Ở Ấn Độ cổ có một vương quốc là Ba Tư Nặc (Pasenadi). Vương quốc này có một vị đại thần là Sư Chất, an nhàn phú quý, của cải nhiều vô hạn. Thế mà trong tâm Sư Chất lại thường coi nhẹ của cải, một lòng hướng theo con đường tu luyện…
Sư Chất bị chặt tay
Một hôm đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni là Xá Lợi Phất dùng Thiên mục quan sát cơ duyên của chúng sinh được đắc độ, phát hiện ra cơ duyên đắc Pháp của Sư Chất đã chín muồi. Thế là ngày hôm sau, Xá Lợi Phất liền đến phủ của Sư Chất hóa duyên.
Sư Chất thấy Xá Lợi Phất thì cung kính đảnh lễ và chào hỏi, mời ông vào trong phủ để tiếp nhận cơm chay. Dùng cơm chay xong, Xá Lợi Phất rửa sạch hai tay, súc miệng xong rồi giảng thuật cho Sư Chất rất nhiều điều tuyệt diệu của tu hành.
Sư Chất lắng nghe say mê, đồng thời cảm lấy lo lắng cho chính sinh mệnh của mình. Thế rồi, để tìm tòi ý nghĩa đích thực vĩnh hằng của sinh mệnh, Sư Chất đã giao toàn bộ gia sản cho người em trai rồi bước chân vào con đường tu hành.
Sau khi Sư Chất xuất gia, vợ ông vô cùng nhớ nhung, nghĩ đến tấm lòng tốt đẹp của chồng mà thường cảm động khôn nguôi. Em trai Sư Chất thấy chị dâu ngày đêm nhớ nhung huynh trưởng thì lo lắng một khi anh trai hoàn tục về nhà thì phải trả lại gia nghiệp, tài sản vạn quan cũng sẽ tuột khỏi tay. Thế là người em bỏ tiền ra mua hung thủ, dùng 500 lạng vàng thuê một đầu lĩnh băng cướp đi sát hại anh trai.
Tên tướng cướp cầm tiền liền đi vào trong núi. Vừa gặp Sư Chất hắn liền chuẩn bị động thủ sát hại. Sư Chất hỏi hắn: “Tôi chỉ có bộ y phục xấu xí, không có tài sản, tại sao ông lại đến cướp?”.
Tướng cướp nói: “Là em trai ông thuê ta đến giết ông”.
Sư Chất thất kinh, ông vừa mới xuất gia, vẫn còn chưa được gặp Phật Đà, cũng chưa lĩnh ngộ được Đạo Pháp, một khi chết rồi thì tu luyện thế nào đây? Thế là ông nói với tướng cướp rằng: “Ông có thể đợi đến khi tôi gặp được Phật Đà, sau khi lĩnh ngộ được một một chút Phật Pháp mới lại đến giết tôi có được chăng?”.
Nhưng tên tướng cướp khăng khăng phải lập tức giết hại ông. Sư Chất liền giơ một cánh tay ra, xin tướng cướp trước tiên hãy chặt một cánh tay của ông, để lại cái mạng tàn của ông đi lễ bái Phật Đà. Tướng cướp quả nhiên đã chặt một cánh tay ông đem về giao cho người em.
Sư Chất mang theo thương tật lớn, đau đớn đến lễ bái Phật Đà. Phật Đà từ bi đã khai thị cho ông rằng: “Ông từ vô số kiếp xa xưa đến nay đã từng đổ máu vì bị người ta chặt đầu, chặt chân tay… máu đã nhiều hơn nước của bốn biển. Hài cốt sau khi chết xếp đống lại cũng đã cao hơn cả núi Tu Di. Nước mắt ông đã chảy còn nhiều hơn tứ hải. Sữa mẹ ông đã bú còn nhiều hơn nước sông nước biển. Đây là do ông đã qua vô số kiếp đến nay, trải qua những quả báo luân hồi, đâu chỉ có một đời này mới như thế”.
Được Phật Đà khai thị, Sư Chất đã hiểu rõ, thì ra có cái nhục thân là sẽ sinh ra các loại chấp trước và sẽ không ngừng tạo nghiệp, tất cả những thống khổ đều là do nghiệp ác gây ra. Sư Chất bỗng nhiên lòng bừng sáng, lập tức chứng ngộ quả La Hán.
Mọi người nghi hoặc hỏi Phật Đà: “Sư Chất đời trước đã làm việc ác gì mà gây ra cái họa bị chặt tay ở đời này? Nguyên nhân gì đời này mới được nghe Phật Pháp?”
Đức Phật nói về duyên nợ xưa
Phật Đà giảng thuật rằng: xưa kia nước Ba La Nại (Vāraṇasi) có một quốc vương tên gọi vua Ba La Đạt. Một lần Ba La Đạt đi săn, ở trong rừng sâu bị lạc đường, cảm thấy rất lo sợ. Trong khi tìm đường ra thì vua gặp một vị Bích Chi Phật (là người sinh ra vào thời chưa có Phật độ, nhưng vì nhân duyên đời trước đã một mình tu hành, không có thầy mà tự ngộ đắc chính quả). Quốc vương hỏi đường. Do trên cánh tay Bích Chi Phật có mọc nhọt độc, không thể giơ tay lên được, thế là Bích Chi Phật dùng chân chỉ đường cho quốc vương.
Quốc vương đứng đầu thiên hạ thấy thần dân của mình không đứng lên hành lễ, trái lại còn dùng chân để chỉ đường, liên nổi giận đùng đùng, vung gươm chặt đứt cánh tay của Bích Chi Phật. Lúc đó Bích Chi Phật trong lòng thầm nghĩ: “Quốc vương tàn hại người tu hành, nếu ông ấy không phát tâm sám hối thì sau này nhất định sẽ bị đọa vào địa ngục vô gián, vĩnh viễn không có ngày ra”.
Thế là Bích Chi Phật triển hiện thần thông, bay lên không trung trước mặt quốc vương. Quốc vương thấy thế thì vô cùng kinh sợ. Thì ra ông đã tàn hại người tu hành chân chính. Quốc vương liền lập tức quỳ phủ phục xuống đất, khóc lớn vì tội lỗi của mình, khẩn khoản xin Bích Chi Phật xuống nhận sự hối lỗi của quốc vương.
Bích Chi Phật từ trên không trung bay xuống, quốc vương dùng đầu chạm vào hai chân của Bích Chi Phật đảnh lễ: “Mong ngài tiếp nhận sự sám hối của tôi, đừng để tôi chịu thống khổ lâu dài”.
Quốc vương hứa nguyện xong, Bích Chi Phật cũng lập tức niết bàn. Quốc vương đích thân xây tháp, đặt hài cốt của Bích Chi Phật vào tháp, đồng thời luôn luôn cúng dường hương hoa, sám hối trước tháp, cầu nguyện sau này được đắc độ giải thoát.
Vị quốc vương đó chính là Sư Chất hiện nay. Bởi vì đời trước đã chặt đứt một tay của Bích Chi Phật, thế nên trong 500 đời sau này ông luôn luôn chết vì bị chặt tay. Những cũng vì ông đã tự sám hối sâu sắc nên cuối cùng cũng không bị đọa địa ngục, cuối cùng đã tiếp duyên với Phật Pháp, đắc được trí huệ giải thoát, thành tựu chính quả.
Thế mới hay, vách đá dẫu có cứng rắn như thế nào chăng nữa thì cùng với thời gian lâu dài nó cũng bị phong hóa trở thành một đống đá vụn. Những thành trì kiên cố như sắt thép chăng nữa thì cuối cùng cũng sẽ đến ngày bị phá hủy. Đế quốc hùng mạnh như thế nào đi nữa thì cũng có một ngày sụp đổ tan tành. Con người dường như rất khó tìm được thứ thực sự vĩnh hằng bất hủ ở nhân thế.
Đêm ngày kế tiếp, bốn mùa đổi thay, nhật nguyệt luân chuyển, người xưa làm ác có thể hướng thiện, trở thành người tốt. Cũng có người tiếp tục làm ác, không muốn quay đầu. Con người hướng thiện hay theo cái ác thì quả báo tương lai sẽ như bóng với hình, không thể nào thoát nổi.
Kiến Thiện
Theo Vision Times
Bạn đang đọc bài viết: “Vị cư sĩ xuất tâm gặp Phật, cớ sao phải chịu mất cánh tay?” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |