Thiên hạ đệ nhất kiếm?! Ngàn năm không gỉ, có thể nhẹ nhàng cắt xuyên 20 lớp giấy, thanh kiếm Việt Vương Câu Tiễn dung hợp “công nghệ cao” thời cổ đại? Thanh bảo kiếm của Việt Vương vì sao lại xuất hiện trong ngôi mộ của nước Sở?
Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp! Hôm nay chúng ta sẽ nói về những danh kiếm oanh oanh liệt liệt.
Khai quật một kho báu
Vào cuối năm 1965, một quần thể lăng mộ của nhà nước Sở cổ đại đã được khai quật ở Giang Lăng, Hồ Bắc. Khi khai quật lăng mộ Sở số 1 tại cầu Vọng Sơn, một thanh bảo kiếm được rút ra từ trong một chiếc hộp gỗ sơn mài đặt bên cạnh chủ nhân của ngôi mộ, khiến mọi người bấy giờ đều sửng sốt. Tại sao? Vì thời Xuân Thu Chiến Quốc, mọi người đều dùng kiếm đồng. Những thứ khác được đào lên về cơ bản là màu đen và rỉ sét, nhìn thoáng qua có thể biết chúng là đồ cổ, chẳng hạn như thanh “kiếm Ngô Vương Phu Sai”. Nhưng thanh kiếm cổ trong lăng mộ của nước Sở thì trông hoàn toàn khác biệt:
Không chỉ toàn thân nó toát ra một sắc vàng nâu kim cao quý, mà ngay cả chuôi kiếm, tay cầm cũng đều không nhìn thấy một chút gỉ đồng, mà còn tỏa ra tứ phương ánh sáng lạnh lẽo, kiếm khí uy hiếp người ta, như thể nó bị chôn vùi trong đất mới hôm qua. Người ta nói rằng, một nhân viên công tác đã vô tình chạm vào lưỡi kiếm, và ngón tay của anh ta ngay lập tức bị cắt máu chảy. Có thể thấy rằng thanh kiếm cổ vẫn sắc bén vô bỉ.
Mọi người đều vui mừng khôn xiết vì biết mình đã tìm được một kho báu. Có lẽ nào… một trong mười đại danh kiếm trong truyền thuyết đã hiện thân?!
Mười thanh kiếm nổi tiếng nhất
Danh hiệu thập đại danh kiếm xuất hiện từ thời kỳ Xuân Thu, bậc thầy rèn kiếm chỉ có hai vị — một là Can Tương từ nước Ngô và Âu Dã Tử từ nước Việt. Người ta nói rằng hai bậc thầy này là đồng môn. Trong số đó, năm thanh kiếm Trầm Lô, Cự Khuyết, Thắng Tà, Ngư Tràng và Thuần Quân đã được Âu Dã Tử chế tác theo yêu cầu của Việt Vương Doãn Thường. Mọi người có thể chưa từng nghe nói về Doãn Thường, nhưng mọi người có thể đều biết đến con trai của ông, đó chính là vị vua từng nếm mật nằm gai: Việt Vương Câu Tiễn. Theo “Ngô Việt Xuân Thu” ghi chép, Việt Vương Doãn Thường từng nhờ Tiết Trúc, người rất giỏi xem kiếm, đến đánh giá năm thanh kiếm. Tiết Trúc đối với bốn thanh bảo kiếm kia có khen có chê, trong ngôn ngữ không khách khí, duy chỉ đối với bảo kiếm Thuần Quân thì khen ngợi không ngớt, nói rằng thanh kiếm này ung dung trầm tĩnh, như bông phù dung mới nở trong hồ, đường nét hoa văn trên thân kiếm thâm thúy như tinh tú trên thiên thượng, quang sắc linh động lóe sáng tinh khiết vô biên. Thanh kiếm này quả là quá trân quý, bởi vì Âu Dã Tử đã dùng tinh khí thiên địa để luyện tạo bảo kiếm này.
Nghe nói rằng khi Âu Dã Tử đang tìm một nơi để luyện kiếm, núi Xích Cận ở phía đông nam của Thiệu Hưng đã nứt ra một mỏ thiếc chất lượng cao, và sông Nhược Gia vốn rất sâu gần đó bỗng nhiên cạn nước, lộ ra một mỏ đồng chất lượng cao. Mà cả đồng và thiếc đều là nguyên liệu tất yếu để luyện nên kiếm đồng. Khi Âu Dã Tử tìm thấy khối phong thủy bảo địa này, ông vui mừng khôn xiết, lập tức chọn ngày lành để khai lò đúc kiếm. Nói ra cũng thật thần kỳ, sau khi đúc xong năm thanh kiếm, núi Xích Cận bỗng đóng lại, nước sông Nhược Gia cũng dâng lên. Không còn quặng chất lượng cao, những thanh bảo kiếm mà Âu Dã Tử luyện năm đó đã trở thành tuyệt bản.
