Đại Kỷ Nguyên

Tưởng Giới Thạch thích đọc sách gì nhất?

Tưởng Giới Thạch có một nền tảng tri thức thâm sâu về văn hoá truyền thống. Ông cũng là một người ham thích đọc sách, trau dồi tự học. Tinh thần ấy là tấm gương lớn cho hậu thế.

Tưởng Giới Thạch xuất thân từ một gia đình theo Đạo Phật trong nhiều thế hệ. Ông nội ông một lòng tin thờ Phật Pháp, mẹ ông Vương Thái Ngọc được người dân địa phương gọi là “Hộ pháp bà bà”, từng đọc và thấm nhuần tư tưởng của các cuốn sách kinh điển của Phật Pháp là “Pháp hóa kinh”, “Lăng Nghiêm kinh”. Bà thường giải thích những tư tưởng này cho Tưởng Giới Thạch từ khi ông còn nhỏ.

Từ năm 6 tuổi, Tưởng Giới Thạch đã được gia đình mời thầy về nhà dạy học cho ông. Ông nhận được một nền giáo dục truyền thống nghiêm ngặt. Từ năm 9 tuổi, ông đã đọc hết các sách “Đại học”, “Trung Dung”, “Luận Ngữ”, “Mạnh Tử”, “Lễ Kinh”, lên 10 tuổi đọc “Hiếu Kinh”, 11 tuổi đọc “Tả truyện”, 12 tuổi, đọc “Kinh Thi”, bắt đầu tìm hiểu về nghệ thuật và cổ văn, 13 tuổi đọc “Kinh Thư”, 14 tuổi đọc “Kinh Dịch”, 15 tuổi bắt đầu học sách luận, nghị chương, 16 tuổi đọc những sách về cương giám. Sau này dù được tiếp thu nhiều tư tưởng mới từ Tây phương nhưng ông vẫn tập trung vào nghiên cứu văn hóa truyền thống.

Chính những nghiên cứu chuyên sâu về truyền thống phương Đông cổ điển đã cho ông một nền tảng hiểu biết sâu sắc. Tưởng Giới Thạch từ chối chấp nhận những ý tưởng khoa học phản truyền thống trong Phong trào Ngũ Tứ. Ông cũng dự đoán rằng ĐCS Trung Quốc “sẽ phá huỷ Trung Quốc của tôi, một quốc gia với nền văn hóa lịch sử 5.000 năm”. 

Tưởng Giới Thạch (phải), vợ là Mao Phúc Mai (ngoài cùng bên trái) cùng mẹ là Vương Thái Ngọc (giữa) và con trai nhỏ Tưởng Kinh Quốc (ảnh: Wikipedia).

Du học Nhật Bản và những suy ngẫm về văn hóa truyền thống Trung Quốc

Từ sau năm 1906, Tưởng Giới Thạch sang Nhật du học hai lần. Ông phát hiện ra rằng rất nhiều người Nhật Bản đều chăm chú đọc cuốn sách “Truyền tập lục” của Vương Dương Minh. Ông vốn dĩ đến Nhật để tìm hiểu về văn hóa của Nhật Bản nhưng lại thấy nhiều người Nhật Bản tìm hiểu về văn học kinh điển của Trung Quốc. Điều này khiến ông không khỏi suy ngẫm về cách người Trung Hoa đối xử với văn hóa truyền thống. Tưởng Giới Thạch tin rằng sự thịnh vượng của Nhật Bản “không phải là vì khoa học của Châu Âu và Châu Mỹ, mà là triết lý của Trung Quốc”.

Trong cuộc kháng chiến chống Nhật Bản, Tưởng Giới Thạch tin rằng để đánh bại quân xâm lược Nhật Bản, cần phải phát huy đầy đủ tinh thần dân tộc Trung Quốc bằng cách: “khôi phục đức tính vốn có trong toàn bộ dân tộc Trung Quốc: Trí, tâm, nhân, dũng, nghiêm và kế thừa đạo đức truyền thống của dân tộc Trung Quốc, coi học tập là nền tảng của sự nghiệp và tin rằng học tập là yếu tố chính ảnh hưởng đến sống chết thành bại”. 

