Tác giả: Doãn Gia Huy
Khi nói đến kiến trúc, kiến trúc truyền thống Trung Quốc cổ đại là một sự tồn tại đáng kinh ngạc. Quần thể kiến trúc cung điện tráng lệ cổ đại đánh dấu thành tựu kỹ thuật, tinh thần tư tưởng và điển phạm mỹ học của kiến trúc truyền thống Trung Quốc. “Tử Cấm Thành” hiện còn tồn tại trở thành đại biểu cho thành tựu kiến trúc truyền thống Trung Quốc. Nhưng những thành tựu kiến trúc mà Tử Cấm Thành triển hiện cùng với tư tưởng quan và mỹ học cốt lõi đằng sau nó, những truyền thống này không khởi nguyên từ Tử Cấm Thành. Vậy chúng đến từ đâu? Truy ngược dòng lịch sử đến thời Chu Vũ Vương xây dựng vương thành, chúng ta phát hiện, tư tưởng kiến đô của ông đã ảnh hưởng sâu sắc đến các triều đại sau này. Đó là gì?
Văn hóa “thần truyền” trong kiến trúc vương thành
Lý niệm và kỹ thuật kiến trúc của văn hóa truyền thống Trung Hoa có nguồn gốc lâu đời, gắn liền với văn hóa Thần truyền. “Tử Cấm Thành” phản ánh vũ trụ quan, chính trị quan, sinh mệnh quan của dân tộc Trung Hoa, dẫn dắt sự phát triển của văn hóa kiến trúc. Tư tưởng, tinh thần và mỹ học thiết kế của cố cung Tử Cấm Thành mà ngày nay mọi người quen thuộc thực chất là sự tiếp nối và tái hiện của điển thức đế cung thời kỳ đầu của Trung Quốc.
Nhân gian có nhân loại, trên trời có thần tiên. Thiên Đế truyền thuyết là chủ của chúng thân trên thiên thượng. Các xưng hiệu cổ xưa như Thái Nhất, Thái Ất, Thái Nhất Thần v.v. đều là dùng để gọi Thiên Đế (cũng gọi là Thượng Đế). Người xưa coi ngôi sao Trung Cung Thiên Cực là nơi ở của Thái Nhất. Thái Nhất (Thần) cư ngụ lâu dài ở Tử Cung, còn gọi là Tử Vi Viên, Tử Vi Cung. Tử Cấm Thành nơi Thiên Tử ở dưới địa hạ chính là sự phỏng hiện Tử Cung trên trời. Thành không thể tùy ý ra vào, là thành quách bảo vệ cung điện, giống như Tử Vi Chi Viên. “Tử Cấm Thành” là tượng trưng cho nhân gian thừa thụ thiên mệnh.
Truy nguyên nguồn gốc thần thái của kiến trúc cung điện
“Chu Thư” viết: Hoàng Đế bắt đầu xây cung thất. “Hậu Hán Thư‧Thiên văn thượng” viết: “Hiên Viên thủy thụ hà đồ đấu bao thụ, quy nhật nguyệt tinh thần chi tượng, cố tinh quan chi thư tự Hoàng Đế thủy.” (Dịch: Hiên Viên bắt đầu nhận Hà Đồ Đấu Bao thụ, vẽ quy luật của mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, cho nên sách về sao bắt đầu từ thời Hoàng Đế). Từ đó có thể thấy thiên văn học cổ đại Trung Quốc phát nguyên từ rất sớm, thời đại Hoàng Đế đã có tinh quan, có học thuyết quan sát thiên tượng và ghi chép. Đến thời nhà Tần, mặc dù nhiều thư tịch cổ bị mất, nhưng “tinh quan chi thư, toàn nhi bất hủy” (sách về sao vẫn còn nguyên vẹn, không bị hủy hoại), cho thấy thiên văn học được coi trọng trong thời cổ đại là điều không thể nghi ngờ. Vậy việc quan sát các ngôi sao của tinh quan liên hệ với kiến trúc vương thành như thế nào?
“Định Thiên Bảo‧Y Thiên Thất”
Chu Vũ Vương thảo phạt bạo quân Trụ Vương, kiến lập ra nhà Chu. Vài năm sau, kiến chế triều đại vừa mới bắt đầu, Vũ Vương đã bước đến cuối cuộc đời. Trước khi lâm chung, Vũ Vương giao trọng trách củng cố nền tảng vương triều cho em trai là Đán. Ông dặn Chu Công Đán phải kiến lập một triều đại vĩnh viễn được trời bảo hộ, nói cho ông ấy biết cách làm cụ thể – Theo “Định Thiên Bảo‧Y Thiên Thất” (《Thượng thư – Triệu cáo》、《Lịch sử-Chu bổn ký》).
