Đại Kỷ Nguyên

Vị ‘Lưỡng quốc Trạng nguyên’ người Việt tài năng khiến cả triều đình phương Bắc thán phục

Mạc Đĩnh Chi (1272 – 1346) tự là Tiết Phu, người làng Lũng Động, Chí Linh, Hải Dương, đỗ Trạng nguyên dưới thời Vua Trần Anh Tông. Ông bẩm sinh tướng mạo xấu xí nhưng từ nhỏ đã nổi danh thần đồng. Hai lần đi sứ phương Bắc, với tài ứng đối và học vấn uyên bác, ông đã khiến cả “thiên triều” phải thán phục.

Mạc Đĩnh Chi được Vua tin tưởng, giao cho đi sứ nước Nguyên hai lần (1308 và 1324). Sách “Đại Việt sử kí toàn thư” chép hai lần Trạng nguyên họ Mạc thể hiện tài ứng đối trước vua quan “thiên triều”.

“Sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy”

Chuyện rằng: “Đĩnh Chi thấp bé, người Nguyên khinh ông. Một hôm, viên Tể tướng mời ông vào phủ, cho cùng ngồi. Lúc ấy, đang hồi tháng 5, tháng 6. Trong phủ có bức trướng mỏng thêu hình con chim sẻ vàng đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ ngỡ con chim sẻ thực, vội chạy đến bắt. Người Nguyên cười ồ, cho là người phương xa bỉ lậu. Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống, xé đi. Mọi người đều lấy làm lạ, hỏi tại sao.

Đĩnh Chi trả lời: “Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ, chứ chưa hề thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của Tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẻ. Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân”. Mọi người đều phục tài của ông.

Đến khi vào chầu, gặp lúc nước ngoài dâng quạt, Vua Nguyên sai làm bài minh. Đĩnh Chi cầm bút viết xong ngay, lời bài minh như sau:

“Lưu kim trước thạch, thiên địa vi lô, nhĩ ư tư thì hề, Y Chu cự nho

Bắc phong kỳ lương, vũ tuyết tái đồ, nhĩ ư tư thì hề, Di Tề ngạ phu

Y! dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ, hữu như thị phù”.

(Dịch nghĩa:

Chảy vàng, tan đá, trời đất như lò, ngươi bấy giờ là Y Chu đại nho

Gió bấc căm căm, mưa tuyết mịt mù, ngươi bấy giờ là Di Tề đói xo

Ôi, được dùng thì làm, bỏ thì nằm co, chỉ ta cùng ngươi là thế ru!).

Người Nguyên lại càng thán phục”.

Đến khi vào chầu, gặp lúc nước ngoài dâng quạt, Vua Nguyên sai làm bài minh. Đĩnh Chi cầm bút viết xong ngay. (Ảnh: youtube.com)

Trên đường chỉ có hai loại người là “cầu danh” và “cầu lợi”

Tới kinh đô nhà Nguyên, để “nắn gân” quan trạng Đại Việt, Vua Nguyên đọc một vế đối:

“Nhật: hỏa; vân: yên; bạch đán thiêu tàn ngọc thỏ”.

(Nghĩa là: Mặt trời (là) lửa, mây (là) khói; ban ngày đốt cháy vầng trăng).

Hiểu rõ dụng ý kẻ cả nước lớn và cả bóng gió đe dọa của Vua Nguyên, Mạc Đĩnh Chi ứng khẩu ngay:

“Nguyệt: cung; tinh: đạn; hoàng hôn xạ lạc kim ô”.

(Nghĩa là: Trăng (là) cung, sao (là) đạn; chiều tối bắn rơi mặt trời).

Vế đối chẳng những rất chỉnh về niêm luật mà còn tỏ rõ được khí phách của người dân nước Việt. Vua tôi nhà Nguyên nhìn nhau, rồi Vua Nguyên đích thân hạ bút phong “Lưỡng quốc Trạng Nguyên”.

Trước khi về nước, Mạc Đĩnh Chi và sứ bộ vào triều yết kiến Vua Nguyên lần cuối. Vẫn muốn thử tài quan trạng nước Việt, lần này Vua Nguyên không ra vế đối nữa mà hỏi những câu hỏi “mẹo”, đòi hỏi người trả lời phải ứng biến nhanh. Vua Nguyên hỏi: “Từ khi đến Yên Kinh, ngày nào nhà ngươi cũng cưỡi ngựa đi trên đường thăm phong cảnh, thế ngươi có biết mỗi ngày có bao nhiêu người qua lại trên đường cái không?”.

Câu hỏi thật là bất ngờ, Vua không thử tài văn học mà muốn thử tài quan sát. Hàng ngày đi lại trên đường ở Kinh đô thì có biết bao nhiêu người, ai có công để ý mà đếm. Sau một lát suy nghĩ, Mạc Đĩnh Chi điềm tĩnh trả lời: “Muôn tâu Bệ hạ, hàng ngày trên đường kinh đô chỉ có hai người đi lại”.

“Nhà ngươi nói không đúng, sao lại chỉ có hai người?”- Vua Nguyên lấy làm lạ bèn hỏi lại. Mạc Đĩnh Chi bèn thưa: “Muôn tâu Bệ hạ, thần nói chỉ có hai người là rất đúng ạ. Vì hàng ngày, phàm những người qua lại trên đường thì chẳng vì “danh” cũng vì “lợi” mà thôi, như vậy rõ ràng chỉ có hai người là cầu danh và cầu lợi”.

Hàng ngày đi lại trên đường ở Kinh đô thì có biết bao nhiêu người, ai có công để ý mà đếm. Sau một lát suy nghĩ, Mạc Đĩnh Chi điềm tĩnh trả lời khiến vua và các quan đại thần nhà Nguyên thán phục. (Ảnh dẫn qua: tinhhoa.net)

Câu trả lời của Mạc Đĩnh Chi quá thông tuệ: Người phàm trần đều sống vì danh lợi, tất tả ngược xuôi truy cầu chúng. Chỉ có bậc giác ngộ mới hiểu thấu danh lợi tình như phù vân, sinh không mang theo đến, tử không mang theo đi, từ đó xả bỏ danh lợi tình, thoát vòng sinh tử.

Tuy rất phục tài biện bác của Trạng song Vua Nguyên vẫn hỏi thêm một câu nữa: “Một cái thuyền, trên có chở ba người gồm Vua, thầy dạy và cha, khi ra đến giữa sông thì bị sóng to gió lớn nên đã lật đắm. Khi ấy nhà ngươi ở trên bờ bơi ra cứu, nhưng chỉ có thể cứu được một người thôi, như vậy thì nhà ngươi cứu ai?”.

Nếu nói chỉ cứu Vua thì được chữ trung nhưng mắc tội bất hiếu với cha mẹ và mắc tội bất nghĩa với thầy. Nếu nói chỉ cứu thầy thì mắc tội bất trung với Vua và tội bất hiếu với cha. Nếu chỉ cứu cha thì mắc tội bất trung và bất nghĩa. Nếu nói không cứu ai cả thì tội bất nhân, bất trung, bất nghĩa, bất hiếu lại càng nặng.

Đắn đo suy nghĩ một lúc, Mạc Đĩnh Chi trả lời: “Thần bơi ra giữa sông, chỉ cứu được một người nên gặp ai trước thì cứu ngay người đó, bất kể là Vua, thầy hay cha”. Vua quan nhà Nguyên đều phục trí thông minh và tài ứng đối của Trạng nguyên nước Đại Việt.

Thanh Ngọc (sưu tầm và biên soạn)

Exit mobile version