Đại Kỷ Nguyên

Bí ẩn Kinh Dịch (P.11): Khảm Vi Thuỷ nhắn nhủ con người giữ tâm như Tịnh Thuỷ

Bí ẩn Kinh Dịch (P.11): Khảm Vi Thuỷ nhắn nhủ con người giữ tâm như Tịnh Thuỷ

Ảnh ghép minh họa: Đại Kỷ Nguyên.

Kinh Dịch là một tác phẩm phi thường mà Thần để lại cho con người, là lời dạy của Thần giúp nhân loại có thể đạt đến hạnh phúc đích thực. Trong quẻ Thuần Khảm này, người hữu duyên có tâm tìm hiểu sẽ thấu tỏ thêm nhiều bài học lợi lạc cho bản thân cũng như cho nhiều người khác.

3- Nước là sinh mệnh, cũng là chính bản thân mỗi người

Khoa học hiện đại đã mang đến cho con người rất nhiều thứ hoành tráng như tên lửa, máy bay, nhưng những vấn đề nó gây ra cho nhân loại còn lớn hơn thế. Dù khoa học hiện đại có phát triển đến đâu, nó vẫn không thể giải quyết những bài toán căn bản nhất của nhân loại. Một trong số đó là tái tạo nguồn nước sạch và chặn đứng sa mạc hóa.

Khoa học hiện đại có khuynh hướng đem mọi thứ tách ra để nghiên cứu. Khi có bất kỳ vấn đề nào xảy ra, nó sẽ đi phân tích, sau đó đề xuất giải pháp ngay trên bản thân vấn đề đó. Tuy nhiên, trí huệ cổ đại phương Đông thì coi vạn vật là nhất thể, nên chúng ta không thể đơn giản chỉ trồng cây là có thể ngăn sa mạc hóa, hay chỉ lọc nước là có thể tái tạo sự trong sạch cho nước.

Nước không phải chỉ tồn tại bên ngoài, nguồn nước to lớn nhất là ở trong cơ thể mỗi sinh vật sống. Nếu nước đó bị dơ bẩn thì sẽ ảnh hưởng tất cả nguồn nước khác. Ngoài ra, nước tự nhiên còn sản sinh và dung chứa vô số vi sinh vật góp phần vào cân bằng sinh thái. Nước lọc do con người tạo ra không còn là nước chân chính, là một loại nước khiếm khuyết sự sống trong nó.

Bản chất của nước không đơn thuần là một chất lỏng gồm Hydro và Oxygen như hóa học vẫn định nghĩa. Nước là một sinh mệnh, một sinh mệnh chứa trong nó vô số sinh mệnh và cũng đem lại sinh mệnh cho vô số sinh mệnh khác. Hiểu được điều này thì mới có thể bắt đầu giải quyết những nan đề kia của nhân loại. Không cần đến hàng nghìn tỷ đô la, hàng tấn máy móc hiện đại và nhiều chục năm công sức. Không cần đến khoa học hiện đại để giải quyết vấn đề về nước.

Quyển sách “Thông điệp của nước” của tiến sĩ Masaru Emoto là một công trình khoa học rất giá trị và đúng đắn hiếm có về nước. Bằng những thực nghiệm khoa học, tiến sĩ Emoto đã chỉ ra nước có sự sống và phản ánh tất cả mọi sinh mệnh trong nó, kể cả nhân loại chúng ta.

Chúng ta làm bẩn nước không chỉ đơn giản là qua việc rửa tay hay tắm, mà chính lối sống và tư duy không tốt đang hàng ngày tác động đến “nguồn nước” trong mỗi người.

Khi “nguồn nước” bên trong một người bị ô nhiễm, người đó sẽ sống đời bất hạnh với bệnh tật và khổ não. Khi “nguồn nước” bên trong nhân loại bị ô nhiễm hết, đó là lúc tai họa xảy ra không thể cứu vãn. Ngược lại, mỗi một người với tư duy lành mạnh, biết ơn, sống đời sống đạo đức, thuận theo đạo Trời, tôn trọng thiên nhiên là đã bắt tay vào làm trong sạch nguồn nước toàn thế giới rồi.

Vậy nên, muốn làm trong sạch thế giới này, mỗi người hãy tôn trọng thiên nhiên và nâng cao đạo đức bản thân. Đâu cần đến khoa học kỹ thuật hiện đại và hàng núi tiền phải không?

