Đại Kỷ Nguyên

Nội hàm thâm thuý đằng sau truyện “Thầy bói xem voi” và “Ông lão đánh cá” 

Những câu chuyện cổ dân gian mà thủa ấu thơ chúng ta thường được đọc hay nghe kể, thường rất thâm thúy và mang chứa nhiều tầng nội hàm của văn hóa Thần truyền. Trẻ nhỏ tuy chưa có trải nghiệm nhân sinh để hiểu tận ý nghĩa của chúng, nhưng luôn ghi nhớ và mang theo suốt cả cuộc đời, để rồi một lúc nào đó, như tôi lúc này, lại mở nó ra và chiêm nghiệm. 

Cả hai câu chuyện mà tôi muốn chia sẻ hôm nay, đều là những truyện kinh điển mà ai cũng đã từng đọc.

Thầy bói mù xem voi

Câu chuyện đầu tiên là “Thầy bói mù xem voi”. Theo Wikipedia, đó là câu chuyện dân gian thuộc thể loại châm biếm, nguồn gốc là truyện ngụ ngôn “Con voi và những kẻ mù” của Ấn Độ cổ đại. Chuyện kể rằng, nhân buổi ế hàng, năm ông thầy bói mù chuyện gẫu với nhau, thầy nào cũng phàn nàn không biết hình thù con voi nó ra làm sao. Chợt nghe người ta nói có voi đi qua, năm người chung tiền biếu người quản tượng xin cho con voi đứng lại để cùng xem. Thầy sờ vòi, thầy sờ ngà, thầy sờ tai, thầy sờ chân, thầy thì sờ đuôi. Rồi năm thầy ngồi lại bàn tán với nhau.

Thầy sờ vòi bảo: – Tưởng con voi nó thế nào, hóa ra nó dài như con đỉa!

Thầy sờ ngà bảo: – Không phải, nó cứng như cái đòn càn chứ!

Thầy sờ tai bảo: – Ðâu có! Nó to bè bè như cái quạt thôi!

Thầy sờ chân cãi lại: – Ai bảo? Nó sừng sững như cái cột nhà!

Thầy sờ đuôi lại nói: – Các thầy nói không đúng cả. Nó chính là tua tủa như cái chổi sể cùn.

Năm thầy, thầy nào cũng cho mình nói đúng, không ai chịu ai, thành ra xô xát, đánh nhau toạc đầu, chảy máu. 

Thoạt nghe, chúng ta có thể nghĩ: Chà, mấy ông thầy bói đã mù rồi lại còn thích hiển thị, ai cũng cho là mình đúng, tranh tranh đấu đấu! Vừa đáng thương vừa đáng trách, sao không có ai giúp các ông ấy phân giải nhỉ?

Kỳ thực, nếu suy nghĩ sâu hơn một chút, chúng ta sẽ nhận ra trong những ông thầy bói mù kia phảng phất hình ảnh của chính chúng ta.

Mấy ông thầy bói bị mù dường như là ẩn dụ cho xã hội nhân loại: Mắt thịt của con người chỉ có thể nhìn thấy ánh sáng khả kiến trong dải bức xạ điện từ có bước sóng từ khoảng 380-760 nm; vật kích thước nhỏ như hạt bụi mắt thịt không thấy được, bầu trời đêm với các vì sao mà chúng ta có thể quan sát được bằng mắt cũng chỉ thưa thớt. Với sự phát triển của khoa học, con người đã tạo ra những thiết bị có dải ánh sáng khả kiến lớn hơn, như kính viễn vọng Hubble, cho phép con người quan sát dải Ngân Hà và các thiên hà xa xôi, chụp lại những khoảng không vũ trụ tuyệt đẹp mà mắt thịt nhìn không tới; cũng tạo ra kính hiển vi có thể quan sát tới diện mạo của tế bào. Thế nhưng chúng vẫn chưa tới được diện mạo của nguyên tử, mà dưới nguyên tử còn có vô số vật chất vi quan hơn nữa… nên dù với thiết bị khoa học tiên tiến nhất, thì khả năng quan sát của con người vẫn luôn bị hạn cuộc. 

Cảnh quan không gian sâu và dải Ngân Hà do Hubble chụp (ảnh: NASA)

Không chỉ tầm nhìn bị giới hạn ở dải ánh sáng khả kiến, các giác quan khác của con người cũng vậy, chỉ nằm trong một dải hẹp. Tai người chỉ nghe được âm thanh trong dải tần rất hẹp, từ 20Hz đến 20kHz; sóng radio, sóng siêu âm, sóng hạ âm… thì chúng ta đều không nghe được, mà phải dùng thiết bị bắt sóng đưa về dải tần khả thính, nhưng khả năng của thiết bị cũng có giới hạn. Như vậy, có vẻ như chân tướng vũ trụ là những gì nằm ngoài khả năng quan sát được của nhân loại; vượt lên giới hạn của mình thì nhân loại mới có thể cảm thụ.

“Thầy bói xem voi” cũng cho thấy, sai lầm của con người thường là do xem xét nhìn nhận sự vật một cách cảm tính, cuộc hạn, nhưng lại cố chấp. Sự cố chấp xuất phát từ việc ai cũng cho mình là đúng – Trong giới hạn mà ta quan sát được, thì nó đúng, nhưng mở ra phạm vi rộng hơn, thì nó không còn đúng nữa. Mà đại não người có một điểm yếu, là khi nó lần đầu tiếp nhận một tín tức gì đó, đặc biệt khi tín tức đó được tuyên truyền quảng bá rộng rãi, thì bất kể thật giả tốt xấu, sẽ nhanh chóng được đại não tiếp thụ và biến thành một “định lý”. Khi ai đó nói với nó những điều khác lạ, nó sẽ lập tức phản ứng và từ chối tiếp nhận; từ đó, đại não mất đi năng lực tư duy độc lập và lý tính.  

Vậy làm cách nào để chúng ta bứt phá được hạn chế đó của bản thân, tiệm cận chân tướng của vấn đề? Điều này hẳn có liên quan chặt chẽ đến việc đề cao tâm tính của chúng ta. Hãy xem những ông thầy bói kia, nếu họ bỏ đi những tâm không tốt như tâm hiển thị, tâm tật đố, tâm tranh đấu, sự cố chấp, v.v… để kiên nhẫn hòa ái lắng nghe ý kiến của nhau và cùng lý giải vấn đề, thì họ rất có thể sẽ mường tượng ra một “con voi” chân thực hơn. Trong cuộc sống cũng vậy, nếu có thể hòa ái lắng nghe, thấu hiểu tâm tư của người khác, bảo trì tư duy độc lập và lý tính, ắt có thể đạt đến cảnh giới của trí huệ. Bởi vì thế giới này, từ vi quan đến vĩ quan, đều quá mênh mông và huyền bí, sự hiểu biết của mỗi người chỉ như thể một giọt nước trong đại dương mà thôi.

Ông lão đánh cá và con cá vàng

Câu chuyện kinh điển thứ hai mà tôi muốn chia sẻ đó là “Ông lão đánh cá và con cá vàng”. Chuyện kể rằng, một hôm ông lão đánh cá nghèo đi đánh cá, cả ngày vất vả chỉ vớt được một chú cá vàng nhỏ xíu. Cá vàng van xin ông tha mạng, hứa trả ơn ông xứng đáng. Ông lão cảm thương cá vàng, thả nó đi mà không yêu cầu gì cả. Về nhà ông kể chuyện cho vợ, bà lão mắng ông và đòi chiếc máng lợn mới. Ông lão ra biển gặp lại cá vàng, xin cá một chiếc máng lợn, quả nhiên về nhà đã có. Bà lão liền nổi lòng tham, đòi ông xin cá vàng một ngôi nhà mới. Ông lão lại ra xin và được một ngôi nhà mới. Tuy nhiên bà lão vẫn thấy mình thấp kém, muốn trở thành một nữ hoàng trong điện ngọc. Ông lão lại lủi thủi ra biển, nào ngờ cá vàng cũng thỏa mãn bà lão. Đáng buồn là, chẳng được mấy lâu, bà lão lại đổi ý muốn thành Long vương dưới biển, được cá vàng hầu hạ… Đến lúc này, cá vàng không thấy đâu, trời nổi cơn giông bão, ông bà lão phút chốc trở về túp lều cũ nát xưa.

Câu chuyện không chỉ nói về lòng tham của con người, mà còn có một tầng nội hàm thâm sâu hơn. Trong cuộc nhân sinh, người thì vì tình mà cứ mãi bươn chải, kẻ thì vì tham mà cứ luôn đòi hỏi. Chúng ta sinh ra với hai bàn tay trắng, dẫu một đời có giàu sang phú quý, nhưng hảo cảnh đâu thường tại, cuối cùng cũng lại là hai tay trắng mà đi. Cuộc sống phải chăng chỉ xoay quay những cơm áo gạo tiền, công danh lợi lộc? Nhân sinh rốt cuộc là vì điều gì, con người liệu có cách nào thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đó chăng? 

Người xưa dạy con từ nhỏ chuyên chú đọc sách Thánh hiền, tu tâm dưỡng đức, giữ gìn gia phong, phải chăng là để lưu tồn cho chúng ta một cơ hội tìm về giá trị đích thực của nhân sinh? Các bậc Giác Giả nhẫn khổ tu luyện, phải chăng cũng là để soi sáng và lưu truyền cho nhân loại một lối đi vĩnh hằng của sinh mệnh?

Hai câu chuyện trên, một châm biếm nhân tâm, một châm biếm dục vọng – cả hai thứ đều không mang đến kết cục tốt đẹp gì. Con người, nếu có thể thoát khỏi định kiến, đề cao tâm tính, xả bỏ dục vọng, thoát ra khỏi hỉ nộ ái ố của thế gian, thì sẽ có thể thăng hoa, nhận thức tới cảnh giới siêu phàm mỹ hảo.

Hương Thảo

Exit mobile version