN, bên bờ Thái Hồ đèn đuốc sáng rực, rượu ngọt thịt thơm tràn đầy, tiếng tơ tiếng trúc, đàn sáo không ngớt bên tai.

Việt Vương Câu Tiễn mở tiệc mừng công linh đình ở đây. Khi nói đến công đầu thuộc về Phạm Lãi thì phát hiện ra, vị đệ nhất công thần này lại vắng mặt. Mọi người đi tìm khắp nơi vẫn tuyệt vô tông ảnh.

Giữa lòng hồ Thái Hồ, một con thuyền nan trong màn đêm nhẹ nhàng mái chèo. Trên thuyền chở hai người, một người là Phạm Lãi, còn người kia là Tây Thi.

Trong khói lửa sau lưng Phạm Lãi là sự nghiệp công lao cái thế mà ông đã dùng nửa đời gây dựng. Mà bên ông lúc này là người phụ nữ yêu thương nhất cả cuộc đời.

Trong tiếng đàn hát thấp thoáng vọng đến, hai người nhẹ nhàng rời xa, biến mất vào màn đêm và sóng nước mênh mang.

Trên đời này cũng không có một người như Phạm Lãi nữa.

Khi Phạm Lãi ra đi có để lại một phong thư cho người bạn Văn Chủng:

Phi điểu tận, lương cung tàng;
Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh.

Tạm dịch:

Chim đã hết cung tên vứt bỏ,
Thỏ chết rồi chó bị phanh thây.

Việt Vương là người cổ dài miệng nhọn, có thể chung hoạn nạn nhưng không thể cùng hưởng lạc. Sao ông không ra đi?”.

Đọc thư, Văn Chủng bàng hoàng cả ngày, ông lấy cớ bệnh không vào triều, nhưng sau đó vẫn không nghe theo lời của Phạm Lãi mà rời xa Việt Vương Câu Tiễn.

Cuối cùng vì nghe lời gièm pha, Việt Vương ban cho Văn Chủng thanh bảo kiếm, ép ông phải chết. Văn Chủng dùng thanh bảo kiếm đó tự sát, chịu chung kết cục với Ngũ Tử Tư năm xưa.

Tuổi già xem nhẹ

Rất nhiều năm sau, ở Đào Khâu nước Tống xuất hiện một ông lão lục tuần (60 tuổi) tên gọi Si Di Tử Bì. Mọi người chỉ biết ông từ Thái Hồ đến, và ông có một người vợ xinh đẹp.

Si Di Tử Bì là một giang hồ lãng tử, ông có một bồ kinh luân, nghĩ cuộc đời đã đi vào đoạn cuối, phải tìm một việc có ý nghĩa để tiêu khiển những ngày dài vô vị.

Thế là đặt ra mục tiêu nhỏ, kiếm mấy chục vạn lạng bạc chơi.

Dựa vào vị trí địa lý thuận lợi, giao thông phát triển tứ phương của nước Tống, lão ông Si Di Tử Bì đã triển khai một loạt các thủ pháp thương mại và hoạt động kinh doanh khiến mọi người đều phải tấm tắc ca tụng lạ kỳ. Mục tiêu nhỏ này của ông đã nhanh chóng thành hiện thực, việc làm ăn vô cùng phát đạt. Thời gian đó, Si Di Tử Bì cũng tự xưng là Đào Chu Công.

Số tiền kiếm được tiêu 10 đời cũng không hết, nhưng cuộc sống lại trở nên vô vị. Thế là ông lại đem toàn bộ số tiền đó đem quyên tặng hết cho bách tính, rồi lại bắt đầu ‘chơi’ lại lần nữa.

Cứ như thế lặp lại: 3 lần thành đại phú, 3 lần tặng hết gia tài.

Tuổi già xem nhẹ, tình cảm hào khí vạn trượng xưa đã qua đi rồi, công danh lợi lộc cũng như mây khói trước mắt. Trên đời này những thứ có thể dùng vật chất đo lường được đều là vật ngoại thân.

Có những thứ vô hình mới là thứ thực sự đáng trân quý coi trọng, đó là sự thiện lương, đó là tình cảm.

Bên bờ Tây Hồ, nước trong xanh như bức tranh họa đồ, một con thuyền con giữa lòng hồ như một chòm mây trôi nhè nhẹ, hoặc đong đưa trong cơn gió thoảng. Một cụ già 80, 90 tuổi ngồi trên thuyền thổi sáo du dương, dựa bên ông vẫn là bà lão hai hàng tóc mai điểm tuyết.

Xoay xở một đời, lòng ông lão như nước Tây Hồ trong vắt.

Xuôi ngược một đời, một hồ, một thuyền, hai người, chỉ thế mà thôi.

Theo Sound of Hope
Nam Phương biên dịch

Exit mobile version