Nguyễn An (1381-1453) là người vùng Hà Đông, ngoại thành Hà Nội. Khi mới 16 tuổi, với tài năng tính toán và biệt tài kiến trúc, Nguyễn An đã bắt đầu tham gia vào các hiệp thợ xây dựng cung điện nhà Trần tại kinh thành Thăng Long. Khi ấy, Nguyễn An hẳn không thể nào ngờ rằng chính vì tài nghệ của mình mà sau này ông lại trở thành một hoạn quan nổi tiếng trong cung nhà Minh.

Nguyễn An là ai?

Năm 1407, nhà Minh dưới danh nghĩa “Phù Trần, diệt Hồ” tiến vào xâm lược Đại Việt. Không chỉ cướp phá các văn vật văn hóa của Đại Việt, quân Minh còn bắt đi rất nhiều nhân tài ưu tú và các thợ khéo đem về phục vụ triều đình.

Vua triều Minh bấy giờ là Minh Thành Tổ (tên thật Chu Đệ, hiệu Vĩnh Lạc), hoàng đế thứ ba của nhà Minh. Minh Thành Tổ lên ngôi sau khi lật đổ cháu trai là Huệ Đế trong một cuộc nội chiến. Việc lên ngôi không danh chính ngôn thuận này đã khiến ông không nhận được sự ủng hộ của nhiều văn võ bá quan trong triều.

Trong bối cảnh đó, Minh Thành Tổ cho dời đô từ Nam Kinh về Bắc Bình (nay là Bắc Kinh), vùng đất phong trước đây của ông. Minh Thành Tổ ấp ủ nguyện ước xây dựng tại đây một cung điện sẽ được ví như tiên cảnh nơi trần thế. Ông khao khát lấy sự đồ sộ và tráng lệ của cung điện này khẳng định Thiên mệnh của mình.

70_54_donghoa
Nguyễn An đã bị bắt làm tù binh trong cuộc cướp phá tàn bạo của quân Minh. Ảnh dẫn qua: vothuat.vn

Trái với hiệu Vĩnh Lạc – sự an vui muôn đời, Minh Thành Tổ luôn sống trong sự nghi kị với các học sĩ quan lại. Ông chỉ tin dùng, trọng dụng các thái giám. Nguyễn An lúc bấy giờ đã là một hoạn quan trong cung nhà Minh. Biết đến tài nghệ kiến trúc cùng sự liêm khiết và chính trực hiếm có của Nguyễn An, Minh Thành Tổ đã giao cho ông trọng trách làm “Tổng đốc công” (“Tổng công trình sư”) cùng với các kiến trúc sư khác xây dựng cung điện mới tại Bắc Kinh – Tử Cấm Thành.

Theo sử sách ghi chép lại, Nguyễn An đã tham gia vào việc xây dựng Tử Cấm Thành ngay từ những ngày đầu và theo sát công trình suốt quá trình 14 năm xây dựng  (1406-1420. Ông đã tự mình sắp đặt rất nhiều công việc từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, đào tạo nhân công cho đến thiết kế và giám sát việc xây dựng công trình.

Sau khi hoàn thành việc xây dựng Tử Cấm Thành, Nguyễn An tiếp tục phục vụ cho bốn đời vua tiếp theo. Trong suốt quá trình này, Nguyễn An luôn được các vua Minh trọng dụng trong các công tác xây dựng quan trọng, tiêu tốn nhiều nhân lực và vật lực. Vua Minh Anh Tông tin tưởng giao phó cho Nguyễn An công việc trùng tu lại Thành Bắc Kinh, trong đó có việc trùng tu ba cung bị cháy trong Tử Cấm Thành (năm 1421) và xây dựng thêm các cung, điện, phủ, dinh thự, công sở các ty ở Hoàng Thành (Tử Cấm thành được bao quanh bởi Hoàng Thành và vòng ngoài cùng là thành phố Bắc Kinh).

95_TCT1Tử Cấm Thành – Cung điện đồ sộ nhất dưới thời các triều đại phong kiến Trung Hoa. Ảnh dẫn qua: tourbkk.com

Bên cạnh việc xây dựng Tử Cấm Thành, Nguyễn An còn có công lao rất lớn trong việc trị thủy trên sông Hoàng Hà vào mùa lụt năm 1444 – 1445. Việc hàn khẩu đê điều, xây dựng lại các công trình thủy lợi lớn tại các nơi xung yếu trong những năm này đều được vua Minh tin tưởng giao phó cho Nguyễn An. Sự nghiệp của Thái giám Nguyễn An được các vua triều Minh ghi nhận, ông được phong đại thần dưới triều vua Minh Thành Tổ.