“Y Thiên Thất” chính là xây dựng vương thành “phải dựa vào cung thất trên trời” (Trương Thủ Tiết “Sử Ký Chính Nghĩa”), như vậy mới có thể “không xa Thiên Thất”, gần gũi với thần linh, tuân tòng thiên mệnh. Chu Vũ Vương cho rằng “thất kỳ hữu hiến, mệnh cầu từ vô viễn”, tức là các vì sao trên trời ám thị điển phạm của đạo nhân gian, vì vậy phải mô phỏng vị trí và bố cục của các tinh tú trên thiên thượng để kiến tạo vương đô, mong rằng vận mệnh của nhà Chu sẽ vĩnh viễn được Trời phù hộ.
Thiên văn học cổ đại Trung Quốc nhìn nhận rằng, quần tinh ở trung tâm bầu trời là Tử Vi Viên, trong đó sao Thiên Cực (Bắc Thần, Bắc Cực Tinh) có thể nhìn thấy quanh năm bất kể biến hóa các mùa. Thái Sử Công trong “Sử Ký‧Thiên Quan Thư” nói: Ngôi sao Thiên Cực sáng nhất ở Trung Cung (Trung Viên) là nơi ở của Thiên Đế Thái Ất (Thái Nhất) (gọi là “Tử Vi”); ba ngôi sao bên cạnh là Tam Công, một thuyết cho rằng đại diện cho các thái tử; bốn ngôi sao phía sau xếp thành hình móc câu là hậu cung, ngôi sao lớn cuối cùng là chính phi. Cộng thêm mười hai ngôi sao bảo vệ xung quanh, tức là các phiên thần, toàn bộ được gọi là Tử Cung, tức là Tử Vi Viên (Tử Vi Cung Viên). “Tấn Thư‧Thiên Văn Chí” ghi lại, “Tử Vi Viên có mười lăm ngôi sao tại Bắc Đẩu. Ngôi sao thứ nhất phía Bắc là Tử Vi, là chỗ ngồi của Thiên Đế, là nơi ở thường xuyên của Thiên Tử.” Người xưa nhìn thấy “Tử Vi Viên mười lăm ngôi sao tại Bắc Đẩu”, còn nhiều hơn cả “Bắc Đẩu Thất Tinh” mà chúng ta biết hiện nay.
Khi tinh quan cổ đại quan sát thiên tượng, đã chia bầu trời thành Tam Viên (Tam Cung), Tứ Tượng, Nhị Thập Bát Tú. [1] Kiến tạo vương thành “Y Thiên Thất” để bố cục hoàng cung trên mặt đất có thể đối ứng với Tử Vi Viên nơi ở của Thiên Đế, biểu thị hoàng đế là thiên tử ứng thiên thừa mệnh. Vì vậy, Chu Vũ Vương luôn nỗ lực tìm kiếm địa điểm đối ứng với Thiên Thất để xây dựng vương đô mới, sử sách gọi là “Độ Ấp”. Cuối cùng, ông phát hiện ra Lạc Ấp ở đồng bằng Y Lạc nằm ở trung tâm thiên hạ, đối ứng với Thiên Thất, là lựa chọn hàng đầu để kiến đô.

Vũ Vương nói: “Từ Lạc Nệ (Nệ: chỗ sông cong hoặc chỗ hai sông hợp nhau; bờ sông) kéo dài đến Y Nệ, nơi dễ sống, không bế, đó là nơi ở của nhà Hạ (夏朝), ta nhìn về phía nam quá Tam Đồ (khu vực núi Thái Hành), ta nhìn về phía bắc quá Nhạc Bỉ, nhìn quanh quá Hữu Hà (sông Hoàng Hà), nhìn xa kéo dài đến Y Lạc, không xa Thiên Thất…” (Theo “Vãn Chu thư – Độ Ấp giải”)

Nhưng ông trời không cho ông sống đủ tuổi thọ để hoàn thành việc xây dựng tân đô, vì vậy ông giao lại di nguyện cho em trai là Chu Công Đán. Vì vậy, Chu Công vâng mệnh trước khi Chu Vũ Vương lâm chung, sau này xây dựng vương thành mới ở Lạc Ấp (sau này là Lạc Dương). Trong “Thượng Thư‧Triệu Cáo” chép: “Việc trị vì nhà Chu ta, bốn phương đến phục, lấy Lạc Ấp làm trung tâm.” Lạc Ấp về mặt địa lý là “trung tâm thiên hạ, bốn phương cống nạp, đạo lý như nhau”, xây dựng vương thành ở đây, “không xa Thiên Thất” ( Theo《Swrkys – Chu bổn ký》). Lạc Ấp như Tử Cung Thiên Thất tái hiện ở nhân gian, theo sự phát triển của nhà Chu, công năng của Lạc Ấp ngày càng quan trọng hơn thành Hạo Kinh. Chu Vương cẩn thận tế bái thiên địa, đắc thiên số chi mệnh trị dân, dừng chiến tranh, chấn binh giải giáp, khiến thiên hạ quy tâm.