Tưởng Giới Thạch rất thích đọc sách, khi đang chuẩn bị kết hôn với Tống Mỹ Linh, ông đã đến Nhà xuất bản Thương mại mua sách để đọc trong tuần trăng mật. Ông nói: “Không đọc sách, không chăm chỉ, bản thân chỉ có thể gặp họa”. Ông nghiện đọc sách đến nỗi thường hay quên ăn quên ngủ và coi “điều khủng khiếp nhất là không có thời gian để đọc”. Trong cuộc Bắc phạt xảy ra thảm án Tế Nam, việc quân bận rộn, Tưởng Giới Thạch không có thời gian để đọc sách. Điều này khiến ông vô cùng khó chịu. Sau đó, ông đã thề rằng, sau này mỗi ngày ông sẽ đọc ít nhất 10 trang sách. Vì đọc sách, Tưởng Giới Thạch có thể thức trắng đêm, đọc đến mức hai mắt ông bị tật. Ông từng viết trong nhật ký của mình: “Có tật về mắt không thể đọc sách, đáng hận, hận đến mức muốn tự sát cho xong”.

Hình ảnh của Tưởng Giới Thạch khi đi du học Nhật Bản (ảnh: Epochtimes).

Không chấp nhận ý tưởng khoa học hiện đại và phản truyền thống của phong trào Ngũ Tứ

Trong phong trào Ngũ Tứ có rất nhiều học thuyết xã hội chủ nghĩa thịnh hành ở Trung Quốc, trong trào lưu của đại thời đại, Tưởng Giới Thạch cũng đọc các ấn phẩm được gọi là “tiến bộ” và các cuốn sách liên quan về lý thuyết xã hội chủ nghĩa của Marx, thậm chí còn mất ngủ do nghiên cứu về Hegel. Nhưng cuối cùng ông trở lại với triết lý truyền thống của Trung Quốc, tìm hiểu lý thuyết Âm Dương của Trung Quốc, cho rằng triết học Trung Quốc vẫn rất có giá trị.

Năm 1923, Tôn Trung Sơn phái Tưởng Giới Thạch đi học ở Liên Xô. Tưởng Giới Thạch trở nên cảnh giác với những nỗ lực của Liên Xô tại Trung Quốc. Ông tin rằng những người Liên Xô không tôn trọng văn hóa truyền thống Trung Quốc, còn người Trung Quốc thì đang thờ phụng và bắt chước nó một cách mù quáng. 

Năm 1925, Tưởng Giới Thạch đọc cuốn sách về Rabindranath Tagore. Sau đó, Tưởng Giới Thạch đề xuất coi trọng đạo đức truyền thống Trung Quốc bên cạnh dân chủ và khoa học. Ông chọn “chủ nghĩa duy tâm” và chống lại chủ nghĩa duy vật. Tưởng Giới Thạch cũng thường đọc lịch sử các cuộc cách mạng ở nhiều quốc gia khác nhau. Ông bình luận về phe Jacobin của Cách mạng Pháp: “Vì đức tin quá mãnh liệt, sự ghen tị và tàn bạo ngang ngược, họ biến thành thế lực chính trị, là không thể trông cậy được.” So với Lenin và Jacobin, Tưởng Giới Thạch thích tư tưởng của Gia Cát Lượng và Văn Thiên Tường hơn. Ông thích đọc các tác phẩm như: “Xuất sư biểu”, “Chính khí ca”, “Tâm Kinh” và các tác phẩm Phật giáo kinh điển khác.

Khác với tư tưởng của những người trẻ tuổi thời bấy giờ, Tưởng Giới Thạch đọc nhiều sách hơn và tìm cách đạt được sự hoàn thiện đạo đức của chính mình. Từ năm 1912 đến 1924, ông bắt đầu khép mình vào kỷ luật của “Nho giáo”, trau dồi kỷ luật tự giác và phấn đấu theo mô hình “Nội thánh ngoại vương” kinh điển của Nho gia. Sau năm 1926, Tưởng Giới Thạch hoàn toàn thay đổi hướng đi của mình, từ bỏ hoàn toàn các nghiên cứu mới, đọc những cuốn sách cũ và các văn bản cổ xưa. Năm 1932, ông định ra rằng mỗi sáng mình sẽ đọc một cuốn sách cổ. Mỗi cuốn sách ông sẽ đọc từ đầu đến cuối, ít khi bỏ dở, có một vài cuốn sách ông còn đọc đi đọc lại vài lần. Trong cuốn nhật ký của mình, vào cuối năm 1932, ông đã viết: “Sách hiện đại không đủ để bàn luận. Người ta không hề biết rằng trong sách cổ Trung Quốc có những điều tinh vi sâu sắc nhường nào”.

Tưởng Giới Thạch chụp ảnh trong phòng làm việc (ảnh: Epochtimes).

Ngoài các tác phẩm kinh điển, Tưởng Giới Thạch chủ yếu đọc sách của các nhà hiền triết Trung Quốc cổ đại như: “Nội tỉnh tu đức”, “Tống Nguyên học án”, “Minh nho học án”, “Trương Cư Chính bình truyện”, “Vương Kinh Công tập”, “Hồ Lâm Dực toàn tập”, “Thánh võ ký”… Năm 1936, ông viết: “Trước đây chỉ muốn trở thành anh hùng hào kiệt mà không muốn trở thành Thánh hiền, bây giờ chỉ muốn là một Thánh hiền tự tại chứ không muốn trở thành một anh hùng tự phụ”.

Nhật ký của Tưởng Giới Thạch ghi lại khá chi tiết về thói quen đọc sách và những suy ngẫm khi đọc sách của ông. Ví dụ: 

Ngày 18 tháng 7 năm 1929: Hôm nay đọc cuốn “Chu Tử toàn thư”, chợt nhận ra rất lâu rồi mình chưa đọc sách Thánh hiền.

Ngày 13 tháng 12 năm 1932: Hôm nay đọc xong cuốn sách “Bạch Sa học án”, đã vỡ ra rất nhiều điều, tự hận bản thân mình không tu dưỡng bản thân từ sớm, khiến cho bản thân khô khan vô thường.

Ngày 30 tháng 9 năm 1941: Ngày ngày đọc “Minh nho học án”, đọc sách Thánh hiền nhưng vẫn không thể dè chừng sự tự phụ, thật đáng xấu hổ và đau đớn.

Trong những năm cuối đời, ông nhận ra rõ ràng hơn rằng văn hóa Trung Quốc “không phù hợp với bản chất của chủ nghĩa cộng sản, chủ trương thù hận và bạo lực. Đảng Cộng sản sẽ phá hủy lịch sử, văn hóa cao quý và xuất sắc của dân tộc Trung Quốc chúng ta trong năm nghìn năm, phá hủy tất cả mọi thứ. Biến đổi bản chất lý luận nhân ái và hòa bình của Trung Quốc thành một cuộc đấu tranh tàn bạo và tàn khốc tham gia vào cuộc tàn sát quốc tế”. 

Dưới đây là một số cuốn sách yêu thích của Tưởng Giới Thạch:

“Đại Học”, “Trung Dung”, “Mạnh Tử”

Tưởng Giới Thạch tập trung vào Tứ Thư Ngũ Kinh kinh điển của Nho giáo. Năm 1934, ông thuyết giảng với các binh sĩ đang được huấn luyện về “Đại Học chi đạo”, ông nói: “Nhớ lại khi tôi còn nhỏ, thầy giáo dạy tôi đọc “Đại Học”, “Trung Dung”. Tôi không biết mình đã đọc bao nhiêu lần, rồi thầy lại yêu cầu tôi đọc lại từ đầu. Cho đến năm 28 tuổi, Tổng Thống (Tôn Trung Sơn) đã giải thích cho chúng tôi về giá trị của cuốn sách “Đại Học” và tôi lại xem nó lại một lần nữa”. 

