Kinh Dịch không chỉ dùng để xem bói và dự báo thời tiết, nó còn là một học vấn bác đại tinh thâm của văn hoá Thần truyền phương Đông. Bài viết dưới đây đề cập đến một vài khía cạnh ứng dụng của Kinh Dịch.
Tư tưởng trung tâm của Kinh Dịch là diễn giải đặc tính nội tại và quy luật vận hành của tự nhiên, hiểu sự biến hóa thay thế nhau của âm dương, miêu tả vạn vật thế gian. Kinh Dịch không chỉ dùng để xem bói và dự báo thời tiết, nó có ảnh hưởng trên khắp các lĩnh vực như triết học, tôn giáo, chính trị, kinh tế, y học, thiên văn, toán học, văn học, âm nhạc, nghệ thuật, quân sự và võ thuật.
Kinh Dịch là một trong những văn hiến lâu đời nhất của các dân tộc Á Đông và được Nho gia tôn là khởi đầu của Ngũ kinh. Nó dùng một bộ ký hiệu để miêu tả một cách có hệ thống các trạng thái giản dịch, biến dịch và bất dịch, thể hiện triết học và vũ trụ quan của văn hóa cổ điển Á Đông.
Văn minh Á Đông có lịch sử lâu đời. Ngược theo dấu vết phát triển của lịch sử văn hóa, phong thủy, dịch, lý đã hội tụ trí huệ cổ đại Á Đông. Phong thủy là sự hoàn mỹ hài hòa của kiến trúc với tự nhiên, từ trạng thái hài hòa đó đem lại trạng thái sinh sống tốt nhất cho mọi người, từ đó đem lại sức khỏe và của cải. Đây là nhận thức chung của tất cả những người truy cầu cuộc sống phẩm chất cao.
Ngẩng đầu có Thần linh, trung hậu truyền gia mới lâu bền
Kinh Dịch là một học vấn câu thông với Thần linh. Ban đầu, vua Phục Hy vẽ Bát quái là để “Thông với đức của Thần linh, phân biệt tình trạng vạn vật”.
Theo lý luận âm dương của Kinh Dịch, người xưa cho rằng ban ngày có Thần Nhật Du, ban đêm có Thần Dạ Du, họ phụ trách ghi chép những ý nghĩ, lời nói và hành vi của mọi người, định kỳ báo cáo lên Thượng Đế, sau đó Thượng Thiên sẽ căn cứ vào những gì con người làm rồi ban phúc hoặc giáng họa, thế nên nói “Ngẩng đầu có Thần linh”.
Kinh Dịch nói: “Nhà tích thiện ắt thừa phúc lành. Nhà tích bất thiện ắt thừa tai ương”.
Miệng ngậm thì ruồi không chui vào được
Câu cổ ngữ này khuyên mọi người rằng nói năng phải cẩn thận, bệnh theo miệng mà vào, họa theo miệng mà ra.
Kinh Dịch nói: “Giữ miệng thì không xảy ra lầm lỗi, cẩn thận thì không bị tai họa”.
Thủy Kính tiên sinh Tư Mã Huy trong “Tam Quốc diễn nghĩa” sống trong thời loạn, để tránh tai họa nên không nói năng bừa bãi. Người khác hỏi thì ông chỉ nói “tốt, tốt”. Vì vậy người ta gọi ông là ông Tốt (hảo hảo tiên sinh).
Vợ ông trách ông rằng: “Người ta có việc mới đến hỏi ông, vì cho rằng ông là người có kiến thức. Ông nên nghiêm túc trả lời. Cái gì cũng nói tốt tốt thì người ta sẽ coi thường ông”.
Thủy Kính tiên sinh vội vàng nói: “Phu nhân nói rất đúng. Tốt, tốt”.
Nói đến Tào Tháo, Tào Tháo đến
Câu cổ ngữ này có ý nói rằng năng lực cảm ứng dường như ai ai cũng có. Thế nên rất nhiều việc chớ có suy nghĩ chớ có nói ra, vừa nói ra là liền xảy ra ngay.
Nếu mọi người chú ý đến những dấu hiệu trong cuộc sống thì có thể tránh được rất nhiều sự việc.
Trong Kinh Dịch có quẻ Hàm: “Hàm tức là cảm ứng”, là quẻ nói về cảm ứng vậy.
Dự cảm đều là sinh ra trong vô thức, trong tiềm ý thức, do đó trong Kinh Dịch nói: “Dịch là không suy nghĩ, là vô vi, lặng lẽ bất động, thì cảm ứng liền thông thiên hạ”.
Lửa tốt không đốt 3 điếu
Có lúc vì phép lịch sự cần phải bật lửa cho người khác châm thuốc.
Nếu trong trường hợp gặp rất nhiều người hút thuốc, thông thường dùng bật lửa bật lửa lên, châm 2 điếu thuốc rồi tắt đi. Nếu bật lửa lần thứ 2 thì châm cho điếu thuốc thứ 3 rồi tắt đi. Còn nếu dùng diêm thì sau khi châm cho điếu thuốc thứ 2 thì vứt que diêm đi, lấy que diêm thứ 2 châm cho điếu thuốc thứ 3.