Nhà Chu xây dựng Lạc Ấp, phối đối Tử Viên của Hoàng Thiên; Chu Vương phối đối sự tôn nghiêm của sao Tử Vi Thiên Đế, thể hiện tư tưởng triết học “Thiên Nhân Hợp Nhất” trong kiến trúc truyền thống Trung Quốc. Người xưa gọi cửa thiên giới là Xương Hạp Môn, bố cục kiến trúc cung điện hoàng thành của Trung Quốc cũng lấy hình tượng từ Tử Vi Viên, cửa chính của vương cung cũng có tên là Xương Hạp Môn. Câu thơ của Vương Duy: “Cửu thiên Xương Hạp khai cung điện, Vạn quốc y quan bái miện lưu” (九天閶闔開宮殿,萬國衣冠拜冕旒) cũng mượn hình ảnh so sánh này. “Định Thiên Bảo‧Y Thiên Thất” thể hiện vũ trụ quan, sinh mệnh quan “Thiên Nhân Hợp Nhất”, trở thành tinh thần và quy tắc cốt lõi của tư tưởng kiến trúc hoàng thành cổ đại. Vị trí đắc địa không xa Thiên Thất của Lạc Ấp cũng được các đế vương yêu thích, trở thành cố đô của mười ba triều đại, đô thành có lịch sử lâu đời nhất.
Vương thành thời nhà Chu lớn đến đâu?
Ở đây chúng ta cũng xem xét quy mô cơ bản của vương thành thời nhà Chu hoành tráng đến mức nào? “Thượng Thư‧Chu Quan” viết: “Trúc cung nhi thành chi, dĩ cố bang bản.” (築宮而城之,以固邦本) cho thấy cung điện hoàng gia thời nhà Chu được quy hoạch theo hình thái thành bang (quốc) để bảo vệ vương cung. Tư tưởng này cũng phản ánh trong “Tử Cấm Thành”. Khi đó, trung tâm quốc thổ của nhà Chu là “Trung Quốc”, tức là địa khu đóng đô của Thiên Tử.
Các phát hiện khảo cổ gần đây tại di chỉ nhà Chu Chu Nguyên (周原) (giao giới hai huyện Kỳ Sơn và Phù Phong, thành phố Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây) đã tìm thấy ba tòa thành quách là cung thành, tiểu thành và đại thành, bước đầu hé lộ kết cấu thành quách tụ lạc vào thời Thương Chu. Những phát hiện này vừa hay chứng minh nguyên lý kiến trúc “trúc cung nhi thành chi” của vương thành thời nhà Chu. Theo phát hiện khảo cổ, tiểu thành và cung thành đều được xây dựng vào thời Thương Chu, tiếp tục sử dụng cho đến khi Tây Chu diệt vong, đại thành được xây dựng vào cuối thời Tây Chu, diện tích khoảng 5,2 km², là di chỉ thành lớn nhất thời kỳ Tây Chu được phát hiện. Cấu trúc cổng thành phía đông nam được phát hiện còn hoàn chỉnh, bao gồm đài thành, ngoài úng thành, nam bắc môn đạo, môn thục (chái cổng – gian nhà hai bên cổng cái), nội úng thành, đường vào thành, quần thể kiến trúc trong thành, v.v., có thể thấy quy mô hoành tráng của cổng thành, suy đoán quy mô bên trong thành cũng tương xứng.
Đại thành thời Tây Chu được phát hiện trong khảo cổ này có diện tích khoảng 5,2 km², tương đối mà nói, vương thành phải càng rộng lớn và hoành tráng hơn. “Chu Lễ‧Khảo Công Ký” ghi lại vương thành: “Phương cửu lý, bàng tam môn, quốc trung cửu kinh cửu vĩ, kinh đồ cửu quỹ (đường xe đi). Tả tổ hữu xã (tổ miếu bên trái, thổ địa thần xã bên phải), diện triều hậu thị (triều đình phía trước, chợ phía sau).” Bố cục vương cung ở trung tâm, tương ứng với lý niệm kiến trúc “Y Thiên Thất”.
“Khảo Công Ký Đồ Ký” thời nhà Thanh ghi lại “Phương cửu lý chi thành, cung cửu bách bộ.” (方九里之城,宮九百步). Một lý thời nhà Chu khoảng 415,8 mét theo hệ mét hiện đại, 9 lý khoảng 3,74 km, diện tích quốc đô thành vuông chín lý khoảng 14 km². Một bộ (bước trái + bước phải) thời nhà Chu khoảng 1,38 mét, cung thất hình vuông chín trăm bộ khoảng 1,54 km², lớn hơn Cố Cung Tử Cấm Thành 0,72 km².
Một bên của vương thành đều có ba cửa, bốn bên có tổng cộng mười hai cửa. “Quốc trung cửu kinh cửu vĩ” tức là trong quốc thành có chín đại lộ theo hướng nam bắc, chiều rộng đều có thể cho xe đi, mỗi cửa thông với ba con đường. Tại sao một cửa lại thông với ba con đường? “Nam tả, nữ hữu nhi xa hành kỳ trung” (男左、女右而車行其中) (“Chu Lễ‧Khảo Công Giải” thời Tống), thể hiện nhà Chu là một xã hội coi trọng lễ chế. Những quốc đạo này ra khỏi đô thành tỏa đi bốn phương tám hướng, “mười lý hữu lư, lư hữu ẩm thực; tam thập lý hữu túc, túc hữu lộ thất (đại thất), lộ thất hữu ủy; ngũ thập lý hữu thị, thị hữu hậu quán (宾馆), hậu quán hữu tích.” ( Theo《Chu lễ – Địa quan tư đồ》) Chuyển đổi sang hệ mét hiện tại, đi trên quốc lộ khoảng 4,2 km sẽ có cửa hàng nhỏ tiện lợi bổ sung đồ ăn thức uống, 13km sẽ có một nhà nghỉ có thể qua đêm, 21km sẽ có một khu chợ. Những quy chế kiến trúc này triển hiện quy mô lớn và tiện lợi của vương thành thời nhà Chu.
Kết luận
Trong văn hóa Trung Hoa, văn hóa kiến trúc thể hiện rõ ràng sinh mệnh quan Thiên Nhân Hợp Nhất. Thời Hoàng Đế đã có học thuyết quan sát tinh tượng, tương truyền Hoàng Đế còn sáng chế ra Hoàng Lịch; “Chu Lễ‧Xuân Quan Tông Bá” ghi lại chức trách của tinh quan (quan xem tinh tượng) bao gồm việc quan sát mặt trời, mặt trăng và Nhị Thập Bát Tú. Thiên văn tinh tượng có thể nói là phát triển đồng bộ với văn minh Trung Hoa, thiên văn tinh tượng đối ứng với hưng suy thuận biến của nhân sự trên địa thượng, hạnh phúc của người thế gian đến từ chúc phúc của thần linh thiên giới, điều này thể hiện vũ trụ quan, sinh mệnh quan của tư tưởng nhân văn cổ đại Trung Quốc, cũng biểu hiện trong tư tưởng cốt lõi của văn hóa kiến trúc. Tất nhiên, “Y Thiên Thất” – tuân chiếu quy phạm mà thiên tượng chỉ thị mà hành thì có thể được trời bảo hộ, ngược lại, triều đại trụy lạc bại hoại, vi phản thiên đạo, cũng sẽ chiêu mời sự trừng phạt của thượng thiên, sự canh tân của các triều đại đều nằm trong đạo lý này!

——
Chú thích [1] Theo “Sử Ký‧Thiên Quan Thư”: ghi lại, Thượng Viên Thái Vi Cung Viên mười ngôi sao; Trung Viên Tử Vi Cung Viên mười lăm ngôi sao, Hạ Viên Thiên Thị Cung Viên hai mươi hai ngôi sao. Tứ Tượng là chia phạm vi không gian sao (hoàng đạo) mà mặt trời vận hành một vòng bên ngoài Tam Viên thành bốn khu Đông Tây Nam Bắc, mỗi khu bao gồm bảy ngôi sao:
• Đông phương Thanh Long: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ
• Tây phương Bạch Hổ: Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Tham
• Nam phương Chu Tước: Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn
• Bắc phương Huyền Vũ: Đấu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch