Kinh nghiệm ly kỳ của một cao tăng thiên cổ. Trong suốt cuộc đời của ông, có ba hoàng đế, hai cuộc chiến tranh chỉ vì để cướp được ông. Sau khi ông qua đời, hoàng đế Đường Thái Tông đã lập bia đề thơ. Ông ấy có những bản sự phi phàm nào?
Khi nghe đến cái tên này, một số bạn có thể hỏi, vị cao tăng này cùng họ với Cưu Ma Tri, quốc sư Thổ Phiên trong tiểu thuyết “Thiên long bát bộ” của Kim Dung, họ liệu có là người một nhà không? Trong tiểu thuyết đó, cuộc đời của Cưu Ma Tri khá ly kỳ, nửa đời đầu ông bị ám ảnh bởi học võ, vì để học đến được tuyệt đỉnh võ công mà không từ thủ đoạn. Tuy nhiên, sau khi nội lực của toàn thân vô tình bị hút đi, võ công mất hết, ông đã từ trong đáy bùn mà đại ngộ, từ đó nhất tâm hoằng dương Phật pháp, cuối cùng trở thành cao tăng một thời đại.
Có độc giả võ hiệp mê khảo chứng nói, vị Cưu Ma quốc sư này hẳn chỉ là hư cấu, bởi vì vào niên đại sống của các nhân vật “Thiên long bát bộ”, Thổ Phiên đã không còn tồn tại. Tuy nhiên, Cưu Ma La Thập, vị cao tăng được ghi vào sử sách, rất có khả năng đã truyền không ít cảm hứng cho tiểu thuyết gia Kinh Dung viết “Thiên long bát bộ”. Nhân vật Cưu Ma Tri từ đáy bùn ngộ Đạo, ngoài ra còn có tình tiết một vị hòa thượng Hư Trúc tuyệt đỉnh cao thủ bị bức phải phá giới, đằng sau đó ít nhiều đều có bóng dáng của Cưu Ma La Thập.
Cuộc đời thật sự của Cưu Ma La Thập bôn ba hoành tráng, khúc triết ly kỳ, tuyệt vời hơn nhiều so với cuộc đời của Cưu Ma Tri trong tiểu thuyết. Mọi người có hứng thú nghe không?
Tuổi thơ của bậc trí giả
Câu chuyện phải bắt đầu với người cha của Cưu Ma La Thập là Cưu Ma La Viêm. Gia tộc Cưu Ma ở Thiên Trúc, cho đến hiện tại vẫn là một danh môn vọng tộc của Ấn Độ, nhiều đời làm tể tướng. Tuy nhiên, Cưu Ma La Viêm nhất tâm chỉ muốn xuất gia tu hành, vì để tránh vận mệnh làm quan, chàng liền đến các quốc gia khác để vân du.
Vào ngày hôm đó, chàng đến nước Quy Tư, ngày nay chính là thuộc huyện Sakhalin, Tân Cương. Em gái của quốc vương, Kì Bà, đã yêu chàng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Quốc vương thương em gái, nên đã ép Cưu Ma La Viêm hoàn tục và cưới công chúa. Sau khi kết hôn, hai người sống vô cùng mỹ mãn, ít lâu sau công chúa mang thai.
Sau khi mang thai, công chúa phát hiện mình thông minh hơn bình thường rất nhiều, có thể tự nói thông tiếng Thiên Trúc mà không cần giáo viên. Điều này làm mọi người kinh ngạc vạn phần. Một thầy bói đã từng nói với công chúa, rằng nàng đã được chủ định để sinh ra một cậu con trai đại trí huệ, dường như lời nói đó đã trở thành sự thật.
Cưu Ma La Thập ra đời, quả nhiên không phụ kỳ vọng của mọi người. Ông từ nhỏ đã thông minh lanh lợi, có bản lĩnh ghi nhớ không quên. Năm 7 tuổi, mẹ mang ông xuất gia tu hành. Ông bắt đầu học Kinh Phật với tốc độ đơn giản là như bay. Lúc đó, giấy còn rất đắt đỏ, Kinh Phật của các hòa thượng Tây Vực chủ yếu là dựa vào đọc thuộc lòng, sư phụ và đệ tử khẩu nhĩ tương truyền.
Thầy dạy của La Thập chưa bao giờ thấy một đệ tử nào học tốt như cậu. Đứa trẻ này thực sự có thể “nhật tụng thiên kệ” – đọc nghìn câu kinh một ngày. Mỗi “kệ” có ba mươi hai ký tự, nghĩa là cậu bé có thể ghi nhớ Kinh sách với ba mươi hai nghìn ký tự chỉ trong một ngày. Cậu bé Cưu Ma La Thập chỉ mất hai ngày để ghi nhớ hơn 60.000 từ trong “Kinh Pháp Hoa”, đó là một tốc độ đáng kinh ngạc. Mà cậu cũng không cần thầy dạy, chỉ cần có thể học thuộc lòng, cậu liền có thể minh bạch là ý tứ gì.
Dần dà, thầy cũng dạy không nổi trò, năm lên 9, Cưu Ma La Thập được mẹ đưa đi vân du thế giới để học tập thêm những Phật pháp cao thâm. Khi đó, ở Tây Vực có rất nhiều quốc gia nhỏ. Họ nhất lộ du hành, xem ngắm không ít phong cảnh, cũng gặp không ít kỳ nhân dị sĩ. Ngày đó, tại một địa phương tên là Nguyệt Thị Bắc Sơn, hai mẹ con gặp một vị La hán. Vị La hán nhìn Cưu Ma La Thập từ trên xuống dưới, sau đó nói với người mẹ, hãy chăm sóc đứa trẻ này thật tốt. Chú tiểu tăng này nếu không phá giới vào năm 35 tuổi, thì sẽ “đại hưng Phật Pháp, cứu vô số chúng sinh”. Nếu phá giới thì sẽ không có thành tự lớn như vậy, bất quá có thể làm một pháp sư có thành tựu ở một số phương diện. Vậy thì Cưu Ma La Thập sẽ có vận mệnh nào?
Lên đường đến Đông thổ
Khi Cưu Ma La Thập 20 tuổi, mẹ đưa ông trở lại Quy Tư, dặn bảo con lưu lại đó, rồi bản thân bà rời đến Thiên Trúc để tu hành. Trước khi đi, mẹ nói với ông rằng Phật Pháp tương lai sẽ được truyền đến Đông Thổ, con có thể đóng một vai trò rất lớn, vì vậy con phải lưu lại đây. Chỉ là con có thể sẽ phải chịu chút khổ, con có thể chấp nhận nó không? La Thập đáp, kẻ “đại sĩ” có thể xem thường bản thân vì lợi ích của người khác. Chỉ cần có thể đại chấn hưng Phật Pháp, con dù có bị ném vào lửa thì cũng “tuy khổ nhưng không hận”.
Thời gian như mũi tên bắn đi, mười năm trôi qua như một cái búng tay, La Thập sau khi sống qua 20 năm ở Quy Tư, khảo nghiệm chủ định trong vận mệnh của ông đã đến, chuỗi ngày đau khổ của ông cũng bắt đầu.
Lúc đó, ông đã là một cao tăng đắc Đạo nổi tiếng gần xa. Ông chẳng những tinh thông Kinh Phật, không ai có thể biện luận vượt qua ông, cái gì là ba mươi sáu bàng môn, bảy mươi hai tả đạo, đều bại dưới tay ông. Không chỉ vậy, thiên văn địa lý, âm dương ngũ hành, ông không gì không thông thạo, xem hung cát ra sao, nói cũng đều chuẩn xác. Vua Quy Tư đã đặc biệt làm riêng một chiếc ghế sư tử bằng vàng cho ông, để ông dùng giảng Kinh thuyết Pháp. Các quốc vương của các quốc gia khác ở Tây Vực cũng thường lui tới nghe ông giảng Pháp. Ông đi đến đâu, mọi người đều lao xao ca ngợi dung mạo thần tuấn, khí độ phi phàm của ông.
Danh tiếng của La Thập cũng lan rộng ở Tây Vực. Một truyền mười, mười truyền trăm, truyền đến tai của Hoàng đế Trung Nguyên Phù Kiên. Khi đó, Phù Kiên gần như đã thống nhất đại bộ phận vùng đất miền bắc Trung Quốc, kiến lập nước Tần, lịch sử gọi là tiền Tần, chính là lúc ý chí lên cao. Một ngày nọ, quan khâm thiên giám nói với hoàng đế, hạ thần đêm xem thiên tượng, nhìn thấy ở nước ngoài có một người đại trí huệ sẽ đến hỗ trợ Trung Nguyên. Phù Kiên nghe thấy vậy rất cao hứng, lập tức nghĩ đến Cưu Ma La Thập. Ông vỗ đùi một cái, rồi liền phái tướng quân Lã Quang viễn chinh đến Tây Vực, thỉnh Cưu Ma La Thập về làm quốc sư.
Bên này Lã Quang điều binh, cùng bảy vạn tinh binh hùng hùng xuất phát. Bên kia La Thập đã cảm ứng được rồi. Ông nói với Bạch Thuần, quốc vương Quy Tư, rằng vài ngày nữa một đại quân từ Trung Nguyên sẽ tới, đừng giao chiến với họ, chỉ cần mở cổng thành nghênh tiếp họ.
Có lẽ vì thiên cơ bất khả tiết lộ, nên La Thập đã không nói với quốc vương rằng họ đến chính vì bản thân ông. Bạch Thuần không biết chuyện này, nên không nghe lời ông nói. Khi đó, quân thiết kỵ (kị sĩ giáp sắt) của Trung Nguyên vẫn còn rất cường đại, cuộc giao chiến giữa hai đội quân không có gì hồi hộp, Lã Quang toàn thắng, dẫn quân vào thành tìm La Thập. Nhưng không biết vì sao, Lã Quang lại không thuận mắt với vị quốc sư này, luôn muốn trêu chọc ông.
Ngày đó Lã Quang nói với ông, gả công chúa cho ngươi, ngươi muốn không? Tất nhiên là La Thập không trả lời. Lã Quang cười hihi: “Tư cách của ngươi tốt hơn của phụ thân ngươi không? Đừng từ chối nhé.” Sau đó, ông ta chuốc say La Thập và công chúa, rồi nhốt họ cùng nhau trong mật thất. Câu chuyện này khá giống với câu chuyện hòa thượng Hư Trúc bị ép phá giới trong “Thiên long bát bộ”. Không có gì lạ khi một số người nói rằng, tiểu thuyết gia Kim Dung có thể đã tìm thấy nguồn cảm hứng từ La Thập. Nhưng Hưu Trúc thì sau đó đã kết hôn với công chúa, còn vận mệnh của La Thập lại rẽ sang một hướng khác.
Sống tại Lương Châu 17 năm
La Thập nhớ lại những gì năm đó mẹ ông đã nói khi đó, liền cùng Lã Quang trở về Trung Nguyên. Quý vị còn nhớ lời nguyện mà ông đã phát năm đó không? Để có thể đi về Đông thổ truyền Phật Pháp, sẽ “tuy khổ nhưng không hận”. Lữ Quang trên đường đi nhiều lần chế giễu ông, người khác cưỡi ngựa, cho ông cưỡi bò, còn đặc ý để ông cưỡi một con ngựa thi đấu, nhìn thấy ông bị ngựa ném xuống đất, mọi người xúm lại xem, cười ha hả. Nhưng hết thảy những thứ này, La Thập đã chịu đựng tất cả, không một lời oán trách.
Dần dần, Lã Quang ngừng chọc ghẹo ông. Ngày hôm đó, họ đi bộ xuống một ngọn núi, những binh sĩ nghỉ ngơi. Nhưng La Thập rất lo lắng nói với Lã Quang, không thể ở lại đây lâu, hãy nhanh nhanh tìm đến một nơi thoáng đãng để cắm trại. Lã Quang không nghe lời. Kết quả là đến nửa đêm, trời mưa to, lũ quét bùng phát, hàng nghìn binh lính bị cuốn trôi. Kể từ đó, Lã Quang nhìn La Thập với vẻ ngưỡng mộ. Bằng cách này, La Thập đã dùng đức báo oán, thu phục được Lã Quang.
Sau đó, Phù Kiên bị Diêu Trường giết giữa chừng, tiền Tần vong quốc. Lã Quang cũng không thể về được nữa, bèn lập quốc ở Lương Châu nơi biên ải, xưng Hậu Lương vương. La Thập cũng sống ở Lương Châu trong 17 năm. Trong 17 năm đó, Lã Quang và con trai đối xử tốt với ông, nhưng họ chỉ là không cho ông cơ hội để hoằng dương Phật pháp. Tuy nhiên, La Thập không để thời gian lãng phí, mà dành hết tâm trí cho việc học tiếng Trung, đọc sách cổ và nghiên cứu kinh điển của nhiều trường phái tư tưởng khác nhau. Sự thật sau này đã chứng minh, sự tích lũy 17 năm học tập này của ông ấy là thực sự cần thiết.