Đây chính là ý nghĩa câu “lửa tốt không đốt 3 điếu”, cũng chính là sự việc không được “quá tam 3 bận”.
Trong Kinh Dịch có thuyết Tam Tài: “Bát quái là do 3 hào tổ hợp thành, tượng trưng cho Trời, Đất, Người, đây chính là Tam Tài (Thiên – Địa – Nhân)”.
Tam Tài bao gồm cả Đạo Trời, Đạo Đất và Đạo người, có thể đại biểu cho cả vũ trụ. Từ đó người xưa cho rằng Tam (ba) là giới hạn của vạn vật, là giới hạn của sự biến đổi tương hỗ giữa chất và lượng, cũng là cực điểm phát triển của sự vật. Vì vậy mới coi trọng sự việc không được “quá tam ba bận”.
3 tuổi nhìn ra trưởng thành, 7 tuổi nhìn ra tuổi già
Câu cổ ngữ này nhấn mạnh trẻ em cần giáo dục sớm. Thực ra, nó hoàn toàn có thể dùng Kinh Dịch giải thích được.
Theo vũ trụ quan Tam Tài trong Kinh Dịch, 3 (tam) tượng trưng cho sự thành thục và hoàn thành của sự vật, do đó nói 3 tuổi nhìn ra trưởng thành.
Trong Kinh Dịch có nói: “7 ngày thì lại bắt đầu trở lại, là Trời vận hành”. 7 ngày là chu kỳ vận hành của Đạo Trời. Kinh Dịch cũng nói: “Ngày mồng 7 tháng giêng là ngày con người”, tức là ngày chúc mừng ngày sinh của con người. 7 (thất) do đó tượng trưng cho thời gian 1 đời, thế nên nói 7 tuổi nhìn ra tuổi già.
Máy mắt trái tiền tài, máy mắt phải tai họa
Khi mắt mệt mỏi thường xuất hiện tình huống nhãn cầu rung động nhẹ. Đây chính là cái mà dân gian gọi là máy mắt (hay nháy mắt).
Cách nói Tứ tượng trong lý luận Kinh Dịch cho rằng: “Phía trước là Chu Tước, phía sau là Huyền Vũ, phía trái là Thanh Long, phía phải là Bạch Hổ”.
Thanh Long là Thần may mắn, ngũ hành thuộc mộc. Mộc đại biểu cho mùa xuân, sinh sôi nảy nở. Bạch Hổ là Thần hung ác, ngũ hành thuộc kim. Kim đại biểu cho mùa thu, sát phạt.
Mắt trái là Thanh Long, mắt phải là Bạch Hổ, do đó người xưa nói “Máy mắt trái tiền tài, máy mắt phải tai họa”.
Nhà chái (còn ngọi nhà ngang – là nhà phụ, nhỏ bên cạnh nhà chính) tây không chái đông thì nhà không có cụ ông. Nhà chái đông không chái tây thì nhà không có vợ già
Học thuyết phong thủy có ảnh hưởng rất lớn trong dân gian được xây dựng trên cơ sở lý luận Kinh Dịch.
Ngôi nhà truyền thống quay hướng nam, nhà ở phía bắc, phía nam là cổng chính, có hai nhà chái hai phía đông – tây, ý nghĩa là bốn mùa bình an yên ổn, âm dương cân bằng.
Nhà chái đông, phía đông là chủ, là dương, cũng chính là “phía trái Thanh Long”, đại diện cho người đàn ông trong nhà.
Nhà chái tây, phía tây là thứ, là âm, cũng chính là “phía tây Bạch Hổ”, đại diện cho phụ nữ trong nhà.
Chỉ có nhà chái tây thì âm thịnh dương suy, không có lợi cho đàn ông trong nhà. Thế nên nói rằng “Nhà chái tây không chái đông thì trong nhà không có cụ ông”.
Chỉ có nhà chái đông không có chái tây thì dương thịnh âm suy, không có lợi cho phụ nữ trong nhà. Thế nên nói rằng “Nhà chái đông không chái tây thì trong nhà không có vợ già”.
Thà để Thanh Long cao vạn trượng, chớ để Bạch Hổ ngẩng đầu trông
Nhà ở phía bắc quay mặt hướng nam, bên trái – phía đông là Thanh Long, là vị trí cát tường. Bên phải – phía tây là Bạch Hổ, là nguồn hung sát.
Thanh Long hoạt bát hiếu động, không sợ cao, do đó về kiến trúc hoặc địa thế thì nên cao, kỵ thấp. Trong sân có giả sơn thì tốt nhất đặt ở phía đông.
Bạch Hổ hung mãnh thích đấu, nên thấp, không nên cao, nên tĩnh, không nên động. Nếu bị kiến trúc cao chót vót chiếm vị trí thì phá tài, và bất hòa.
Theo Ngô Vĩnh Kiện – Soundofhope.org
Nam Phương biên dịch