Đại Kỷ Nguyên

Thần tích: Hạt xá lợi xuyên thấu vật thể, đại khoa học gia thời Tống không cách nào lý giải

Những thần tích và kỳ tích nan giải, dù thế nhân không phải ai cũng được một lần chứng kiến, nhưng chúng xác thực tồn tại (Ảnh: pixabay)

Những truyền thuyết thần kỳ trên thế giới có không ít. Trong các tác phẩm của đại khoa học gia Thẩm Quát thời nhà Tống, có ghi chép lại một số thần tích và kỳ tích khó giải thích mà ông đã thân chinh tận mục sở thị, mắt thấy tai nghe. Những chuyện này thế nhân khó một lần được thấy, có một số được ông chú giải là “Thần tích”, như chuyện xá lợi tử xuyên việt không gian, rau cải hình tượng Phật, lôi hỏa (tia sét) thiêu chảy kim thạch mà gỗ vẫn nguyên vẹn,… đều chân thực tồn tại. 

Câu chuyện thần dược cải lão hoàn đồng

Khi Thẩm Quát nhìn thấy Trần Doãn, một vị quan đương triều, có ngoại hình là lạ gây ấn tượng rất mạnh, khiến người khác chú ý. Khi đó, Trần Doãn đã ngoài 70 tuổi, tóc và râu trên mép của ông vẫn đen như sơn mài, trong khi râu dưới cằm lại trắng như tuyết. Điều này đã kích thích sự hiếu kỳ của Thẩm Quát, ông liền hỏi chuyện. Hóa ra nguyên lai là Trần Doãn đã gặp một kỳ nhân, và có một cuộc kỳ ngộ.

Khi Trần Doãn đảm nhận chức Giám Tửu Vụ ở Cù Châu, ông đã bị hói đầu, răng rụng hết, râu tóc đều bạc trắng. Vào một ngày, đột nhiên có một vị khách lạ đến nhà chờ tiếp kiến. Dù lúc đó ông không biết là chuyện gì, nhưng Trần Doãn vẫn tiếp kiến vị khách lạ.

“Thỉnh vấn quý tính đại danh của hiền huynh là gì? Ngu đệ nên xưng hô với với huynh thế nào?” Trần Doãn hỏi vị khách.

“Bổn nhân tên là Tôn Hy Linh.”

Trần Doãn nhìn thấy y phục trên thân Tôn Hy Linh rách tả tơi, liền hỏi: “Ngu đệ có thể làm gì giúp huynh không?”

“Bổn nhân có một loại bột dược để chà răng, đặc biệt mang đến biếu tiên sinh.” Nói rồi, Tôn Hy Linh lấy một lọ bột dược trong người ra đưa cho Trần Doãn, rồi nói: “Dùng bột dược này chà răng, thì râu tóc sẽ đen trở lại.”

Trần Doãn tai nghe vậy nhưng trong tâm cũng không tin lắm. Ông cảm tạ vị khách, nhận bột dược chà răng và mời vị khách lần sau đến nhà dùng cơm. Họ Tôn chối từ, tặng thuốc rồi đi luôn.

Vào một ngày nghỉ, Trần Doãn sực nhớ lại cảnh tượng ngày hôm đó, cảm thấy Tôn Hy Linh nói rất chân thành, Trần Doãn bèn lấy bột ra chà răng thử. Chà đi chà lại cảm thấy quả không tồi, ông cũng không nhớ đã chà bao nhiêu lượt, rồi rời khỏi nhà đi giải quyết sự vụ khác.

Đợi đến khi ông trở về nhà, người nhà nhìn thấy ông đều ngạc nhiên cười và hỏi ông: “Râu sao mà nhuộm đen thế này?”

Trần Doãn cảm thấy kỳ lạ. Kể từ khi dùng bột chà răng, ông đã không nhìn vào gương. Lúc này bèn lấy gương soi, hình ảnh khiến ông kinh ngạc tròn mắt ngây miệng. Trần Doãn thấy bộ râu trên mép nguyên bản trắng như tuyết của mình đã biến thành đen tuyền, lúc này ông vội vàng cởi khăn trùm đầu, nhìn trân trân vào cái đỉnh đầu vốn nhẵn thín như đồi trọc của mình, lúc này tóc đã dài ra mấy tấc, và chỗ những chiếc răng đã rụng thì giờ răng mới bắt đầu nhú lên. Oa, vị Tôn Hy Linh này chẳng phải là thần tiên sao?!

Chiếc răng Phật

Trong những năm Tống Hy Linh, Thẩm Quát đi công chuyện có ngang qua Hàm Bình. Vào thời điểm đó, tri huyện Hàm Bình đã tiếp đãi Trầm Quát, đưa đến thăm một ngôi Phật tự. Tri huyện họ Lưu nói: “Trong chùa này có một chiếc răng Phật, rất kỳ lạ!”

Sau khi Trầm Quát tịnh thân, liền lấy chiếc răng Phật ra quan sát. Lúc ấy, chiếc răng Phật bỗng nhiên sinh ra những hạt xá lợi, giống như thân người đổ mồ hôi, cứ ứa ra, số lượng quá lớn không cách nào đếm xuể. Một số hạt xá lợi bay lên không trung, một số hạt lại rơi xuống đất. Dùng tay bắt không được, không thể nắm bắt được, đều xuyên thấu qua tay người mà rơi xuống. Một số lạc khỏi giường thiền rơi xuống phát ra âm thanh, nhưng có một số không nằm lại trên giường thiền, mà trực tiếp xuyên qua giường thiền mà rơi xuống. Những xá lợi tử này đều trong suốt, tỏa sáng lấp lánh. 

Sau khi Trầm Quát trở lại kinh đô, ông đã đem câu chuyện kỳ ngộ này kể lại với đông đảo các công khanh trong triều. Sau đó, có người đã mang xá lợi này lên kinh đô, và viên quan chấp chính đã đưa nó vào Đông Phủ, theo chiếu thư chỉ thị, lưu nó tại nhà Sĩ Đại Phu. Thần dị kỳ tích, bất khả tận số – sau này, Hoàng thượng liền hạ chiếu đưa viên xá lợi này lưu tại Tương Quốc tự, xây dựng một tháp gỗ chạm nổi tại Tây tháp của Tương Quốc tự để thu tàng viên xá lợi.

Cây rau cải hình tượng Phật

Trong số các loại rau cải, như củ cải, cải thảo và cải bẹ, khi thời tiết khô hạn, phần ngọn thường kết thành hoa, một số có hình dạng giống như hoa sen, một số mọc thành hình rồng và rắn. Những hình dạng này được biết là thông thường, không được tính là đặc biệt kỳ lạ. Tuy nhiên, đã có một người trồng rau cải sinh trưởng thành hình Phật hoa, Phật tượng.

Vào giữa những năm Hy Ninh triều Tống, khi Lý Công Đạt (cháu của Tể tướng Lý Địch) nhậm chức trưởng quan ở Nhuận Châu, trong gia viên của ông, các ngọn rau cải đều mọc thành hình hoa sen, và trên mỗi hình đài sen đều có một tượng Phật ngồi bên trong, trông giống như một tác phẩm điêu khắc, với số lượng không rõ bao nhiêu. Sau khi những bông hoa rau này được phơi khô, người ta vẫn còn nhận ra rõ ràng diện mạo của tượng Phật. Có người nói: “Gia đình họ Lý sùng Phật vô cùng kiền thành, nên mới có kỳ quan dị tượng này”.

Lôi hỏa thiêu chảy kim thạch, nhưng đồ gỗ vẫn nguyên vẹn bình an

Trong nhà Lý Thuấn, quan nội thị của nhà Tống, đã từng bị sét đánh trúng; sau khi sét đánh đã lưu lại một số hiện tượng khiến người ta không thể sửng sốt. Tia sét đánh trúng gian phía tây của sảnh đường, dẫn khởi lôi hỏa bùng lên. Lôi hỏa từ cửa sổ trong chớp mắt đã lan tới mái hiên nhà mà bốc lên, nhanh đến nỗi người ta không cách nào dập được. Người nhà họ Lý đều nghĩ rằng sảnh đường đã bị thiêu rụi, sợ hãi tẩu tán.

Đợi đến khi tiếng sấm sét đùng đoàng ngừng lại, họ không ngờ sảnh đường vẫn đứng nguyên tại chỗ, nhưng tường bích và cửa sổ đã biến thành màu đen. Trong phòng có một giá gỗ, nơi cất giữ nhiều đồ dùng khác nhau. Trong số đó có một món đồ sơn mài được nạm bạc trang trí, bạc nạm đều bị nấu thành kim loại lỏng và chảy xuống đất, tuy nhiên, những món đồ bằng gỗ sơn mài vẫn nguyên vẹn như trước, không có dấu vết bị cháy. Ngoài ra còn có một thanh kiếm cực kỳ cứng làm bằng thép, cũng tan chảy thành chất lỏng trong bao kiếm, nhưng bao kiếm vẫn nguyên vẹn.

Đây đều là những hiện tượng phi phàm trái ngược với quan niệm thế gian. Thông thường mà nói, khi ngọn lửa bùng lên, nó đúng ra sẽ đốt cháy gỗ trước, khi nhiệt độ lên rất cao mới có thể nung chảy kim loại và đá, nhưng hiện tượng lôi hỏa ở nhà họ Lý thì độc nhất vô nhị, mọi khí cụ bằng kim loại và đá đều bị nung chảy, nhưng các chế phẩm bằng gỗ thì không cái nào bị hư hại. Một “kỳ tích” như vậy, dùng lý mà người thường biết thì hoàn toàn không thể giải thích được!

Ngọn lửa mà lôi hỏa mang đến này, không phải là lửa tại nhân gian, mà là “long hỏa” từ không gian khác, nước cũng không thể dập được nó. Trong Kinh Phật viết: “Long hỏa gặp nước thì bùng lên, nhân hỏa gặp nước thì tắt”. Con người chỉ có thể biết những sự tình trong thời không của nhân gian, cảnh giới siêu xuất khỏi tầng thứ nhân gian như thế nào, thì mắt người nhìn không thấy. Dùng tri thức thế gian và cách suy lý của nhân tình, làm sao có thể quan trắc được tầng tầng chí lý của thế giới Phật Đạo Thần đây?  (Nguồn: “Mộng khê bút đàm”)

Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version