Đại Kỷ Nguyên

Tùy tiện phát thề độc, lời thề ứng nghiệm hóa thân trâu

Văn hoá truyền thống phương Đông và phương Tây đều rất coi trọng lời thề, coi đó là thệ ước của con người với Trời và Thần, tuyệt đối tôn nghiêm thần thánh. Những ai tuỳ tiện phát lời thề độc, coi thường nhân – quả, đều phải chịu kết cục bi thảm.

Dưới đây là ba câu chuyện có thật về linh ứng của lời thề độc.

Phát lời thề độc, lời thề ứng nghiệm hóa thân trâu

Năm thứ 5 thời Đường Vĩnh Huy, phía đông nam ngoài kinh thành có một nơi tên là Thê Gia Chủy, vùng này có một nơi gọi là Linh Tuyền, lý trưởng trong làng tên Trình Hoa.

Mùa thu năm nọ, trong lúc thu thuế than, một thợ than đã đóng tiền cho Trình Hoa. Nhưng chàng thợ than này bởi gia cảnh quá nghèo, từ nhỏ không được đi học, vậy nên một chữ bẻ đôi cũng không biết, chàng không có xin đòi Trình Hoa đưa mình biên lai.

Về sau, Trình Hoa lại lần nữa khi đòi tiền chàng, chàng không sao hiểu nổi, nói bản thân mình đã nộp tiền cho ông rồi. Trình Hoa lại nói: “Nếu tôi đã nhận tiền cậu, thế cậu hãy đưa biên lai cho tôi xem thử nào”. Chàng thợ than nói: “Tôi không biết chữ, lúc đầu ông nói không cần phải ghi biên lai, vậy nên tôi không có đòi. Cớ chi hôm nay lại còn đòi tôi đóng tiền nữa vậy?”.

Trình Hoa vốn là người không tin vào nhân quả báo ứng, liền phát lời thề độc rằng: “Nếu tôi đã từng nhận tiền của cậu, sau khi chết sẽ làm thân trâu ngựa hoàn trả cho cậu, vậy được chưa?”. Chàng thợ than rất là buồn bực, đành phải đóng tiền cho Trình Hoa lần nữa.

Trình Hoa vốn không tin vào nhân quả báo ứng, tùy tiện thề độc. (Ảnh: youtube.com)

Không đến 4, 5 tháng sau, Trình Hoa bất ngờ qua đời. Đồng thời, trâu mẹ trong nhà của chàng thợ than ngay chính lúc đó cũng sinh hạ một con nghé, toàn thân nghé đều là màu đen, chỉ riêng phần trên trán có hai chữ màu trắng: Trình Hoa. Mọi người đều biết đây là Trình Hoa chuyển sinh.

Con cái của Trình Hoa hay chuyện, muốn dùng số tiền lớn để chuộc mua trâu con về, nhưng chàng thợ than không đồng ý.

(Tích từ “Pháp Uyển Chu Lâm”)

“Nếu tôi làm trái pháp luật thì sẽ bị vỡ đầu, óc trộn lẫn với đất”

Vào giữa những năm Hàm Phong đời nhà Thanh, châu Trực Lệ, vùng Tuân Hóa (thành phố Tuân Hóa, tỉnh Hà Bắc ngày nay) có vị quan Thứ sử, là trưởng quan hành chính cao nhất của một châu. Vị quan Thứ sử này vì để khoe khoang bản thân mình rất thanh liêm, đã đặc biệt viết ra một câu đối treo ngay giữa đại sảnh: “Ngã như uổng pháp não đồ địa, nhĩ mạc khi tâm đầu hữu thiên”. Đại ý là, nếu tôi làm trái pháp luật thì sẽ bị vỡ đầu, óc trộn lẫn với đất; anh chớ làm chuyện dối lòng, bởi trên đầu còn có thần linh.

Tuy vậy, trên thực tế ông ta lại là một tên tham quan, đã làm không ít những chuyện tham ô trái pháp luật, đến nỗi phần lớn người dân của cả châu đều có thể chỉ ra mấy vụ việc. Câu đối của ông ta chẳng qua chỉ là dối mình dối người, hòng che đậy tai mắt người đời mà thôi.

