Đại Kỷ Nguyên

Bảy người phụ nữ ảnh hưởng đến vận mệnh Trung Quốc

Ảnh: Bí ẩn chưa được giải đáp - ET

Siêu chuẩn xác, “Thôi Bối Đồ” nói trúng về cả hai người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Trung Quốc là Võ Tắc Thiên và Dương Quý Phi, nhưng hai vị còn lại có xuất hiện không?

Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Hôm nay chúng ta sẽ điểm qua về bảy người phụ nữ có ảnh hưởng đến vận mệnh Trung Quốc trong sách dự ngôn nổi tiếng “Thôi Bối Đồ”. Năm trong số vị đó đã được tìm thấy, nhưng hai người còn lại vẫn là bí ẩn chưa được giải đáp.

“Thôi Bối Đồ” được gọi là cuốn sách hàng đầu trong bảy cuốn sách dự ngôn lớn của Trung Quốc, người ta nói rằng nó được viết bởi Lý Thuần Phong và Viên Thiên Cương, tương truyền họ là hai vị quốc sư của Đường Thái Tông. Lý Thuần Phong phi thường am hiểu về thiên tượng, trong khi Viên Thiên Cương nổi danh với khả năng xem tướng chính xác đến kỳ lạ.

Trong sách có tổng cộng 60 bài thơ dự ngôn, có sấm ngữ, có tụng văn, đối ứng với 60 quái tượng, còn kèm theo hình ảnh minh họa, dự ngôn hơn một nghìn năm lịch sử từ thời nhà Đường cho đến nay. Nhiều quái tượng trong số đó đã được các cao nhân trong lịch sử giải đọc ra. Mọi người phát hiện, những dự ngôn trong “Thôi Bối Đồ” không chỉ có tỷ lệ chuẩn xác phi thường cao, mà các chi tiết cũng chính xác đến mức đáng sợ, ở nhiều chỗ thậm chí ngay cả cái tên cũng nói thẳng ra.

Vậy bảy kỳ nữ trong “Thôi Bối Đồ” là những vị nào?

Vị đầu tiên: Võ Tắc Thiên

Trên thực tế, trước khi viết “Thôi Bối Đồ”, Viên và Lý đã thấy trước sự tình Võ Tắc Thiên sẽ xưng đế.

Theo “Tân Đường thư”, khi Võ Tắc Thiên vẫn còn là một nhi nữ, Viên Thiên Cương đã đến thăm gia đình bà. Võ Tắc Thiên lúc đó vẫn còn nhỏ, được bế ra ngoài, trên thân mặc quần áo con trai. Viên Thiên Cương nhìn thấy cô bé, hai mắt sáng lên, bảo đứa trẻ bước đi vài bước xem xem. Đứa trẻ vừa đi, vị thầy tướng liền nói, con của nhà này mắt rồng cổ phượng, là một người cực phú quý. Nếu là nữ nhân, sẽ trở thành thiên tử.

Không biết nhà họ Võ có tin lời dự ngôn này hay không, năm nàng 14 tuổi, Võ Tắc Thiên liền bị tống tiến vào cung. Không lâu sau đó, trong cung bắt đầu lưu truyền một dự ngôn thần bí, nói rằng trong tương lai sẽ xuất ra một nữ hoàng đế họ Võ. Hoàng đế Đường Thái Tông sau khi nghe điều này không thể ngồi yên, ông đã tìm đến thái sử lệnh Lý Thuần Phong và hỏi, hãy tính cho ta, xem rốt cuộc là chuyện gì.

Lý Thuần Phong bấm ngón tay, nói thật sự có người như vậy, hiện tại đã ở trong cung. Bốn mươi năm nữa người này sẽ xưng đế, đến lúc đó con cháu của bệ hạ e là sẽ bị tàn sát. Đường Thái Tông kinh tâm, nói, nghiêm trọng đến như vậy ư, người kia ở đâu, chúng ta nhanh chóng giết chết hắn. Lý Xuân Phong xua tay nói: Đây là thiên mệnh, thiên mệnh bất khả vi. Ngay cả khi hắn tàn sát giết chóc, khi hắn trở nên lớn tuổi, tâm sẽ nhân từ hơn một chút, hắn nói không chừng có thể lưu tình, lưu lại cho bệ hạ một người nối dõi. Nếu bây giờ bệ hạ giết hắn, hắn nhất định sẽ chuyển sinh trở lại, khi đó hắn trẻ người, trong tâm đầy oán khí, sẽ giết sạch con cháu của bệ hạ. Đường Thái Tông rốt cuộc là một minh quân, đã nghe theo lời khuyến cáo, chấm dứt sự việc ở đây mà không điều tra thêm, thực sự là vô cùng trí huệ.

Tuy nhiên, điều gì phải đến vẫn sẽ đến. Hai vị đại sư còn dự ngôn chính xác nhiều sự kiện lớn trước và sau khi Võ Tắc Thiên xưng đế trong “Thôi Bối Đồ”. Đây là hình ảnh thứ ba của “Thôi Bối Đồ”.

Điều kỳ diệu nhất trong số đó là cái tên “Võ Chiếu 武曌” mới mà Võ Tắc Thiên đặt cho mình sau khi đăng cơ. Chữ Chiếu “曌” này do chính bản thân bà tạo ra, nó chưa từng tồn tại trước đây. Tuy nhiên, hai vị đại sư Viên và Lý đã sớm bói ra chữ đó. Bài thơ viết:

Sấm viết:
日月當空 照臨下土 Nhật nguyệt đương không chiếu lâm hạ thổ
撲朔迷離 不文亦武 Phác sóc mê ly bất văn diệc vũ

Tụng viết:
參遍空王色相空 Tham biến không vương sắc tương không
一朝重入帝王宮 Nhất triều trọng nhập đế vương cung
遺枝撥盡根猶在 Di chi bát tận căn do tại
喔喔晨雞孰是雄 Oác oác thần kê thục thị hùng

Chẳng phải “Nhật nguyệt đương không 日月當空” chính là chỉ chữ Chiếu “曌”, còn “Bất văn diệc Võ 不文亦武” là chỉ ra chữ Võ “武”, ghép lại thành Võ Chiếu “武曌”. Bài tụng lại nói đến “Oác oác thần kê thục thị hùng”, không còn nghi ngờ gì nữa, vị chủ nhân của dự ngôn là con gà mái gáy thay gà trống buổi sáng, ẩn dụ cho việc phụ nữ nắm quyền.

Chúng ta hãy xem câu “Tham biến không vương sắc tương không, Nhất triều trọng nhập đế vương cung”, câu này chẳng phải đối ứng với lịch sử Võ Tắc Thiên đầu tiên xuất gia, rồi sau lại được hoàng đế Đường Cao Tông đưa về cung sao? Và câu “Di chi bát tận căn do tại” thực sự hỗ ứng với phân tích của Lý Thuần Phong, mặc dù Võ Tắc Thiên đã giết rất nhiều con cháu của Lý Đường, nhưng bà vẫn lưu chút tình, không diệt tận giết tuyệt, sau này đã trả lại thiên hạ đại Đường cho cháu trai của bà là Lý Long Cơ, cũng chính là Đường Huyền Tông.

Vị thứ hai: Dương Quý Phi

Vậy người phụ nữ thứ hai là ai? Đó là tình yêu cả đời của Đường Huyền Tông, Dương Quý Phi. Khi đó, hai người chạy đến Thành Đô, Tứ Xuyên để tránh loạn An Sử, khi họ đi qua Mã Ngôi Pha, binh sĩ không chịu đi mà nhất quyết muốn giết Dương Quý Phi. Dương Quý Phi không muốn làm khó Huyền Tông nên đã tự vẫn. Hình ảnh thứ năm trong “Thôi Bối Đồ” đã dự ngôn chính xác sự kiện này.

