Đại Kỷ Nguyên

Vì sao đêm tân hôn lại gọi là ‘động phòng hoa chúc’?

Người ta vẫn thường dùng chữ “động phòng hoa chúc” để nói về đêm đầu tiên của đôi vợ chồng. Động phòng thì ai cũng hiểu nhưng vì sao lại là “hoa chúc” chứ không phải hoa nào đó khác? 

Trong văn hóa truyền thống Trung Nguyên, bó đuốc chưa đốt thì được gọi là “tiêu”. Đuốc châm lửa cầm tay gọi là “chúc”. Đuốc lớn đóng cọc xuống đất mà đốt thì gọi là “đình liệu”. Lệ xưa tại Trung Nguyên đời nhà Chu, khi đầu canh năm, vào lúc vua sắp ra thị triều, thì ở trước điện đình thường có cho bày hai hàng nến sáp, hoặc đuốc để thắp sáng đường cho bá quan văn võ vào triều.

Bước sang thời Lục triều và đời nhà Đường, nhà Tống dân gian có tục đốt hoa chúc trong lễ kết hôn. Bởi thế về sau này, để chỉ sự việc ai đó chính thức kết hôn, người ta thường dùng hình ảnh: “Hoa chúc”.

Hoa chúc thời lục triều và đời Đường không biết có phải là người ta dùng bó đuốc có kết hoa ở ngoài cho đẹp không? Riêng về đời Tống thì “Hoa chúc” được dùng vừa là bó đuốc có kết hoa, lại vừa có thể là nến sáp hoa. Trong sách “Mộng lương lục” đời Tống thấy có ghi chép như sau: “Cô dâu xuống xe, mấy con hát cầm đuốc làm bằng cuống hoa sen đi trước đưa đường”.

Sách “Qui điền lục” của Dương Tu đời Tống cũng có viết rằng: “Ở Đằng Châu có thứ hoa lạp chúc (thứ nến làm bằng sáp hoa) nổi tiếng nhất, ở Kinh đô cũng không chế nổi”.

Sang đến thời cận đại thì người Trung Hoa đều hiểu “chúc” là nến, chứ không hiểu là đuốc như thời cổ, bởi khi đó công nghệ làm nến sáp (đèn cầy) đã rất phát triển rồi. Cũng bởi thế mà về sau này nghĩa của từ đuốc hoa, hoa chúc dần dần có các biến thể khác nữa như: nến hoa, đèn hoa… còn trong thơ xưa thì hình ảnh ‘hoa chúc’ là được dùng khá phổ biến, ví như:

“Động phòng hoa chúc dạ,
Kim bảng quải danh thì”…

“Động phòng hoa chúc” là thành ngữ thường được dùng để chỉ đêm động phòng đầu tiên của tân lang và tân nương. Trong căn phòng hạnh phúc ấy bao giờ cũng có đèn nến dùng để đốt vào đêm tân hôn. Sau này Dũ Tín, một thi hào đời Nam Bắc triều cũng có câu: “Động phòng hoa chúc minh”, nghĩa là: “Phòng kín đuốc hoa sáng”.

Đèn nến đã là thứ không thể thiếu trong đêm tân hôn. (Ảnh: youtube.com)

Trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, khi diễn tả hành động thô bỉ cục xúc, và sau đó là thái độ ghẻ lạnh của tay chơi Mã Giám Sinh đối với Kiều, sau cuộc truy hoan, đại thi hào có viết:

“Tiếc thay một đóa trà mi,
Con ong đã tỏ đường đi lối về!

Một cơn mưa gió nặng nề,
Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương.

Đêm xuân một giấc mơ màng,
Đuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ”.

Mặc dù họ Mã không dám nhận Kiều là vợ vì sợ Tú Bà, nhưng Kiều là thiếu nữ xuân thì, cái đêm định mệnh ấy là đêm đầu tiên để thay đổi con người và cuộc đời của nàng sang một giai đoạn khác, cũng là một đêm đầy tủi nhục mà Thúy Kiều bắt đầu và bắt buộc phải làm cái việc như vợ chồng với Mã Giám Sinh – người đã bỏ tiền ra mua nàng. Có lẽ do đó mà trong đoạn thơ này Nguyễn Du mới dùng đến hình ảnh “đuốc hoa”.

Lại nói sau này khi Kiều đã được đoàn tụ với gia đình sau 15 năm lưu lạc, Kim Trọng xin Kiều cùng chàng kết tóc xe tơ những mong chuyện xưa ‘gương vỡ lại lành’ thì Kiều đã bẽ bàng mà từ chối bằng những đạo lý như sau:

“Chữ trinh đáng giá nghìn vàng,
Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa!”

Và lý do mà nàng đưa ra tiếp sau đó là:

“Thiếp từ ngộ biến đến giờ,
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa.

Bấy chầy gió táp mưa sa,
Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn!

Còn chi là cái hồng nhan,
Đã xong thân thế, còn toan nỗi nào?” …

Đuốc hoa đã trở thành hình tượng của đêm động phòng hoa chúc. (Ảnh: youtube.com)

Cũng bởi phận số và hoàn cảnh éo le đến nhường ấy cho nên Thúy Kiều mới ngậm ngùi mà tỏ bày với ‘người xưa’:

“Nghĩ mình chẳng hổ mình sao?
Dám đem trần cấu dự vào bố kinh!
Đã hay chàng nặng vì tình,
Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru?”

Cái ý: “Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa”, và “Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru?”, mà Kiều muốn nói ở đây là: dù cho chàng Kim còn nặng lòng yêu nàng, nhưng nếu nàng bằng lòng lấy chàng, thì rồi đây đêm động phòng, nhìn đuốc hoa hay hoa đèn (đèn hoa) kia chẳng là hổ thẹn lắm ru!… Cũng bởi thế cho nên Kiều mới quyết chí tỏ lòng mà rằng:

“Từ nay khép cửa phòng thu,
Chẳng tu thì cũng như tu mới là”.

Đường Tân (Tổng hợp)

Exit mobile version