Đại Kỷ Nguyên

Vì sao trong lịch sử có rất nhiều công chúa từ bỏ hoàng cung, xuất gia làm đạo sĩ?

Nhà Đường là thời kỳ các tôn giáo, tín ngưỡng phát triển rực rỡ. Đạo giáo, Phật giáo, Khổng giáo… đều lên đến cực thịnh. Khi ấy có rất nhiều hoàng thân, công chúa xuất gia làm tăng ni hoặc đạo sĩ, sẵn sàng bỏ lại danh lợi và thân phận cao quý để tìm một con đường đắc đạo. 

Nhiều người cho rằng, ở thời nhà Đường, Phật giáo là đệ nhất giáo phái. Câu chuyện Đường Tăng sang Ấn Độ thỉnh kinh đã trở nên quá quen thuộc với nhiều người. Thực ra, có rất nhiều Hoàng đế nhà Đường mộ Đạo. Đường Cao Tổ Lý Uyên cho rằng mình là đời sau của Thái Thượng Lão Quân Lý Đam, là “con cháu của Thần Tiên”. Trong khi Đường Thái Tông Lý Thế Dân thì chủ trương khuyến khích cả 3 trường phái: Nho, Phật, Đạo cùng phát triển, lập điện tế Thần, dựng chùa tạc tượng Phật khắp nơi. 

Từ bỏ danh lợi, công chúa xuất gia làm đạo sĩ 

Theo thống kê, vào thời Thịnh Đường, Đạo giáo có 1687 cung quán, hàng mấy chục nghìn đạo sĩ. Dưới bối cảnh Đạo giáo hưng thịnh như vậy, không chỉ các đế vương sùng Đạo, trọng dụng nhân sĩ Đạo gia mà ngay đến cả các công chúa lá ngọc cành vàng cũng một lòng nguyện tu đạo. 

Trong 198 vị công chúa triều đại nhà Đường được ghi chép lại trong “Tân Đường Thư”, có không dưới 10 người từng trải nghiệm cuộc sống đạo sĩ. Họ sẵn sàng bỏ lại vinh hoa phú quý sau lưng mà theo đuổi đức tin tâm linh của mình. 

Vào thời thịnh Đường; không chỉ các đế vương sùng Đạo, trọng dụng nhân sĩ Đạo gia mà ngay đến cả các công chúa lá ngọc cành vàng cũng một lòng nguyện tu đạo. Ảnh minh họa dẫn theo dkn.tv

Thái Bình công chúa là con gái của Đường Cao Tông Lý Trị. Trước khi xuất giá, bà cũng đã từng xuất gia làm đạo sĩ, hàng ngày đi lại trong cung (vào thời Đường, hoàng cung có xây chỗ ở dành cho đạo sĩ). Năm Thái Bình công chúa 13, 14 tuổi, tộc Thổ Phiên muốn hỏi cưới. Võ Tắc Thiên không nỡ lòng để cô con gái mà mình thương yêu nhất phải gả đến bộ tộc xa xôi, liền dựng một đạo quán cho Thái Bình công chúa “thủ giới”, cự tuyệt chuyện cầu thân.

Các đạo quán ở kinh đô Trường An khi ấy thường có rất đông người lui tới, hoạt động. Năm 712, hai công chúa Kim Tiên và Ngọc Chân xuất gia làm đạo sĩ, xây dựng đạo quán, lại bái đạo sĩ Sử Sùng Huyền làm thầy. Sùng Huyền bấy giờ rất có thanh thế. Mỗi ngày ông đến giảng dạy thường có hàng chục nghìn người lui tới đạo quán.

Ngọc Chân công chúa, em gái của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ, từng tâu lên Hoàng đế rằng: “Phụ thân bằng lòng cho muội xuất gia. Vậy mà hiện tại vẫn được phong hiệu là công chúa, hưởng tô thuế của thiên hạ, thật không thích hợp. Thỉnh xin hoàng đế ca ca thu lại phong hiệu công chúa và phong ấp của muội“. 