Sấm viết:
楊花飛 蜀道難   Dương hoa phi Thục đạo nan
截斷竹簫方見日 Tiệt đoạn trúc tiêu phương kiến nhật
更無一吏乃平安 Canh vô nhất lại nãi bình an

Tụng viết:
漁陽鼙鼓過潼關 Ngư dương bề cổ quá Đồng Quan
此日君王幸劍山 Thử nhật quân vương hạnh kiếm san
木易若逢山下鬼 Mộc dịch nhược phùng san hạ quỷ
定於此處葬金環 Định ư thử xứ táng kim hoàn

“Dương hoa phi Thục đạo nan” (Dương hoa phi, đường đến Thục gian nan) chỉ có sáu chữ, nhưng họ của Dương Quý Phi và đường đi của bà đều được chỉ ra. “Tiệt đoạn trúc tiêu phương kiến nhật” chỉ Đường Túc Tông, người cuối cùng đã bình định cuộc nổi loạn An Sử. Chữ Tiêu “箫” bị cắt bỏ chữ trúc “竹” ở đầu, thì thành chữ Túc “肅”. Mà trong câu “Canh vô nhất lại nãi bình an”, chữ vô nhất lại “無一吏” chính là chữ sử “史”, hai chữ An và Sử trong loạn An Sử đều được chỉ ra.

Không chỉ vậy, câu “Ngư dương bề cổ quá đồng quan” còn minh xác chỉ ra nơi bộc phát loạn An Thạch: Ngư Dương. Trong hai câu cuối cùng của bài thơ, “Mộc dịch nhược phùng san hạ quỷ, Định ư thử xứ táng kim hoàn” “Mộc dịch 木易” hợp lại thì chính là chữ “Dương 楊”, “Sơn hạ quỷ 山下鬼” rất minh bạch chỉ ra chữ “Ngôi 嵬” của Mã Ngôi Pha. “Định ư thử xứ táng kim Hoàn” thì không cần nói, Dương Ngọc Hoàn (chính là Dương Quý Phi) an táng tại nơi đây, xem ra vận mệnh là không thể trốn thoát.

Nghìn năm sau nhìn lại, chỉ một quái tượng mà có thể tính được nhiều nội dung như vậy, thật là thần kỳ phải không?

Vị thứ ba: Từ Hi thái hậu

Người tiếp theo thì mọi người chắc hẳn đều quen thuộc, chính là Từ Hi thái hậu. Đây là hình ảnh thứ ba mươi sáu của “Thôi Bối Đồ”.

Sấm viết:
纖纖女子 赤手禦敵  Tiêm tiêm nữ tử xích thủ ngự địch
不分禍福 燈光蔽日  Bất phân họa phúc đăng quang tế nhật

Tụng viết:
雙拳旋轉乾坤  Song quyền toàn chuyển càn khôn
海內無端不靖  Hải nội vô đoan bất tĩnh
母子不分先後  Mẫu tử bất phân tiên hậu
西望長安入覲  Tây vọng Trường An nhập cận

Liên quan đến hình ảnh này, cao thủ các nơi đã phân tích như thế này: Điều nhắc đến có lẽ là loạn Canh Tý năm 1900. Đương thời, Nghĩa Hòa Đoàn phát khởi bạo loạn bài ngoại, tùy tiện đập phá giáo đường Cơ Đốc giáo, sát hại các tín đồ Cơ Đốc giáo. Đại sứ các nước không cam lòng, bèn đề xuất kháng nghị với triều đình đại Thanh. Tuy nhiên, Nghĩa Hòa Đoàn đã hét lên một khẩu hiệu mê hoặc người ta, gọi là “Ủng hộ nhà Thanh tiêu diệt ngoại bang”. Thái hậu Từ Hi không biết tin nghe sàm ngôn của ai, nhưng bà đã chọn tin lời họ và tuyên chiến với 11 quốc gia. Dòng đầu tiên của bài thơ là “Tiêm tiêm nữ tử xích thủ ngự địch” chính là thể hiện quyết định của bà suýt chút nữa đã táng tống giang sơn của mình. Từ Hi đã coi Nghĩa Hòa Đoàn là ngôi sao may mắn, đây chính là đối ứng câu dưới “bất phân họa phúc” (không biết phân biệt họa phúc). Các tổ chức nữ của Nghĩa Hòa Đoàn đều lấy chữ chiếu “照” làm danh xưng, ví như Hồng Đăng Chiếu, Thanh Đăng Chiếu. Vậy thì chữ “đăng quang 燈光” trong “đăng quang tế nhật 燈光蔽日” chỉ chính là chữ “chiếu 照”, cũng chính là Nghĩa Hòa Đoàn. “Đăng quang” (ánh đèn) nếu muốn che Mặt trời, thì chính là không tự biết lượng sức mình. 

Vì vậy, kết quả của cuộc chiến có thể được tưởng tượng. Liên quan tám nước tiến vào Bắc Kinh, thái hậu Từ Hi chạy trốn đến Tây An cùng với hoàng đế trẻ tuổi Quang Tự. Đây là “Mẫu tử bất phân tiên hậu, Tây vọng Trường An nhập cận”. Trường An chính là danh xưng của Tây An cổ. Sau đó có khoản bồi thường Canh Tý.

Trên đây là ba người phụ nữ mà mọi người đều quen thuộc, tiếp theo là hai vị mà bạn chưa quen lắm. Tuy nhiên, hai vị này đều có ảnh hưởng thâm viễn đến lịch sử Trung Quốc.

Vị thứ tư: Thái hậu Lưu triều Tống

Lưu thái hậu là người đã buông rèm nhiếp chính khi Tống Nhân Tông còn nhỏ, bà cũng là nguyên mẫu của vị thái hậu trong câu chuyện dân gian “Cầy hương đổi thái tử”. Bất quá, trong hiện thực, bà đối đãi rất tốt với Lý thái hậu, mẹ ruột của Nhân Tông. Nhân Tông đối với bà đều là quan hệ trên từ bi, dưới hiếu kính. Lưu thái hậu phi thường có tài cán, trong suốt thời gian 11 năm nhiếp chính, bà quản lý triều đình rất có trật tự. Sau này, khi thời gian nhiếp chính kéo dài, các triều thần lo lắng, có người đã thử nói với thái hậu rằng tại sao bà không học Võ hậu tiền triều tự mình làm hoàng đế? Lưu thái hậu đại nộ, nói ta tuyệt đối không làm những chuyện xúc phạm tổ tiên như vậy. Hậu thế đánh giá bà là một vị thái hậu tốt, có tài hoa của Võ Tắc Thiên, nhưng không có trái tim sát nhân của Võ Tắc Thiên. Và bà đối ứng với hình ảnh thứ mười tám trong “Thôi Bối Đồ”.

Sấm viết:
天下之母 金刀伏兔  Thiên hạ chi mẫu kim đao phục thố
三八之年 治安鞏固  Tam bát chi niên trị an củng cố

Tụng viết:
水旱頻仍不是災  Thủy hạn tần nhưng bất thị tai
力扶幼主坐靈台  Lực phù ấu chủ tọa linh thai
朝中又見釵光照  Triều trung hựu kiến sai quang chiếu
宇內承平氣象開  Vũ nội thừa bình khí tượng khai

“Thiên hạ chi mẫu” đương nhiên là thái hậu rồi. Bốn ký tự “Kim đao phục thố 金刀伏兔” là một cách đố chữ, thố (thỏ) là mão “卯”. Sự kết hợp giữa “kim đao 金刀” và chữ “mão 卯” tạo thành chữ “Lưu 劉” chính thể. Người phụ nữ trong ảnh có một con chó nằm dưới chân, đối ứng chính là danh tướng Địch Thanh bên cạnh Lưu thái hậu. Chẳng phải trong chữ “Địch 狄” có bộ khuyển 犬 (là con chó) trong đó sao?

“Lực phù ấu chủ tọa linh thai, Triều trung hựu kiến sai quang chiếu”, từ bề mặt chữ có thể nhìn ra là vị hoàng đế còn trẻ, và một người phụ nữ đang buông rèm nhiếp chính. “Vũ nội thừa bình khí tượng khai”, đây chính là nói thành tích chính trị của thái hậu Lưu rất tốt, bách tính an cư lạc nghiệp, điều này phi thường phù hợp với lịch sử chân thực.

Vị thứ năm: Nhũ mẫu Khách thị dẫn nhà Minh đến vong quốc

Vị được giới thiệu dưới đây không được ưa chuộng cho lắm. Bà ấy là Khách thị, nhũ mẫu của Gia Tông triều Minh.

Hoàng đế Minh Gia Tông thập phần sủng ái nhũ mẫu này, yêu nhà yêu cả quạ đen, ông cũng rất nghe lời thái giám Ngụy Trung Hiền. Ngụy Trung Hiền là một đại gian thần nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Khi đó, Khách thị đang làm loạn trong cung, Ngụy Trung Hiền dẫn nhóm thái giám của mình làm loạn trên triều đình, một trong một ngoài, khiến triều đình nhà Minh trời điên đất đảo. Mặc dù hoàng đế Sùng Trinh sau này lên ngôi đã ngay lập tức xử lý hai ác nhân của tiền triều, nhưng đã quá muộn, nhà đại Minh đã đi đến những hơi thở cuối cùng, hướng đến vong quốc. Do đó, hậu thế đều tin rằng nhà Minh đã chết trong tay hai kẻ ác này.

Vậy điều gì được dự ngôn ở “Thôi Bối Đồ”? Hình ảnh thứ ba mươi mốt của “Thôi Bối Đồ”.

Sấm viết:
當塗餘孽 穢亂宮闈 Đương đồ dư nghiệt uế loạn cung vi
一男一女 斯送人國 Nhất nam nhất nữ tư tống nhân quốc

Tụng viết:
忠臣賢士盡沉淪  Trung thần hiền sĩ tận trầm luân
天啟其衷亂更紛  Thiên khải kì trung loạn canh phân
縱有胸懷能坦白  Túng hữu hung hoài năng thản bạch
乾坤不屬舊明君  Càn khôn bất chúc cựu minh quân

Lời sấm trực tiếp chỉ ra, có “một nam một nữ 一男一女”, sẽ “uế loạn cung vi 穢亂宮闈”, “tư tống nhân quốc 斯送人國” chính là đã táng tống quốc gia. Triều đại nào đây? Câu “Thiên Khải kì trung loạn canh phân” trực tiếp chỉ ra là vào những năm Thiên Khải. Thiên Khải chính là niên hiệu của Minh Gia Tông. Mà câu trước đó “Trung thần hiền sĩ tận trầm luân”, chữ Trung 忠 và chữ Hiền 賢 đều được đưa vào, chẳng phải cái tên Ngụy Trung Hiền đã lộ ra sao? Dự ngôn này quả thực là rất trực quan.   

Cuối cùng là hai vị trí chưa có lời giải. Các bạn quan tâm có thể tham gia giải đố.

Vị thứ sáu: Tì bà tiên đến từ phương Tây

Hình ảnh thứ bốn mươi hai:
Sấm viết:
美人自西來 朝中日漸安  Mĩ nhân tự tây lai Triều Trung nhật tiệm an
長弓在地 危而不危         Trường cung tại địa nguy nhi bất nguy

Tụng viết:
西方女子琵琶仙  Tây phương nữ tử Tì bà tiên
皎皎衣裳色更鮮  Kiểu kiểu y thường sắc canh tiên
此時渾跡居朝市  Thử thì hồn tích cư triều thị
鬧亂君臣百萬般  Náo loạn quân thần bách vạn bàn

Mỹ nhân này có thể là ai? Sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc hơn 40 năm trước, một số người giải thích, rằng phải chăng là Giang Thanh? Bạn thấy đấy, Giang Thanh xuất thân là một diễn viên, bà ta luôn biết tạo vẻ ngoài rực rỡ khi bước ra, điều đó chẳng phải là ứng với “Kiểu kiểu y thường sắc canh tiên” sao? Khi đó Giang Thanh đã lãnh đạo Tứ nhân bang kiểm soát triều chính, hạ bệ nhiều lão đại thần, đó chẳng phải là câu “vận tích triều thị, náo loạn quân thần” sao? Bà ta từ Diên An đến Bắc Kinh, chẳng phải chính là “mỹ nhân tự Tây lai” sao? Sau khi đến Bắc Kinh, Trung Quốc liền kết thúc chiến loạn, chẳng phải chính là “Triều trung nhật tiệm an” sao?

