Có câu rằng: “Trong nhà có bảy thứ: củi, gạo, dầu, muối, tương, giấm, trà”, đó là bảy loại nhu yếu phẩm không thể thiếu hàng ngày. Người Trung Hoa có thói quen ‘ăn xong uống một chén trà’, cho nên nói trà có nội hàm văn hóa và lịch sử rất thâm sâu.
Dân tộc Hoa Hạ là nguồn gốc và cũng là cái nôi của văn hóa trà. Khách tới chơi nhà, gia chủ sẽ rót một tách trà nóng kính cẩn mời khách. Đúng như câu:
“Nhất bôi xuân lộ tạm lưu khách,
Lưỡng dịch thanh phong kỷ dục Tiên”
(Một chén trà xuân tạm giữ khách,
Cuộc sống thanh nhàn làm người muốn thành Tiên)
Một trong tứ đại danh tác nổi tiếng thế giới là Hồng Lâu Mộng cũng có những đoạn miêu tả rất tỉ mỉ và tinh tế về trà. Toàn bộ tiểu thuyết có đến 273 phân đoạn đề cập đến trà, đến mức có người cho rằng từng trang giấy đều thấm đẫm hương trà. Tào Tuyết Cần cũng đề thơ rằng:
Cô gái hầu trà xem đã thạo
Lấy ngay tuyết mới thử pha chơi.
Trong toàn truyện có tên các loại trà, dụng cụ pha trà, trà đạo, phong tục uống trà, nước trà, trà thực, trà thơ… Có thể nói là đầy khắp các trang giấy đều ngan ngát hương trà. Qua đây không khó để nhận thấy rằng Tào Tuyết Cần thực sự là một chuyên gia trà đạo đích thực.
Giáo sư Vương Nhân Ân của đại học Jimei đã dành nhiều năm nghiên cứu và giải đọc về Hồng Lâu Mộng. Tác phẩm “Vương Nhân Ân và khám phá mới về Hồng Lâu Mộng” được coi là đại từ điển mới trong nghiên cứu Hồng Lâu. Bàn về văn hóa trà trong bộ tiểu thuyết, ông Vương có rất nhiều điều tâm đắc…
Am hiểu thâm sâu về trà đạo
Theo giáo sư Vương Nhân Ân, dường như có một mối lương duyên kỳ lạ giữa trà và văn nhân Tào Tuyết Cần, từ “củi, gạo, dầu, muối, tương, dấm, trà” tới “cầm, kỳ, thư, họa, thi, tửu, trà”. Gia tộc ba đời của Tào Tuyết Cần gồm Tào Chấn Ngạn, Tào Dần, Tào Ngung, Tào Phủ cha truyền con nối kế thừa cửa hàng dệt ở Giang Nam gần 60 năm. Ảnh hưởng của gia tộc và những trải nghiệm cuộc sống ở Giang Nam chính là nguồn tư liệu sống để ông sáng tác nên những tác phẩm bất hủ. Trong Luyện Đình thư mục của Tào Dần cũng có tới 16 cuốn sách viết về trà sự.
Tào Tuyết Cần hiểu rõ chức năng và giá trị của trà. Trong tác phẩm của mình ông nhiều lần kể về những câu chuyện liên quan tới trà. Hồi thứ 41, ni cô Diệu Ngọc có câu danh ngôn: “Uống chén thứ nhất là để thưởng thức mùi vị trà, chén thứ hai là phường ngu xuẩn uống cho khỏi khát, đến chén thứ ba là con trâu con lừa uống rồi”. Câu nói này rất tinh túy, nếu không phải người am hiểu trà đạo thì không thể lý giải.
Theo giáo sư Vương Nhân Ân, phần kinh điển nhất bàn về trà trong bộ truyện này chính là ở hồi thứ 41: “Am Lương Thúy, Bảo Ngọc thưởng trà ngon”. Trong đó có đoạn:
Bảo Ngọc để ý xem cách tiếp đãi của Diệu Ngọc như thế nào, thấy Diệu Ngọc mang cái khay nhỏ kiểu hoa hải đường, sơn bốn chữ vàng “vân long hiến thọ”, trong đặt một cái chén sứ Châu Thành năm màu dâng lên. Giả mẫu nói:
– Tôi không uống trà Lục An đâu.
– Tôi biết rồi. Đây là trà “Lão quân my” ạ.
– Pha bằng nước gì?
– Nước mưa năm ngoái đấy.
Giả mẫu uống nửa chén rồi đưa cho già Lưu, nói:
– Bà thử nếm trà này xem.
Già Lưu uống một hơi, cười nói:
– Ngon có ngon, nhưng hơi nhạt. Pha đặc một tí thì hơn.
Giả mẫu và mọi người cười ầm lên. Sau đều uống trà rót vào bát trắng có nắp.
(…)
Diệu Ngọc đang định ra lấy chén, thấy bà già đã thu dọn ấm chén ở ngoài sân. Diệu Ngọc vội nói: “Đừng cất cái chén sứ Châu Thành vội, hãy để ở ngoài ấy”.
Bảo Ngọc hiểu ý, biết là già Lưu uống chén ấy, sợ bẩn nên cô ta không dùng nữa. Sau Diệu Ngọc lại mang hai cái chén khác ra, một cái có quai, trên khắc ba chữ lệ “cô kiều trác” (chén hình quả bầu), bên cạnh có một hàng chữ nhỏ, viết chân phương “Vương Khải trân ngoạn” (đồ chơi quý của Vương Khải ngày xưa); lại có một hàng chữ nhỏ nữa viết “Tống Nguyên Phong ngũ niên tứ nguyệt My Sơn Tô Thức kiến ư bí phủ” (tháng tư năm Nguyên phong thứ năm đời Tống, ông Tô Thức người ở My Sơn tìm thấy trong bí phủ). Diệu Ngọc rót một chén đưa cho Bảo Thoa. Còn một chén dáng như cái bát nhưng mà nhỏ, cũng có ba chữ “điểm tế kiều” (có tâm linh thông cảm với nhau) khắc lối triện.
Hay đoạn sau:
Đại Ngọc hỏi:
– Đây cũng là nước mưa năm ngoái phải không?
Diệu Ngọc cười nhạt:
– Cô mà lại là người rất tục, nước uống không biết nếm. Đó là tuyết ở trên hoa mai mà 5 năm về trước tôi lấy ở chùa Huyền Mộ Bàn Hương đấy, chỉ chứa được đầy một lọ hoa màu xanh thôi. Tôi chôn xuống đất để dành mãi, không uống, đến hè năm nay mới đào lên. Tôi chỉ uống một lần, hôm nay là lần thứ hai, cô nếm cũng không biết à? Nước mưa năm ngoái làm gì có hương vị mát dịu như thế? Uống thế nào được?
Đoạn này miêu tả rất tỉ mỉ và tinh tế từ cách chọn trà, chọn nước, chọn bộ đồ pha trà và hoàn cảnh phù hợp. Lấy ví dụ về cách chọn trà: trà thượng phẩm “Lão quân my” mà ni cô Diệu Ngọc và Giả mẫu đề cập là thích hợp với những người có thân phận cao quý như các quý bà, công tử, tiểu thư sau khi thưởng thức những món ăn có nhiều dầu mỡ ngấy ngán, lại phù hợp với thói quen dùng trà sau bữa ăn. “Già Lưu uống một hơi, cười nói: Ngon có ngon, nhưng hơi nhạt. Pha đặc một tí thì hơn” – chính là nói về cách bình trà và thưởng trà.
Là chuyên gia trà đạo, Tào Tuyết Cần đã biết cách làm trà hòa tan theo các tình tiết cũng như xây dựng nên tính cách của nhân vật. Ông có thể thông qua trà mà miêu tả tận cùng những nỗi bi hài trong tiểu thuyết, chứ không chỉ đơn thuần viết truyện và viết về trà.
Mượn trà để nói về người
Phẩm chất quý giá nhất của Bảo Ngọc là tôn trọng mọi người. Có nhà văn từng bình luận: “Trong màn sương mù của sự bi thương tràn ngập khắp Hoa Lâm, người có thể hít thở và lĩnh hội, duy chỉ có một người là Bảo Ngọc”.
Xã hội vẩn đục được mô tả trong Hồng Lâu Mộng vốn không coi trọng nữ giới, duy chỉ có Bảo Ngọc là thể nghiệm và nhận biết được tài năng xuất chúng và số phận đau buồn của họ. Trong giấc mơ nơi Ảo Cảnh, Bảo Ngọc đã uống hai thứ, một là “Thiên hồng nhất quật” (đồng âm với ‘Thiên hồng nhất khốc’ – ngàn bóng hồng cùng khóc) và hai là “Vạn diễm đồng bôi” (đồng âm với ‘Vạn diễm đồng bi’ – vạn vẻ đẹp đều buồn), sau đó lại được thưởng thức mười hai khúc Hồng Lâu Mộng.
Từ đáy lòng mình, Bảo Ngọc thấu hiểu vô hạn với nỗi khổ thầm kín của nữ nhi. Bằng trực quan, Bảo Ngọc linh cảm được sự miễn cưỡng và gò ép của Lý Hoàn, nhưng không thể diễn tả bằng lời mà phải biểu hiện bằng việc chê trách Đạo Hương Thôn – nơi các bậc trưởng bối phân cho Lý Hoàn ở. Đương nhiên những câu phê bình của Bảo Ngọc khiến Giả Chính nổi xung, bởi qua đó Bảo Ngọc đã hạ thấp một phần ý thức hệ phong kiến.
Loại trà mà Lâm Đại Ngọc thường uống là trà Long Tỉnh, có thể coi là loại trà thể hiện sự thanh cao, tinh khiết. Trong hồi thứ 82 có đoạn miêu tả như sau: “Đại Ngọc mỉm cười rồi gọi Tử Quyên: Đem thứ trà Long Tỉnh của ta pha cho cậu hai một chén. Cậu hai giờ đi học, không phải như trước nữa đâu”. Có một điều thú vị ở đây là, Bảo Ngọc đã đọc sách rồi nên đã có thể uống loại thanh trà này rồi. Đây là biểu hiện của sự tôn trọng những người đọc sách thánh hiền.
Tương tự như vậy, Hồng Lâu Mộng đề cập đến loại trà mà các cô gái trong Vinh phủ uống, đó là trà Phổ Nhĩ và trà Nữ Nhi. Kỳ thực đây chính là cùng một loại trà. Diệu bút của Tào Tuyết Cần là ở chỗ, cùng một loại trà mà các cô gái cao quý ở Di Hồng Viện uống thì gọi là “trà Nữ Nhi”, mà các cô gái ở Hiếu gia dùng thì gọi là “trà Phổ Nhĩ”.
Một điều vô cùng hàm xúc khác là, tên các vở kịch, đơn thuốc, tên gọi của trà… đều có mối quan hệ tới nội dung chính của bộ tiểu thuyết. Ví dụ, Giả mẫu là biểu tượng tinh thần của Giả phủ, sự cao quý của Giả mẫu làm những người xuất gia như ni cô Diệu Ngọc cũng kính cẩn lễ phép. Nên mới có “Lục An trà” và “Lão quân my”. Trà Lục An mà Giả mẫu nói, đối với người xuất gia như ni cô Diệu Ngọc vốn chưa quên tình cảm với Bảo Ngọc mà nói, có thể là một sự “bóng gió” nhẹ nhàng vô hình.
Phong tục “Thực trà”
Trong Hồng Lâu Mộng còn viết về một mặt khác của trà đạo, đó là “tục”, ví dụ như đoạn nói về dụng cụ dùng trà. Hồi thứ 41 viết:
Sau Diệu Ngọc lại mang hai cái chén khác ra, một cái có quai, trên khắc ba chữ lệ “cô kiều trác” (chén hình quả bầu), bên cạnh có một hàng chữ nhỏ, viết chân phương “Vương Khải trân ngoạn” (đồ chơi quý của Vương Khải ngày xưa); lại có một hàng chữ nhỏ nữa viết “Tống Nguyên Phong ngũ niên tứ nguyệt My Sơn Tô Thức kiến ư bí phủ” (tháng tư năm Nguyên Phong thứ năm đời Tống, ông Tô Thức người ở My Sơn tìm thấy trong bí phủ). Diệu Ngọc rót một chén đưa cho Bảo Thoa. Còn một chén dáng như cái bát nhưng mà nhỏ, cũng có ba chữ “điểm tế kiều” (có tâm linh thông cảm với nhau) khắc lối triện. Diệu Ngọc pha trà vào chén và đưa mời Đại Ngọc, rồi lấy cái chén ngọc xanh của mình thường dùng pha cho Bảo Ngọc.
“Tục” ở đây chính là chỉ tập tục, thói quen, ví dụ trà súc miệng, trà đãi khách, dùng trà chan canh, trà làm mai mối. Ví dụ, trà súc miệng là một cách sử dụng khác của trà. Dưới ngòi bút mô tả của Tào Tuyết Cần, ta có thể thực sự cảm nhận được sự phú quý và am hiểu kiến thức khoa học trong các gia đình quý tộc. Qua đây cũng cho thấy ông đã từng “trải qua, xem qua”.
Dâng trà khi khách tới là một quy tắc quan trọng trong Giả phủ, trong tác phẩm cũng nhiều lần mô tả cách thức dùng trà đãi khách. Hồi thứ 49 có mô tả dùng nước trà chan vào cơm. Mặc dù Giả Bảo Ngọc là người “giàu sang rảnh rỗi” nhưng thực tế lại bận rộn hơn bất cứ ai, được gọi là “nhân vô sự bận”.
Trà như thơ, có uyển chuyển hàm súc, lại có phóng khoáng ngang tàng. Trà cũng như thư pháp, có đầy đặn như “khuôn trăng”, có thanh mảnh cứng cáp như “liễu cốt”, có quy củ như Lệ Khải, lại có mãnh liệt phóng khoáng như “Điên Trương Cuồng Tố”. Mỗi người lại vì nguyên nhân khác nhau mà thích trà: vì thanh đạm, vì ngọt hậu, vì đắng, vì nhẹ nhàng, vì hồi vị…
Trà với mỗi người có mối duyên phận vô hình mà sâu xa. Có vô vàn loại trà: trà xanh, hoàng trà, bạch trà, thanh trà, hồng trà, hắc trà… Trà theo vùng, các danh trà nổi tiếng không thể nào kể hết. Còn có đủ kiểu, đủ quy tắc, cách thức về pha trà, thưởng thức trà… Cho dù nói đến loại nào, thì từng người yêu trà sẽ có cách riêng của mình để mà thưởng thức, để mà bình phẩm. Yêu trà là niềm yêu thích phát ra từ trong tâm, mỗi người cũng đều có thể tự thưởng thức một chén trà.
Kiên Định
Theo Secretchina