Đại Kỷ Nguyên

Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Du Ký (Phần 1)

Một ngày thiên thượng, ngàn năm địa thượng?! Cao tăng du lịch Phật quốc ở thiên giới, lúc quay lại thì đã sáu năm trôi qua. Trên cổng Nam Thiên Môn có chữ tiếng Trung? Tám chữ có thể khái quát tiền cảnh của Phật giáo? 

Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Trong các tập trước đây như “Cậu bé thông linh”, “Nhà khoa học thông hành linh giới”, chúng tôi đã giới thiệu về thế giới thiên quốc trong con mắt của người phương Tây, một số khán giả đã hỏi, liệu đã có người phương Đông nào từng đến thiên đình và thánh địa Phật quốc, mang những thắng cảnh trong đó về nhân gian chia sẻ cùng mọi người chưa? Ồ, thực sự là có, có một vị cao tăng ở Trung Quốc trong khi nhập định đã du lịch thế giới Phật quốc, hôm nay chúng ta cùng nói về những cảnh tượng kỳ diệu mà vị cao tăng trong cảnh giới của ông ấy đã nhìn thấy.

6 năm mất tích khó hiểu

Vào ngày 25 tháng 10 Hoàng lịch năm 1967, chùa Mạch Tà Nham ở tỉnh Phúc Kiến đột nhiên náo loạn như nồi cháo. Vì sao vậy? Bởi vì sư trụ trì của họ, pháp sư Khoan Tịnh, nguyên đang ngồi tọa thiền trong tự viện, tức là đả tọa tu hành, thì đột nhiên biến mất, tìm ở đâu trong tự viện cũng không thấy. Có lẽ nào pháp sư đã đến một sơn động nào đó để bế quan thiền định? Vì vậy, các tăng nhân và cư sĩ toàn chùa vội vã ra khỏi chùa để truy tìm hơn một trăm hang động lớn lớn nhỏ nhỏ ở núi Vân Cư gần chùa Mạch Tà Nham, kết quả vẫn không thấy tung tích của pháp sư ở đâu cả. Cuối cùng, nghe nói có một đội cứu hộ được cử đến các hồ nước và vực sâu gần đó để tìm kiếm trục vớt, nhưng họ vẫn không tìm thấy gì. Những tín đồ nhiệt tâm còn đến các hương trấn xung quanh để tìm kiếm, nhưng tìm đã vài năm, vẫn bặt vô tin tức. Cuối cùng, mọi người đều nghĩ rằng pháp sư Khoan Tịnh đã vãng sinh, nghĩa là đã mất, mới dần dần từ bỏ việc tìm kiếm ông ấy. Mãi cho đến sáu, bảy năm sau, pháp sư Khoan Tịnh đột nhiên xuất hiện trở lại trước mặt mọi người.

Vậy pháp sư Khoan Tịnh đã ở đâu trong thời gian này?

Theo pháp sư tự mình mô tả, lúc đó ông ấy đang ở trong động Di Lặc núi Cửu Tiên, huyện Đức Hóa, tỉnh Phúc Kiến, và chưa từng rời đi nửa bước. Kỳ thực, mọi người đều đến động Di Lặc để tìm kiếm, nhưng không biết vì nguyên nhân gì, pháp sư dường như vô hình, hoặc đã tiến nhập vào một không gian khác, mọi người căn bản không thể nhìn thấy ông.

Vậy pháp sư Khoan Tịnh đã làm gì trong sáu hay bảy năm qua? Pháp sư nói rằng, nguyên thần của ông đã may mắn được du lịch đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, và rõ ràng là ông chỉ lưu lại đó chưa đầy một ngày. Hết thảy những chuyện này là thế nào?

Xem video tại đây

Cuộc kỳ ngộ trên đường

Theo pháp sư Khoan Tịnh, ban đầu ông đang đả tọa thiền định trong chùa Mạch Tà Nham, đột nhiên cảm thấy phảng phất có người gọi ông, đẩy ông đi. Trong trạng thái mơ mơ hồ hồ, ông đi một mạch đến núi Cửu Tiên cách đó hơn hai trăm dặm, con đường tựa hồ phải đi rất lâu, nhưng pháp sư không cảm thấy khó nhọc, cũng không cần ngủ, cũng không đói, chỉ là khát nước thì uống chút nước suối. Và cảm giác dường như luôn là thanh thiên bạch nhật.