Huyền Tông tất nhiên không phê chuẩn. Nhưng không lâu sau, công chúa lại tâu lên: “Muội là cháu gái của Cao Tông, con gái của Duệ Tông và là em gái của hoàng đế ca ca. Với thân phận ấy mà nói, không cần thêm danh hiệu công chúa, ban đất phong cũng đã đủ tôn quý rồi. Thỉnh xin bệ hạ thu lại tài sản cùng đất phong của muội. Tích đức cho người dân, muội đây cũng có thể hưởng thêm mấy năm thọ mệnh“. Đường Huyền Tông thấy em gái ý chí đã quyết, cũng đành phải đồng ý chuẩn tấu. 

Rất nhiều trường hợp tương tự đã được ghi chép lại trong chính sử. Các công chúa xuất gia tu luyện rất nhiều. Chính con gái của Đường Huyền Tông là Vạn An công chúa cũng làm đạo sĩ. Tính ra trước sau nhà Đường có tổng cộng có 198 vị công chúa thì 14 người đã làm đạo sĩ, tỉ lệ là 7,07%. Có thể thấy Đạo giáo thời nhà Đường hưng thịnh ra sao.

Chính con gái của Đường Huyền Tông là Vạn An công chúa cũng làm đạo sĩ. Ảnh minh họa dẫn theo xiacheba.com

Danh sách các công chúa xuất gia còn có: Sở Quốc công chúa (con gái Đường Huyền Tông), Hoa Dương công chúa (con gái Đường Đại Tông), Tầm Dương công chúa (con gái Đường Thuận Tông), Vĩnh An công chúa (con gái của Đường Hiến Tông)… Công chúa Vĩnh An từng đính ước gả cho Khả Hãn Bảo Nghĩa của dân tộc Hồi. Chẳng may Khả Hãn qua đời, hôn phối không thành, bà xuất gia làm đạo sĩ nhưng vẫn có phong hiệu và thực ấp. 

Về sau này, khi quốc vận nhà Đường đã suy, ghi chép về các công chúa cũng không còn nhiều. Ước chừng cũng có vài người nữa từ bỏ hoàng cung, vào đạo quán tu luyện.

Tam giáo hưng thịnh dưới thời nhà Đường

Tam giáo ở đây là nói đến: Khổng giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Vào thời thịnh thế của triều Đường (từ đời Đường Thái Tông đến Đường Huyền Tông), tam giáo phát triển lên đến đỉnh cao. Sự huy hoàng của triều Đường chính là bởi các Hoàng đế biết dung hòa tư tưởng của nhiều trường phái, tôn giáo, tín ngưỡng, tạo ra nền tảng ước thúc đạo đức cho xã hội.

Trăm họ học theo sách thánh hiền, tin vào Thần Phật, thiện ác báo ứng, tôn sùng đạo đức, từ đó xã hội tự đạt được trạng thái an định. Các tín ngưỡng chính thống này giúp con người giữ được bản tính thuần lành, lương thiện của mình. Nho gia giảng về chữ Nhân: “Nhân giả ái nhân” (người yêu thương người), Đạo gia giảng về chữ Chân “Ngộ đạo chứng chân” (giác ngộ đạo chứng thực chân lý) còn Phật gia giảng về từ bi, phổ độ chúng sinh.

Nho gia giảng về chữ Nhân, Đạo gia giảng về chữ Chân, còn Phật gia giảng về từ bi, phổ độ chúng sinh.

Thời nhà Đường, không chỉ các Hoàng đế tỏ ra tôn sùng Đạo giáo mà rất nhiều học giả, văn nhân cũng đều có tâm cầu đạo, nổi tiếng nhất phải kể đến Lý Bạch, Hạ Tri Chương, Tôn Tư Mạc… Một số Hoàng đế trọng dụng đạo sĩ để cầu thuật trường sinh bất lão, nấu thuốc luyện đan. Nhưng cũng có nhiều người thực sự có tâm tu luyện, muốn siêu thoát khỏi tam giới, đắc đạo thành Tiên.

Những người tu đạo thời Đường đều có cốt cách và phong thái thoát tục, siêu trần, “tiên phong đạo cốt”, tư tưởng khoáng đạt, tự nhiên. Danh y Tôn Tư Mạc cũng là người suốt đời tu đạo, dùng y thuật và y đức để cứu người, tạo phúc cho trăm họ. Hậu thế tôn ông là “Tôn chân nhân”, “Dược vương” (vua thuốc).

Phi Long – Văn Nhược

Xem thêm:

 

Exit mobile version