Đại Kỷ Nguyên

Vì sao có ôn dịch? Nguyên Thủy Thiên Tôn trả lời

Vì sao có ôn dịch? Nguyên Thủy Thiên Tôn trả lời rằng...

Ảnh ghép minh họa: Đại Kỷ Nguyên.

Vì sao nhân gian có dịch bệnh? Đó là bí ẩn từ xa xưa. Tác phẩm kinh điển của Đạo gia là “Đạo Tạng” đã ghi chép lại lời giảng của Nguyên Thủy Thiên Tôn về nguồn gốc ôn dịch. 

Trong cuốn Hoàng Đế Nội Kinh, phần “Tố Vấn” có đoạn đối thoại giữa Hoàng Đế và Kỳ Bá như sau: 

Hoàng Đế: Dịch bệnh phát tán đều có tính truyền nhiễm, bất luận người lớn hay trẻ nhỏ, phàm là sau khi nhiễm bệnh đều có biểu hiện tương đồng. Vậy phải dùng biện pháp gì mới có thể cứu chữa và tránh bị lây nhiễm?

Kỳ Bá: Người không bị truyền nhiễm nhất định là người mà bên trong cơ thể có nhiều chính khí, như vậy mới có thể tránh khỏi tà khí xâm nhập vào. 

“Chính khí” ở đây là nói rằng những người tâm địa chính trực, suy nghĩ thiện lương, sống có đức hạnh thì trên thân có nhiều chính khí, ắt sẽ tránh được tà khí. “Tà khí” ở đây chính là các loại ôn dịch truyền nhiễm.

Trời giáng ôn dịch là vì đâu? Thiên Tôn trả lời rằng… 

Nguyên Thủy Thiên Tôn là vị Thần tối cao của Đạo giáo, đứng thứ hai trong “Tam Thanh” với ngôi vị Ngọc Thanh. Hai vị kia là Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn và Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn (tức Thái Thượng Lão Quân).

Chuyện rằng, có một lần Nguyên Thủy Thiên Tôn nhìn thấy bách tính dưới hạ giới đều bị lây nhiễm ôn dịch, tứ chi nóng bỏng, chân tay đau mỏi, đầu đau mắt hoa, ngũ tạng phát nhiệt như có kim châm, vô cùng đau đớn, ai cũng muốn tìm phương cứu chữa nhưng đều không hiệu quả. 

Nguyên Thủy Thiên Tôn bèn giảng về nguyên nhân sinh ra bệnh dịch: Bách tính ở cõi nhân thế trải qua thời gian lâu dài đã bất kính Thần Phật, lại có người oán trời trách đất, hoàn toàn không còn kính ngưỡng với Thiên Địa. Đôi khi họ muốn làm gì liền làm đó, không cần biết sai trái, làm xằng làm bậy, tạo nghiệp cự đại, từ đó sinh ra bệnh dịch, nội tạng bị tổn thương.

Vì vậy, dù là người nam hay nữ thì sau khi nhiễm bệnh hãy nên tu dưỡng bản thân, ăn nói nhẹ nhàng, bình thản buông bỏ mọi thứ danh lợi được mất, để tâm và thân mềm mại, ôn hòa, học cách từ bi, yêu thương vạn vật, vui vẻ lạc quan, đồng thời dâng hương thật tâm bái Thần. Khi nhân loại có lòng biết ơn, có tâm kính ngưỡng tôn trọng Thần Phật thì Ôn Thần sẽ thu hồi tà khí, từ đó dịch bệnh cũng không còn lan rộng. 

Nhân tâm còn nặng, ắt không thấy chân lý

Theo ghi chép trong Chính Thống Đạo Tạng, vào triều Tấn có một người tên là Hứa Tốn, tự là Kính Chi, là một Đạo sĩ trứ danh thời cổ đại. Sử sách chép rằng ông thọ tới 160 tuổi, sau này cả gia đình ông đều được về Thiên quốc. Ông và các học trò được tôn làm 12 vị chân quân, Bắc triều gia phong ông tôn hiệu “Cửu thiên cao minh đại sư thần công diệu thế chân quân”. 

Hứa Tốn được mô tả là người có dung mạo anh tuấn, mặt vuông tai lớn, mày như lưỡi kiếm, mắt tựa hổ lang, phong thái hiên ngang, thần sắc lẫm liệt. Ông cũng là một trong “Tứ đại thiên sư” có thật trong lịch sử Trung Hoa cổ đại, đã từng tu luyện đắc Đạo thành Tiên, được người đời tôn là Chân nhân, Thiên sư. Nói về sự xuất hiện và nguyên nhân gây ra bệnh tật, ông cùng đồ đệ Huệ Văn từng có một cuộc trò chuyện rất đặc sắc. 

Một năm nọ, khi Hứa Tốn đang thuyết giảng thì thấy Huệ Văn đứng hầu bên cạnh mang sắc mặt buồn rầu, tinh thần bi thương, tâm thái hỗn loạn như vừa mất mát điều gì rất lớn. Là người tu hành đắc Đạo, ông hiểu vị đệ tử của mình còn nhiều ràng buộc với cuộc sống bình phàm nơi cõi người, chưa thể ngộ được chân lý, khó có thể cứu độ chúng sinh. 

Vì vậy, ông gọi Huệ Văn tới và hỏi xem vị đệ tử đang lo lắng điều gì? Huệ Văn chắp tay quỳ xuống dập đầu, bái lạy hết lần này tới lần khác rồi khóc ròng như một đứa trẻ mà kể nguyên do. Vị này nghe nói rằng đeo ngọc bội hay bùa chú sẽ có thể thoát khỏi mọi thảm họa, vậy mà khi ôn dịch hoành hành thì ai nấy đều bị lây nhiễm. Nay nhìn thấy ngay cả người tu Đạo cũng khó tránh khỏi thảm họa, nên trong lòng Huệ Văn lo lắng, bất an.  

Thấy đệ tử vẫn chưa ngộ được đạo lý, Hứa Tốn bèn giảng: Thiên địa vô tư, dục dưỡng vạn vật, vốn lấy thiện ác quyết định nhân quả báo ứng. Người thế gian vì ích kỷ, tư tâm, chỉ vì bản thân nên phải chịu tai họa. Khi hành sự, người vô đức đã hủy hoại bản tính thiện lương thiên bẩm, vì đạo đức sa đọa biến chất nên phải tự gánh chịu tai họa. Vì để đạo đức nhân loại không bại hoại, để con người buông bỏ tư tâm và ích kỷ nên Thiên thượng đã cử sứ giả tới thế gian truyền Đạo, dạy con người quay về truyền thống vốn có, tu đạo dưỡng sinh. 

Tất cả mọi loại ôn dịch trên thế gian đều có quỷ Thần kiểm soát. Những người thiện lương có thể trải qua một cách bình an, còn người hành ác tâm sẽ sinh lo lắng, sợ hãi. Ví dụ, có người làm một con đường lớn, dùng gạch lát bằng phẳng để mọi người có thể qua lại bình an. Tuy nhiên, ở con đường nhỏ bên cạnh lại có kẻ đào hố, đặt bẫy để bắt những con thú hoang chạy qua. Những người có việc gấp thay vì đi đường lớn lại đi sang đường nhỏ bên cạnh, vì bất cẩn mà gặp phải cạm bẫy. Người này vì thế bèn nói đây không phải là chính lộ, cách nói này có đúng chăng?

Đã là người đi đường thì không thể vì vấn đề này mà xúc phạm hay trách cứ người làm đường, chọn đại lộ hay tiểu lộ cũng giống như sự lựa chọn khác nhau giữa thiện và ác. 

Tâm có thiện niệm, Chính Thần bảo hộ

Hứa Tốn giảng rằng, có một số đệ tử tu Đạo, vì vi phạm giới luật hay tham vọng ngông cuồng, tâm vô thiện niệm hoặc buông lơi tu luyện, lười nhác, ăn uống sinh hoạt hằng ngày không tiết chế, bất tuân giới luật, nên không được Thần bảo hộ. Nếu tâm vô thiện niệm, thì những sai lầm mắc phải đều sẽ ghi chép lại, từ đó mà án trừng phạt cũng theo sau.

Một khi đã bị lây nhiễm và mắc bệnh, nếu vẫn không ăn năn hối hận về những việc làm đã qua, vẫn oán trách, giận hờn như cũ, thì đại nạn sẽ giáng xuống, tình hình dịch bệnh cũng ngày càng nghiêm trọng hơn. Hoặc nếu có người không tu Đạo, không thể tu hành giác ngộ, hàng ngày làm những việc trái với Đạo Pháp, hoặc đi ngược lại và loạn tu, quỷ Thần sẽ tùy cơ mà hành, theo lỗi họ gây ra mà trừng phạt. Đây không phải vì trời đất hay Thần Phật bất công, mà chính là thông qua ôn dịch để khuyên nhủ con người thế gian hối cải sửa lỗi lầm. 

Vậu vì sao có những người xem ra giống như người tu luyện nhưng vẫn khó thoát khỏi tai nạn? Hứa Tốn trả lời rằng: Có người vì bị lừa gạt mà mắc tội, vẫn một dạ hai lòng, thậm chí còn mượn cớ tu Đạo rồi tùy ý làm những việc tà dâm, tham sắc ham dục, Thần Phật sao có thể bảo hộ họ đây?  

Chân Nhân hạ thế truyền Đạo, mang bùa chú truyền kinh là để treo biển hành thiện, phù trợ sinh chính khí. Đeo bùa bình an để ma quỷ sợ hãi, Thần minh bảo hộ, lại có tiên dược có thể cứu chữa qua tai họa khổ nạn. Dù có bùa chú phù trợ có thể cứu giúp người, nhưng những đệ tử này không hiểu được đạo lý bên trong, mù quáng hành sự ngược với Đạo Pháp, tự chuốc lấy tai ương, lại thốt ra rằng: “Ta là đệ tử của Thái Thượng Lão Quân, nhưng vì sao vẫn gặp phải tai nạn?”. Cũng giống như không muốn trồng trọt lại muốn thu hoạch, không muốn nuôi tằm lại muốn có quần áo mặc, điều này sao có thể thực hiện?

Tín Thần được bình an

Trước đây có một người sống bằng nghề lái thuyền trên sông Trường Giang. Đây là một người rất kính ngưỡng Thần Phật, tin vào nhân quả, lại hay đi bái lễ. Một buổi tối, ông nằm mơ gặp Thần nói với mình: “Ngày mai có 5 người muốn qua sông, không được chở. Bây giờ ta sẽ viết lên tay con ba chữ, nếu như họ cố tình cưỡng chế qua sông, con hãy đợi cho họ xuống thuyền rồi đưa tay cho họ xem”. 

Sáng ra tỉnh dậy, ông nhớ lại giấc mơ rồi mở tay ra xem, quả nhiên trong tay có ba chữ phù hiệu. 

Tối hôm sau, quả nhiên có 5 người cưỡng chế thuyền phu, bắt ông phải đưa họ qua sông. Ông liền đưa tay ra cho họ xem, 5 người xem xong đột nhiên biến mất, chỉ để lại một cái hòm trúc. Người lái đò mở ra xem, hoá ra đó là hòm ôn dịch chuẩn bị mang xuống Giang Nam phát tán. 

Sau đó ông đến Giang Tô và kể lại giấc mơ của mình, đồng thời đưa tay ra cho mọi người xem ba chữ phù hiệu đó. Nhiều người tin rằng đó là phù hiệu hộ mệnh nên chép ra dán lên cửa nhà mình. Tuy nhiên cũng có nhiều người không tin, cho rằng đó là việc mơ hồ. Sau đó ôn dịch xảy ra, những ai tin theo mà dán phù hiệu đó lên trước cửa nhà thì đều vô sự.

Lịch sử là bài học quý giá cho thế hệ sau học hỏi, từ đó mà đối chiếu bản thân, sửa đổi lỗi lầm. Tuy nhiên xã hội ngày nay khi nói đến đạo đức lại có người tin người không tin, thật là khó bề cứu vớt. Thật ra, xã hội dẫu có thay đổi đến đâu thì tiêu chuẩn đạo đức vẫn mãi trường tồn bất diệt. Sống nhân đức Trời cao bảo hộ, sống ác nghiệp thì họa theo như bóng với hình, tin hay không tất cả đều là lựa chọn của mỗi người…

Theo Tống Bảo Lam, Secretchina
Kiên Định biên dịch

Video: Trong thảm họa dịch bệnh, thế giới còn nhớ lời cảnh tỉnh của người Hồng Kông?

Có thể bạn quan tâm:

Exit mobile version