Đại Kỷ Nguyên

Vì sao cổ nhân dạy: Người không lo xa, ắt có họa đang đến gần?

Các câu thành ngữ phương Đông thường hàm ẩn phía sau nó những điển tích, điển cố vô cùng ý vị và thâm thúy. Câu chuyện dưới đây là một minh chứng. 

Ngô Vương quyết đánh nước Sở, nói với các đại thần xung quanh mình: “Ai dám can gián, tội phải chết”. Các đại thần không ai dám khuyên can.

Một viên quan nhỏ trong đám quần thần, vốn là quan thị vệ rất muốn khuyên can Ngô Vương nhưng lại không dám bước lên. Thế là hàng ngày ông ta cầm cung tên cứ đi đi lại lại trong vườn hoa sau cung, đến nỗi sương trong vườn ướt đẫm y phục của ông ta. Cứ như thế qua ngày thứ ba, Ngô Vương trông thấy bèn hỏi:

“Quần áo khanh tại sao lại bị sương làm ướt hết như vậy?”.

Viên quan thị vệ trả lời:

“Khải tấu Hoàng thượng: trong vườn hoa có một cái cây, trên cây có một con ve sầu, ve sầu ở trên cao vừa ca hát vừa uống những giọt sương, mà không hay biết có một con bọ ngựa ở đằng sau. Bọ ngựa khom người ẩn mình phía sau ve sầu, đang nghĩ bắt con ve đang kêu kia, nhưng nào có hay có một con chim sẻ đã ở rất gần nó, mà khi con chim sẻ đang vươn cổ ra, muốn ăn thịt bọ ngựa, lại không biết cung tên của thần ở bên dưới đã ngắm đúng vào nó rồi! Ve sầu, bọ ngựa, chim sẻ tất cả chỉ chăm chú vào cái lợi ích trước mắt mà chẳng chú ý đến hiểm họa tiềm ẩn phía sau”…

(Ảnh: Youtube)

Ngô Vương nghe xong, bỗng nhiên giật mình tỉnh ngộ, thấy mình cũng giống con bọ ngựa bắt ve, chỉ chăm chăm vào lợi ích trước mắt, đâu có chú ý đến ẩn họa phía sau: Nước Tần hùng mạnh kia cũng đang lăm le nhòm ngó nước Ngô, rất có thể nhân cơ hội khi quân Ngô đang mải đánh Sở sẽ đem quân sang chiếm nước Ngô vậy!

Lời bàn

Trong khi mưu sự, lập kế hoạch cho các công việc, mục tiêu, nếu là người có tầm nhìn xa trông rộng thì họ sẽ biết bỏ qua lợi ích trước mắt mà hướng tới chiến lược lâu dài, không vì chút lợi nhỏ hiển hiện dễ thấy mà quên suy xét các nguy cơ tiềm ẩn sâu xa. Trên cơ sở đó họ sẽ bao quát được vấn đề ở nhiều tầng thứ, và tránh được mối hiểm họa ẩn sâu sau nhiều tầng lớp của sự việc hiện tượng với các mối quan hệ đan chéo phức tạp.

Người biết lo xa, sẽ lường tính được những hậu họa tầng tầng lớp lớp có thể xảy ra. Từ đó mà biết cân nhắc về lẽ được mất, lợi hại. Bởi thế mà cổ nhân vẫn thường cho rằng: “Nhân vô viễn lữ, tất hữu cận ưu” – Người không lo xa, ắt có đau buồn đang đến gần.

Người thông minh cũng sẽ không bao giờ chỉ dựa vào trí tuệ, óc phán đoán, sức mạnh và tri thức của cá nhân mà họ biết tập hợp sức mạnh của những người xung quanh, bởi mỗi người có góc nhìn khác nhau, nhận biết sự việc hiện tượng trên các bình diện và khía cạnh khác nhau, có tri thức và óc phán đoán khác nhau. 

Do đó một khi đã tập hợp được những người xung quanh giúp mình hiến kế, bày mưu thì sẽ nhìn nhận được vấn đề một cách toàn diện, nhiều góc độ, nhiều tầng thứ, từ đó mà có được những quyết định chính xác nhất. Ngạn ngữ Phương Đông có câu: “Ba anh thợ da vượt xa Gia Cát Lượng” chính là có ý như vậy.

(Ảnh: Youtube)

Câu thành ngữ “Bọ ngựa bắt ve, ai dè họa sau” nhắc nhở chúng ta: nếu biết suy nghĩ một cách thận trọng, sâu xa, và biết lắng nghe ý kiến mọi người một cách toàn diện đa chiều, sẽ phát hiện ra cái họa phía sau để loại trừ. Còn nếu như cứ tự phụ, cao ngạo và ương ngạnh, thì sẽ cầm chắc cái họa về sau, mà nếu như vậy cũng là định trước thất bại rồi.

Chim chết vì ăn, cá chết vì mồi, người chết vì lợi. Nếu người nào có thể vượt qua được sự mê hoặc của danh lợi, thì người đó khó lòng bị mắc bẫy, bị thất bại, và đứng trước nguy cơ thiệt thân được.

Triêu Lộ

Exit mobile version