Điều gì khiến lịch sử phải lưu danh của một vị thái giám?

Minh Thành Tổ luôn giữ khát vọng to lớn, Tử Cấm Thành phải là cung điện huy hoàng nhất trong các triều đại từ trước đến nay về cả quy mô và tầm vóc. Ước vọng ấy của vị đế vương thực sự sẽ là gánh nặng vô cùng lớn cho bất kể kiến trúc sư nào.

Nguyễn An đã làm việc không mệt mỏi dưới áp lực ấy để kiến tạo nên một quần thể các công trình với cung điện, dinh thự, lầu thành phân bổ hết sức hợp lý theo cấu trúc Tiền Triều, Hậu Cung, trải rộng trên diện tích 720.000 m2. Nhìn vào sự đồ sộ của diện tích, và số lượng các công trình cần thiết kế, người đời sau có lẽ đã phần nào thấy được óc quan sát, tài tính toán, sắp xếp, quy hoạch của ông.

Nhưng cái làm nên phần hồn thật sự của Tử Cấm Thành chính là những ý nghĩa biểu trưng mà Công trình này chứa đựng. Nói một cách khác thiết kế của Nguyễn An đã mang tất cả những tinh hoa văn hóa Trung Hoa gửi vào từng chi tiết của Tử Cấm Thành. Qua cách cấu trúc và sắp đặt các cung điện, cách sử dụng màu sắc chủ đạo đỏ – vàng, cách sử dụng các con số biểu tượng và những hình ảnh biểu trưng của sức mạnh Rồng, Nguyễn An đã khéo léo thể hiện rất nhiều những giá trị truyền thống cốt lõi của phương Đông: quan niệm Trời tròn – Đất vuông, các đạo lý kính Trời, trọng Đạo, Thiên nhân hợp nhất, Âm dương giao hòa.

Tử Cấm Thành với sự đồ sộ về quy mô và cảnh tượng như chốn tiên cảnh, chứa đựng đầy đủ những tinh hoa văn hóa của dân tộc Trung Hoa ấy đã được tất cả những hoàng đế tiếp sau Minh Thành Tổ chọn lựa chọn làm cung điện chính của triều đình. Công trình do vị Kiến trúc sư nhỏ bé Nguyễn An thực hiện ấy đã chứng kiến sự thịnh suy của hai triều đại Minh – Thanh, trải qua 24 đời vua trong suốt hơn 500 năm lịch sử. Đó cũng chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tài năng thiết kế của Nguyễn An.

80_tu-cam-thanh-forbidden-city-china-history-2
Tử Cấm Thành – Công trình thể hiện rõ nét đạo lý Thiên nhân hợp nhất. Ảnh: lotuspro.net

Bên cạnh tài năng thiết kế, sử sách còn ghi lại rằng Nguyễn An có  tài năng tính toán và tổ chức công việc ít người sánh được. Một công trình đồ sộ như Tử Cấm Thành không thể chỉ mất 3 năm lắp ráp và xây dựng nếu thiếu đi sự tổ chức tài tình của ông. Nguyễn An đã cho tập hợp toàn bộ nguyên vật liệu trên cả công trường lớn trong suốt 13 năm ròng. Mọi chi tiết đều được chuẩn bị sẵn sàng và kĩ lưỡng sau đó công việc lắp ráp, xây dựng mới được bắt đầu.

Thời gian sau đó, khi chỉ huy các công trình trùng tu kinh thành Bắc Kinh và xây dựng Hoàng Thành, tài năng tổ chức của Nguyễn An càng được bộc lộ rõ. Khi vua Minh Anh Tông ngỏ ý muốn tu sửa lại kinh thành Bắc Kinh, Bộ Công đã xin huy động đến 18 vạn người và 5 năm để hoàn thiện khối lượng công việc đồ sộ này. Song, khi được giao nhiệm vụ, Nguyễn An đã tính toán để chỉ sử dụng 1 vạn binh lính đang luyện tập tại kinh sư cho công việc xây dựng và trùng tu. Dưới sự chỉ đạo của ông, mọi công việc được hoàn tất chỉ trong vòng 3 năm.

440px-Beijing-forbidden4
Điện Thái Hòa trong Tử Cấm Thành. Ảnh: Wikipedia. 

