Đại Kỷ Nguyên

Vị cao nhân khiến Hàn Tín cả đời bái phục, trước khi mất để lại câu nói lưu truyền thiên cổ

Hàn Tín là khai quốc công thần của nhà Hán, là vị tướng lĩnh nổi trội nhất cuối thời nhà Tần, đầu thời nhà Hán. Nếu nói đến tài năng quân sự thì chỉ có duy nhất Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ là đứng ngang hàng với ông, thậm chí ông còn được tôn xưng là “Binh Tiên”.

Là một kỳ tài quân sự, Hàn Tín khó tránh có lúc kiêu ngạo, những người có thể khiến ông bái phục chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông từng nói với Lưu Bang rằng: “Ngài nhiều nhất chỉ có thể chỉ huy mười vạn binh mã, nhưng Hàn Tín ta lại không có giới hạn”.

Tuy nhiên, có một vị cao nhân khiến Hàn Tín bái phục từ sâu thẳm tâm can, từng để lại một câu nói lưu truyền thiên cổ, sau khi mất được người đời tôn xưng là Thần.

Lý Tả Xa là cháu trai của danh tướng Lý Mục nhà Triệu cuối thời Chiến Quốc, từ nhỏ đã đam mê binh pháp, các loại thư tịch mưu lược, khi trưởng thành trở thành mưu thần bên cạnh Triệu Vương, vì công lao to lớn mà được phong làm Quảng Vũ Quân. Khi Lưu Bang và Hạng Vũ tranh đoạt thiên hạ, Triệu Vương cảm thấy thế lực của Hạng Vũ tương đối lớn mạnh, cho nên đứng về phía ông. Lưu Bang phái Hàn Tín dẫn theo hơn vạn quân binh đánh đến nước Triệu, muốn một lần chiếm nước Triệu, tăng cường lực lượng chiến đấu với Hạng Vũ.

Theo Sử Ký ghi chép, Triệu Vương phái Thành An Quân Trần Dư làm thống soái, Lý Tả Xa làm phó soái, suất lãnh gần mười hai vạn binh mã ứng chiến. Lần này Hàn Tín chinh chiến xa, vì vậy lương thực không đủ để kéo dài thời gian, nếu như không tốc chiến tốc thắng, cuối cùng sẽ lâm vào tình cảnh vô cùng bị động, thậm chí toàn quân bị tiêu diệt. Lý Tả Xa hiểu rõ hoàn cảnh của quân Hán, ông đề cập đến sách lược “nghi thủ bất nghi công” (nên thủ không nên công), ngoài ra còn muốn tự thân dẫn binh chặt đứt đường lương thảo của Hàn Tín.

Lý Tả Xa làm phó soái, suất lãnh gần mười hai vạn binh mã ứng chiến. (Ảnh: Youtube)

Trần Dư quá khinh địch, cho rằng binh lực của bản thân nhiều hơn quân Hán, không hề kiêng kỵ Hàn Tín, kiên quyết từ chối kiến nghị của Lý Tả Xa. Thông qua suy tính cẩn thận trước sau, Hàn Tín quyết định phái một số tinh binh dẫn dụ quân chủ lực của nhà Triệu, sau đó nhân cơ hội này dẫn binh công đánh đại bản doanh của địch. Một trận có thể phá tan nòng cốt quân đội của nhà Triệu, thuận thế bắt sống Triệu Vương.

Sau khi phá thành, Hàn Tín ra lệnh cho binh sĩ dán cáo thị khắp thành, chỉ cần ai bắt sống được Lý Tả Xa sẽ ban thưởng ngàn lượng hoàng kim, hơn nữa còn đặc biệt nhấn mạnh không được làm tổn thương đến người. Rất nhiều dũng phu đều cật lực tìm kiếm vì số tiền thưởng, Lý Tả Xa rất nhanh bị bắt đưa đến trước mặt Hàn Tín. Hàn Tín giữ đúng lời hứa ban thưởng ngàn lượng hoàng kim, rồi đích thân cởi trói cho Lý Tả Xa, dùng lễ đối với sư phụ để tiếp đãi.

Ban đầu Lý Tả Xa thà chết không nói một câu, nhưng thành ý của Hàn Tín đã làm ông cảm động, buông bỏ hận thù trong lòng, trở thành mưu sĩ mà Hàn Tín tin cậy nhất, cũng có người nói Hàn Tín bái ông làm sư. Từ đó về sau, Lý Tả Xa cống hiến vô số kế sách giúp Hàn Tín tiêu diệt nước Yến mà không tốn nhiều sức. Tiếp theo ông giúp Hàn Tín bình định nước Tề, tạo ra chiến tích huy hoàng khiến hậu thế phải quỳ xuống bái lạy.

Lưu Bang là người thực dụng, sau khi đăng cơ liền triệu hồi Lý Tả Xa vào kinh thành. (Ảnh: Youtube)

Sau khi Lưu Bang đăng cơ Hoàng Đế, Hàn Tín công cao chấn chủ bị giáng chức xuống làm Hoài Âm Hầu. Dù vậy, kể từ đó Lưu Bang vẫn không yên tâm, triệu Lý Tả Xa vào kinh thành, để ông phụ tá cho thái tử Lưu Doanh. Sau khi Hàn Tín bị Lã Trĩ (tức Lã Hậu) hại chết, Lý Tả Xa vô cùng đau lòng, ông lựa chọn từ quan quy ẩn. Ông đã để lại một câu nói thế này: “Trí giả thiên lự, tất hữu nhất thất, ngu giả thiên lự, tất hữu nhất đắc” (Người thông minh suy tính ngàn lần cũng sẽ có một lần thất thủ, kẻ ngu dốt suy tính ngàn lần cũng sẽ có một lần đắc thủ). Ngoài ra, Lý Tả Xa còn để lại một bộ binh thư nổi tiếng mang tên “Quảng Vũ Quân”, sau khi ông mất được người đời tôn xưng là “Bạc Thần” (Thần làm mưa đá).

Mặc dù Hàn Tín kiêu ngạo vì tài năng của bản thân, nhưng khi gặp được nhân tài chân chính ông không ngần ngại cúi đầu đồng thời bái làm mưu sỹ mưu sự sau trướng, vậy nên sau này ông xây dựng được sự nghiệp vĩ đại với vô số công lao to lớn. Còn Lý Tả Xa ngoài tài năng quân sự vượt bậc, còn biết buông bỏ hận thù, không tính toán những chuyện đã qua, đây cũng là một đức tính khó ai sánh được.

Hàn Tín có tâm đại nhẫn, tuy có cao ngạo nhưng khi gặp nhân tài sắn sàng cúi đầu bái sư. (Ảnh: Youtube)

Lý Tả Xa để lại câu nói lưu truyền thiên cổ: “Trí giả thiên lự, tất hữu nhất thất, ngu giả thiên lự, tất hữu nhất đắc” (Người thông minh suy tính ngàn lần cũng sẽ có một lần thất thủ, kẻ ngu dốt suy tính ngàn lần cũng sẽ có một lần đắc thủ), sau đó từ quan quy ẩn, càng chứng tỏ ông là một người vô cùng trí tuệ, hiểu được đạo “buông bỏ”, vì thế sau khi mất được tôn xưng là Thần, thật sự rất đáng cho hậu thế noi theo.

Theo BLDaily
Khải Phong biên dịch

Exit mobile version