Chuyện kể rằng Khổng Tử có học trò tên Mỗ, người nước Đằng. Mỗ học vào loại trung bình, song luôn luôn tự cho mình là giỏi nhất. Học được vài năm, Mỗ xin về nước vì tưởng rằng đã học hết đạo của thầy.

Tử Cống thấy vậy hỏi thầy:

– Người ấy về nước rồi làm quan có sao không?

Khổng Tử rung đùi đáp:

– Không sao.

Lại hỏi tiếp:

– Làm tướng có được không?

Khổng Tử vuốt râu đáp:

– Được.

Lại hỏi tiếp:

– Thế nhỡ về làm giặc?

Khổng Tử vừa ngáp vừa trả lời:

– Cũng không hại gì!

Bấy giờ Tử Cống mới yên tâm mà thủng thẳng bạch với thầy:

– Nghe nói Mỗ ấy xin về nước chỉ để làm thầy!

Khổng Tử vừa nghe câu đó, bỗng giật nẩy mình. Thế là chân không kịp xỏ giày, áo không kịp buộc giải, vội vàng chạy bắn ra khỏi cổng!

Vì sao đức Khổng Tử phải ngăn tên Mỗ làm thầy?
Khổng Tử vừa nghe câu đó, bỗng giật mình. (Ảnh: youtube.com)

Học trò đuổi theo hỏi:

– Thầy chạy đi đâu?

Khổng Tử vừa thở vừa đáp:

– Sang ngay nước Đằng.

Học trò lại hỏi:

– Thầy sang nước Đằng làm gì?

Khổng Tử vẫn vừa chạy vừa trả lời:

– Sang ngăn không cho tên Mỗ này làm thầy. Hắn có làm quan thì cùng lắm chỉ hại đến một ấp. Làm tướng cũng chỉ hại đến một thành. Thậm chí có làm giặc cũng chưa chắc đã hại nổi ai. Nhưng nếu hắn làm thầy thì sẽ hại đến muôn đời. Ngay cả ta cũng khó mà tránh khỏi liên luỵ!

***

Đức Khổng Tử khi xưa lỡ chiêu nạp một môn sinh chưa tốt, y lại nóng lòng muốn sang nước Đằng làm thầy khiến cho Khổng Tử phải: ‘giật bắn mình, chân không kịp xỏ giày, áo không kịp buộc giải’ cuống cuồng chạy đi ngăn ngừa tai họa.

Ngày nay không biết có ông thầy nào tên ‘Mỗ’ giống như câu chuyện kể trên hay không? Nếu có thì biết lấy ai: ‘chân không kịp xỏ giày, áo không kịp buộc giải chạy bắn ra khỏi cổng’ để ngăn ngừa ‘mối hại đến muôn đời’ này đây nhỉ?

Tham khảo: Luận ngữ tân thư (Phạm Lưu Vũ, NXB Đà Nẵng, 8/2018)

Chấn Minh