Bởi thời đó quan trường hủ bại, vị quan Thứ sử này vẫn lại có thể bình an về hưu, trở về huyện nào đó của tỉnh Hà Nam nơi quê nhà dưỡng lão. Một ngày kia, ông đang trên đường leo núi chẳng may bị sẩy chân ngã lăn xuống, đầu đập phải tảng đá, ngay lập tức đầu não nứt toác chết ngay tại hiện trường, óc não đều chảy ra. Quả thật đã ứng nghiệm câu nói “nếu tôi làm trái pháp luật thì sẽ bị vỡ đầu, óc trộn lẫn với đất” trong câu đối.

Tham ô công quỹ, chết chẳng toàn thây

Huyện Thanh Phổ (vùng Thanh Phổ, Thượng Hải ngày nay) có một vị huyện lệnh, muốn thu thêm phí vận tải đường thủy hòng trục lợi cho bản thân, mỗi một thạch lương thực muốn thu thêm mấy trăm tiền, người dân trong huyện nhao nhao đưa ra chất vấn, tiếng phản đối dấy lên khắp cả một vùng.

Vị huyện lệnh Thanh Phổ vì lợi ích mà không màng đến “nhân quả”, làm khổ mình khổ người. (Ảnh: youtube.com)

Ông ta bèn triệu tập người dân, dẫn theo 20 vị quan cấp dưới có liên quan đến sự vụ vận chuyển đến trước miếu Thành hoàng phát lời thề độc ngay trước mặt bàn dân thiên hạ: “Khoản chi phí tăng thêm kia cũng là bắt nguồn từ sự bất đắc dĩ, chứ không phải là để đút túi riêng, khoản kinh phí gia tăng đó toàn bộ đều sẽ được sung vào công quỹ. Nếu có người dám chiếm dụng dù chỉ một phân tiền, quan viên đó khi chết đều không thể giữ lại cái đầu, đầu và thân tách rời, không ở cùng một chỗ, chúng quan lại cấp dưới đều bị báo ứng hiện tiền”.

Thời đó, mọi người đều tin Thần rộng khắp, nhìn thấy huyện lệnh dẫn theo mọi người phát lời thề độc trước tượng Thần như vậy, trong lòng cũng đã tin tưởng, tiền rất mau chóng đã được thu về. Tuy vậy, huyện lệnh này lại cùng với các quan nhỏ cấp dưới nhét đầy túi riêng, cùng nhau chia chác khoản tiền này.

Không đến một năm, toàn bộ hai mươi vị quan cấp dưới này lại lần lượt nối tiếp nhau qua đời, phần cổ của huyện lệnh cũng lở loét sinh thành một vết loét lớn, bệnh tình ngày càng nguy kịch. Một ngày kia, người canh cửa của huyện nha trong lúc hoảng hốt nhìn thấy một người tướng mạo trông giống hệt như thần Thành hoàng đi vào, trong nháy mắt lại nhìn thấy ông ta xách theo đầu của huyện lệnh chậm bước rời đi.

Người canh cửa hiểu rằng thần Thành hoàng đã đến, vội vàng chạy ra hậu viện sân sau, xem tình hình của huyện lệnh như thế nào. Thời đó, huyện nha sân trước đều là làm việc công, còn sân sau thì dùng cho huyện lệnh ở. Vừa mới đi được mấy bước, ông liền nghe thấy sân sau có tiếng khóc than của thân nhân huyện lệnh vọng đến, thì ra huyện lệnh vừa mới qua đời, khi chết “phần cổ nát vụn rơi xuống mà chết”, thần Thành hoàng thật sự đã ứng nghiệm lời thề độc ngày trước của ông ta. Thông qua cái chết của chúng quan lại và huyện lệnh, mọi người dân cũng đều biết họ đều đã làm trái lời thề độc, đã tham ô khoản tiền thu thêm kia, nên mới nhận phải cái kết thê thảm như vậy.

Theo secretchina.com
Thuận An biên dịch

Exit mobile version