Đại Kỷ Nguyên

Về với núi

Mình về quê ngoại vào những ngày đầu thu, chợt thấy tâm hồn trong trẻo và bình yên đến lạ.

Quê ngoại mình là vùng quê nghèo đất cằn sỏi đá của tỉnh Hòa Bình, giáp Nho Quan (Ninh Bình). Thuở nhỏ mỗi khi mùa hè đến mình lại được bố đưa về quê chơi. Mấy ngày hôm trước thấy bố hì hụi vặn chặt ốc vít và bơm căng lốp chiếc xe đạp Thống Nhất là mình vui sướng không kể xiết reo váng lên: “A, thế là sắp được lên với ngoại rồi”. Bố cười tủm tỉm.

Đêm hôm trước mình hân hoan háo hức mãi mới ngủ được. Trong đầu hình ảnh những con đường gập ghềnh, khúc khuỷu, những chiếc ô tô vun vút chạy qua, những con sông trôi dần trong tưởng tượng. Đầu tiên là con sông Hồng đỏ ngầu phù sa màu mỡ cuồn cuộn chảy, hai bên bờ xanh mướt dâu, ngô. Tiếp theo là con sông Đáy trong vắt như một câu hò lững lờ trôi chở những con đò bé xíu đang mải mê chài lưới. Cuối cùng là dòng Hoàng Long thơ mộng êm đềm soi bóng những bãi mía, bờ khoai xanh thắm. Rồi giấc ngủ cũng nhẹ nhàng đến vỗ về giấc mơ tuổi thơ.

Sáng tờ mờ đất bà nội đã gọi dậy ăn sáng để chuẩn bị lên đường đi sớm cho mát. Mo cơm nắm ngọt dẻo, dúm muối vừng thơm phức bà chuẩn bị tự bao giờ đã được bố treo vắt vẻo ở ghi đông cùng chai nước. Bà ôm mình vào lòng dặn dò âu yếm, mình đi mái tóc vẫn còn vương thơm mùi khói bếp của bà.

Hai bố con bon bon xe trên đường, mình vui như con sáo nhỏ ríu rít hỏi bố hết chuyện này sang chuyện khác, có lúc cao hứng trèo lên gác ba ga ôm cổ bố hát líu lo. Bố cũng hào hứng hát theo và thi thoảng dừng lại chỉ vào những nơi vừa đến giảng giải cho mình tên địa danh và văn hóa của nơi đó như: đây là Chợ Viềng Nam Định mỗi năm chỉ họp có một lần, bến đò Gián Khuất bên kia có làng Vũ Đại của Nam Cao, cố đô Hoa Lư nơi xưa là hoàng thành của chín vị vua thời Lý, lối đi Nho Quan có rừng đại ngàn Cúc Phương với những cây chò hàng nghìn năm tuổi… để những lần sau mình lại háo hức khoe với bố về chặng đường hai bố con đang qua.

Dần trưa những dãy núi đầu tiên đã hiện ra mờ ảo rồi rõ dần trong mây trắng. Tuổi nhỏ mỗi khi chiều xuống mình hay nhìn vè phương bắc, nơi đó có quê ngoại của mình. Mình hay ngắm mây xếp hình ngổn ngang ở trên đầu và tưởng tượng ra muôn hình thù kỳ thú, nhất là hình ảnh những ngọn núi cao. Hình ảnh những ngọn núi luôn choán ngự trong niềm khao khát trẻ thơ của mình là được VỀ VỚI NÚI.

Và núi cũng đã ùa đến sừng sững hiên ngang, tỏa bóng bao dung ôm mình vào lòng. Mình bé bỏng sung sướng trong vòng tay của ông bà cậu mợ. Các mế, các cô trong bản mặc váy chàm, áo cộc cũng thậm thịch chạy sang xúm xít vây quanh. Hai má mình đỏ thắm những quết trầu. Nhà ngoại mỗi khi mình lên vui như có hội, bữa cơm tối mọi người vui vẻ quây quần bốn năm mâm chật cười nói rôm rả chia vui.

Đến giờ đi ngủ mình ngả vào chiếc giường tre đen bóng bên ngoại. Ngoại nắn bóp chân tay cho mình và rủ rỉ chuyện trò, mùi trầu thơm cay nồng làm cho mình phấn khích thao thức mãi. Mình sợ hãi thấy núi như đang đổ chao nghiêng vào mình, tiếng gió núi âm âm, u u như tiếng thở thần bí của đêm thâu, hơi núi phả ra mát lạnh ngọt ngào. Đêm sơn cước hình như núi rừng không ngủ.

Đôi “Bắt cô trói cột” gọi nhau rền rĩ suốt đêm, gần sáng tiếng kêu tụ vào một điểm, chắc chúng đã tìm được nhau, thật là tội nghiệp. Vọng từ khe đá ra tiếng “Tắc kè, tắc kè..kè…” khắc khoải, chắc chúng vẫn còn nuối tiếc chiếc trã kho cá năm xưa. Thi thoảng trên núi cao váng lên tiếng nai tác, hoẵng kêu giật mình thảng thốt, tiếng chim chao chát vỗ cánh gọi nhau…

Muông thú, chim chóc trong đêm sơn cước hình như vẫn còn mang vào giấc ngủ một phần âm điệu cuộc sống ban ngày, hòa vào nhau như một bản nhạc đêm của núi rừng. Mình thích nghe nhất là tiếng gà gáy chuyển canh. Tiếng gáy Ò ó o…o vang lên hùng dũng trong ngân như tiếng chuông vọng vào đá núi cứ âm âm, vang vang dư ba lan tỏa mãi. Giấc mơ đêm sơn cước bồng bềnh cổ tích, có thần Núi, Thần sông trong chuyện Đẻ đất đẻ Nước của ngoại, có bà Nữ Oa đội đá vá trời.

Sáng mình dậy muộn, dụi mắt ngỡ ngàng khi thấy ánh mặt trời đã nhuộm hồng ngực núi, mây bay mênh mông ngổn ngang trắng muốt trên đầu. Bữa sáng có cơm nếp thơm lừng ăn với thịt don, thịt dũi nướng ngọt lừ. Mình biết đêm qua cậu đã lặng lẽ soi đèn vác súng lên nương sắn tìm những con don này về thết cháu gái yêu của cậu. Cậu là tay thợ săn đẹp trai, dẻo dai và cừ nhất của bản Mường. Quanh tường nhà treo la liệt những sừng sơn dương cong vút, đen bóng, dạ dày nhím lủng lẳng mấy xâu dài.

Nhà ngoại tựa lưng vào núi, trước mặt là đồi sim tím quyến rũ ngọt ngào. Mình mê mải theo dì và lũ bạn trèo lên đồi hái hoa mua, bắt bướm, ăn sim tím hết cả môi, cả mặt. Gió rừng ào ạt phóng khoáng trườn qua làm rạp hết cả đồi hoa, tung bay áo mũ. Và kia dưới thung sâu xanh rì cỏ non, suối trong vắt róc rách, róc rách chảy, từng đàn từng đàn trâu thung thăng gặm cỏ, nô đùa. Tiếng mõ trâu lốc cốc, lốc cốc vọng vào lòng núi xen lẫn tiếng lách cách gõ mạn thuyền của những người đanh cá gợi lên một cảm giác thật yên bình, thanh thản.

Mình thích nhất là được chui vào các hang núi chơi trò đuổi bắt, ú tim với bọn bạn. Quê ngoại có rất nhiều hang nhưng có hang Luộng là to nhất. Nơi đây đã từng là nơi trú ngụ của bộ não thông tin bộ đội Pathet Lào trời kỳ chiến tranh sơ tán. Trong hang còn di tích chín móng nhà đã được dỡ bỏ. Những phiến đá nhẵn bóng phẳng lì ngày xưa đã từng được bộ đội Lào sử dụng làm giường ngủ, bàn viết , cối giã, kệ đựng đồ… làm mình thích thú nhất. Trên các vách đá khắc la liệt tên tuổi các anh và cả những bài thơ, những dòng nhật ký vô cùng cảm động. Hang Luộng giờ đây đã trở thành di tích lịch sử của chung của hai nước Việt Lào nên đã được đóng cửa gìn giữ bảo quản như một di sản thiêng liêng.

Đêm nay sau nhiều năm mình lại được trở về quê ngoại hòa mình vào tình cảm nồng ấm của quê hương, lại được có cơ hội nằm nghe núi thở. Khi những âm thanh ồn ã của cuộc sống thường ngày lắng xuống mình phập phồng, phập phồng mong đợi. Lạ chưa, đêm đã quá khuya mà mình chỉ nghe thấy gió núi u u như một tiếng thở dài.

Mình cố căng tai lên, ép lòng xuống nghe ngóng nhưng tịnh không nghe thấy một tiếng kêu nào của muông thú trên kia, tuyệt nhiên không… trời ạ! Mình trăn trở thao thức mãi khao khát một tiếng tắc kè. Núi ơi, núi còn thở không hay có thở cũng chỉ nén lại từng hơi âm thầm, lặng lẽ…?! Chờ mãi, chờ mãi bất chợt nghe thấy tiếng gà gáy sang canh trong lòng trào lên niềm vui khó tả. Nhưng ơ kìa, sao tiếng gà không còn vọng dài trong vắt, vang vang trên núi cao mà chỉ tao tác dưới chân núi rồi tắt lịm giữa không gian.

Thế rồi một đêm trắng cũng lặng lẽ qua.

Sáng buông gầu xuống giếng múc từng gầu nước giếng đá ong trong vắt, ngọt lịm lòng cũng thấy thảnh thơi hơn. Vốc những vốc nước mát lạnh lên mặt chợt thấy lòng mình dịu dàng đến lạ nhưng không khỏi đôi lúc thảng thốt nhìn về phía núi. Núi thâm nghiêm, im lặng hướng lên trời cao tránh ánh mắt của mình.

Rồi bà con nhộn nhịp kéo đến với những món quà của bản Mường sâu nặng ân tình. Mình bịn rịn, rưng rưng trước những dúm lạc, những củ khoai củ sắn, những gióng mía ngọt lịm, cân gạo nếp nương thơm phức. Đã bao nhiêu năm rồi dù cuộc sống có nhiều thăng trầm đổi thay nhưng tình nghĩa của bản Mường thì không hề thay đổi. Người dân bản sống thật thà, mộc mạc chất phác thảo thơm, đối với nhau tình nghĩa, ân cần như không hề có những toan tính nhỏ nhặt đời thường.

Chia tay quê ngoại, xe lăn bánh đã lâu mà lạ chưa bóng núi vẫn đổ dài trên đầu mình yêu thương và âu yếm. Mình ngoái lại nhìn dáng núi xanh rì, hiên ngang sừng sững sau lưng không khỏi một nỗi ngậm ngùi, thương nhớ. Núi ơi!

Thúy Hằng


Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.

Xem thêm:

Exit mobile version