Đại Kỷ Nguyên

Lão hoà thượng ép đệ tử mau chóng hoàn tục, hiểu ra lý do mọi người đều cảm phục

Vào những năm 40 của thế kỷ trước, có một vị hòa thượng tu luyện trong động Dương Tam ở huyện Thanh Long, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Vị hòa thượng có rất nhiều lời tiên đoán mà cho đến nay, người dân địa phương vẫn còn lưu truyền lại. Dưới đây là hai câu chuyện trong số đó.

1. “Ăn không được”

Vị hòa thượng có một vài đệ tử, hàng ngày vẫn thường ngồi thiền niệm kinh trong động, sau đó mới đi xuống núi khất thực (hóa duyên). Người dân trong vùng khá nghèo khổ, cơm chay xin được phần nhiều là nấu từ lương thực phụ, như ngô, khoai, sắn, đậu, có cái còn nấu trộn với rau dại, quanh năm suốt tháng gần như không có cơm trắng mà ăn.

Một ngày kia, các đệ tử muốn được cải thiện bữa ăn, bèn bàn nhau đi khai khẩn một khoảnh đất hoang gần đó để trồng lúa mạch, dự định sau khi thu hoạch sẽ chế biến thành mì sợi hoặc bánh cảo. Họ cùng nhau đến hỏi ý kiến sư phụ, sư phụ trầm ngâm một hồi rồi lắc đầu: “Ăn không được”. Nhưng các đệ tử vẫn cầu xin không ngớt và quyết tâm được thực hiện đến cùng.

Ảnh minh họa: thông qua MyWow.vn

Chúng đệ tử thức khuya dậy sớm làm lụng hơn một tháng trời, cuối cùng cũng dọn sạch một miếng đất hoang, gieo hạt giống xuống, gắng sức cày bừa cuốc cỏ, cuối cùng đến mùa thu cũng có thể thu hoạch. Lúa mạch thu được lại xay thành bột mì, làm thành mì sợi. Đến khi cho vào nồi nấu chín, vị đại đồ đệ hết sức phấn khởi bưng cả một tô mì to đến mời sư phụ, trong lòng háo hức nghĩ thầy sẽ vô cùng cảm kích.

Nhưng nào ngờ khi đi đến cửa động, vị đại đồ đệ vấp phải ngưỡng cửa ngã nhào xuống đất, cái tô cũng văng ra xa còn mì sợi thì vung vãi đầy mặt đất.

Sư phụ bước ra, chậm rãi nói: “Ăn không được! Ăn không được!”.

Đến lúc này chúng đệ tử mới ngộ ra rằng, sư phụ đã nói thế nào thì ắt có nguyên do, vậy hãy cứ làm theo như lời thầy dạy bảo. Nếu như lúc đầu dành thời gian trồng lúa mạch dùng vào việc tu luyện, nhất định sẽ có được thu hoạch lớn hơn.

2. Bảo đệ tử hoàn tục

Vị hòa thượng động Dương Tam viên tịch vào cuối những năm 40 của thế kỷ trước. Trước khi tọa hóa, ông dường như biết được ngày mình sẽ viên tịch nên đã nói trước cho chúng đệ tử biết tin. Cũng trong những ngày tháng cuối cùng ấy, các đệ tử ngày đêm chăm sóc sư phụ và niệm kinh cả ngày.

Một ngày kia, sư phụ căn dặn các đệ tử rằng: “Các con hay mau mau hoàn tục đi!”. Các đồ đệ không hiểu, đều bày tỏ quyết tâm sẽ tu luyện đến cùng, nhưng sư phụ chỉ nhắc đi nhắc lại rằng hãy hoàn tục, hãy hoàn tục. Người đã xuất gia tu hành, vì sao lại hoàn tục? Nói vậy chẳng phải là trái với lẽ thường hay sao? Vậy là, sau nhiều lần thưa hỏi, sư phụ mới bất đắc dĩ nói rằng: “Thời thế sắp thay đổi rồi, chùa chiền bị đập bỏ rồi, hang động bị phá hủy rồi, kinh thư bị đốt bỏ rồi, thử hỏi còn tu gì nữa?”. Nói xong, hòa thượng bình thản rời đi.

Đối với những di ngôn sau cùng của sư phụ, các đệ tử khi đó không cách nào lý giải được.

Về sau, khi chính quyền mới của Trung Quốc được thành lập, đảng cầm quyền cực lực cổ xúy vô Thần luận. Từ năm 1949 đến năm 1958, đặc biệt là trong khoảng thời gian 10 năm “Đại Cách mạng Văn hóa”, cả nước triền miên trong phong trào phá “tứ cựu” (văn hóa cũ, truyền thống cũ, phong tục cũ, tập quán cũ) lập nên “tứ tân” (bốn cái mới), đập phá chùa miếu, hủy hoại tượng Phật, đốt bỏ kinh thư, bắt ép tăng nhân, đạo sĩ, ni cô hoàn tục và lập gia đình. Có người còn bị gửi ra tiền tuyến làm bia đỡ đạn trong cuộc chiến đánh Mỹ viện trợ Triều Tiên. Có những tăng nhân, đạo sĩ, ni cô tu hành nhiều năm đều bị bức hại hành hạ đến chết.

Tại Trung Quốc “Cách mạng Văn hóa” làm hủy hoại nhiều di sản văn hóa được lưu giữ qua hàng ngàn năm. (Ảnh: minhbao.net)

Chỉ đến lúc ấy, mọi người mới hiểu được ẩn ý sâu xa của vị hòa thượng động Dương Tam. Có lẽ chỉ những bậc cao tăng chân chính tu hành mới có thể nhìn thấy trước thời cuộc, hiểu thấu lẽ nhân sinh, và dự liệu được những điều mà người bình thường không thể thấy.

Theo Secretchina
Thiện Sinh biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version