Lúc này, pháp sư Khoan Tịnh đột nhiên thần chí tỉnh táo lại, nghe được người qua đường nói hôm nay là ngày 25 tháng 10. Gì cơ? Đã đi được rất lâu rất lâu rồi, tại sao vẫn là ngày 25 tháng 10? Vị pháp sư trong tâm bối rối, tiếp tục tiến bước. Đến hôm sau vào canh ba, pháp sư đi đến nửa đường thì gặp một vị pháp sư già, tự xưng pháp hiệu là “Viên Quan”, hẹn cùng pháp sư Khoan Tịnh đồng hành đến núi Cửu Tiên du ngoạn.

Trên đường đến đây, vị pháp sư già dường như có công năng túc mệnh thông, đã kể lại tất cả về kiếp trước của pháp sư Khoan Tịnh, địa điểm, thời gian và các nhân vật đều nói một cách chi tiết, pháp sư Khoan Tịnh đã cẩn thận ghi nhớ trong tâm, bảy năm sau đi khảo chứng, thực sự đều có những nhân vật đó. Tuy nhiên, đây là câu chuyện sau này của ông, nên chúng tôi sẽ không đi vào chi tiết.

Sau khi lên núi Cửu Tiên, họ chuẩn bị tiến vào Động Di Lặc. Tại sao gọi là Động Di Lặc? Là vì trong động đá này thờ cúng tượng Phật Di Lặc. Núi Cửu Tiên và Động Di Lặc, pháp sư Khoan Tịnh đã đến đây nhiều lần và rất quen thuộc, nhưng tiến bước tiến bước, pháp sư phát hiện có gì đó không đúng. Là chuyện gì vậy?

Hóa ra con đường lên núi đã biến đổi hình dạng, nó trở thành một con đường lát đá, còn tỏa ra ánh sáng ẩn hiện. Khi đến Động Di Lặc, tiến vào nhìn, thì thấy triển hiện trước mắt một ngôi chùa lớn chưa từng thấy, đường hoàng tráng lệ, thậm chí còn hùng vĩ tráng lệ hơn Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. Hai bên ngôi chùa còn có hai bảo tháp. Khi đến trước cổng núi làm bằng đá trắng, chỉ thấy trên cổng lớn có một tấm biển lớn bằng vàng, ánh vàng lấp lánh, trên đó có viết mấy chữ lớn, nhưng pháp sư Khoan Tịnh hoàn toàn không hiểu.

Bước vào cổng, phát hiện đến đâu cũng là kỳ hoa dị thảo, tất cả các tòa kiến trúc đều phát sáng. Không lâu sau, họ đến đại điện đầu tiên, trên đại điện có bốn chữ, phát sáng rực rỡ, pháp sư Khoan Tịnh không hiểu nên hỏi lão pháp sư Viên Quan, lão pháp sư nói với ông rằng đó có nghĩa là “Trung Thiên La Hán”. Lẽ nào bản thân ông đã đạt tới cảnh giới tu trì của La Hán? Lúc này, pháp sư Khoan Tịnh mơ hồ cảm giác bản thân mình không còn tại nhân gian.

Bước vào đại điện, lại có bốn chữ lớn, lão pháp sư Viên Quan nói chúng có nghĩa là “Đại Hùng Bảo Điện”. Lúc này, có hai vị lão hòa thượng đi tới, bọn họ nhìn thấy Viên Quan lão pháp sư, lập tức quỳ xuống đất hành đại lễ, xem ra vị lão pháp sư này không tầm thường. Pháp sư Khoan Tịnh nhìn quanh, chỉ thấy mùi hương thoang thoảng vây quanh, trên điện đầy ắp cúng vật, còn có nhiều loại đèn trang trí, thật sặc sỡ và đẹp mắt.