Ảnh chụp tinh thể nước trong thí nghiệm của tiến sĩ Emoto (nguồn: Hado).

4- Thuần Khảm là biểu trưng của lục đạo luân hồi: chỉ có người thân tâm trong sạch như Tịnh Thủy mới có kết quả tốt đẹp

Con người do Trời Đất hóa hợp mà sinh ra, lại có được cái trí huệ có thể giao cảm cùng vũ trụ, nên mới nói là “anh linh trong vạn vật”. Ta có thể thấy rằng:

Nhưng nếu chỉ có Trời và Đất thì con người không thể tồn tại trên thế gian, nên mới sinh ra Nước làm cầu nối. Nước không chỉ để con người tồn tại sinh sôi mà còn giúp con người cảm nhận được ơn trên mà sống sao cho sinh mệnh thăng hoa. Vì thế, các tôn giáo cũng như văn hóa truyền thống đều bảo trì quan niệm về các cảnh giới khác nhau của sinh mệnh, về luân hồi chuyển sinh. Bản thân luân hồi cũng có thể coi là một dòng sông vĩ đại trong vũ trụ.

Quẻ Thuần Khảm gồm sáu hào tượng trưng cho nước, cũng là sáu cõi giới trong luân hồi. Trong Thuần Khảm chỉ có hai hào dương duy nhất, mang đặc tính Trung Chính là hào số 2 và số 5, tượng trưng cho cõi Người (số 2) và cõi Trời (số 5).

Lục đạo luân hồi chứa đựng vô tận sinh mệnh, là một dòng sông chứa đựng nguồn nước vi quan hơn ngoài sự hiểu biết của con người. Mỗi một kiếp, một lần chết chỉ là cởi một tấm áo để khoác một chiếc áo mới của sinh mệnh vô tận mà thôi. Vậy nên, những quan niệm như phú quý một đời, oanh liệt thiên thu hay bi hoan ly hợp cũng đều là mộng hão. Chỉ có sự thăng hoa hay thoái hóa của sinh mệnh qua mỗi kiếp mới là chân thực.

Nếu luân hồi là dòng sông, thì từ đáy sông đến bề mặt sẽ có nhiều mức độ trong sạch khác nhau, cũng là tương ứng với nghiệp lực khác nhau của vô số chúng sinh trôi lăn trong đó. Sự thanh khiết hay dơ bẩn của sinh mệnh là do nghiệp lực quyết định, cũng là tình trạng của “nước” bên trong mỗi linh hồn, kết quả của hành xử trong cả một đời.

Phật giáo giảng luân hồi có sáu cõi giới từ thấp đến cao. Những người tu luyện đắc Đạo thì trong thân không còn chứa “nước” nữa, hay nói đúng hơn là không còn vật chất trần gian nữa. Thủy nơi thân họ đã thăng hoa ra ngoài ngũ hành, bản thể họ diễn hóa thành tượng quẻ Càn Vi Thiên, không còn là Khảm Vi Thủy, họ đã đồng hóa với lý của vũ trụ. Họ đã bước ra khỏi dòng sông luân hồi, vĩnh sinh bất diệt, tồn tại cùng Trời Đất. Người có tu hành, đạo đức tốt nhưng chưa đắc Chính Quả thì sẽ trôi theo dòng luân hồi trong sạch nhất mà đến những cõi giới cao như cõi Trời, hay ít nhất cũng làm người trở lại. Còn những người đạo đức xấu thì sẽ bị chìm sâu xuống đến cõi ngạ quỷ, súc sinh hay Atula.

Lối sống một đời tích đức hay tạo nghiệp sẽ dẫn đến khoảnh khắc cuối cùng của sinh mệnh biểu hiện ra tốt hay xấu. Vì thời khắc giao thoa giữa sống và chết (cận tử) là khoảnh khắc chuyển hóa của sinh mệnh, thăng hoa hay trầm luân sẽ thể hiện ngay lúc đó.

Tuy nhiên, chủ nghĩa vô Thần khiến rất nhiều người hôm nay cho rằng không có kiếp sau, tận tình hủy hoại bản thân và cả môi trường thiên nhiên ngay trong kiếp này. Xã hội hiện đại làm người ta ham mê vật chất, chìm đắm trong các thú vui hưởng thụ thể xác mà quên đi phần linh hồn hay đời sống tinh thần – điều quan trọng nhất cho mỗi sinh mệnh.

Sự thực là chúng ta đến thế gian với hai bàn tay trắng thì ra đi cũng đồng dạng như thế. Mấy chục năm đời người dẫu vinh hoa phú quý cỡ nào, hưởng thụ vui vẻ ra sao, mỗi sinh mệnh khi chết đều có nhu cầu quay trở về cảnh giới thanh khiết hơn. Nhưng bất kể bạn là ai, có bao nhiêu tiền, an táng hoành tráng thế nào, mời cao tăng tụng kinh ra sao cũng không thể làm cho bạn kiếp sau tốt hơn hay được lên Thiên Quốc.

Dù lựa chọn hỏa táng (thiêu), an táng (chôn cất), thiên táng hay thủy táng… thì xác thịt này của chúng ta cũng đều phải tan rã theo thời gian, còn linh hồn thì trôi lăn theo nghiệp báo luân hồi. Nếu trong quá trình sống, một người làm quá nhiều điều xấu thì phần tinh túy nhất – linh hồn – đã trở nên ô trọc, nhúng trong dòng nước bẩn đen thui, dĩ nhiên sẽ không thể hồi Thiên được nữa.

Đường về Thiên Quốc chỉ dành cho những người tốt có linh hồn lương thiện và thân xác trong sạch. Chỉ khi đạt đến tiêu chuẩn đó, lúc bạn mất, linh hồn của bạn mới hòa nhập được vào thể vi tế nhất của Trời Đất để được quay về trên Thiên Quốc.

Thay vì tham đắm hưởng thụ vật chất, áp dụng lối sống đạo đức truyền thống có thể cải biến thân tâm con người trở nên an hòa tĩnh tại, ít dục vọng, nhờ đó có thể hòa hợp với Trời Đất mà thăng hoa sinh mệnh chính mình. Lối sống đó sẽ tạo ra những tâm hồn thuần khiết như dòng nước nguyên thủy. Nó sẽ giúp chúng ta cảm nhận được sự đồng điệu của bản thân và thiên nhiên vạn vật xung quanh. Chúng ta sẽ thấy bản thân như hòa tan vào dòng chảy nhựa sống tràn đầy khắp Trời Đất, quý trọng từng sinh mệnh cây cỏ và sinh vật. Trí huệ của nhân loại sẽ không còn giới hạn trong cái khung vật chất của nền khoa học hiện đại khiếm khuyết kia nữa.

Sẽ không còn chém giết, hủy diệt mà chỉ có ươm thêm mầm xanh. Không còn ganh ghét mà là yêu thương. Không còn sở hữu mà là cho đi. Chỉ có như thế thì toàn nhân loại mới có thể hưởng phúc lành của dòng nước, của Khảm Vi Thủy – giờ đây không còn là Khảm “Hiểm” mà là đem lại hạnh phúc lớn lao, đúng như trong Thoán Truyện của quẻ có giảng:

Tập Khảm: Hữu phu, duy tâm hanh, hành hữu thượng.

Giảng: Nguy hiểm không gì bằng nước sâu, không cẩn thận thì sụp xuống, chết đuối, nên bảo nước là hiểm.

Xét theo ý nghĩa thì hào dương ở giữa, dương là thực, thành tín, vì vậy bảo là Khảm có đức tin, chí thành (hữu phu) ở trong lòng, nhờ vậy mà hanh thông. Gặp thời hiểm, có lòng chí thành thì không bị tai nạn, hành động thì được trọng mà còn có công nữa.

Nước chảy hoài mà không bao giờ ứ lại (lưu nhi bất doanh) chỗ hiểm trở nào cũng tới, cho nên bảo là có đức tin.

Lòng được hanh thông vì hai hào giữa (hào 2 và 5), đã cương mà đắc trung.

Trời có tượng hiểm (vì không lên trời được); đất có tượng hiểm, tức núi sông. Các bậc vương công theo tượng trời và đất mà đặt ra những cái hiểm (tức đào hào, xây thành, đặt ra hình pháp) để giữ đất đai và sự trật tự trong xã hội. Cái công dụng của hiểm nếu hợp thời thì cực lớn.

Đại tượng truyện khuyên nên theo cái đức chảy hoài không ngừng của nước mà giữ bền đức hạnh mà tu tĩnh không ngày nào quên”.

(Trích “Kinh Dịch – Đạo của người quân tử”, Nguyễn Hiến Lê)

(còn tiếp…)

Video: Tâm tồn giữ thiện niệm, quỷ dữ hoá thành bồ tát

Exit mobile version