Phiên dịch Linh Phật – Xá lợi lưỡi
Trên mảnh đất Trung Nguyên mà ông tâm tâm niệm niệm, Diêu Trường, người đã tiêu diệt tiền Tần, lập ra nước hậu Tần. Sau khi Diêu Trường qua đời, con trai của ông là Diêu Hưng kế vị. Diêu Hưng đối với Phật pháp rất hứng thú, nên đã phái người đến Lương Châu để đón La Thập. Nhưng Lã Quang không chịu để ông đi. Vài năm sau, Diêu Hưng dẫn quân tiêu diệt Hậu Lương, mang La Thập trở về. Thời khắc vinh quang của cuộc đời La Thập cũng bắt đầu từ đây.
Quả nhiên, Diêu Hưng đã bổ nhiệm La Thập làm quốc sư, thỉnh ông phiên dịch kinh Phật, còn đặc biệt xây dựng hai lầu dịch Kinh và tìm được hơn 800 tăng nhân cùng giúp ông. La Thập liền lấy từng bộ từng bộ sách Thánh mà ông đã thuộc lòng từ nhỏ, nhờ người sao chép và phiên dịch, sau đó ông lại kiểm tra lại từng chữ một. Từ năm 58 tuổi đến Trường An, đến khi qua đời ở tuổi 70, chỉ trong thời gian 12 năm, ông đã phiên dịch được hơn 300 quyển Kinh thư, có thể nói là một sản lượng đáng kinh ngạc. Kinh Phật do ông phiên dịch không chỉ nhiều về số lượng, mà chất lượng cũng rất cao.
Kinh thư tiếng Phạn phi thường chú trọng về âm luật, hòa thượng khi đọc Kinh Phật có thể ngâm xướng. Tuy nhiên, loại âm luật này trong Trung văn hoàn toàn không tìm được quan hệ đối ứng, do đó khi dịch thành Trung văn, nếu là trực dịch (dịch từng từ một mà không xét đến quan hệ ngữ pháp giữa các từ) thì rất khó đọc hiểu. Nếu chiểu theo ý tứ mà dịch, thì ai có thể bảo chứng lý giải của bản thân là chính xác? Lúc này, vốn liếng Trung văn 17 năm của La Thập liền phát huy tác dụng. Ông vận dụng khả năng Trung văn thâm hậu của mình để phiên dịch Kinh văn, không chỉ ý tứ chuẩn xác, mà chữ chữ cũng trở nên thông tục dễ hiểu, dễ đọc. Xin đơn cử một ví dụ, có một câu lưu truyền rất rộng của Kinh Phật là: “Nhất thiết hữu vi pháp vi mộng huyễn phao ảnh” – hết thảy các pháp hữu vi chỉ như mộng huyễn và bong bóng, chính là đến từ Kinh Kim Cương của ông.
Hiện nay có sáu bản Kinh Kim Cương bằng tiếng Hán, trong đó có bản do pháp sư Huyền Trang đời Đường Tam Tàng phiên dịch. Tuy nhiên, phiên bản của La Thập được lưu hành rộng rãi nhất. Cuốn sách in sớm nhất trên thế giới là một cuốn kinh Phật từ thời nhà Đường, được phát hiện trong hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng, nội dung chính là “Kinh Kim Cương” do Cưu Ma La Thập dịch.
Nói đến đây, một số bạn có thể nói, bản dịch của ông ấy thông tục dễ hiểu, nhưng ai biết ý tứ của nó có chuẩn xác hay không? Không ai trong chúng ta hiểu tiếng Phạn, phải không? Nhưng đối với điểm này, La Thập tín tâm đủ mười phần. Trước khi qua đời, ông nói với những người xung quanh: “Hy vọng rằng những kinh điển mà tôi đã phiên dịch có thể được lưu truyền cho hậu thế, phát dương quang đại. Hiện tại trước mặt đại chúng, tôi xin thành thực phát thệ nguyện – nếu tôi phiên dịch kinh điển không có sai sót, nguyện thân thể tôi sau khi hỏa thiêu, đầu lưỡi sẽ không cháy.” Quả nhiên, sau khi hỏa hóa, mọi thứ đều thiêu thành tro, riêng đầu lưỡi của ông vẫn còn lưu lại. Đây chính là “xá lợi lưỡi” độc nhất vô nhị trên thế gian.