Có người còn cho rằng, trong “tì bà tiên 琵琶仙” có bốn chữ vương “王” , “Trường cung 長弓” trong “Trường cung tại địa 長弓在地” chính là chữ Trương 張, trong hình ảnh kèm theo dưới chân người phụ nữ có một con thỏ, thỏ có thể nhảy 跳, kết hợp với chữ nữ 女, chẳng phải là chữ “Diêu 姚” sao? Kết hợp lại với nhau, chẳng phải đối ứng với ba vị còn lại trong nhóm Tứ nhân bang, gồm Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều và Diêu Văn Nguyên sao?

Tuy nhiên, có người phản bác, rằng tên người trong“Thôi Bối Đồ” rất bộc trực, có thể nào “mỹ nhân” này là người Mỹ? Có thể nào đang nói về việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ? “Trương cung tại địa”, mọi người buông cung tên xuống, ngừng đánh nhau? Sau khi Pelosi đến thăm Đài Loan vào mùa hè năm ngoái, có người đã nói rằng người đẹp phương Tây này có lẽ nào là bà Pelosi (tiếng Trung đọc là Bội Lạc Tây)? Bạn không thấy có chữ Tây “西” trong tên bà ấy sao?

Nói chung có nhiều cách giải thích khác nhau nhưng đến nay vẫn đang trong giai đoạn tranh luận và chưa có câu trả lời chuẩn mực.

Vị thứ bảy: Hoàng hậu đức hạnh đằng sau minh quân

Vậy người còn lại là ai? Bà là nữ hoàng đức hạnh trong hình ảnh thứ 51 của “Thôi Bối Đồ”.

Sấm viết:
陰陽和 化以正。  Âm dương hòa hóa dĩ chánh
坤順而感 後見堯舜。Khôn thuận nhi cảm hậu kiến Nghiêu Thuấn

Tụng viết:
誰云女子尚剛強  Thùy vân nữ tử thượng cương cường
坤德居然感四方  Khôn đức cư nhiên cảm tứ phương
重見中天新氣象  Trọng kiến trung thiên tân khí tượng
卜年一六壽而康  Bốc niên nhất lục thọ nhi khang

Từ câu thơ mà nhìn, đây hẳn là một vị hoàng hậu đức hạnh đồng hành cùng một minh quân, cả hai cùng nhau khai sáng một thời đại tươi đẹp tương tự như thời Tam Hoàng Ngũ Đế, “Hậu kiến Nghiêu Thuấn” mà, không phải sao? Thời gian đối ứng rất có khả năng là niên đại hiện tại. Bạn thấy đấy, trong xã hội ngày nay, vận động nữ quyền chưa bao giờ lại náo nhiệt đến thế, phụ nữ càng ngày càng có năng lực, thể lực được coi là sắc đẹp. Đây chẳng phải là thời đại mà “phụ nữ hướng đến mạnh mẽ” sao? Tuy nhiên, trong trào lưu lịch sử đó, có một người phụ nữ đi ngược dòng trào lưu, đi theo con đường truyền thống, lấy nhu thuận đức hành để cảm hóa thế nhân, chỉ bằng sức lực của một người mà khiến bầu không khí xã hội được thuần chính lại – “Trọng kiến trung thiên tân khí tượng”, rất đáng kính phục, có thể nói bà là người phụ nữ thần kỳ nhất trong toàn bộ “Thôi Bối Đồ”. Nhưng bà đang ở đâu? Bao giờ bà mới xuất hiện?

Chúng tôi không biết. Nhưng lịch sử sẽ luôn cho chúng ta những đáp án bất ngờ. Có lẽ ngày mai, bà ấy sẽ xuất hiện trước mắt chúng ta, và một thời đại mới sẽ bắt đầu. Còn bạn, bạn có cách giải đọc nào khác?

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version