Ông cho rằng “Đại Học” nói đến tất cả những đạo lý làm người và làm việc. Có thể nói, đó là một quá trình phát triển liên tục và tiến bộ từ việc trau dồi đạo đức ở bên trong đến việc hoàn thành sự nghiệp ở bên ngoài. Ông cho rằng chính trị là sự quản lý quần chúng và cuốn “Đại Học” hàm chứa những nguyên tắc cơ bản của chính trị. 

Ông cũng nói rằng, mình hoàn toàn tôn sùng “Trung Dung”, cho rằng nếu có thể nắm được ý chính của “Trung Dung” thì “đã có được bản chất của triết học Trung Quốc cổ đại”. Khi đó, đứng trên thế giới này, người ta có thể hưởng thụ một cách vô tận. Trên phương diện chính trị, tất cả các hành động và thái độ của quy định pháp luật đều phải phù hợp với “Lễ”, cũng chính là phù hợp với “Nghi”.

Ông giải thích về ý nghĩa của “Đại Học” và “Trung Dung” đều dựa trên lập trường và tu dưỡng và rèn luyện của bản thân, từ việc “Tu kỷ”, củng cố nội tâm của con người, đề cao phẩm đức đến “trị người”, “trị quốc” với bên ngoài và cuối cùng là “bình thiên hạ”. Ông tin rằng đây là sự tinh tế và cũng đầy thực tế của triết học chính trị vốn có của Trung Quốc, vượt ra ngoài tầm nhìn của các nhà triết học chính trị nước ngoài.

Đối với “Mạnh Tử”, Tưởng giới Thạch cũng hoàn toàn ngưỡng mộ tư tưởng của cuốn sách này. Ông từng nói với Tưởng Kinh Quốc: “Mạnh Tử viết rất tốt, khác với những cuốn sách khác”. 

Tưởng Giới Thạch (giữa) cùng hai con Tưởng Kinh Quốc và Tưởng Vĩ Quốc (ảnh: Epochtimes).

Hiếu Kinh

Tưởng Giới Thạch rất coi trọng “Trung”, “Hiếu” trong đạo đức truyền thống Trung Quốc. “Hiếu Kinh” là một cuốn sách rất quan trọng trong cuộc đời ông. Năm 1934, ông viết: “Tối đọc “Hiếu Kinh” lập thân hành đạo, nổi danh với người đời sau, với cha mẹ tỏ rõ lòng hiếu thảo đến tận cùng”. Tưởng Giới Thạch đã tự tay viết lại chương đầu của “Hiếu Kinh”, nói: “Tôi nghĩ rằng các thế hệ tương lai, nếu có lòng hiếu thảo có thể gặp được rất nhiều may mắn trên con đường sự nghiệp”. Năm 1943, ông viết: “Tuần này đọc “Hiếu Kinh”, càng nhiều đọc những cuốn sách của Thánh nhân vào những năm cuối đời, càng lãnh hội được nhiều ý nghĩ của các thánh nhân”. 

Kinh Dịch

Đây là cuốn sách có tác động lớn đến cuộc sống của Tưởng Giới Thạch. Ông đọc “Kinh Dịch” từ khi ông còn là một thiếu niên, khi trưởng thành ông liền đổi tên thành Trung Chính, tự Giới Thạch, cái tên này ông lấy từ “Kinh Dịch – Dự quái”: “Tưởng Giới Thạch, bất chung nhật, trinh cát”, cũng là Trung Chính. Đại ý là, tâm trí, phẩm hạnh giống như tảng đá lớn, hiên ngang đắc chính và tốt lành nhất. Sau khi đọc Hiếu Kinh, Tưởng Giới Thạch tin và sự sắp đặt của số phận, tất cả mọi thứ đều do Trời, con người không thể can thiệp được.

Quản Tử

“Quản Tử” cũng là một trong những cuốn sách ưa thích của Tưởng Giới Thạch. Năm 1934, Tưởng Giới Thạch phát động “Phong trào Cuộc sống mới”. Trong hơn hai tháng, ông gần như mỗi ngày đều đọc “Quản Tử”. Cơ sở lý thuyết của “lễ nghĩa liêm sỉ” trong “Phong trào cuộc sống mới” cũng bắt nguồn từ “Quản Tử”.