“Xá lợi lưỡi” này sau đó được cất giữ tại chùa Thảo Đường ở huyện Hộ, tỉnh Thiểm Tây. Vào thời nhà Đường, Hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân cũng đã lập một văn bia cho xá lợi lưỡi, trong đó viết:
Thập vạn lưu sa lai Chấn Tích,
Tam thiên đệ tử cộng phiên Linh.
Văn hàm kim ngọc tri vô hủ,
Thiệt tự lan tô thượng hữu dung.
Dịch thơ
Mười vạn lưu sa đến Chấn Tích
Ba ngàn đệ tử cùng dịch Kinh
Nội hàm vàng ngọc tri bất hủ
Lưỡi tựa lan tô tỏa sen hồng
Hoa sen trong bùn
Nói về ba nghìn đệ tử này, Đường Thái Tông thực sự không khoa trương. Năm đó ngoài vai trò là một thông dịch viên, La Thập còn là một quốc sư, ông thường giảng Kinh thuyết Pháp. Khi ấy, chỉnh thể quốc gia, từ hoàng đế Diêu Hưng đến các vương công đại thần, cho đến dân gian bách tính, đều là người hâm mộ ông. Năm đó thầy của La Thập ở Quy Tư đến thăm ông, hỏi ông mang theo bao nhiêu đệ tử. La Thập nói, tôi có ba nghìn, nhưng tôi chỉ chịu trách nhiệm dạy họ, nhưng không dám làm sư phụ của họ, bởi vì bản thân tôi tội nghiệp thâm trọng. Thầy của La Thập rất ngạc nhiên, La Thập đã tinh tấn học tập Phật pháp từ khi còn nhỏ, liệu có thể phạm phải sai lầm nghiêm trọng nào? La Thập sau đó liền nói về hành vi phạm giới lần thứ hai của mình.
Hóa ra vì Hoàng đế Diêu Hưng quá ngưỡng mộ La Thập, nên đã ra sức yêu cầu ông lưu lại hậu duệ, trước tiên gửi tới hai cung nữ, sau đó lại gửi tới 10 mỹ nữ. La Thập không phản kháng kịch liệt, mà chỉ lẳng lặng tiếp thụ, rời khỏi tăng phòng và sống cuộc đời một người bình thường.
800 hòa thượng làm công việc phiên dịch không thể ngồi yên được nữa, họ cũng rục rịch đòi về nhà cưới vợ sinh con. Trong bữa ăn hôm đó, mọi người bước vào phòng ăn thì phát hiện trên bàn không có thức ăn, chỉ có một gói kim khâu. Lúc này, La Thập đang ngồi ở phía trên, ông nói, chúng ta hãy ăn đi, sau đó cầm lấy một nắm kim khâu nuốt xuống. Mọi người đều chết lặng. Lúc này, La Thập nói với mọi người, nếu các trò cũng có thể nuốt túi kim, thì có thể cưới vợ và sinh con. Các hòa thượng thất thần nhìn nhau, từ đó không ai dám nhắc đến chuyện bỏ đi nữa.
Sau đó, khi Cưu Ma La Thập giảng Kinh, ông nói rằng những bông sen trắng tinh khiết có thể mọc lên từ bùn hôi, mọi người chỉ cần hái những bông sen, đừng nhúng mình vào bùn. Ý tứ là gì, La Thập so bản thân mình với bùn nhơ, và sánh Phật pháp với hoa sen. Nghĩa là, mọi người chỉ nên học Phật pháp, đừng bắt chước tôi, đừng lấy tôi làm gương. Bởi vì tôi là một con người, làm người là có khuyết điểm. Tôi biết tôi đã làm không tốt, vì vậy các trò đừng học hỏi cả những thiếu sót của tôi.
Thái độ chân thành và tinh thần tự kiểm điểm bản thân như vậy có thể là lý do khiến Cưu Ma La Thập dù hai lần phá giới, nhưng vẫn được kính trọng như một cao tăng lỗi lạc. Không biết liệu tiểu thuyết gia Kim Dung có sắp xếp để nhân vật Cưu Ma Tri trong bùn mà ngộ đạo hay không, liệu ông ấy có phải được truyền cảm hứng từ câu chuyện của La Thập hay không, nhưng đôi khi, câu chuyện chân thực còn thú vị và cảm động hơn tiểu thuyết.
- Trọn bộ Bí ẩn chưa được giải đáp!
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch