Người ta thường gọi những thiếu nữ trẻ tuổi chưa xuất giá là “hoàng hoa khuê nữ”, vì sao lại như vậy? Tên gọi này bắt nguồn từ một câu chuyện thú vị như sau.

Trong quyển Tạp Ngũ Hành Thư thuộc bộ Thái Bình Ngự Lãm được biên soạn bởi Lý Phưởng đời Tống có viết: Nhà Lưu Tống thời Nam Bắc triều (420-479), con gái yêu của Tống Vũ đế Lưu Dụ là công chúa Thọ Dương trông rất mực xinh đẹp. Một buổi chiều mùng bảy tháng Giêng, công chúa cùng các cung nữ chơi đùa trong cung, đến khi mệt quá nàng bèn nằm bệt xuống dưới mái hiên của cung điện Hàm Chương mà nghỉ.

Lúc này, một cơn gió nhẹ thổi đến khiến những cánh hoa mai vàng nhẹ nhàng rơi xuống, trong có mấy bông vừa khéo lại rơi ngay trên trán của công chúa. Sau khi mồ hôi thấm vào, trước trán của nàng đã để lại một vết hoa nhàn nhạt hình dáng giống như cánh hoa mai vàng, khiến công chúa trông càng nhu mì quyến rũ. Các cung nữ thấy vậy, đều không nhịn được khen hay. Hoàng hậu thấy thế thì vô cùng thích thú, bảo công chúa hãy giữ lại nó, ba ngày sau mới dùng nước rửa đi.

Từ đó, công chúa Thọ Dương cũng thường hay ngắt mấy bông hoa mai vàng dán trên trán của mình để tăng thêm vẻ tú mỹ. Mọi người gọi cách trang điểm này là “hoa mai trang” (lấy hoa mai điểm trang). Không lâu sau, “hoa mai trang” đã lưu truyền rộng khắp trong hoàng cung, đồng thời cũng truyền đến dân gian. Từ các tiểu thư con gái nhà quan lại, danh gia vọng tộc cho đến các vũ nữ ca kỹ đều thi nhau bắt chước theo. Nhưng hoa mai lại có tính chu kỳ theo mùa, có người bèn gom nhụy hoa lại rồi chế thành loại bột có màu vàng dùng để trang điểm. Loại bột phấn này gọi là “hoa vàng” hoặc “hoa trên trán”. Người ta lại dùng miếng giấy mỏng, cánh hoa khô, cánh ve, vẩy cá, cánh chuồn chuồn… để tạo thành các hình dạng như hoa, chim, cá, sau đó bôi đầy phấn hoa vàng vào và đính lên trán, lên chỗ lúm đồng tiền, khóe miệng, tóc mai…

Vì sao các thiếu nữ chưa chồng thời xưa được gọi là “hoàng hoa khuê nữ”?
Cách trang điểm của công chúa Thọ Dương về sau đã lưu đến cả dân gian. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Có khi họ lại dùng phấn vẽ trực tiếp lên trán, lên hai má tạo thành các loại hoa văn. Trang điểm “đính hoa vàng” là phổ biến ở các thiếu nữ. Theo phong tục, sau khi xuất giá các cô gái phải thay đổi cách trang điểm. Vì thế, dân gian có câu:

“Kim triều bạch diện hoàng hoa tỷ
Minh nhật hồng nhan lục mấn thê

(Nàng nay má phấn hoa vàng
Mai này xuất giá tóc xanh má hồng).

Qua thời gian, hai chữ “hoàng hoa” đảo lộn dùng ở trước chữ “khuê nữ”. Vì thế tạo thành cụm từ “hoàng hoa khuê nữ” (khuê nữ hoa vàng), cách dùng này ngày càng thịnh hành trong dân gian, trở thành danh từ chỉ những thiếu nữ chưa kết hôn.

Thế nhưng, “hoa vàng” thời xưa cũng lại chỉ hoa cúc. Vì hoa cúc có sức chịu sương giá nên người ta dùng để ví với người có tiết tháo. Vì thế, “khuê nữ hoa vàng” (hoàng hoa khuê nữ) cũng là để ví với thiếu nữ còn trong trắng.

Cách nói ở trên chỉ là truyền thuyết dân gian, vì phong tục dán hoa vàng thật ra còn xuất hiện sớm hơn cả thời Lưu Tống. Trong bài dân ca “Mộc Lan Từ” thời Bắc triều có câu: “Đương song lý vân tấn, đối kính thiếp hoa hoàng”, tạm hiểu là: Chải tóc mai nơi cửa sổ, soi gương dán hoa vàng. Vì Bắc triều thành lập trước cả thời Lưu Tống, mà một người con gái bình dân thời Bắc Ngụy từ sớm đã dán hoa vàng, từ đây thấy được rằng phong tục này có thể đã có trước thời Đông Tấn rồi.

Vì sao các thiếu nữ chưa chồng thời xưa được gọi là “hoàng hoa khuê nữ”?
Phong tục dán hoa vàng thật ra đã xuất hiện trước đó. (Ảnh: flickr.com)

Tập tục nói trên lưu truyền mãi đến sau khi dân tộc du mục Kim, Nguyên xâm lấn Trung Hoa mới dần dần mất đi. Các thiếu nữ tuy không còn dán hoa vàng nữa, nhưng mọi người vẫn hay gọi các cô gái trẻ chưa gả chồng là “hoàng hoa khuê nữ”, và được lưu truyền mãi cho đến hôm nay.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Thuận An biên dịch