Lúc này, một vị lão hòa thượng mời pháp sư Khoan Tịnh uống nước, tẩy dục, pháp sư uống nước, tẩy dục xong cảm giác toàn cơ thể đều thân tâm thư thái thông tuệ. Pháp sư quỵ bái lão hòa thượng, thỉnh ông khai thị tiền cảnh của Phật giáo như thế nào. Chỉ thấy lão hòa thượng nhấc bút viết ra tám chữ “Phật tự tâm tác, Giáo do ma chủ”. Một vị lão hòa thượng khác đứng một bên nhìn và nói: “Tám chữ này, ngài có thể đọc ngang, dọc, trái phải, phải trái, trên dưới, dưới trên, đọc ra 36 câu, đều có thể biết được tình huống của Phật giáo trong một trăm năm sau, nếu lấy 36 câu này, diễn giải thành 840 câu, thì có thể biết tình hình phát triển của Phật giáo toàn thế giới trong tương lai, thậm chí cho đến khi Phật giáo diệt vong mới dừng.”

840 câu này nói như thế nào, pháp sư Khoan Tịnh không tiết lộ toàn bộ, chỉ nói khi thời cơ chín muồi mới công bố.

Sau khi nghỉ ngơi một lúc, lão pháp sư Viên Quan lại đến tìm pháp sư Khoan Tịnh, lần này điểm đến tiếp theo là “Đâu Suất Thiên”, họ ở đó đã gặp được ai?

Tham quan trời Đâu Suất

Trên đường đi, những cung điện, bảo tháp vàng nguy nga hùng vĩ tỏa sáng lấp lánh, pháp sư Khoan Tịnh nhìn ngắm hoa cả mắt, quả thực là lưu luyến quên lối về. Lão pháp sư Viên Quan phải thường xuyên giục giã, nói thời gian không nhiều, mau mau lên đường. Tại sao vội vàng như vậy? Mọi người đều đã nghe câu nói “Một ngày trên trời, ngàn năm dưới đất”, nếu như pháp sư Khoan Tịnh lưu lại quá lâu, sau khi trở về có thể sẽ gặp rất nhiều phiền toái, bỏ lỡ mất an bài của Thần Phật. An bài gì đây? Chúng ta sẽ nói về nó sau.

Khi họ tiếp tục đi, một cây cầu đột nhiên xuất hiện trước mắt. Nhìn kỹ hơn, pháp sư Khoan Tịnh giật mình. Nguyên lai cây cầu này chỉ có đoạn giữa lơ lửng trên không trung, không có đầu cầu cũng không có đuôi cầu, làm sao lên được đây?

Lúc này, lão pháp sư Viên Quan nói, bình thường con tụng kinh trì chú gì? Chỉ cần theo đó mà niệm. Pháp sư Khoan Tịnh bắt đầu niệm kinh, chỉ mới niệm hai ba chữ, cảnh tượng trước mắt lập tức thay đổi, đầu cầu và đuôi cầu bắt đầu tiếp nối xuống đất, ánh vàng lấp lánh, sáng như cầu vồng bảy sắc.

Họ đi bộ qua cầu. Trong lúc nghỉ ngơi, pháp sư Khoan Tịnh hỏi, tại sao chỉ có thể nhìn thấy đầu và đuôi của cây cầu sau khi tụng kinh trì chú? Lão pháp sư nói, trước khi niệm kinh, bản tính bị nghiệp chướng bao vây, không thể nhìn thấy thánh địa. Sau khi niệm kinh trì chú, dưới sự gia trì của Phật pháp, nghiệp chướng tiêu trừ, bản tính hiển xuất, từ mê chuyển thức, liền nhìn thấy được.

Sau đó, pháp sư Khoan Tịnh vừa đi vừa trì chú, đột nhiên một tòa sen xuất hiện dưới chân ông. Tòa sen đưa ông bay lên trời, phi tốc hướng lên phía trước, nhanh hơn cả ngồi máy bay. Không lâu sau, họ đến một thành phố bạc khổng lồ. Trên cổng thành có tấm biển bằng năm loại chữ, một loại là tiếng Trung, ghi “Nam Thiên Môn”. Pháp sư nhìn thấy bên trong có rất nhiều thiên nhân, các quan văn tướng võ đều ăn mặc theo phong cách thời cổ đại.

Bước vào cổng thành, có thể nhìn thấy một tấm gương khổng lồ, có thể phản chiếu ra nguyên thần của sinh mệnh, phân biệt chính tà, lẽ nào đây chính là chiếc “gương chiếu yêu” trong truyền thuyết?

Sau khi xung qua nhiều tầng trời, lão pháp sư Viên Quan nói rằng đã đến “Đâu Suất Thiên”. Trong khi nói chuyện, họ đến trước cổng của một cung điện, có hơn 20 người ra nghênh tiếp, một người trong số họ không phải ai khác, chính là sư phụ của pháp sư Khoan Tịnh, một trong ba đại cao tăng Trung Quốc cận đại – lão hòa thượng Hư Vân. Pháp sư Khoan Tịnh lập tức đính lễ mô bái, xúc động đến mức suýt khóc. Lúc này, lão hòa thượng Hư Vân đã tiết lộ một bí mật cho pháp sư Khoan Tịnh, về thân phận chân thực của lão pháp sư Viên Quan.

Nói về lão pháp sư Viên Quang, mọi người có nghĩ rằng ông ấy thực sự khác thường không? Ông ấy có thể thăng thiên nhập địa, đơn giản là không gì không biết, không gì không thể. Thực ra, vị lão pháp sư này chính là Quan Âm Bồ Tát biến thành. Pháp sư Khoan Tịnh bừng tỉnh, thực là: “Có mắt mà không biết Thái Sơn”, vì vậy ông vội vàng quỵ bái. Bình thường tâm tâm niệm niệm Quan Âm Bồ Tát, lần này chân thực được gặp, mà lại không biết phải nói gì.

Sau đó, một nhóm người tiến vào nội viện của “Đâu Suất Thiên” để triêu bái Đức Phật Di Lặc. Đức Phật Di Lặc trông như thế nào?  Pháp sư Khoan Tịnh nói, rằng Đức Phật Di Lặc hoàn toàn không giống với hình tượng “Phật cười bụng to” được thờ phụng trong thế giới phàm trần của chúng ta. Đức Phật Di Lặc chân thực có thể nói là có pháp tướng trang nghiêm, sẵn có “tam thập nhị tướng, bát thập chủng hảo” (ba mươi hai tướng, tám mươi đức tốt đẹp), ngoại mạo phi thường thù thắng. Đức Phật Di Lặc đã khải thị rất nhiều, nhưng có lẽ là do thiên cơ bất khả tiết lộ, pháp sư Khoan Tịnh sau này không thể nhớ hoàn chỉnh, và không tiện công bố rộng rãi.

Sau khi nghe Đức Phật Di Lặc thuyết pháp, mọi người đi đến một lâu các khác, một vị võ tướng trang phục như triều Minh dẫn mọi người đi vào. Lúc này, tiên nữ lấy ra một loại bánh ngọt làm từ mật hoa để chiêu đãi mọi người. Oa, bánh ngọt hương vị cực kỳ thơm ngon, vị ngọt mỹ hảo vô bỉ, vô cùng khoái khẩu, ăn một miếng là no, đồng thời cảm thấy tinh thần tràn đầy năng lượng.

Đại sư Phúc Vinh, người đã tiếp pháp sư Khoan Tịnh với hòa thượng Hư Vân, giới thiệu: “Trên thiên thượng đều là dùng mật hoa làm thức ăn, người nhân gian được ăn thứ thức ăn mật hoa này, có thể khỏi bệnh diên thọ, người già có thể trẻ lại, ngài nên ăn thêm một chút, là có chỗ tốt.” Pháp sư Khoan Tịnh sau này xác thực thân thể cường kiện, trẻ hơn trước.

Đại sư Phúc Vinh cũng nói: “Người thiên giới nhàn hạ sung sướng, không nguyện tu hành. Cũng giống như những người giàu sang quyền quý ở nhân gian, họ không muốn xuất gia, chỉ ngồi hưởng lạc trước mắt, họ không biết rằng tam giới chưa xuất, lục đạo luân hồi, không thể thoát khỏi sinh tử.” Nhóm người này hiện tại đang nghe Đức Phật Di Lặc giảng Pháp, ngày sau họ sẽ giáng sinh xuống nhân gian theo Di Lặc độ chúng sinh, chân chính chứng đắc Bồ Tát đạo, mới có thể nhảy thoát sinh tử.