Binh pháp Tôn Tử

Trong các cuộc tuần hành, Tưởng Giới Thạch liên tục nghiên cứu về “Binh pháp Tôn Tử”. Ông tin rằng trong số các sách triết học quân sự Trung Quốc cổ đại, “Binh pháp Tôn Tử” là tinh tế nhất.

Tăng Quốc Phiên toàn tập

Đây là cuốn sách thường được đặt bên cạnh Tưởng Giới Thạch nhất, “Tăng Quốc Phiên toàn tập”, ông bắt đầu đọc cuốn sách này từ năm 17 tuổi và sau đó đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Thậm chí có người từng nói, thị lực của ông bị suy giảm từ khi còn trẻ cũng là do đọc “Tăng Quốc Phiên toàn tập”. Tinh thần lập chí, bồi dưỡng nhân phẩm đức hạnh của Tăng Quốc Phiên ảnh hưởng rất nhiều đến Tưởng Giới Thạch. Ông cũng coi Tăng Quốc Phiên là một thầy giáo giỏi trong việc cai trị đất nước.

Vương Dương Minh toàn tập

Nhà hiền triết mà Tưởng Giới Thạch tôn trọng nhất là Vương Dương Minh thời nhà Minh. Ông tin rằng Vương Dương Minh là một nhà hiền triết Nho giáo với những thành tựu phi thường về đức hạnh, đạo đức và công đức, và là “người toàn tài” trong truyền thống Trung Quốc. Trong những năm cuối đời, ông cũng nghiên cứu sâu về tâm lý của Lục Cửu Uyên và Vương Dương Minh.

Kinh Thánh

Sau khi kết hôn với Tống Mỹ Linh, Tưởng Giới Thạch thường đọc “Kinh Thánh”. Trong nhật ký, ông cũng thường hay trích dẫn những câu nói của Phúc âm Tân Ước và thư tín của Phaolô của “Kinh Thánh”. 

Sau sự kiện Tây An, Tưởng Giới Thạch bị giam cầm và ông đã tranh thủ thời gian này đọc “Kinh Thánh” hàng ngày. Trong thời gian khó khăn nhất của Chiến tranh kháng Nhật, trước khi cầu nguyện buổi tối hàng ngày, Tưởng Giới Thạch đã đọc tuyển tập của chứng ngôn Kitô giáo “Streams in the Desert”. Điều này giúp ông nhận ra rằng khó khăn là thử thách của chúa Trời dành cho con người, chỉ cần vượt qua nó thì mọi chuyện sẽ thành công.

Ảnh cưới của Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh (ảnh: Epochtimes).

Trong nhật ký của mình trước năm 1930, Tưởng Giới Thạch thường viết: “Nhân định thắng Thiên”, sau khi chấp nhận đức tin Kitô giáo, ông đã ngừng viết bốn từ này. Năm 1975, khi lễ hội Thanh Minh đang đến gần, Tưởng Giới Thạch khi đó 89 tuổi đã gọi cô y tá họ La và nhờ cô ấy đọc cho mình một bài thơ về Thanh Minh của Hoàng Đình Kiên. Khi cô y tá đọc những câu thơ: “Kim cổ hiền ngu ai biết được? Nhìn quanh cỏ dại mọc lưng đồi”, cơ mặt của Tưởng Giới Thạch đột nhiên co giật mấy lần. Ông nhờ cô y tá đọc lại vài lần, nói bài thơ này viết hay quá. Hai câu thơ này có ý chính là dù là một nhà hiền triết hay một cuộc đời tầm thường, ở cuối đời, những gì còn lại trên thế giới chỉ là một gò đất nhỏ phủ đầy cỏ dại. 

Tưởng Giới Thạch, ảnh chụp năm 1950 (ảnh: Epochtimes).

Ngọc Linh
Theo Epochtimes

Đạo đức nghề nghiệp đưa con người đến chỗ tôn nghiêm

Exit mobile version