Tiết Trúc giới thiệu, nói rằng khi Âu Dã Tử đang luyện thanh kiếm Thuần Quân, Vũ Sư trên thiên thượng vẩy mưa rửa sạch đường xá, Lôi Công đánh trống cổ vũ, giao long ôm lò, Thiên Đế kéo ống bễ, thần Thái Nhất hạ phàm tự thân giám hộ, mới luyện nên thanh bảo kiếm Thuần Quân.
Doãn Thường sau khi nghe xong những lời của Tiết Trúc, đã lưu lại hai thanh bảo kiếm một lớn một nhỏ là Cự Khuyết và Thuần Quân, và dâng ba thanh kiếm còn lại cho Ngô vương Hạp Lư, để làm hòa dịu mối quan hệ lưỡng quốc. Hạp Lư cũng là người yêu kiếm, đương nhiên ông ta rất thích. Quay đầu liền tìm Can Tương, nói ngươi có thể chế tạo tạo ra vài cây kiếm cho bản vương được không? Can Tương lĩnh mệnh mang theo vợ Mạc Tà đi khắp nơi, tại núi Mạc Can gần Hàng Châu, ông tìm thấy một nơi tuyệt diệu, bắt đầu kết lò luyện kiếm. Hai thanh bảo kiếm mà ông luyện ra cũng rất thần kỳ. Trong “Ngô Việt Xuân Thu” giới thiệu, rằng chúng là kết hợp “tinh của ngũ sơn, anh của lục hợp, khí của thiên địa, âm dương đồng quang, bách Thần lâm quan”, tựa hồ cũng là trong tình huống nhân – Thần đồng tại mà luyện ra.
Đương thời cũng có một tình tiết nhỏ, nói rằng hai vợ chồng họ đã luyện ba tháng rồi, nhưng đá quặng vẫn không thể tinh chế được, không biết phải làm sao mới được. Người vợ Mạc Tà nói, bảo kiếm là thần vật, muốn có thể để nó cho người sử dụng, e là phải thêm một số thứ của con người vào đó mới làm được. Một thuyết pháp được lưu truyền rất rộng rãi là, Mạc Tà vừa nói xong liền ném mình vào lò, sau đó, đá quặng hóa thành đồng nóng chảy, bảo kiếm mới luyện thành. Thuyết pháp này, khả năng chỉ là khoa trương trong nghệ thuật. Theo thuyết pháp trong sách sử, hai vợ chồng đã tự cắt râu tóc và móng tay của mình ném vào trong lò, sau đó trong lò, đá quặng liền nóng chảy. Cảm giác thuyết pháp này chân thực hơn một chút. Vì sao? Vì Thiên thượng từ bi với con người, nếu quả bảo kiếm thực sự là thần vật, thì Thần Phật sao có thể muốn dùng máu thịt của người sống để luyện kiếm đây?
Sau đó, hai vợ chồng Can Tương luyện thành công song kiếm thư hùng, chính là song kiếm thư hùng Can Tương Mạc Tà. Tuy nhiên, Can Tương giữ lại thanh Hùng kiếm, chỉ giao thanh Thư kiếm.
Nguồn gốc của ba thanh kiếm còn lại là Long Uyên, Thái A và Công Bố cũng khá thần kỳ. Theo “Việt Tuyệt Thư” giới thiệu, ba thanh bảo kiếm này là do Sở Chiêu Vương tìm Âu Dã Tử và Can Tương hai người liên thủ chế tạo ra. Hai người đến một nơi gọi là núi Từ, tạc núi rút cạn lòng suối mới tìm thấy đá quặng ở dưới đáy khe suối dùng để luyện kiếm. Về việc hai người làm thế nào mà tìm được ngọn núi này, tại sao xác định được dưới nước có đá quặng, thì không ai biết. Dân gian lưu truyền thuyết pháp là Âu Dã Tử tìm đến được thần tiên điểm hóa trong mộng, tìm hai con hạc trắng dẫn đường, thì ông mới biết.
Ngọn núi Từ theo khảo chứng chính là núi Tần Khê ngày nay ở thành Nam huyện Long Tuyền, tỉnh Chiết Giang. Thôn dân địa phương truyền miệng từ đời này sang đời khác rằng nơi đây chính là nơi hai người năm đó luyện kiếm. Hai người dẫn nước từ hồ Kiếm Trì gần đó đến bảy ao nước hình chòm sao Bắc Đẩu để luyện kiếm, bảy ao nước này nằm ngay bên cạnh lò đúc kiếm. Vì vậy, bảy thanh kiếm được luyện ra còn được gọi là Thất Tinh kiếm, và thanh kiếm nổi tiếng nhất là Thất Tinh Long Nguyên kiếm. Người ta nói rằng hình ảnh của bảy ngôi sao chòm sao Bắc Đẩu được uẩn hàm trong các thanh kiếm.
Sau đó, để tránh danh húy của Đường Cao Tổ Lý Uyên, Long Uyên kiếm được đổi tên thành Long Tuyền kiếm. Bây giờ khi mọi người nói về những thanh kiếm đó, họ thường gọi là Thất Tinh bảo kiếm, hay Long Tuyền bảo kiếm, và đó là xuất xứ của chúng.
Tóm lại, mỗi thanh kiếm trong số 10 đại bảo kiếm năm đó đều có rất nhiều những chỗ thần kỳ riêng, nhưng chúng đều được sản xuất tại nước Việt. Trong đó, nước Ngô sở hữu 4 thanh, nước Sở sở hữu 3 thanh, nước Việt sở hữu 2 thanh, Can Tương giữ lại một thanh cho riêng mình. Mọi người đoán xem, nếu thanh bảo kiếm được khai quật hôm đó thực sự là một trong 10 đại danh kiếm này, thì nó sẽ là thanh nào?
Thanh kiếm Việt Vương Câu Tiễn
Trước tiên chúng ta hãy xem thanh kiếm này có gì thần kỳ.
Thanh cổ kiếm thân dài 55,7cm, rộng 4,6 cm; chuôi kiếm dài 8,4cm; tổng trọng lượng chưa đến 1kg, nhỏ nhắn tinh xảo. Trên thân kiếm có hoa văn hình lăng đều đặn, mặt chính diện của tay cầm được nạm lưu ly màu lam, mặt sau được nạm bằng đá lục tùng, có thể nói là tay nghề vô cùng tinh xảo. Không chỉ vậy, năm 1977, trong bộ phim tài liệu “Cổ kiếm”, các nhà nghiên cứu, trước ống kính thu hình, đã vung kiếm cắt xuyên hơn 20 lớp giấy. Xét về độ sắc bén, những thanh kiếm đương đại e khó có cái nào sánh được.
Tuy nhiên, thanh kiếm này ngoài độ sắc bén đơn thuần, nó còn có nhiều điều thú vị hơn khiến công nghệ ngày nay phải hổ thẹn. Hiện tại người ta công nhận 5 đặc điểm lớn:
1. Ngàn năm không gỉ
Các thành phần chủ yếu của thanh kiếm này là đồng và thiếc, là loại kiếm đồng thường thấy trong thời kỳ Xuân Thu. Vậy tại sao nó lại có màu vàng nâu kim thay vì màu xanh đen như màu đồng? Trên thực tế, những chiếc bình đồng đều có loại màu vàng nâu kim này khi chúng được chế tạo. Những chiếc đỉnh đồng khai quật được bấy giờ đều có màu sắc phú lệ đường hoàng, phối trên thân hoa văn mỹ lệ, tỏa ra khí chất cao quý và uy nghiêm, nên các bậc đế vương rất thích dùng những chiếc đỉnh đồng này làm vật dụng cho các tế tư hành lễ bái Thiên thượng. Nhưng đồng rất dễ rỉ sét, khi đào lên chúng sẽ trở thành toàn thân màu lục thâm đen mà mọi người nhìn thấy, cái tên “đồng xanh” cũng vì thế mà ra.
Nói cách khác, dung nhan của thanh bảo kiếm này đã không thay đổi trong suốt 2.500 năm. Vì vậy, làm thế nào để nó có thể giữ lại vẻ đẹp của mình? Một số chuyên gia cho rằng, thiếc không dễ bị oxy hóa, trên bề mặt kiếm có thể có một màng thiếc mỏng và kín, có tác dụng ngăn cách không khí. Một quan điểm phổ biến hơn cho rằng, đây có thể giống với thanh kiếm đồng mới sáng bóng trong lăng mộ binh mã đất nung của Tần Thủy Hoàng, sử dụng công nghệ ngâm trong dung dịch oxit crom chống gỉ. Tuy nhiên, loại công nghệ này mãi đến thế kỷ 20 người hiện đại mới làm chủ được, lẽ nào người cổ đại mấy ngàn năm trước đã biết bí quyết đó rồi sao?
2. Kỹ thuật hợp kim độ phức tạp cao
Kiếm đồng được đúc tạo ra, nghĩa là, dung dịch hợp kim đồng – thiếc được đổ vào khuôn mà thành. Trong tình huống này, tỷ lệ của hai kim loại hẳn giống nhau trên khắp thanh kiếm. Nhưng trên thực tế, sống của thanh kiếm này có nhiều đồng hơn, và lưỡi kiếm có nhiều thiếc hơn. Vì đồng dẻo và thiếc cứng, nên tỷ lệ này giúp thân kiếm dẻo và không dễ gãy, nhưng lưỡi kiếm rất sắc. Vậy ở đây công nghệ sử dụng là gì? Kỹ thuật phức hợp kim loại yêu cầu hai lần đúc. Đây là một kỹ thuật có độ khó rất cao trong giới luyện kim hiện nay, làm thế nào những người thợ đúc kiếm năm đó có thể làm được điều đó trong tình huống thao tác thủ công, thực sự đáng khâm phục.
3. Trang trí hoa văn hình lăng
Trên thân kiếm cổ được bao phủ bởi hai đường hoa văn lưới hình lăng, ở giao điểm của hoa văn có họa tiết đám mây tia chớp, bề mặt thân kiếm nhẵn bóng. Làm thế nào những hoa văn này được vẽ lên hay khắc lên? Các chuyên gia tin rằng khả năng là thực khắc, tức là hoa văn hình thành sau khi bề mặt kiếm bị các chất có tính axit ăn mòn. Thực khắc kim loại cũng là một công nghệ chỉ xuất hiện ở phương Tây cận đại.
4. 11 vòng tròn đồng tâm liền nhau
Chuôi thanh kiếm cổ có dạng hình đai tròn, dưới đáy có 11 vòng tròn đồng tâm, cách nhau chỉ 0,2 mm. Để đạt được độ chính xác như vậy, đặc biệt là trên kim loại, máy tiện hiện đại còn khó có thể đạt được, nhưng người xưa có thể làm được điều đó chỉ bằng đôi bàn tay khéo léo. Trên thực tế, chúng tôi cũng đã giới thiệu trước đây rằng những người thợ mộc trước đây đã sử dụng cấu trúc mộng và lỗ mộng để làm kết cấu gỗ, và độ chính xác có thể đạt tới 0,1mm, có thể được mô tả là tay nghề khéo léo phi thường.
5. Chữ khắc trên thân kiếm
Trên thân kiếm có khắc tám ký tự “Việt Vương Cưu Thiển Tự Tác Dụng”. Dòng chữ còn nguyên như mới, rốt cuộc làm sao lại khắc trên đó? Những người chuyên phỏng tạo kiếm cổ cho rằng nó sử dụng “thất lạp pháp” (Lost-wax casting), một trong những phương pháp đúc đồng cổ đại. Có nghĩa là, trước tiên tạo ra mô hình của thanh kiếm, sau đó dùng tay luồn sợi vàng vào, cuối cùng bôi sơn trắng. Nhưng đó chỉ là suy đoán. Công nghệ chân chính thế nào, thực sự vẫn chưa được biết.
Vậy “Việt Vương Cưu Thiển” này là ai? Tám dòng chữ trang trí hoa lệ tao nhã này là lối văn dùng trong chữ điểu trùng. Đây là một văn tự thịnh hành trong thời đại Ngô Việt đương thời. Vậy, chủ nhân của thanh kiếm là Việt Vương không sai. Tuy nhiên, trong lịch sử nước Việt không có vị vua nào là “Cưu Thiển”. Vậy “Cưu Thiển” là ai? Các chuyên gia văn bản cổ đại tin rằng “Cưu Thiển” là một giả danh của “Câu Tiễn”, và cách phát âm của hai từ này tương tự nhau trong ngôn ngữ Việt cổ. Tuyên bố này sau đó đã được cộng đồng khảo cổ học công nhận rộng rãi. Vậy thì, thanh bảo kiếm quý giá này hẳn phải là vật tùy thân của Việt Vương Câu Tiễn năm đó. Như chúng ta vừa nói, trong số mười đại bảo kiếm, nước Việt có hai thanh kiếm Thuần Quân và Cự Khuyết, trong đó Thuần Quân nhỏ và tinh tế, còn Cự Khuyết to rộng. Nếu thanh kiếm này thực sự thuộc về Câu Tiễn, thì nó hẳn là thanh nhỏ hơn, tức là Thuần Quân, là thanh kiếm được Tiết Chúc khen ngợi năm đó. Quý vị nghĩ có đúng không?
Nhưng làm sao một kho báu như vậy lại nằm trong lăng mộ của vương công nước Sở? Nếu được chôn trong lòng đất, nó nên được chôn cùng Câu Tiễn mới đúng, phải không? Kỳ thực, hai quốc gia Sở và Việt từ cổ đã có mối quan hệ thân thiết, họ thường kết hôn với nhau. Con gái của Câu Tiễn là Việt Cơ được gả cho Sở Chiêu Vương. Sau đó, Sở Chiêu Vương lâm trọng bệnh, Việt Cơ để bảo vệ chồng khỏi tai họa, đã cố gắng thí mạng hoán mạng, tự sát vong thân. Tuy nhiên, mạng sống của Sở Chiêu Vương vẫn không thể nào hoán đổi. Sau khi Sở Chiêu Vương qua đời, các vương công đại thần cảm niệm sự trung nghĩa của Việt Cơ, đã lập con trai của Việt Cơ làm vua, chính là Sở Huệ Vương, cũng chính là cháu ngoại của Câu Tiễn. Từ đó về sau lưỡng quốc là một gia đình. Câu Tiễn năm đó khi diệt nước Ngô, nước Sở cũng trợ giúp lực lượng. Do đó hiện tại giới khảo cổ phổ biến cho rằng thuyết pháp này chính là thanh kiếm Thuần Quân khả năng được công chúa nước Việt mang đến nước Sở với thân phận là của hồi môn, đó hoặc là Việt Cơ, hoặc là một công chúa kết hôn sau này.
Những vật linh dị cuối cùng sẽ biến mất
Phần giới thiệu về bảo kiếm của chúng tôi xin dừng ở đây. Cổ nhân thường nói bảo vật đều là có linh tính. Có một câu chuyện như vậy trong “Tần Thư ‧Trương Hoa Liệt Truyền”. Khi nói về thời kỳ Tam Quốc, song kiếm Can Tương Mạc Tà đã từng xuất hiện trở lại ở nhân gian. Sau khi nước Ngô bị diệt, một luồng khí màu tím tượng trưng cho vương khí vẫn thịnh vượng ở nước Ngô. Lôi Hoán, một chuyên gia chiêm tinh, phán định rằng đó là khí của bảo kiếm, sau đó quả nhiên ông đã đào được song kiếm thư hùng Can Tương Mạc Tà dưới luồng khí màu tím. Vào ngày bảo kiếm xuất thế, khí tím liền tiêu biến.
Lôi Hoán dâng thanh kiếm Can Tương cho tể tướng Trương Hoa, giữ lại thanh kiếm Mạc Tà cho riêng mình. Trương Hoa rất vui mừng, nói rằng một thầy tướng nói với ông ta rằng ông sẽ nhận được một thanh kiếm trong tương lai. Tuy nhiên, Lôi Hoán nói với Trương Hoa, “Linh dị chi vật, chung đương hóa khứ, bất vĩnh vi nhân phục”, ý tứ là những linh vật cuối cùng sẽ biến mất, không mãi mãi phục vụ con người. Không lâu sau đó, Trương Hoa gặp nạn vong thân, thanh kiếm Can Tương không biết đi đâu. Sau khi Trương Hoa chết, con gái của ông mang thanh kiếm đến sát mép nước, thanh bảo kiếm tự hành rời khỏi vỏ rơi xuống nước, chỉ thấy hai con rồng dài vài trượng bay đến gần mặt nước. Từ đó trở đi không ai còn nhìn thấy song kiếm Can Tương Mạc Tà nữa.
Vậy vì sao ngày nay, thanh bảo kiếm Thuần Quân lại lần nữa hiện thế, nó muốn nói với chúng ta điều gì?
- Trọn bộ Bí ẩn chưa được giải đáp
Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch