Đại Kỷ Nguyên

Vì sao nói: Cung kính nhu thuận là lễ nghĩa đứng đầu của người phụ nữ?

Ngày xưa người nam cần cương cường, người nữ cần nhu thuận mới là hợp tự nhiên. Tuy nhiên ngày nay theo phong trào bình quyền và phát triển xã hội, đã có hiện tượng âm thịnh dương suy, âm dương đảo chiều.

Nhiều nữ giới phản đối học thuyết Nho gia của Khổng Tử, cho rằng đó là phong kiến lạc hậu, cổ xuý cho thói bắt nạt và bóc lột phụ nữ. Tuy nhiên những thế hệ cao niên bây giờ vẫn dạy con cháu gái của họ theo học thuyết Nho gia cần nhu mì, thục nữ nhưng vẫn không thể giải thích vì sao.

Hãy cùng Đại Kỷ Nguyển điểm lại văn hoá truyền thống của người xưa như thế nào, và cùng ngẫm lại vì sao người xưa lại chấp nhận và làm theo học thuyết đó. Những lời dạy về đạo làm người, làm vợ, làm chồng của Nho gia trải qua bao đời vẫn còn nguyên giá trị tới ngày nay.

Khổng Tử đã đưa ra thuyết “Tam tòng, Tứ đức” với các chuẩn mực: Công- Dung- Ngôn- Hạnh, là các tiêu chuẩn cơ bản mà mỗi phụ nữ cần tu luyện, hoàn thiện mình theo. Trong đó “cung kính, nhu thuận” là lễ nghĩa đứng đầu của người phụ nữ. Vợ chồng giúp đỡ lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, có như vậy quan hệ phu thê mới hài hòa và mỹ mãn.

Trong «Nữ giới» sử học gia Huệ Ban viết:

“Đặc tính âm-dương hai bên là bất đồng, hành vi nam-nữ cũng có sự khác biệt. Dương tính lấy cương cường làm phẩm cách, âm tính lấy ôn nhu làm biểu trưng; nam nhân lấy cường tráng làm cao quý, nữ nhân lấy mềm yếu làm mỹ lệ.”

Vì vậy ngạn ngữ nói: ‘Sinh con trai như sói, còn sợ mềm yếu không cương cường. Sinh con gái như chuột, còn sợ hung dữ như hùm beo.’ Tuy nhiên nữ nhân cần rèn luyện tính cung kính là một điều rất trọng yếu, tránh quá cương cường mà mất đi vẻ nhu thuận. Do đó mới nói cung kính nhu thuận là lễ nghĩa đứng đầu của người phụ nữ.”

“Cung kính không đòi hỏi điều gì khác, chỉ cần kiên trì bền bỉ; nhu thuận không đòi hỏi điều gì khác, chỉ cần khoan dung nhẫn nại. Người trường kỳ gìn giữ sự cung kính sẽ biết có chừng mực, khoan dung với người khác, đã thiện lại cung kính.”

Thời xưa khi kinh tế còn phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, lấy sức lao động tay chân làm chủ, đàn ông quả thật là trụ cột gia đình. Phụ nữ khi gả vào nhà nam nhân thì coi như phó thác cả cuộc đời con gái cho người đàn ông đó. Thời ấy chuẩn mực đạo đức rất cao, xã hội xử rất nặng tội gian dâm, ngoại tình. Vợ chồng phải yêu thương và chăm sóc nhau, con cái hiếu kính cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ là lẽ thường.

“Giữa vợ chồng với nhau quá thân mật, cả đời không rời nhau, việc trong nhà chu toàn, nhưng thời gian càng lâu thì càng dễ sản sinh tâm khinh mạn suồng sã. Một khi sự việc cợt nhả phát sinh, thì lời nói nhất định vượt quá chừng mực. Lời nói quá đi, phóng túng buông thả được dịp phát sinh, cách nghĩ vũ nhục đối với người chồng sẽ nảy sinh, ấy là bởi không biết duyên cớ về có chừng mực vậy.”

Tuy nhiên đến thời hiện đại, luật pháp không xử nặng tội gian dâm, theo trào lưu phát triển, nhiều văn hoá phẩm độc hại tràn lan khơi gợi nhục dục và thói ăn chơi của con người, khiến nhiều gia đình tan hoang vì cờ bạc, ma tuý, và tệ nạn nào cũng có. Lúc đó người phụ nữ cảm thấy bị ức chế, và suy nghĩ tìm cách thoát ly khỏi đau khổ, tìm kế mưu sinh. Thời nay nam nữ bình quyền, phụ nữ vẫn có thể ra xã hội làm việc có vị trí, tiền tài không thua kém nam giới. Vì lẽ đó họ đã giảm bớt phụ thuộc vào đàn ông. Tuy nhiên vấn đề ở chỗ:

“Khi xảy ra mâu thuẫn, người nữ đã thực sự lấy nhu thuận, cung kính làm lễ nghĩa hàng đầu chưa?” Sự khiêm nhường đó là mỹ đức, phản ánh sự thông minh của nữ giới, lấy nhu thắng cương, tuyệt nhiên không phải một sự chịu nhục hay thua thiệt.

“Sự việc có cong có thẳng, lời nói có đúng có sai, việc thẳng không thể không tranh luận, việc cong không thể không biện bác; tranh luận biện bác một khi phát sinh, thì sẽ dẫn tới ưu tư phẫn nộ, đây chính là bởi không biết duyên cớ về xử trí theo cung kính hòa thuận vậy.”

“Vũ nhục trượng phu mà không biết tiết chế, sẽ dẫn tới khiển trách nhiếc mắng, ưu tư phẫn nộ mãi không ngừng, thậm chí nặng quá còn dẫn tới đánh nhau. Phàm là phu thê, phải lấy thân thiện hòa thuận làm lễ nghĩa, vợ chồng thân thiết giúp đỡ lẫn nhau. Đánh đập lẫn nhau, lễ nghĩa ở đâu? Khiển trách quát mắng, yêu thương ở đâu? Lễ nghĩa yêu thương đều không có nữa, vợ chồng đã muốn ly dị rồi.”

Như vậy là một phụ nữ hiện đại, đức tính khiêm nhường, nhu thuận vẫn là một mỹ đức được xã hội trân trọng. Từ đó có thể là hậu phương vững chắc lèo lái cả một con thuyền đi đúng hướng. Dù vậy nếu bản thân đã tốt mà không tìm được tấm chồng xứng đáng, có lẽ do duyên nợ chồng chéo dẫn đến 1 đời phải trả. Việc này xin trình bày trong 1 bài khác.

Exit mobile version