Đoạn ghi chép trong sách “Kinh Thành Ký Thắng” của Dương Sĩ Kì đã ca ngợi ông: “Nguyễn An tự tay vạch kiểu, thành hình là lập được thế, mắt ngắm là nghĩ ra cách làm, tất cả đều đúng với quy chế. Bộ công và các thợ thuyền đành chịu khoanh tay, bái phục, nghe ông chỉ bảo, sai khiến, thật là người đại tài, xuất chúng“.

Trong lịch sử Trung Hoa, số lượng thái giám được sử sách lưu danh với những công trạng và đóng góp cho sự phát triển của đất nước không nhiều. Nhưng Nguyễn An chinh là một trong số đó. Sự tủi nhục của thân phận không nhấn chìm tài năng của ông. Trái lại, nó trở thành động lực mạnh mẽ để ông cống hiến tài năng ấy trong suốt cuộc đời.

Bông sen Việt trong “đầm bùn” quan hoạn Cố Cung

Thế giới của các hoạn quan trong Cung đình Trung Hoa không bao giờ mang màu sắc tươi sáng. Các hoạn quan luôn bị khinh thường vì giới tính của mình. Hi vọng duy nhất của họ chính là sự thành bại của cuộc sống nơi Cố Cung. Với vai trò đảm nhận các công việc hầu hạ trong cung và trông coi các cung tần mỹ, đa số các hoạn quan chọn cách sống luồn cúi, tham gia vào các phe phái chính trị nơi triều đình và hậu cung nhằm xây dựng quyền lực và sự giàu có của riêng bản thân mình.

Cũng là một hoạn quan nhưng Nguyễn An đã không chọn con đường của đa số. Ông đã chọn vượt qua sự mất mát về thể xác và danh dự, giữ vững sự liêm khiết và chính trực của mình. Chính điều đó cùng với tài năng hiếm có đã giúp ông có được cơ hội ngàn vàng để khôi phục danh dự, trở thành Tổng công trình sư của Tử Cấm Thành. Nếu thiếu đi phần đức độ ấy, có lẽ Nguyễn An đã không chiếm được sự tin tưởng của vị vua đầy nghi kị Vĩnh Lạc.

TCT4
Sơ đồ Tử Cấm Thành. Ảnh: bachkhoatrithucvn

Vẻ đẹp của nhân cách Nguyễn An còn được thể hiện rất rõ trong tinh thần trách nhiệm với công việc. Trong bất kì công trình nào được tin tưởng giao phó, Nguyễn An đều hết lòng suy tính để tiết kiệm tối đa tài lực cho quốc gia. Không chỉ có vậy, lòng tận tụy với công việc của Nguyễn An cũng khiến người đời sau phải khâm phục. Ông đã cống hiến cả cuộc đời mình cho các công trình của Tử Cấm Thành và công việc trị thủy. Nguyễn An đã mất trên đường đi cứu một con đê bị vỡ ở Sơn Đông, vào năm 1453.

Tấm lòng liêm khiết và nhân hậu như tô điểm thêm nhân cách cao đẹp của người kiến trúc sư tài hoa. Trước khi mất, Nguyễn An đã trăng trối rằng ông không muốn được xây lăng mộ, mà mong muốn số tiền ấy sẽ được sung công quỹ để cứu trợ cho những người dân vùng lũ nơi ông đang đi mà chưa kịp tới. Cận kề sinh tử, ông vẫn nghĩ tới công việc và những người dân vô tội.

Tuy ông có công trạng rất lớn trong việc tạo dựng nên niềm tự hào Trung Hoa – Tử Cấm Thành, tên tuổi tuổi của ông lại rất lu mờ tại đất nước này. Rất ít người biết tới Nguyễn An, thậm chí cả các nhà nghiên cứu. Chính vì vậy, đến khi bộ phim “Tử Cấm Thành – Bản di chúc của một bạo chúa” của đài truyền hình ZDK – CHLB Đức được công chiếu, công lao của ông mới được thế giới biết đến.

Tử Cấm Thành nguy nga là vậy lại do bàn tay của một người Việt nhỏ bé tạo nên. Và cũng chính nhờ bộ phim này, người Việt Nam đã có thêm hiểu biết về một người con đất Việt vô cùng ưu tú. Hình ảnh của Nguyễn An trong lòng của mỗi người Việt từ nay về sau chắc hẳn giống như một đóa sen trắng, vượt lên mọi bùn lầy tanh hôi, giữ trọn vẹn vẻ thanh cao của mình để lặng lẽ tỏa hương.

Hoa Quỳnh

Xem thêm: