Trong Ngũ bá thời Xuân Thu, Tề Hoàn công được nhìn nhận là nhà chính trị kiệt xuất, biết cách sử dụng nhân tài để gây dựng sự nghiệp. Tề Hoàn công là vị quân chủ có lòng bao dung nhất thiên hạ và có cương vị bá chủ chư hầu lâu nhất.
Tề Hoàn công tên thật là Khương Tiểu Bạch, là vị quân chủ thứ 16 của nước Tề, là chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Ông trị vì từ năm 685 TCN đến năm 643 TCN, tổng cộng 42 năm.
Ông cũng là vị chư hầu đầu tiên xưng bá chủ thời Xuân Thu. Ông được xếp vào danh sách đứng đầu Ngũ bá (5 nước xưng bá thời Xuân Thu). Trước đó, Công Tôn Vô Tri bàn mưu sát hại anh trai mình là Tề Tương công. Vô Tri chiếm ngôi vương nhưng sau đó lại bị giết. Ngôi vương nước Tề trở thành cuộc tranh đoạt giữa Công tử Củ và Khương Tiểu Bạch. Cuối cùng, Khương Tiểu Bạch chiến thắng, sau này xưng là Tề Hoàn công.
Sau khi đăng vị, ông bái Quản Trọng làm Tướng quốc, tiến hành áp dụng chính sách trị quốc của Quản Trọng, giúp nước Tề nhanh chóng vươn lên, dân giàu nước mạnh, hưng thịnh nhất thời bấy giờ.
Nhưng có một điều thú vị là trước khi Tề Hoàn công đăng cơ, thì Quản Trọng khi đó là người theo phò trợ Công tử Củ, huynh trưởng của Tề Hoàn công. Theo thông lệ thời đó, thì khi Tề Tương công mất thì Công tử Củ (em Tề Tương công) phải là người kế vị. Nhưng khi Tề Tương công bị mưu sát, Công tử Củ phải lánh nạn sang nước Lỗ.
Quản Trọng dẫn quân đi đón nhưng lại về không kịp. Còn Tề Hoàn công trước đó lại đang lánh bên nước Cử láng giềng nên nhanh chóng về ngay. Quản Trọng thấy Tề Hoàn công đem binh trở về đoạt ngôi nên tìm cách cản trở. Vì chủ quan không chuẩn bị lực lượng quân đội đông đảo nên kém thế so với Tề Hoàn công, Quản Trọng ra tay dùng tên bắn Tề Hoàn công nhằm sát hại Tề Hoàn công đưa Công tử Củ lên ngôi.
Trong sách Đông Chu Liệt Quốc có chép, khi nghe tin Ung Lẫm đã ám sát chết Vô Tri, Quản Trọng vội vã vào triều tâu với Lỗ Trang công:
“Tâu Chúa công, Tề Tương công hiện còn hai người em là Công tử Củ và Công tử Tiểu Bạch. Hiện nay Tiểu Bạch đang trú nơi nước Cử là nước giáp liền với Tề. Tôi e Tiểu Bạch được tin về nước trước mà lên ngôi. Vậy xin Chúa công cho tôi mượn một con ngựa hay và một ít quân binh đặng đón đường Tiểu Bạch. Như thế mới tranh ngôi cho Công tử Củ được” .
Lỗ Trang công hỏi: “Ngươi muốn đem bao nhiêu quân?”.
Quản Trọng đáp: “Không cần nhiều lắm. Chỉ độ ba mươi cỗ xe là đủ”.
Lỗ Trang công liền phát binh, Quản Trọng lãnh mạng kéo quân đi.
Ngay lúc ấy, bên nước Cử, Công tử Tiểu Bạch cũng đã hay tin Vô Tri bị giết, liền bàn với Bào Thúc Nha mượn một trăm cỗ xe của nước Cử, hộ tống trở về Tề. Cử và Tề sát biên giới, Tiểu Bạch đi chưa bao lâu đã đi khỏi biên giới nước Cử.
Còn Quản Trọng đem binh đi chặn, đến biên giới thì đã nghe tin Tiểu Bạch đi qua rồi. Quản Trọng vội vã đuổi theo hơn ba mươi dặm nữa mới theo kịp. Vừa thấy Tiểu Bạch, Quản Trọng gọi lớn: “Từ ngày cách mặt nhau đến nay công tử vẫn được mạnh giỏi chứ? Chẳng hay công tử cất binh đi đâu mà gấp lắm vậy?”.
Tiểu Bạch đáp: “Tôi muốn về nước lo việc cử tang cho huynh trưởng tôi”.
Quản Trọng nói: “Việc cử tang đã có Công tử Củ là anh, còn Công tử là em thì vội làm gì. Xin hãy đình lại đã”.
Thúc Nha nói: “Chúng ta, ai vì chúa nấy xin Quản Trọng chớ nhiều lời”. Nói xong, thúc quân tiến bước.
Quản Trọng muốn cản lại, nhưng thấy binh của Tiểu Bạch đông hơn binh của mình gấp bội, liệu thế khó đường bèn rút cung tên nhắm ngay Tiểu Bạch mà bắn. Tiểu Bạch la lên một tiếng, trào máu miệng té ngửa trong xe.
Thúc Nha thất kinh, lật đật đến cứu, bọn tùy tùng trông thấy khóc rống lên. Quản Trọng tin chắc Tiểu Bạch đã thác, vội vã quay xe lui binh trở về, trong lòng hớn hở, nghĩ thầm: “Công tử Củ có phước lắm! Thế là ngôi báu kia không còn ai tranh đoạt nữa!”.
Khi về đến nơi, Quản Trọng thuật rõ câu chuyện bắn chết Tiểu Bạch cho Lỗ Trang Công nghe, Lỗ Trang Công lấy làm thích thú, truyền dọn tiệc ăn mừng rồi lo việc đưa Công tử Củ về nước.
Tuy nhiên, Quản Trọng đã lầm, mũi tên kia không giết được Tiểu Bạch, vì mũi tên đó xẹt qua chiếc dây đai thắt lưng. Còn Tiểu Bạch là người lanh trí, biết tài bắn của Quản Trọng nên giả vờ cắn chót lưỡi phun máu ra, rồi ngã ngửa trên xe, để Quản Trọng khỏi bắn tiếp mũi tên thứ hai.
Trí của Tiểu Bạch lanh lẹ như vậy đến nỗi Thúc Nha cũng không ngờ. Khi thấy Tiểu Bạch không bị thương tích gì, Thúc Nha vội thay quần áo và giấu vào trong một cỗ xe riêng, hối quân tiến gấp. Ðến nơi, Thúc Nha vào thành, ra mắt các quan, tiến cử Tiểu Bạch và xin lập lên kế vị.
Sau khi Tề Hoàn công lên ngôi, Công tử Củ chết, Quản Trọng theo lý cũng chịu cảnh rơi đầu nhưng được Thúc Nha tiến cử cho Tề Hoàn công, nói Quản Trọng chính là bậc kỳ tài trị quốc, nếu muốn bá chủ chư hầu, làm lên nghiệp lớn thì không thể không có người tài này.
Tề Hoàn công nén hận trong lòng, bỏ đi mối thù trúng tên khi xưa mà tin dùng Quản Trọng. Cũng nhờ vậy mà sau khi được Quản Trọng phò tá, nước Tề nhanh chóng hưng thịnh đứng đầu Ngũ bá.
Từ khi Tề Hoàn công tín nhiệm Quản Trọng, áp dụng chính sách trị quốc của Quản Trọng trong việc trị vì quốc sự, nước Tề đã cải thiện sức mạnh một cách nhanh chóng thông qua việc tiến hành rất nhiều cải cách.
Về mặt chính trị, Quản Trọng tập trung hóa quyền lực và phân chia nước thành nhiều làng, mỗi làng tập trung vào một lĩnh vực thương mại riêng. Thay vì dựa vào giai cấp quý tộc để thu thuế như truyền thống trước kia, ông áp dụng tiền thuế trực tiếp tới mỗi đơn vị làng xã. Ông cũng phát triển một biện pháp lựa chọn người tài mới và có hiệu quả hơn.
Dưới thời Quản Trọng, nước Tề chuyển từ chế độ quan liêu quý tộc sang chế độ quan liêu chuyên nghiệp. Quản Trọng cũng đề xuất nhiều cải cách kinh tế quan trọng. Ông đưa ra một biểu thuế thống nhất, ông cũng sử dụng nguồn lực nhà nước để khuyến khích sản xuất muối và sắt. Khi Quản Trọng làm Tể tướng, nước Tề trở thành nước hùng mạnh nhất, còn Tề Hoàn công được tôn làm người đứng đầu chư hầu thiên hạ.
Sự thành công của Tề Hoàn công trên cương vị trị vì nước Tề của mình có sự góp phần không nhỏ của Quản Trọng. Từ khi có được Quản Trọng, Tề Hoàn công như hổ có thêm cánh, rồng tăng thêm vây. Còn Quản Trọng được về phục vụ cho Tề Hoàn công cũng như cá về với nước, thỏa sức vẫy vùng, thi triển tài năng của mình.
Có thể thấy, Tề Hoàn công chính là bậc minh vương lòng ôm chí lớn, biết mưu đồ đại sự mà quên đi thù nhỏ. Vì người tài, vì trăm họ muôn dân mà bao dung cho kẻ thù bề tôi. Sau thời của Tề Hoàn công hơn 800 năm, lại có một vị bá vương khác nổi tiếng nhân nghĩa, dùng người không kể xuất thân, địa vị, đó là Tào Tháo. Thời Tam Quốc, Tào Tháo từng nhiều lần tha thứ cho thuộc hạ phản bội mình, thậm chí còn hậu đãi Quan Vũ tột bậc dù sau này bị Quan Vũ phụ lòng, bỏ Tào về Lưu.
Thuật dùng người của Tề Hoàn công cũng chính là đạo dùng người của bậc Thánh nhân, biết lấy bao dung, độ lượng mà cảm hóa người khác, chẳng thế mà khi Thúc Nha tiến cử Tề Hoàn công thay cho anh mình đã nói: “Lập Tiểu Bạch lên ngôi đó là ý trời muốn vậy”.