Hòa thượng Hư Vân cũng nói với ông rằng, thời kỳ mạt pháp, không nên tham đồ thuận cảnh mà hưởng lạc, cũng không nên trốn tránh nghịch cảnh khốn khổ, mà nên nỗ lực khuyên người ác cảm ngộ quay đầu hướng thiện, trong cảnh giới ác liệt có thể kiên trì chính pháp huệ mệnh của Phật Đà, mới có thể chân chính đắc đạo.

Mọi người sau khi trò chuyện một hồi, thì Quan Âm Bồ Tát đến và đưa pháp sư Khoan Tịnh ra sân trước để ngắm thiên cảnh. Nơi đó sắc thái xán lạn như hoa, các chủng các loại tiên cầm kỳ điểu, tiên hoa dị thảo, lộng lẫy ngoạn mục. Các chủng các loại đình đài lâu các, bảo tháp đại điện đều phát ánh quang rực rỡ, quả thực là tiên cảnh trên thiên thượng, nhân gian không cách nào sánh được.

Lúc này, Quan Âm Bồ Tát chỉ ngôi bảo tháp lớn hơn ở núi Côn Luân cho pháp sư Khoan Tịnh xem, thấy ngôi bảo tháp phát xạ trăm loại quang sắc ngoạn mục, thật là uy nghiêm thù thắng. Nguyên lai đó là nơi ở của Thái Thượng Lão Quân, được gọi là “Luyện Kim Đại Tháp”, xung quanh bảo tháp có rất nhiều cây linh nguyên Đạo gia. Pháp sư Khoan Tịnh giới thiệu, nghe nói người tu Tiên pháp, nếu tu được tốt, cây linh nguyên tại tiên giới sẽ nở hoa rất đẹp, trái lại tu không tốt, thì cây không sinh khí, thậm chí khô héo và chết.

Pháp sư Khoan Tịnh ngắm cảnh mê mẩn, Quan Âm Bồ Tát phải thúc giục ông rằng thời gian không có nhiều, hiện tại cần đi tới thế giới Tây Phương Cực Lạc, vẻ mỹ diệu thù thắng ở nói đó còn hơn cả thiên giới. Vậy thì pháp sư Khoan Tịnh đã có cuộc kỳ ngộ nào ở thế giới Tây Phương Cực Lạc?

Bái kiến Đức Phật A Di Đà

Sau khi rời khỏi “Đâu Suất Thiên”, pháp sư Khoan Tịnh lại bước lên tòa sen và bay vút lên không, chỉ nghe thấy bên tai tiếng gió rít, mà hoàn toàn không cảm giác chút nào lực cản của gió. Mỹ cảnh của thiên giới nhanh chóng trôi qua bên thân ông. Khoảng một khắc sau, ông đã đến nơi mặt đất trải đầy cát vàng, nhìn thấy rất nhiều hàng cây đại thụ cao hàng chục thước, cành vàng lá ngọc, có lá hình tam giác, có lá hình ngũ giác, có lá hình lục giác. Cây nào cũng đều phát quang nở hoa, có đủ loại chim phát sáng vô cùng mỹ lệ đậu trên đó. Một số loài chim có hai đầu hoặc nhiều đầu, hai cánh hoặc nhiều cánh, chúng bay lượn tự do, hót thánh hiệu của Phật A Di Đà, chung quanh tứ xứ đều có lan can bảy sắc.

Các chủng các loại âm thanh giọng nói truyền đến tai pháp sư, nhưng nói điều gì thì ông hoàn toàn không hiểu, Quan Âm Bồ Tát nói với ông, rằng Đức Phật A Di Đà có thể nghe hiểu.

Sau đó, họ tiếp tục bước, chẳng mấy chốc họ đến một ngọn núi lớn bằng vàng, cao gấp nhiều lần so với núi Nga Mi ở Trung Quốc. Pháp sư Khoan Tịnh trong thâm tâm biết rằng họ đã đến được trung tâm của “Thế giới Tây Phương Cực Lạc”.

Quan Âm Bồ Tát lúc này hua tay một cái rồi nói: “Đến nơi rồi, Phật A Di Đà ở ngay trước mặt ngài, ngài có thấy không?”

Gì cơ? Phật A Di Đà ở ngay trước mặt? Pháp sư Khoan Tịnh nhìn quanh tứ xứ, và kỳ quặc nói: “Ở đâu? Tất cả những gì tôi thấy chỉ là một bức tường đá lớn, chắn ngang tầm mắt của tôi.” Không ngờ, Quán Âm Bồ Tát trả lời: “Hiện tại, ngài đang đứng trên đầu ngón chân của Phật A Di Đà.”

Pháp sư Khoan Tịnh thực sự kinh ngạc, thân hình của Đức Phật A Di Đà cao lớn như vậy, làm sao có thể nhìn thấy được. Ông hiện tại nhỏ như một con kiến, đứng dưới tòa nhà chọc trời 100 tầng, cho dù ông có nhìn lên, cũng không thể nhìn thấy toàn dung mạo của tòa nhà. Sau đó, pháp sư Khoan Tịnh quỳ xuống và cầu nguyện sự gia trì của Đức Phật A Di Đà, trong khoảnh khắc, ông cảm thấy cơ thể mình không ngừng cao lớn lên, cho đến khi cao tới rốn của Đức Phật A Di Đà, ông mới nhìn thấy Đức Phật A Di Đà đang đứng trước mặt mình, dưới chân là vô số các tầng tòa sen, trên cánh hoa sen là tầng tầng thắng cảnh bảo tháp, phóng xuất ra ngàn vạn ánh quang, mà nhìn vào chi tiết, trong những ánh quang này còn có Phật, đều ngồi đoan tọa trong ánh quang sắc vàng kim. Pháp tướng của Đức Phật A Di Đà trang nghiêm, ánh mắt như biển cả bao la – đây không phải là một từ hình dung, pháp sư Khoan Tịnh nói, nó thực sự rộng lớn như đại dương ở nhân gian. Lúc này, lão pháp sư Viên Quan cũng biến trở lại dưới hình dạng Quan Âm Bồ Tát, toàn thân sắc vàng kim trong suốt, y phục phóng ra ngàn vạn tia sáng, thân hình Quan Âm Bồ Tát cũng rất cao lớn, ước chừng chiều cao đến vai của Phật A Di Đà.

Pháp sư Khoan Tịnh ngắm nhìn đến xuất thần, không nói được lời nào. Khi định thần lại, ông thỉnh cầu Đức Phật A Di Đà gia trì cho ông, giúp ông giải thoát khỏi sinh tử. Đức Phật A Di Đà đáp: “Quan Âm Bồ Tát đã dẫn con đến đây, và thăm quan các nơi, con có thể đi, nhưng sau đó con phải quay trở lại nhân gian.” Nhìn thấy thắng cảnh của Phật quốc, ai còn muốn trở lại nhân gian mãn đầy thống khổ? Vì vậy, pháp sư Khoan Tịnh đau khổ cầu xin Đức Phật A Di Đà đại phát từ bi, cho ông ở lại. Đức Phật A Di Đà nói kệ ngữ, đại ý là pháp sư Khoan Tịnh hai kiếp trước đây đã từng sống ở Thế giới Cực Lạc, bản thân đã phát nguyện đến nhân gian, độ hóa chúng sinh, phụ mẫu và thân thuộc. Hiện tại pháp sư Khoan Tịnh còn chưa hoàn thành xong tâm nguyện của mình, đem tình hình của thế giới Cực Lạc về truyền đạt cho nhân gian, bằng cách đó giáo hóa thế nhân.

Sau khi Đức Phật nói kệ ngữ, pháp sư Khoan Tịnh đột nhiên cảm thấy toàn thân chấn động, và những ký ức trước đây toàn bộ hiện lên sống động trong tâm trí ông. Ông minh bạch sứ mệnh và tâm nguyện của mình, pháp sư Khoan Tịnh cũng không lại cầu Đức Phật A Di Đà thu giữ mình nữa, sau khi lễ bái Phật Đà, ông chuẩn bị đi tham quan thế giới Cực Lạc.

Tại đây, ông đã nhìn thấy và trải nghiệm rất nhiều sự vật bất khả tư nghị, và nói ra rất nhiều bí mật Phật quốc, đó là gì? Chúng tôi xin kể tiếp vào tập sau.

Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version